Giải Nghĩa Phật Mẫu Chơn Kinh

PHẬT MẪU CHƠN KINH

  • Nguồn gốc bài Phật Mẫu Chơn Kinh.
  • Ðiện Thờ Phật Mẫu thờ Ngôi Âm.
  • Giải nghĩa Phật Mẫu Chơn Kinh
  • Giải nghĩa chi tiết PHẬT MẪU CHƠN KINH
  • TÓM TẮT GIẢI NGHĨA PHẬT MẪU CHƠN KINH

PHẬT MẪU CHƠN KINH 佛 母 眞 經

I. Nguồn gốc bài Phật Mẫu Chơn Kinh.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo, thích nghĩa và nói rõ nguồn gốc bài Phật Mẫu Chơn Kinh tại Cửu Long Ðài trước Báo Ân Từ lúc 4 giờ chiều ngày 15-8-Ðinh Hợi (1947), có in trong quyển Thuyết Ðạo của Ðức Hộ Pháp, Quyển 1 trang 64, xin trích ra sau đây:

"Ngày nay là ngày Ðại lễ Ðức Diêu Trì Kim Mẫu, Bần đạo tưởng cả thảy toàn Ðạo nên biết quyền hành của Phật Mẫu như thế nào? Và tại sao chúng ta thờ Người?

Muốn biết quyền hành ấy, Bần đạo phải thuyết minh và giải nghĩa bài Kinh Ðức Phật Mẫu mà chúng ta thường tụng niệm hằng ngày đó.

Trước khi giải nghĩa, Bần đạo cũng nên nói rõ ai đến cho bài Kinh ấy? Cho hồi nào? Và tại nơi đâu?

Kinh Ðức Phật Mẫu cho tại Kim Biên Tông Ðạo (Cao Miên quốc), nơi Báo Ân Ðường của hai vợ chồng Thừa Sử Huỳnh hữu Lợi.

Lúc trước chưa có Kinh Phật Mẫu, chúng ta chỉ biết Phật Mẫu đến Hiệp Thiên Ðài khai Ðạo Cao Ðài, nhờ thi phú văn tự của Cửu Vị Tiên Nương cho biết nguyên do đến Khai Ðạo, chớ chúng ta chưa biết quyền hành của Người.

Nơi Kim Biên, cả Chức sắc Hội Thánh Ngoại Giáo đều cầu kinh, khiến khi đó Bần đạo đến nhằm lúc cúng Vía Phật Mẫu. (tức là ngày 15 tháng 8 năm......?)

Bát Nương đến cầm cơ viết, chính mình Bần đạo phò loan nơi Ðại Ðiện. Có nhiều người làm chứng, có chư Ðạo hữu và một người không biết Ðạo là gì là Ông Hiếu (kêu Bần đạo bằng Chú) ngồi trước sân chơi, thấy tứ phía đều có hào quang giáng hạ, xẹt xuống rất ngay Báo Ân Ðường. Tới chừng cho trọn bài Kinh rồi, cả thảy đều nói lại, không biết cái gì xẹt khi nãy như sao xẹt qua xẹt lại vậy, không dè trong nhà đương phò loan. Có cháu của Bần đạo và nhiều Ðạo hữu ở ngoài đều làm chứng quả quyết như vậy."

II. Ðiện Thờ Phật Mẫu thờ Ngôi Âm.

Từ trước đến nay, các nền tôn giáo mở ra trên thế giới đều chỉ biết thờ Ngôi Dương: Như Phật giáo thờ Ðức Phật Thích Ca, Tiên giáo thờ Ðức Thái Thượng Lão Quân, Nho giáo thờ Ðức Khổng Tử, Thiên Chúa giáo và Ðạo Tin Lành thờ Ðức Chúa Jésus Christ.

Không có một tôn giáo nào biết thờ Ngôi Âm. Chỉ có Thiên Chúa giáo có thờ Ðức Mẹ Maria, Mẹ của Ðức Chúa Jésus, nhưng chưa phải là thờ Ngôi Âm.

Chúng ta đã biết, trong CKVT nầy, không phải chỉ có Ngôi Dương, mà luôn luôn phải có Ngôi Âm đi kèm theo, thì mới có đủ 2 yếu tố Âm Dương để tạo thành cơ sanh hóa. Một Dương không thể sanh, một Âm cũng không sanh, phải có đủ cả Âm Dương mới sanh hóa được.

Theo Thánh giáo của Ðức Chí Tôn, khởi thủy của CKVT là Hư Vô chi Khí (tức là ÐẠO). Khí Hư Vô mới sanh ra một Ðấng duy nhứt là Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế, và ngôi của Ngài là Thái Cực (tức là khối Ðại Linh Quang). Ðức Chí Tôn mới phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi: Dương quang và Âm quang. Ðức Chí Tôn chưởng quản Dương quang. Ðức Chí Tôn hóa thân ra làm một Ðấng khác gọi là Phật Mẫu để chưởng quản khí Âm quang.

Như vậy, nguồn gốc của Phật Mẫu là Ðức Chí Tôn, và Ðức Phật Mẫu chỉ là một hóa thân của Ðức Chí Tôn.

Sau đó, Ðức Phật Mẫu thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi đem Dương quang phối hợp với Âm quang để tạo thành CKVT và vạn vật. Do đó, Ðức Phật Mẫu mới thực sự là Ðấng Tạo Hóa. Nhiệm vụ nầy có được là do Ðức Chí Tôn ban cho.

"Theo Bí pháp chơn truyền của Cơ Sanh hóa, phải có đủ Âm Dương. Trong Sanh quang, chúng ta có điện quang Positif (dương) và Négatif (âm), cũng như vạn vật có trống mái. Nền tôn giáo nào có đủ Âm Dương thì mới vĩnh cửu.

Như Ðức Chúa Jésus ngày trước bị đóng đinh trên cây Thánh giá, đầu thuận lên trên gọi là đạt Dương. Ông Thánh Pierre là đệ nhứt tông đồ bị đóng đinh trở ngược xuống, gọi là phản Âm. Âm Dương tương hiệp đúng theo Bí pháp, nên Ðạo Thánh lưu truyền 2000 năm, không ai dùng quyền gì tiêu diệt đặng.

Thời kỳ nầy, Ðức Phật Mẫu đã xuất nguyên linh của Người đến đây dạy dỗ chúng ta thì tưởng điều ấy trọng yếu hơn hết.

Khi mở Ðạo Cao Ðài, Chí Tôn định cho Phật Mẫu đến giáo đạo cho chúng ta, bảo trọng nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta, thì không có ân đức nào bằng, vì không ai biết thương con hơn MẸ.

Phật Mẫu đến cầm quyền lập Ðạo xong, rồi giao lại cho Ðức Chí Tôn.

Phật Mẫu là Chủ Âm quang, Chí Tôn là Chủ Dương quang. Âm Dương tương hiệp, Ðạo Cao Ðài nuơng theo năng lực của hai khối Âm Dương đó. Ðối với năng lực tạo đoan Càn Khôn Thế Giới thế nào thì Ðạo Cao Ðài ngày kia sẽ có năng lực như thế đó." (Trích Thuyết đạo của Ðức Phạm Hộ Pháp, Quyển 1 trang 70).

Việc Ðạo Cao Ðài thờ Hai Ngôi: Ngôi Dương là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế và Ngôi Âm là Ðức Diêu Trì Kim Mẫu, với đầy đủ kinh kệ và nghi tiết, là một hình thức vô cùng mới mẻ về phương diện Giáo lý và Triết lý mà các nền tôn giáo trước đây chưa từng có.

Do đó, Ðạo Cao Ðài xứng đáng là một nền Tân Tôn giáo và là một nền Ðại Ðạo.

  • Tòa Thánh và các Thánh Thất dùng để thờ Ngôi Dương là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

  • Ðiện Thờ Phật Mẫu dùng để thờ Ngôi Âm là Ðức Phật Mẫu hay Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

Hai ngày lễ vía Hai Ðấng ấy hằng năm là 2 ngày Ðại Lễ chánh thức lớn nhứt của Ðạo Cao Ðài. Ðó là:

  • Ngày 9 tháng Giêng âl: Vía Ðức Chí Tôn.

  • Ngày 15 tháng 8 âl: Vía Ðức Phật Mẫu.

Quyền hành và nhiệm vụ của Ðức Phật Mẫu được Bát Nương cho biết rõ trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh.

III. Giải nghĩa Phật Mẫu Chơn Kinh:

Ðức Phạm Hộ Pháp có giải nghĩa bài PMCK một cách tổng quát khi Ngài thuyết đạo tại Cửu Long Ðài trước Báo Ân Từ nhân ngày Ðại Lễ Vía Ðức Phật Mẫu vào lúc 4 giờ chiều ngày 15-8-Ðinh Hợi (1947). Bài thích nghĩa nầy có in trong quyển Thuyết Ðạo Ðức Hộ Pháp, quyển 1 trang 64.

(Soạn giả căn cứ vào bài giải nghĩa nầy của Ðức Phạm Hộ Pháp để giải rộng thêm chi tiết từng chữ và từng câu kinh cho dễ hiểu. Ngoài ra, soạn giả có viết thêm phần chữ Hán để xác định từ ngữ. Ðây là bản phiên dịch Hán văn đầu tiên, chắc không tránh khỏi sai sót, kính mong quí vị góp ý sửa chữa).

Sau đây là phần Giải Nghĩa chi tiết.

Xem tiếp Giải nghĩa chi tiết PHẬT MẪU CHƠN KINH

Từ khóa » Chơn Kinh đạo Phật