Giai Nhân - Tuổi Trẻ Online

Nàng thấy con trai lớp mình là một lũ nhí nhố. Nàng ghét hết. Cả bọn con gái cũng chẳng được đứa nào nên hồn. Nàng không công nhận tài năng của đứa nào - kể cả tốp “cử nhân tài năng” - bọn chúng nhạt phèo.

Mà nói vậy cũng không đúng. Con trai ở lớp nàng chấm được một thằng. Thằng bé người miền Tây. Da đen. Tóc quăn. Mắt sáng. Có duyên. Nó ít nhí nhố nhất - nàng bảo. Nàng chưa nói chuyện với hắn lần nào. Nhưng có một tối nàng thấy hắn, hai người nói chuyện với nhau, sau đó hắn hôn nàng. Đó là một giấc mơ!

Nàng cặp với một chàng lớp bên. Chàng nhỏ tí, lôi thôi lếch thếch. Đó là tài tử xứng với giai nhân. Tài tử - giai nhân quen nhau từ hồi cuối năm nhất, ở lớp học tiếng Anh. Nàng ca bài cải lương mùi mẫn - hình như là bài Dương Quí Phi. Chàng kết. Làm quen. Chàng thường lấy xe đạp đèo nàng tới các câu lạc bộ đờn ca tài tử. Ở đấy nàng giao lưu, nàng ca. Chàng ngồi nghe. Hồi đó nàng còn mập ú. Trông hai người cũng có hơi lệch thật. Nhưng chàng vẫn lo cho sức khỏe của nàng. Chàng bảo nàng phải ăn nhiều vào. Nàng đồng ý. Và tối tối chàng đưa nàng đi ăn. Nàng gọi chàng là “anh Hai”. Anh Hai thấy nàng hãy còn thơ ngây nên càng thương nàng lắm.

Chàng khoái nghe nàng ca vọng cổ, cải lương. Những bài ca cổ ngọt lừ như mật ong rừng. Chàng say ghê lắm. Điều đó dĩ nhiên là rất tuyệt rồi, vì nàng mê ca hơn bất cứ thứ gì. Mà nghệ sĩ nào chẳng cần có tri âm? Mỗi lần nàng học được một bài ca mới thì chàng là thính giả đầu tiên được thưởng thức. Như thế rất tiện. Không như hồi hai người chưa quen nhau, nàng không tìm được ai có thể đồng cảm được với lời ca của mình. Nửa đêm, nàng thường ra nhà tắm công cộng, đóng cửa ngồi ca trong ấy. Báo hại một con bé nhát gan đi vệ sinh tưởng có ma hét ầm lên. Cả ký túc xá náo loạn. Nàng từ trong nhà tắm bước ra ngơ ngác không hiểu gì.

Chàng còn phải hộ tống nàng đến lớp học tin nữa. Vì nếu chàng không trông chừng là nàng chuồn ngay. Nàng ghét máy móc lắm. Ghét còn hơn cả môn Anh văn nữa. Giữa thời đại Internet rầm rộ thế mà nàng không biết “chat” là gì. Bạn bè ở xa còn muốn liên lạc với nàng thì chịu khó viết thư tay - còn thấy có tình cảm - nàng bảo thế. Nếu được quyền quyết định môn học, thì hai môn đầu tiên nàng loại ra khỏi chương trình là Anh văn và tin học. Nàng chỉ học những gì gọi là văn chương, nghệ thuật thôi.

Hai người quen nhau cũng được lâu lâu rồi - đó là một hiện tượng lạ khiến bạn bè ngạc nhiên.

Đến cuối năm 3 đi thực tế về miền Tây, hai người ở khác huyện, cách nhau khá xa. Một chủ nhật chàng tới thăm nàng. Nàng hứa chủ nhật sau sẽ tới chỗ chàng. Chàng không muốn nàng đi vì đường xa lắm. Nhưng nàng quyết tâm đi - để cho biết. Với lại tới cắt tóc cho chàng là vừa (hóa ra cái đầu ngố đần chàng mang hồi tới giờ đều do tay nàng “đẽo”). Chàng trở về chỗ của mình, hẹn đợi nàng chủ nhật sau.

Chủ nhật chưa tới thì nàng gặp chú. Chú có cháu ngoại rồi nhưng tuổi thì mới khoảng hơn 40 một tẹo thôi. Chú ca “ngọt” thôi rồi. Nàng bị hút tức thì. Nàng hẹn chú đi chơi, gọi chú bằng “anh”, bắt chú đứng gần lại khi chụp hình. Nếu chú chịu bỏ vợ con, nàng đồng ý cưới chú liền!

Hết đợt thực tập, nàng xin ở lại mấy bữa nhưng cô phụ trách không cho. Đành trở lại trường. Chàng buồn rười rượi, suốt ngày thẫn thờ nghĩ xem có cách nào kéo nàng ra khỏi cái bẫy chết người. Lần này nghiêm trọng thật. Mọi khi nàng chỉ bốc đồng nhè nhẹ thôi, chàng gỡ được liền. Lần này thì nghiêm trọng thật! Trông nàng ốm đi thấy rõ. Mà nàng thẳng thừng cự tuyệt chàng, không chấp nhận sự hiện diện của chàng ở bất cứ phương diện nào. Chàng lo lắng ghê gớm!

Một tuần sau, không thấy nàng đến lớp. Hỏi ra mới biết nàng về miền Tây rồi. Nàng nhớ chú quá mà!...

Bây giờ chàng và nàng lại đang “cặp” với nhau. Chàng làm cách nào mà tài thế không biết?! Bây giờ thì chàng không đèo nàng bằng xe đạp nữa mà đèo bằng chiếc cub78 cà tàng. Chiếc xe hợp với cánh nhà báo, lại hợp với dáng chàng, như thể nó sinh ra để dành cho chàng vậy! Và với chiếc xe ấy, chàng không chỉ đèo nàng đi ca, mà còn đèo đi gặp các nhà thơ, nhà văn nàng thích và đến các tòa soạn đưa bài viết, lãnh nhuận bút. Nàng vừa giành được giải trong cuộc thi thơ “Bút hoa”, và cũng đã được đăng một số truyện ngắn. Chàng thì được đăng ít bài hơn, nhưng lại xin được chân biên tập ở một tờ báo mới - giải quyết nhu cầu việc làm.

Nàng đang nuôi ý định xin vào một tờ báo lớn. “Ở đó chất lượng bài viết khá nhất, đọc đã, dễ ưng lắm” - nàng bảo.

- Khó! Mình không tiền, không quen, sao vào đấy được?

- Nhưng mình có năng lực! Mình thích là sẽ làm được! Mai mình sẽ đến tòa soạn để hỏi.

Nàng đã chịu xài di động và máy chụp hình. Nhưng Internet thì vẫn chưa.

d5wesiy7.jpgPhóng to
Áo Trắng số 3 (ra ngày 15-06-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

AT

Từ khóa » Giai Nhân Là ý Gì