Giải Pháp Hàng đầu để Giảm Thất Thoát Sau Thu Hoạch

Để giảm thất thoát sau thu hoạch, theo nhiều chuyên gia cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn được xem là giải pháp hàng đầu. Hiện nay, khâu thu hoạch và sau thu hoạch ở ĐBSCL gây tổn thất từ 10-15% sản lượng lúa. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (thuộc Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch), cho rằng, thất thoát sau thu hoạch ở vùng ĐBSCL chiếm tỷ lệ lớn là do tập quán sản xuất thủ công của nông dân.

Những thửa ruộng nhỏ, manh mún rất khó đưa máy móc vào thu hoạch nên nông dân thường gặt bằng tay, gây thất thoát lớn, ông Phạm Văn Tấn nói.

Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định, đưa máy móc, thiết bị ứng dụng vào đồng ruộng, đẩy mạnh việc nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch và chuyển giao công nghệ cho người nông dân; xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp các khu trữ gạo, hệ thống lò sấy…sẽ giảm thất thoát sau thu hoạch

Tương tự, bà Hoàng Thị Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân phối - Bán lẻ VNF1 cho rằng, nếu nông dân và nhà chế biến có điều kiện lựa chọn các tiến bộ về quản lý và công nghệ sau thu hoạch như: máy gặt, máy sấy lúa, hệ thống tồn trữ kín, kỹ thuật xay xát cải tiến và từ những thông tin cập nhật về thị trường thì những thất thoát có thể giảm đáng kể và thu nhập từ thu hoạch lúa sẽ gia tăng.

Cũng theo bà Hoàng Thị Minh, hiện nay, giải pháp thực hiện thì nhiều nhưng không lồng ghép, kết nối với nhau nên không đủ sức mạnh. Vì vậy, cùng ngồi lại với nhau, cùng suy nghĩ về chuỗi giá trị, tuyến tác động giữa các giải pháp trong chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch chắc chắn sẽ có cách làm khác hơn, hữu hiệu hơn.

Việc ứng dụng các giải pháp đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến cũng giảm thất thoát sau thu hoạch.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, dự kiến đến năm 2020 sẽ giảm mức thất thoát sau thu hoạch 50 - 70% so với mức hiện nay.

Để đạt mục tiêu trên, ông Vũ Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, phải phát huy tối đa tính chủ động trong ngành.

Cụ thể, phải triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị từ khâu thu hái đến bảo quản. Trước mắt, cần xây dựng hệ thống kho dự trữ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để có chất lượng nông sản tốt nhất, giảm tổn thất sau thu hoạch.

TS. Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đưa ra một số giải pháp đồng bộ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa.

Cụ thể, quy hoạch hệ thống thủy lợi phải đồng bộ với phát triển hệ thống giao thông nội đồng, gắn liền với giao thông nông thôn tạo điều kiện dễ dàng cho máy móc di chuyển đi lại; mở rộng kích thước lô thửa, san phẳng đồng ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho máy móc làm việc trên đồng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ công nghệ, tài chính để các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp, đầu tư nâng cấp công nghệ và mở rộng sản xuất, nhằm khuyến khích nông dân trang bị máy móc.

Đồng thời, mở các lớp huấn luyện về công nghệ và thiết bị sau thu hoạch cho nông dân, các nhóm dịch vụ cơ giới, các cơ sở xay xát chế biến gạo và khuyến nông viên các tỉnh; nâng cấp mạng lưới thông tin nông thôn, thông tin công nghệ và thông tin thị trường...

Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất để người dân vay mua các loại máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản. Đây là một trong những chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Vũ Trọng

Từ khóa » Các Biện Pháp Giảm Tổn Thất Sau Thu Hoạch