GIAO CẢM / DI LẠC CHƠN KINH SƠ GIẢI - Huệ Khải Văn Tập

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo

The Programme of Joining Hands for Free Caodai Publications

HUỆ KHẢI ------------ LÊ ANH MINH

DI LẠC CHƠN KINH SƠ GIẢI

PRELIMINARY EXPLANATION OF MAITREYA TRUE SUTRA

In lần thứ nhất / First edition

Nhà xuất bản / Publishing HouseHỒNG ĐỨC / Hà Nội 2020

GIAO CẢM

1. Di Lạc Chơn Kinh là kinh riêng của đạo Cao Đài, được Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh chánh thức phổ biến lần đầu tiên (?) khi in trong quyển Kinh Thiên Đạo Và Thế Đạo, xuất bản lần thứ nhất ở Sài Gòn năm 1936, ấn loát tại nhà in Đức Lưu Phương,([1]) gồm 98 trang (12x15,5cm).

Di Lạc Chơn Kinh là kinh chung của đạo Cao Đài nên vào những dịp cúng cửu, tiểu và đại tường, cầu siêu, các Hội Thánh hình thành sau Hội Thánh Tây Ninh cũng như các thánh sở đơn lập (không thuộc Hội Thánh nào) vẫn tụng kinh này trong gần chín mươi năm nay.

2. Sau bài Khai Kinh Kệ là câu Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết Di Lạc Chơn Kinh, do đó có thể biết rằng Đức Phật Thích Ca giáng cơ ban kinh nàytrong khoảng từ 21 đến 31-8-1935 tại Tòa Thánh Tây Ninh. (Xem: Kinh Thiên Đạo Và Thế Đạo, Tựa.)

3. Trước khi tụng phần chánh văn Di Lạc Chơn Kinh là nghi thức tụng Khai Kinh Kệ, giống như nghi thức trước khi bắt đầu tụng kinh nhà Phật; nhưng bài kệ bốn câu trong Di Lạc Chơn Kinh lại không giống y từng chữ như bốn câu in trong các kinh Phật. Điều này được trình bày trong Phụ Đính 1: Từ Tứ Cú Kệ Đến Khai Kinh Kệ (tr. 76).

4. Mặc dù nhiều bản in là Di Lạc, nhưng cũng có bản in là Di Lặc (Tòa Thánh Tây Ninh, bản 1990 in lại theo bản 1972, tr. 52, 53…). Chúng tôi đề nghị hãy thống nhất là Di Lạc, và lý do được trình bày trong Phụ Đính 2: Di Lặc Hay Di Lạc? (tr. 81).

Các bản kinh trước đây đều in Christna; tuy nhiên, chúng tôi đề nghị sửa là Krishna, và lý do được trình bày trong Phụ Đính 3: Christna Hay Krishna? (tr. 87).

Các bản kinh trước đây in Çiva (tiếng Pháp). Chúng tôi đề nghị hãy thống nhất là Shiva (tiếng Anh, tiếng Pháp).

5. Di Lạc Chơn Kinh gồm hồng danh 49 vị Phật, 9 vị Nữ Phật, và 3 vị Bồ Tát (Chuẩn Đề, Phổ Hiền, và Từ Hàng), tổng cộng 61 vị; điều này khiến chúng ta liên tưởng tới nghi thức sám hối tụng Hồng Danh 洪名([2]) bên đạo Phật.

Rất nhiều hồng danh các vị Phật trong Di Lạc Chơn Kinh có thể nghe “lạ tai” đối với quý vị quen tụng kinh Phật mặc dù quý vị ấy vốn biết kinh Phật nhiều lần nói tới hằng hà sa số chư Phật. Chẳng hạn, Phật Thuyết A Di Đà Kinh 說阿彌陀經 (bản chữ Hán của Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập 姚秦三藏法師鳩摩羅什) có câu này: Đông phương diệc hữu A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật ... 東方亦有阿閦鞞佛, 須彌相佛, 大須彌佛, 須彌光佛, 妙音佛, 如是等恆河沙數諸佛...Thế rồi, lần lượt kể thêm năm phương nữa (Nam, Tây, Bắc, dưới, và trên), Đức Phật Thích Ca cho biết ở mỗi phương ấy đều có hằng hà sa số chư Phật. Vậy, có ai dám nói mình đã biết đủ hết hồng danh của hằng hà sa số chư Phật?

6. Chúng tôi trộm nghĩ, khi tụng hồng danh từng vị Phật hãy nên tìm hiểu ý nghĩa mỗi hồng danh. Có thể thấy hồng danh ấy nhắc tới chức năng hay phận sự chuyên trách của từng vị Phật. Chẳng hạn: Tuyển Kinh Phật (là Đức Phật chuyên tuyển chọn các kinh), Trục Tà Tinh Phật (là Đức Phật xua đuổi tà ma yêu tinh), Sát Quái Phật (là Đức Phật tiêu diệt quỷ quái), v.v…

7. Lại nữa, khi tụng các hồng danh như Thành Tâm Phật, Kiên Trì Phật, Trụ Thiện Phật, Đa Ái Sanh Phật, Trục Tà Tinh Phật, Sát Quái Phật, v.v… thì không phải để xưng tán các Đấng. Các Đấng nào cần tới sự xưng tán ấy. Trái lại, nên hiểu rằng mỗi khi tụng một hồng danh tức là tự nhắc nhở rằng muốn tu thành Tiên Phật thì bản thân cần thành tâm (không dối mình, không dối người), kiên trì (bền bỉ trước mọi chướng ngại), trụ thiện (giữ chặt điều lành trong mọi hoàn cảnh), đa ái sanh (rất giàu lòng yêu thương sự sống, không phạm giới sát), trục tà tinh (xua đuổi tà ý, hành vi tinh ma), sát quái (tiêu diệt tư tưởng và việc làm quỷ quái), v.v… Xin xem thêm Phụ Đính 4: Tụng Hồng Danh Để Tu Thân (tr. 97).

Hiểu như vậy tức là chúng ta biết tụng kinh để ứng dụng vào công trình luyện kỷ (tu tâm sửa tánh) cho bản thân nên đạo. Bằng không, mỗi khi tụng kinh chỉ quen miệng đọc ra rả những từ Hán Việt mà không hiểu rõ mình đang đọc tụng cái gì thì đã vướng vào chỗ sai lầm từng được Đức Bồ Tát Quan Âm cảnh tỉnh trong thánh giáo dạy tại Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, ngày 20-9 Đinh Mùi (Thứ Hai, 23-10-1967):

Không phải Phật thiếu kinh thường dụng

Bảo chúng sanh đem tụng Phật nghe

Tụng kinh như thể nói vè

Nghĩa sâu không biết, lối lề không thông.

Chẳng khác nào như ong vò vẽ

Tiếng nhỏ to thỏ thẻ vu vu

Tụng nhiều mới gọi rằng tu

Đọc nhiều cho Phật công phu mới nhiều.

Đó là tu theo chiều mê tín

Biết bao giờ tâm thánh mở mang

Sách kinh là đuốc rọi đàng

Dạy đời học đạo hành tàng thế nao.

Vì lẽ đó cùng nhau ráng hiểu

Đọc kinh coi Phật biểu làm chi

Ráng làm ăn ở cho y

Tánh tình cùng những hành vi Phật Trời.

Đọc kinh rồi hiểu lời Phật dạy

Thì chớ làm trái lại sách kinh . . .

8. Không kể hồng danh Đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát ở cuối bài kinh (niệm ba lần), tính từ câu Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết Di Lạc Chơn Kinh cho đến câu Nam mô Giải Thể Phật, thì Di Lạc Chơn Kinh gồm 1057 từ; trong đó, ngoại trừ hai lần nhắc đến ba vị Brahma, Shiva, và Krishna,([3]) kỳ dư tổng cộng gồm 1051 từ Hán Việt.

Bản Sơ Giải này căn cứ theo kinh văn Hán Việt mà ghi ngược lại thành chữ Nho để giảng nghĩa từ ngữ trong mức độ có thể chấp nhận được. Điều này còn giúp đính chính các từ Hán Việt in sai trong một số ấn bản trước đây.

Chúng tôi kèm thêm tiếng Anh trong phần chú thích từ ngữ và dịch trọn bài Di Lạc Chơn Kinh sang tiếng Anh để tiện phổ truyền hải ngoại sau này.

9. Mặc dù được biên soạn rất thận trọng với ý thức trách nhiệm trong tâm nguyện phổ truyền kinh điển Kỳ Ba, nhưng chúng tôi vẫn e rằng khó tránh khỏi ít nhiều sơ sót, nhầm lẫn. Bởi vậy, với lòng biết ơn và thành tâm cầu thị, chúng tôi rất mong sẽ được các bậc đạo đức nghe nhiều xem rộng hoan hỷ chỉ dẫn để chúng tôi bổ khuyết, tu chính cho lần tái bản.

Nhiêu Lộc, mùa Vu Lan Canh Tý (Tháng 9-2020)

Kính nguyện hồi hướng Giác Linh Song Thân

HUỆ KHẢI & LÊ ANH MINH

([1]) Nhà in Đức Lưu Phương hoạt động tại Sài Gòn, lúc đầu đặt ở số 394-398 đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), sau dời về số 158 đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn). Chủ nhà in là tiền bối Trương Văn Tuấn (giáo sư lycée Chasseloup Laubat, Sài Gòn) và phu nhân là tiền bối Nguyễn Thị Hương (1901-1998), con gái tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950), tức Đầu Sư Thái Thơ Thanh. Tiền bối Hương thọ Thiên phong Giáo Sư ngày 14-01 Đinh Mão (Thứ Ba 15-02-1927) tại Thiền Lâm Tự (Gò Kén, Long Thành, Tây Ninh). Hai vị Tuấn và Hương cùng cư ngụ tại biệt thự của ngài Nguyễn Ngọc Thơ ở số 439 đường Paul Blanchy. Buổi ban sơ Hội Thánh Tây Ninh in nhiều kinh sách tại Đức Lưu Phương.

([2]) Nghi thức này do Pháp Sư Bất Động 不動đời Tống biên soạn, gồm hồng danh 88 vị Phật, kết thúc với hồng danh Đức Phật A Di Đà. Như vậy, tổng cộng có 89 hồng danh Phật. Khi thực hành nghi thức này, người sám hối lạy 108 lạy để tiêu trừ 108 phiền não.

([3]) Thay vì đọc thành từ Hán Việt theo cách chuyển âm (transliteration) của người Hoa là Phạm Ma 梵摩, Thấp Bà濕婆, Khuê Sư Na奎師那.

*

DI LẠC CHƠN KINH SƠ GIẢI. Ấn tống lần thứ nhất

1.500 quyển, do công quả mười bảy triệu đồng

của quý ân nhân phương danh như sau:

1. Hiền tỷ ẨN DANH

(thánh thất Bình Thạnh, Trảng Bàng, Hội Thánh Tây Ninh)

công quả mười một triệu đồng, gởi đợt 163, với tấc lòng

thâm tạ hồng ân Đức Di Lạc năm xưa độ dẫn vào Đạo.

2. Hiền huynh ĐÀO THÚY LIỄU (hải ngoại)

công quả năm triệu đồng, gởi đợt 157.

3. Hiền tỷ TRẦN THỊ THU VÂN (thánh thất Trung Thành,

Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) công quả một triệu đồng, gởi đợt 157, hồi hướng cửu huyền thất tổ.

Đồng kỉnh thành hồi hướng cửu huyền thất tổ siêu thăng,

hiệp tâm cầu nguyện gia đạo vững bền, dân an quốc thái,

đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương,

Đại Đạo Cao Đài quy nguyên thống nhất,

vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.

Từ khóa » Chơn Kinh đạo Phật