Tổng Kết Lịch Sử đấu Tranh Chống Gián điệp 1945-2005 - Quansuvn

Tổng kết Lịch sử đấu tranh chống gián điệp 1945-2005

<< < (8/23) > >>

quansuvn: Trên lĩnh vực đấu tranh chuyên án, thời kỳ chống “kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt” lực lượng An ninh đã triển khai thắng lợi KHCM12. Quá trình triển khai kế hoạch, ta xây dựng được mạng lưới cơ sở đánh lại trung tâm chỉ huy địch ở nước ngoài nhằm “Dụ địch, đưa hầu hết số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện ở Thái Lan về nước để bắt"1 (Chỉ thị của Bộ trưởng tại phiên họp với tổ chuyên án ngày 17-5-1984). Kết thúc kế hoạch, số cơ sở CM12 cùng với cơ sở trong các chuyên án khác tiếp tục được chuyển hướng ra nước ngoài; kết hợp với cơ sở trong cộng đồng người Việt để nắm tin tức của các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong. Nhờ có mạng lưới cơ sở ngoại biên, từ năm 1988, lực lượng An ninh nắm được tài liệu về hoạt động gián điệp của nhiều đối tượng lâm thời vào Việt Nam và quyết định lập chuyên án có bí số LD88. Bí mật điều tra, lực lượng An ninh nắm được các đối tượng trong chuyên án móc nối với số ngụy quân, ngụy quyền dưới dạng hợp đồng làm thuê cho các văn phòng đại diện, công ty đầu tư để thu thập tin tình báo; móc nối với cán bộ viên chức, đội ngũ trí thức trong các trường đại học, học sinh, sinh viên và những người có quan điểm trái với quan điểm của Đảng, ráo riết tuyên truyền đa nguyên, đa đảng, tự do kiểu tư bản, kích động chống đối. Một số đối tượng trong nước vốn đang có vấn đề bức xúc với cơ quan, với Đảng và Nhà nước đã bị chúng kích động, xúi giục và trở thành những kẻ cộng tác cho địch. Họ lợi dụng dân chủ, nhân quyền, núp dưới nhiều chiêu bài: “nói thẳng, nói thật”, “chống tham nhũng"... công khai đả kích đường lối của Đảng và chuyển tài liệu bí mật ra nước ngoài tán phát.Đáp ứng yêu cầu đấu tranh trong bối cảnh lịch sử mới có nhiều yếu tố nhạy cảm, lực lượng An ninh quyết định tách chuyên án LD88 thành hai chuyên án: Chuyên án MA90, đấu tranh với mảng đối tượng từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, hoạt động trên địa bàn các tỉnh từ miền Trung trở vào; chuyên án MB90, đấu tranh với mảng đối tượng là người Việt, núp trong “câu lạc bộ kháng chiến cũ" do Nguyễn Hộ cầm đầu. Trong thời gian này, Công an Hà Nội lập chuyên án MD90 đấu tranh với mảng đối tượng hoạt động ở phía Bắc, đối tượng chính là Miriam. Lợi dụng danh nghĩa là giáo viên dạy ngoại ngữ, Miriam thâm nhập vào hàng ngũ sinh viên, đội ngũ trí thức ở các trường đại học, tuyên truyền đa nguyên đa đảng và thu thập tin tình báo. Những năm sau, lực lượng An ninh tiếp tục lập nhiều chuyên án đấu tranh với điệp viên hoạt động theo phương thức lâm thời như các chuyên án BT91, TZ91, PQ55, TĐ93 HM26 SB36...; trục xuất các tên: Manoli, Morrow, Miriam, Lâm Văn Quang, Phạm Tô Giang, Bùi Duy Tân... là nhân viên tình báo của các thế lực thù địch nhập cảnh công khai vào nước ta, núp dưới danh nghĩa mở văn phòng đại diện, tìm cơ hội kinh doanh, lập công ty thương mại và dịch vụ, dạy tiếng nước ngoài, thăm thân,... nhưng thực chất là tổ chức hoạt động gián điệp, gây nổ khủng bố, kích động bạo loạn.Qua đấu tranh với mảng đối tượng xâm nhập, lực lượng An ninh làm rõ nhiều kế hoạch chống phá của chúng dưới nhiều dạng khác nhau như: moi hỏi, thu thập tin tình báo; tán phát tài liệu, truyền bá đa nguyên, đa đảng, đòi dân chủ kiểu tư bản trong đội ngũ trí thức, sinh viên và học sinh. Đặc biệt, qua đấu tranh các chuyên án trên, lực lượng An ninh có đủ bằng chứng xác định một số đối tượng ở Hà Nội, miền Trung, trong giới văn nghệ sĩ ráo riết tập hợp lực lượng, sản xuất ấn phẩm xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng và Nhà nước, xúc phạm lãnh tụ; thu thập tin tình báo chuyển ra nước ngoài cho các thế lực thù địch sử dụng để chống Đảng, chống Nhà nước. Một số nhóm còn câu móc với các thế lực thù địch, dựa vào chúng, xúc tiến âm mưu thành lập tổ chức chính trị đối lập làm đối trọng với Đảng Cộng sản, kích động cán bộ và nhân dân đấu tranh chống Đảng. Lực lượng An ninh lập chuyên án T295, kiên trì đấu tranh, từng bước vô hiệu hoá và kiềm toả hoạt động chống đối của số đối tượng này. Tuy vậy, đối với mảng đối tượng trong nước, chúng ta còn có những hạn chế trong quá trình kiềm toả, xử lý, để họ tập hợp lực lượng, tuyên truyền và phát tán tài liệu chống đối ở trong nước, ngoài nước gây ra tình hình phức tạp; tạo cớ cho thế lực thù địch có tài liệu để xuyên tạc về nhân quyền, về tôn giáo và dân tộc ở Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.Cùng với đưa điệp viên nhập cảnh công khai núp dưới các hình thức khác nhau để thu thập tin tức, kích động chống đối, thành lập các tổ chức chính trị đối lập, các thế lực thù địch còn liên tục tiến hành các chiến dịch gây nổ khủng bố, phá hoại, kích động bạo loạn hòng làm mất ổn định chính trị. Đầu năm 1990, lực lượng An ninh lập chuyên án bí số LH90, đấu tranh với tổ chức phản động lưu vong danh xưng “Liên đảng cách mạng Việt Nam” do Hoàng Việt Cương cầm đầu là vụ án điển hình của giai đoạn này. Hoàng Việt Cương và đồng bọn thuộc 7 tổ chức phản động lưu vong tập hợp dưới sự chỉ đạo của thế lực thù địch, được các công ty lớn ở Mỹ và Hồng Kông tài trợ. Từ năm 1988, chúng đã cử tay chân về nước điều tra tình hình, móc nối cơ sở để chuẩn bị kế hoạch bạo loạn cướp chính quyền tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào ngày 7-3- 1993, gọi là chiến dịch “Đông Xuân'’. Đầu năm 1993, từ Hồng Kông, những tên cầm đầu tổ chức lập ra một “chính phủ lâm thời”, cắt đặt các bộ và xúc tiến kế hoạch gây nổ, gây bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng. Chúng điều hơn hai chục tên về nước, lập Bộ chỉ huy tiền phương tại thành phố Hồ Chí Minh với kế hoạch: Tổ chức gây nổ tại 17 mục tiêu ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào đêm 6-3, cho máy bay ném bom xuống thành phố Hồ Chí Minh, kích động quần chúng biểu tình và cướp chính quyền. Lực lượng An ninh đã nắm và theo dõi hoạt động của chúng ngay từ khi đấu tranh chuyên án LD88. Do nắm chắc hoạt động của từng đối tượng, nên từ ngày 1-3 đến ngày 9-3, ta lần lượt bắt bí mật 27 tên, thu toàn bộ thuốc nổ và phương tiện hoạt động, đập tan “Chiến dịch Đông Xuân". Trong số bị bắt có Pitơ Trần là Phó thủ tướng thứ nhất của Chính phủ lâm thời, kiêm Tổng chỉ huy Bộ chỉ huy tiền phương. Ban chuyên án sử dụng Pitơ Trần cùng điện thoại di động của y, tác động số đối tượng ở trong nước phải lộ diện để bắt gọn, đồng thời điều khiển Trung tâm chỉ huy ở nước ngoài phải bộc lộ âm mưu, kế hoạch, lực lượng sẽ xâm nhập về nước để chủ động đón bắt. Sau khi đập tan “Chiến dịch Đông Xuân", ta tiếp tục sử dụng Pitơ Trần triển khai thành công kế hoạch tác động đẩy lùi một số chiến dịch gây nổ, kích động biểu tình của Hoàng Việt Cương và đồng bọn.

quansuvn: Từ năm 1993 đến năm 2005, lực lượng An ninh tiếp tục đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án lớn như A392, QT93, ĐT93, PQ55, HC96, SB36; vô hiệu hoá âm mưu tác động tinh thần, kích động thành lập các tổ chức chính trị đối lập; vô hiệu hoá, đẩy lùi và đập tan hàng chục chiến dịch gây nổ, khủng bố, phá hoại mang tên “Chiến dịch Hoa Lan”, “Chiến dịch Hoa Phượng”, “Chiến dịch nở hoa trong lòng địch”... Từ năm 1996 đến nay, lực lượng An ninh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh chuyên án HC96 với tổ chức phản động lưu vong danh xưng “Chính phủ Việt Nam tự do”, do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu, đấu tranh chuyên án HM26 với tổ chức “Việt Tân”, chuyên án SB36 với “Đảng nhân dân cách mạng hành động” do Nguyễn Sỹ Bình cầm đầu. Hơn 10 năm triển khai kế hoạch đấu tranh, lực lượng An ninh làm rõ âm mưu, sự chỉ đạo và tài trợ của các thế lực thù địch đôi với các tổ chức này. Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục An ninh, Công an các tỉnh phía Nam phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, đồng thời các biện pháp nghiệp vụ đón bắt hàng chục toán xâm nhập gồm gần 200 tên, thu thuốc nổ, máy chèn cướp sóng, tài liệu phản tuyên truyền, phương tiện hoạt động, ngăn chặn kịp thời hàng chục kế hoạch gây nổ, kích động bạo loạn của chúng. An ninh các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippin, đã phối hợp chặt chẽ với An ninh Việt Nam vây bắt hàng chục tên hoạt động đắc lực ở nước ngoài, giao cho ta. Mặc dù chúng liên tục thay đổi phương thức và tuyến xâm nhập; thậm chí thuê những người buôn bán nhỏ, xe ôm, gái làm tiền vận chuyển vũ khí và phương tiện nhưng nhờ có hệ thống cơ sở ở khu vực biên giới và ý thức cảnh giác của nhân dân nên lực lượng An ninh đủ điều kiện đón bắt gọn các toán mỗi khi chúng xâm nhập lãnh thổ.Thế lực thù địch không chỉ tài trợ, chỉ đạo các tổ chức phản động lưu vong gây nổ, khủng bố mà chúng còn chỉ đạo và tài trợ để thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị phản động ở nước ngoài rồi xâm nhập về nước phát triển tổ chức trong nội địa. Những năm qua, lực lượng An ninh liên tục đấu tranh nhiều chuyên án, kiềm toả, vô hiệu hoá hoạt động của chúng trên lĩnh vực này. Trong số đối tượng nguy hiểm hiện nay, Nguyễn Sĩ Bình, gốc Việt, quốc tịch Mỹ là một trong những tên nguy hiểm nhất. Bình thành lập “Đảng nhân dân cách mạng hành động” tại Mỹ từ những thập niên 80, đưa người, phương tiện in ấn tài liệu về nước, phát triển tổ chức. Năm 1984, lực lượng An ninh đã bắt gần 20 tên, trục xuất Bình ra khỏi lãnh thổ. Bị trục xuất nhưng Bình vẫn tiếp tục làm tay sai cho các thế lực thù địch. Y phục hồi “Đảnq nhân dân cách mạng hành động”, chuyển địa bàn về các nước trong khu vực, tuyển mộ hàng trăm tay chân từ khắp các lục địa vào tổ chức; phát triển hệ thống chân rết ở nhiều quốc gia và hướng về Việt Nam để chống phá. Lực lượng Cảnh sát các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và một số nước khác phối hợp chặt chẽ với An ninh Việt Nam, đã tiến hành các biện pháp mạnh như không cho lập trụ sở, cấm các đối tượng nhập cảnh; giải tán các hội nghị, đại hội; bắt một số tên cầm đầu, quá khích. Từ năm 1990 đến nay, lực lượng An ninh đã đón bắt hàng chục toán với danh nghĩa “chi bộ” của “Đảng nhân dân cách mạng hành động” về nước để móc nối cơ sở phát triển tổ chức ở trong nước; thu giữ hàng tấn tài liệu, chặn đứng âm mưu của Bình và đồng bọn. Đối với tổ chức “Việt Tân” lực lượng An ninh vừa đấu tranh ngăn chặn hệ thống tổ chức phát triển ở trong và ngoài nước, vô hiệu hoá các chiến dịch tuyên truyền, khủng bố của chúng mà còn củng cố chứng cứ, xác định đây là một tổ chức khủng bố để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ cùng phối hợp đấu tranh của các nước đối với tổ chức này.Giai đoạn từ 1990 đến 2005, lực lượng An ninh đã bước đầu đấu tranh thành công với những phương thức, thủ đoạn mới của bọn gián điệp, về căn bản đã đẩy lùi âm mưu móc nối cơ sở trong số đối tượng bất mãn, quá khích; những đối tượng trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo, văn nghệ sĩ có nhân thân được dư luận quan tâm; kích động chống đối và cung cấp tin tình báo. Thủ đoạn của chúng thường núp dưới chiêu bài đòi dân chủ, nhân quyền, đòi tự do tôn giáo, đòi quyền lợi cho dân tộc ít người, đòi thả tù chính trị,... để chỉ đạo bọn bên trong, hướng dẫn cho bọn bên trong gây ra các điểm nóng, tạo cớ cho bọn bên ngoài can thiệp. Đặc biệt là giai đoạn này các thế lực thù địch triệt để sử dụng thành tựu khoa học tiên tiến, phương tiện khoa học công nghệ thông tin để chỉ đạo và tài trợ cho các thế lực bên trong. Vì vậy mọi diễn biến ở trong nước đều được chúng sản xuất thành các chương trình nghe, nhìn và chuyển ra nước ngoài rất nhanh chóng. Dưới sự chỉ đạo và tài trợ của các thế lực thù địch, các đối tượng ở trong nước ráo riết tiến hành các kế hoạch mua chuộc, kích động đồng bào ta trốn ra nước ngoài, vào rừng hoạt động phỉ, khiếu kiện kéo dài gây ra các điểm nóng về an ninh nông thôn, tôn giáo và dân tộc. Năm 2001 và năm 2004 đã xuất hiện hình thức biểu tình và bạo động chính trị ở Tây Nguyên.Trên lĩnh vực này, công tác đấu tranh chống gián điệp không chỉ kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chống phản động mà đã trở thành mặt trận thống nhất dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Nhờ đó, đã giải toả cuộc biểu tình của phật tử tại Huế do Thích Công Tạng, Thích Hải Chánh cầm đầu; giải tán cuộc biểu tình năm 2001, cuộc bạo động chính trị năm 2004 ở Tây Nguyên do Ksor Kơk và tàn dư Fulro lưu vong chỉ đạo. Được đông đảo bà con giáo dân, phật tử ủng hộ và sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan, đoàn thể, lực lượng An ninh đã bắt, truy tố Lê Quang Liêm, Nguyễn Văn Lý cùng một số đối tượng khác. Tổ chức đấu tranh chuyên án T295, kiềm toả, ngăn chặn những phần tử chống đối ở trong nước làm tay sai cho bọn gián điệp. Đây là lĩnh vực đấu tranh vô cùng gay go, phức tạp, có độ nhạy cảm cao nhưng chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Lĩnh vực đấu tranh này không chỉ đòi hỏi các thế hệ cán bộ chiến sỹ phải có trình độ nghiệp vụ sắc sảo, phẩm chất chính trị vững vàng mà cần có độ nhạy cảm chính trị cao và sáng tạo vì chúng là lực lượng quan trọng mà các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng hòng can thiệp vào nội bộ nước ta.Trong đấu tranh chống nội gián, sau một thời gian chưa chú trọng đúng mức, Trung ương Đảng đã kịp thời kiểm điểm, đánh giá lại và xác định: Để bảo vệ Đảng, bảo vệ nội bộ, thống nhất về đường lối, tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải làm tốt công tác chống nội gián trong tình hình mới. Quán triệt chỉ đạo của Trung ương Đảng, lãnh đạo Bộ Công an ra Chỉ thị số 59/CT-BCA, năm 1989, đánh giá lại những khuyết điểm trong quá trình thực hiện Chỉ thị 17/CT năm 1977; quyết định tập trung chỉ đạo, tập trung lực lượng, rà soát hồ sơ, thẩm tra đầu mối và xử lý dứt điểm đầu mối nội gián cũ, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, chống nội gián mới. Tiếp tục triển khai công tác chống nội gián tuy có muộn, song là quyết định có ý nghĩa chiến lược về đấu tranh chống gián điệp để bảo vệ Đảng, bảo vệ nội bộ trong bối cảnh đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập sâu rộng trước sức tấn công ráo riết của các thế lực thù địch. Thực hiện Chỉ thị số 59/CT- BCA, lực lượng An ninh đã tập trung khai thác hồ sơ nội gián cũ đồng thời xây dựng kế hoạch đấu tranh với nội gián của cơ quan đặc biệt Mỹ và cơ quan đặc biệt TH. Do bố trí lực lượng có trọng tâm, tập trung vào địa bàn trọng điểm nên công tác đấu tranh chống nội gián có bước phát triển mới. Lực lượng An ninh đã lập hàng trăm chuyên án thuộc địa bàn cấp cơ sở; bóc gỡ từng mảng nội gián TH đánh vào hoặc kéo ra ở các cơ quan, địa phương lực lượng vũ trang của ta thuộc khu vực phía Bắc. Quá trình đấu tranh làm rõ cơ quan đặc biệt TH không chỉ đánh vào hoặc kéo ra mà chúng câu móc, sử dụng từng vụ việc, từng yêu cầu hoặc sử dụng hàng hoá, tiền bạc để đổi lấy tin tình báo.Hoạt động nội gián của cơ quan TH hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Chúng đã cài cắm cơ sở đến các khu vực Tây Nguyên, vào lực lượng hành pháp của ta. Do đó, đấu tranh chống nội gián TH đang là cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt; phải được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp bộ Đảng với sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn với các cấp chính quyền, từ Trung ương đến cơ sở. Đấu tranh chống nội gián mới không chỉ là bóc gỡ đầu mối, mà chủ yếu là phòng ngừa, loại trừ những điều kiện kẻ địch xâm nhập vào cơ quan, đơn vị. Ngày 12-6-1993, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 23/CT-BCT về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Chỉ thị nêu rõ về nhiệm vụ của công tác bảo vệ nội bộ trong giai đoạn lịch sử hiện nay, nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm ngặt các chế độ, thủ tục, quy chế quản lý cán bộ, đảng viên; kỷ luật trong phát ngôn, quan hệ với người nước ngoài; về bảo vệ bí mật tài liệu của Đảng và Nhà nước; quy chế về cử cán bộ đi tham quan, học tập công tác ở nước ngoài. Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, lực lượng An ninh chấn chỉnh một bước về quản lý nhà nước đối với công tác xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài phục vụ công tác trinh sát, theo dõi đối tượng xâm nhập công khai hoặc bất hợp pháp. Hướng dẫn Công an các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc tham mưu cho các cấp bộ Đảng rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường giáo dục chính trị, củng cố lập trường tư tưởng, kiên quyết chống lại âm mưu cài gián điệp vào nội bộ ta. Do chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, giáo dục cán bộ chiến sĩ nên hàng trăm đảng viên, cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã đã tự nguyện báo cáo, giao nộp thư và quà do cơ quan gián điệp TH liên lạc, móc nối, dụ dỗ, khống chế cộng tác. Tuy vậy, đây là một mặt công tác có thời gian chúng ta còn thiếu sót về chỉ đạo. Tổ chức lực lượng đấu tranh chưa đúng tầm với âm mưu, hoạt động của địch; các cấp chính quyền và nhân dân ở các tỉnh biên giới còn coi nhẹ, mất cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của cơ quan đặc biệt TH.Tóm lại: Từ năm 1975 đến năm 2005 là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động lớn ở trong nước và trên trường quốc tế. Sự khủng hoảng về đường lối và tan rã của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tác động tiêu cực và trực tiếp đối với phản động quốc tế các thế lực thù địch xác định Việt Nam là một trong những tiêu điểm, là thành trì cuối cùng của chủ nghĩa xã hội và tập trung mũi nhọn chống phá quyết liệt với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

quansuvn: Kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng lãnh đạo nhân dân ta từng bước vượt qua khủng hoảng; thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới; đưa đất nước sang giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng, vững bước trên con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu đạt được trong chặng đường vừa qua không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng nói chung, chống gián điệp nói riêng. Trận tuyến đấu tranh chống gián điệp trong giai đoạn lịch sử 1975 - 2005 không chỉ gay go, quyết liệt mà còn là cuộc đấu tranh chống lại sự liên kết mới, phương thức mới, thủ đoạn hoạt động mới, có độ nhạy cảm cao và khó lường. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lực lượng An ninh đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ đường lối của Đảng, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, quan hệ đa phương, đa chiều, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Diễn biến lịch sử đấu tranh chống gián điệp từ năm 1975 đến năm 2005 có thể rút ra một số vấn đề sau:Thứ nhất: Từ năm 1975 đến năm 1989, trên lĩnh vực đấu tranh chống phản cách mạng nói chung, chống gián điệp nói riêng, Đảng ta luôn chỉ đạo và tổ chức lực lượng đấu tranh đúng; xác định đúng những vấn đề cấp bách cần giải quyết và đối tượng cần tập trung mũi nhọn đấu tranh. Đây là nhân tố cơ bản nhất quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh, định hướng công tác phòng ngừa có bề rộng và có chiều sâu; tạo tiền đề cho lực lượng mũi nhọn đánh đúng, đánh trúng, đánh hiểm; giữ vững, giữ ổn định an ninh chính trị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội, từng bước đẩy lùi nguy cơ, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Đấu tranh chống gián điệp kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chống phản động và là vấn đề xuyên suốt trong phòng và chống phản cách mạng. Nhờ đó, chúng ta vừa bóc gỡ từng mảng gián điệp cài cắm trong “Kế hoạch lâu dài” của tình báo Mỹ, vừa trấn áp thành công đối với các tổ chức phản động manh động chống chính quyền. Đây là vấn đề có tính quy luật trong đấu tranh chống phản cách mạng nói chung, chống gián điệp nói riêng và đã được thực hiện thành công trong giai đoạn này.Công tác đấu tranh chống gián điệp phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn với công tác tình báo thành một chỉnh thể nghiệp vụ đấu tranh chống phản cách mạng trên chiến trường Việt Nam, của Việt Nam. Hệ quả của quá trình phối hợp này không chỉ giúp cho công tác phản gián giành thắng lợi trên đất của ta mà còn mở ra xu hướng phát triển ngày càng hiệu quả trên đất đối phương, với các chiến thuật “trinh sát ngoại biên”, “nắm địch từ xa”, “đánh địch từ Trung tâm xuất phát”,... trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, quan hệ đa phương đa chiều.Thứ hai: Từ năm 1990 đến năm 2005, Đảng và Nhà nước tiếp tục công cuộc đổi mới, bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập sâu rộng. Yêu cầu của bước ngoặt mới đặt ra cho công tác chống gián điệp nhiệm vụ vô cùng khó khăn: Vừa phải bảo vệ an toàn nền an ninh của đất nước, vừa phục vụ tốt nhất chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các bước đi của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng.Lực lượng An ninh kịp thời đổi mới tư duy về công tác phản gián; xác định đúng những đối tượng nguy hiểm cần tập trung đấu tranh; âm mưu, mục đích của hai đối tượng trực tiếp, nguy hiểm nhất của cách mạng nước ta; từ đó đề ra biện pháp đấu tranh, đối sách thích hợp. Do chuyển hướng đúng nên đã ngăn chặn, đẩy lùi từng bước đi đến đánh bại những hướng tấn công chủ yếu của chúng và bọn tay sai, phá vỡ thế liên minh hợp lực giữa thế lực thù địch với thế lực nội phản; giữ vững, giữ ổn định an ninh chính trị phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nhạy cảm và khó lường.Thứ ba: Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an xác định an ninh quốc gia gắn liền với an ninh khu vực nhất là An ninh ba nước Đông Dương. Công tác phản gián mạnh dạn xúc tiến hợp tác quốc tế, phối hợp hành động đối với các nước trong khu vực, nhất là với An ninh Lào và Campuchia; kiên trì thực hiện biện pháp phản gián ngoại biên, nắm địch từ trung tâm xuất phát âm mưu, đón đánh từ căn cứ bàn đạp của chúng. Đây là một trong những yếu tố căn bản để ta chủ động chặn đánh trên đường xâm nhập hoặc chuẩn bị sẵn trận địa trong nước đón bắt khi chúng chưa kịp hoạt động; là yếu tố quan trọng giúp cho công tác đấu tranh chống phản động, loại trừ điều kiện kẻ địch có thể lợi dụng.Thứ tư: Trên lĩnh vực đấu tranh chống nội gián, còn có sơ hở, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện đối với nhiệm vụ bóc gỡ mạng lưới nội gián cài lại. Sau khi tổng kết chống nội gián theo Chỉ thị 17/CT-BCA, đã có sự lơi lỏng về tổ chức lực lượng cũng như đối sách. Tình hình này kéo dài đến năm 1989 mới được khắc phục.Đấu tranh chống nội gián mới đang là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược. Công tác phòng ngừa và tổ chức đấu tranh tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng đã bộc lộ những nhược điểm cần phải chấn chỉnh. Nhược điểm chính là công tác phòng ngừa còn thấp, hiệu quả chưa cao. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý nội bộ ở địa bàn biên giới còn nặng về hình thức và lỏng lẻo.Lịch sử đấu tranh chống gián điệp từ năm 1945 đến năm 2005 là một bộ phận của lịch sử đấu tranh chống phản cách mạng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Hơn nửa thế kỷ đã qua là khoảng thời gian không dài trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Với khoảng thời gian ấy, cách mạng nước ta đã trải qua ba chặng đường cách mạng vẻ vang: Đấu tranh giành độc lập dân tộc; tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh: Mỗi chặng đường cũng như trong mọi hoàn cảnh lịch sử, Đảng ta luôn chủ động, sáng tạo xác định đường lối và phương pháp cách mạng; khéo tổ chức lực lượng. Vì thế, Đảng đã huy động được sức mạnh của cả dân tộc thành sức mạnh tổng hợp, chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thử thách để hoàn thành sứ mệnh của mình là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.Suốt những chặng đường lịch sử đấu tranh chống gián điệp 60 năm qua, Đảng đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh; chủ động xây dựng thế trận “phòng và chống” xây dựng nền an ninh nhân dân vững chắc. Lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh là Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, mũi nhọn của cuộc đấu tranh là lực lượng An ninh nhân dân. Sinh ra và trưởng thành trong quá trình đấu mưu, đấu trí, đấu pháp, đấu lực với nhiều kẻ thù cùng một lúc; tuy có nhiều bất lợi và vô cùng gian nan, nhưng lực lượng An ninh càng có điều kiện để tôi luyện và phát huy phẩm chất cách mạng trong sáng, hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu với tinh thần mưu trí, sáng tạo và quyết thắng mọi kẻ thù. Hơn nửa thế kỷ tiến hành cuộc đấu tranh oanh liệt và thắng lợi vẻ vang, có thể rút ra nhiều bài học lịch sử quý báu về đường lối và sự lãnh đạo của Đảng; về tổ chức lực lượng phòng và chống gián điệp; về biện pháp tổ chức đấu tranh; về năng lực lãnh đạo chỉ huy, tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân. Những bài học lịch sử được rút ra từ thực tiễn cuộc đấu tranh 60 năm qua sẽ có tác dụng thiết thực cho các thế hệ sau kế thừa và phát huy.

quansuvn: PHẦN THỨ HAIBÀI HỌC LỊCH SỬBÀI HỌC THỨ NHẤTĐẤU TRANH CHỐNG GIÁN ĐIỆP PHẢI NẮM VỮNG ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ CỦA ĐẢNG; SÁNG TẠO TRONG ĐỐI SÁCH VỚI TỪNG LOẠI ĐỐI TƯỢNG, PHỤC VỤ ĐẮC LỰC CHÍNH SÁCH ĐỐI NỘI, ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ CỤ THỂDưới ách đô hộ của thực dân Pháp, từ nửa cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, các phong trào đấu tranh giành độc lập trên đất nước ta nổ ra rầm rộ nhưng cuối cùng đều thất bại. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mở ra kỷ nguyên mới cho con đường cách mạng của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam vững bước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mười lăm tuổi, Đảng lãnh đạo thành công cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; 30 năm sau, Đảng dẫn dắt cả dân tộc tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Từ năm 1975 đến nay, Đảng tiếp tục lãnh đạo toàn dân ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đưa một đất nước với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu và manh mún lại phải trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc lâu dài vững bước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thế giới hội nhập.Nguyên nhân cội nguồn cho những thắng lợi vĩ đại hơn 70 năm qua là cách mạng nước ta được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với chính cương điều lệ theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua mỗi khúc thăng trầm của lịch sử, qua mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn sáng tạo và chủ động đề ra đường lối chính trị đúng, xác định phương pháp cách mạng đúng, tổ chức lực lượng làm cách mạng đúng và chớp được thời cơ.Trong toàn bộ lịch sử hoạt động của Đảng, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sáng tư tưởng và đường lối của Đảng mà còn kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử của Việt Nam một cách tài tình. Trung thành với tư tưởng của Người, Đảng tiếp tục hoạch định đường lối chiến lược, sách lược theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lãnh đạo cách mạng nước ta qua từng chặng đường để tiến tới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.Trong quá trình đấu tranh cách mạng, kẻ thù quan trọng số một của dân tộc là các thế lực ngoại xâm. Chúng không chỉ phát động chiến tranh xâm lược mà sau khi kết thúc chiến tranh, dù đã bị thất bại nhưng chúng vẫn nuôi tham vọng quay trơ lại. Bởi vậy, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta từ năm 1945 đến nay trước hết là sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước; sau khi đất nước đã được giải phóng, cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống âm mưu thôn tính và xâm lược vẫn phải tiếp tục nhằm đảm bảo vững chắc thành quả của cách mạng cũng như xây dựng xã hội mới. Đồng thời với đấu tranh giải phóng dân tộc là cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp nhằm xoá bỏ tận gốc rễ tư tưởng và giai cấp bóc lột. Đấu tranh giải phóng giai cấp là cuộc đấu tranh xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo lý tưởng và mục đích của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Trong tiến trình cách mạng đó, đấu tranh chống phản cách mạng nói chung, đấu tranh chống gián điệp nói riêng luôn luôn là nhiệm vụ giữ vị thế quan trọng khi đất nước có chiến tranh hay khi đất nước đã hoà bình; tạo điều kiện cần và đủ giúp Đảng và Nhà nước triển khai đường lối, chính sách lãnh đạo cách mạng thành công.Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: mặt trận đấu tranh chống phản cách mạng là một bộ phận khăng khít, không tách rời của cách mạng Việt Nam. Mặt trận đấu tranh đó không chỉ góp phần đánh đuổi ngoại xâm và bọn phản cách mạng, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc mà còn phải bảo vệ thành quả của cách mạng, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Bởi vậy, sự nghiệp đấu tranh chống phản cách mạng luôn luôn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đấu tranh chống gián điệp vì thế cũng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và vô cùng cam go quyết liệt. Đối tượng đấu tranh không chỉ là cơ quan tình báo gián điệp của các thế lực ngoại xâm mà gồm cả bọn phản động quốc tế, các thế lực thù địch, hoạt động thù địch đối với nước ta. Trong đối đầu vũ trang, cuộc đấu tranh chống gián điệp đã gay go quyết liệt thì khi đất nước đã hoà bình lại càng gay go, quyết liệt bội phần hàm chứa nhiều yếu tố bất ngờ và có độ nhạy cảm cao. Bởi vậy trận tuyến đấu tranh chống gián điệp không chỉ là bộ phận hữu cơ của sự nghiệp cách mạng, mà luôn luôn giữ vị trí hết sức quan trọng trong các chặng đường cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chống lại âm mưu thôn tính và xâm lược, chống lại bọn phản động quốc tế, thế lực thù địch, hoạt động thù địch hòng can thiệp vào nội bộ ta; là bộ phận của cuộc đấu tranh giai cấp trong mọi thời kỳ lịch sử. Do đó, trong đấu tranh chống gián điệp, phải nắm vững đường lối của Đảng, thực hiện nghiêm túc đường lối và sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Nhận thức dứt khoát rằng chỉ có thể nắm vững đường lối của Đảng mới có thể xác định đối tượng đấu tranh đúng, tổ chức đấu tranh đúng hướng, đúng yêu cầu của cách mạng. Tức là phải nhằm vào đối tượng chủ yếu của cách mạng trong từng giai đoạn để đấu tranh; phải căn cứ vào từng thời điểm của cách mạng mà tập trung mũi nhọn đấu tranh với phương thức hoạt động gián điệp nào, đối tượng chủ yếu nào gây nguy hại cho cách mạng trong thời điểm lịch sử ấy; phải đáp ứng tốt nhất, kịp thời nhất các yêu cầu về an ninh chính trị giúp Đảng và Nhà nước triển khai đường lối chính trị, giải pháp và chính sách, kế hoạch cụ thể để lãnh đạo cách mạng thắng lợi.Nắm vững đường lối của Đảng không phải là nắm chung chung mà phải hiểu rõ đường lối chiến lược, sách lược trong từng bước đi của cách mạng; phải nắm vững đường lối đối nội, đối ngoại, đường lối trong từng giai đoạn lịch sử, từng vấn đề của tồn tại xã hội. Có nắm vững đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước mới giúp ta phân biệt đúng bạn và thù, đối tượng cần tranh thủ, đối tượng cần đả kích, mới phân định rõ “đối tác” “đối tượng”, đặc biệt là thời kỳ đất nước mở rộng hợp tác quốc tế, quan hệ đa phương đa chiều trong thế giới hội nhập; mới đáp ứng các yêu cầu về an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với nhân dân một cách hiệu quả nhất.

quansuvn: Chúng ta biết rằng hoạt động gián điệp được phát sinh bơi các cơ quan lãnh đạo từ cấp trung ương của đối phương, phục vụ trực tiếp cho quá trình hoạch định âm mưu, điều hành chính sách, triển khai các hoạt động của họ đối với nước ta. Hoạt động gián điệp là bước đi mở đầu cho những kế hoạch đó, được duy trì trong suốt quá trình thôn tính và xâm lược, kể cả quá trình quan hệ song phương. Hoạt động gián điệp cung cấp những tin tức tình báo cần thiết phục vụ cho việc hoạch định và triển khai âm mưu, ý đồ; hoặc trong quá trình triển khai âm mưu, triển khai hoạt động thực tiễn thì tin tức tình báo thu được và hoạt động chống đối khác do gián điệp thực hiện sẽ giúp cho việc duy trì, điều chỉnh kế hoạch, điều chỉnh hoạt động đã được định sẵn sát hợp với diễn biến thực tiễn. Vì vậy, khi xử lý mỗi điệp viên của đối phương đều trực tiếp tác động ngay đến các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đối phương, đến quan hệ của hai quốc gia hoặc nhiều quốc gia. Có nghĩa là việc xử lý điệp viên tác động trực tiếp đến quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Với ý nghĩa đó, nên giai đoạn xử lý điệp viên phải được tiến hành đặc biệt thận trọng. Yêu cầu cao nhất của công tác xử lý điệp viên không chỉ là vô hiệu hoá hoạt động, vô hiệu hoá âm mưu của chúng mà qua đó phải phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ đối ngoại, đối nội của Đảng và Nhà nước. Có thể khái quát bằng kết luận sau: Trong đấu tranh chống gián điệp phải quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm ngặt quan điểm “nghiệp vụ phục vụ chính trị”.Quá trình đấu tranh với gián điệp nhìn một cách khái quát được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn điều tra làm rõ tội phạm và giai đoạn xử lý kẻ phạm tội. Muốn điều tra làm rõ tội phạm cơ quan An ninh phải triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, mang tính chuyên ngành, chuyên biệt để thu thập chứng cứ làm rõ kẻ phạm tội về âm mưu, hành vi, thủ đoạn, mục đích của chúng. Đây là quá trình khách quan và bất biến.Khi đã làm rõ tội phạm, giai đoạn tiếp theo là xử lý kẻ phạm tội. Quá trình xử lý kẻ phạm tội phải căn cứ vào quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đối nội và đối ngoại để xác định biện pháp xử lý cụ thể. Biện pháp xử lý phải đảm bảo đình chỉ hoặc vô hiệu hoá hoạt động của điệp viên nhưng đồng thời phải phục vụ đắc lực cho yêu cầu ngoại giao và triển khai chính sách điều hành đất nước của Đảng và Nhà nước. Yêu cầu đó dẫn đến cùng tính chất, mức độ phạm tội nhưng điệp viên của nước này với nước khác; vào thời điểm này và thời điểm khác phải có hình thức xử lý khác nhau. Đây là quá trình phát triển do ý chí chủ quan của con người và là yêu tố luôn luôn động. Tức là xử lý điệp viên phải tuân theo pháp luật của nước ta nhưng lại được thực hiện với nhiều cách thức khác nhau được quy định bởi mối quan hệ: bạn và thù, tranh thủ và đả kích, chiến lược và sách lược, trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhằm tạo điều kiện có lợi nhất giúp Đảng và Nhà nước thực hiện đối sách trong quá trình lãnh đạo đất nước.Từ quan điểm trên, căn cứ thực tiễn lịch sử đấu tranh chống gián điệp chúng ta thấy rõ: Quá trình điều tra làm rõ tội trạng của điệp viên đã khó nhưng sau khi đã làm rõ tội trạng của chúng thì việc tiến hành đối sách với điệp viên càng khó hơn, nhiều yếu tố nhạy cảm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đối ngoại cũng như đối nội. Công tác xử lý điệp viên đòi hỏi chúng ta không chỉ nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mà phải luôn nhạy bén về chính trị, kể cả năng lực dự báo, dự đoán xu hướng phát triển của tình hình quốc tế tác động đến cách mạng nước ta.Trên cơ sở đó, có thể khái quát: Trong đấu tranh chống gián điệp, phải nắm vững đường lối của Đảng; phải thực hiện bằng được yêu cầu “nghiệp vụ phục vụ chính trị"; sáng tạo trong thực hiện đối sách với từng phương thức hoạt động của gián điệp, từng vụ việc, từng điệp viên; đảm bảo phục vụ đắc lực cho đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.Để làm rõ lý luận nhận thức về quan điểm đã nêu, chúng ta điểm lại một số vụ án gián điệp điển hình hoặc có tính điển hình ở mặt này hay mặt khác, giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về yêu cầu nắm vững quan điểm của Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc “nghiệp vụ phục vụ chính trị". Trước hết cần nêu một số vụ án không thành công trong giai đoạn đầu của lịch sử chống gián điệp, đã để lại những hậu quả nặng nề, cần được rút kinh nghiệm nghiêm khắc cả trong quá trình điều tra cũng như quá trình xử lý đối tượng, đó là các sự kiện: bắt bớ ở Đông Miên, vụ Tám Ảnh, vụ Hộ Thành, vụ H122... Những sự kiện trên xảy ra tại các địa bàn khác nhau ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ; trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều nằm trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khi lực lượng Công an còn non trẻ, nhận thức địch - ta còn ấu trĩ, nghiệp vụ còn giản đơn. Do đó đã mắc sai phạm từ quá trình điều tra đến quá trình xử lý những người bị bắt, gây hậu quả nghiêm trọng. Sự ấu trĩ và non yếu bắt đầu từ tiếp nhận nguồn tin không đủ căn cứ đã xác lập chuyên án. Trong quá trình điều tra cán bộ hỏi cung chưa có nghiệp vụ, dẫn đến tình trạng bức cung, mớm cung và chỉ căn cứ vào lời khai của người bị bắt để mở rộng bắt bớ dẫn đến bắt tràn lan, bắt không đúng tội kể cả bắt người vô tội, người có công. Việc bắt oan, sai tác động tiêu cực đến tình hình nội bộ; một số đồng chí không chịu nổi áp lực tinh thần đã phản ứng bằng cách tự tử. Sai phạm từ các sự kiện trên tác động tiêu cực không chỉ đối với những người bị oan sai mà nguy hiểm hơn là làm suy giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân đối với tổ chức, với Đảng; làm suy yếu lực lượng của kháng chiến. Trung ương Đảng đã phải ra các chỉ thị chỉ đạo và thành lập các tổ công tác đặc biệt để điều tra lại, khẩn trương sửa sai mới khắc phục được hậu quả. Tuy những sai phạm trên được khắc phục và sửa sai nhưng đã để lại những hậu quả nặng nề. Có những trường hợp đến nay ta vẫn phải giải quyết.Những vụ án đã dẫn tuy hãn hữu, nhưng để lại nhiều bài học đau xót và đắt giá, nhắc nhở cơ quan điều tra phải nắm vững đường lối của Đảng mới có thể nhận rõ địch, ta; mới có thể tổ chức đấu tranh đúng hướng, đúng chính sách, đúng pháp luật và đúng đối tượng. Nhắc nhở cơ quan điều tra phải nghiêm ngặt tuân thủ tính khách quan mới có được kết quả đúng và thực hiện đối sách đúng theo quan điểm “nghiệp vụ phải phục vụ chính trị”.Hơn nửa thế kỷ đấu tranh chống gián điệp trong những bối cảnh lịch sử khác nhau; có nơi, có lúc điều kiện lịch sử hết sức ngặt nghèo và những yếu tố khách quan bất lợi chi phối công tác điều tra cũng như xử lý đối tượng. Nhận thức để đi đến hành động là một quá trình, được quy định bởi nhận thức và năng lực về chính trị, nghiệp vụ của mỗi cán bộ chiến sỹ. Vì vậy, trong quá trình đấu tranh không tránh khỏi va vấp, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Nhưng về tổng thể toàn bộ cuộc đấu tranh chống gián điệp, cơ quan An ninh đã thực hiện thành công quan điểm “nghiệp vụ phục vụ chính trị'', tổ chức điều tra và xử lý điệp viên không chỉ đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước mà còn hỗ trợ đắc lực, giúp Đảng và Nhà nước chủ động triển khai đường lối, chính sách lãnh đạo cách mạng; chủ động tiến hành các đối sách về công tác ngoại giao song phương cũng như đa phương.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page

Từ khóa » điệp Viên H122