Giải Pháp Khắc Phục Sự Suy Thoái đất Liếp Vườn Cây ăn Trái
Có thể bạn quan tâm
ĐTO - Tiềm năng kinh tế của mặt hàng trái cây ở Đồng Tháp rất lớn. Để mặt hàng này phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng xoài gắn với liên kết tiêu thụ. Tại đây, Giáo sư Tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Bảo Vệ đã chia sẻ cho nhà vườn tỉnh nhà về “sự suy thoái đất liếp vườn cây ăn trái và biện pháp khắc phục”. Sau đây là một số nội dung tham luận của Giáo sư tại hội thảo.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ phát biểu tại hội thảo
Nhận diện đất liếp vườn bị suy thoái
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cộng với các yếu tố ánh nắng, ẩm độ không khí, đất đai, nguồn nước thuận lợi cho sản xuất rất nhiều loại cây ăn trái như xoài, cam, quýt ... Trong đó có nhiều loại trái cây có tính cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, ĐBSCL là vùng đất thấp, hàng năm có mùa nước nổi, bị úng ngập vào mùa mưa, vì vậy để trồng cây ăn trái, nhà vườn phải đào mương lên liếp. Đào mương để thoát nước trong mùa mưa và dẫn nước tưới vào mùa khô, còn lên liếp là để nâng cao tầng đất mặt và làm dày tầng canh tác. Do vậy, liếp luôn ở địa hình cao. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với việc đê bao khép kín không được phù sa bồi đắp lại trồng thâm canh làm cho đất liếp vườn mau suy thoái.
Theo Giáo sư, qua khảo sát thực tế, dễ nhận thấy rõ nhất thực trạng đất liếp vườn cây ăn trái bị suy thoái là chất hữu cơ trong đất giảm mạnh. Khi nhiệt độ, ẩm độ cao và đất không bị ngập nước là điều kiện tốt cho vi sinh vật phân hủy nhanh chất hữu cơ của đất liếp. Bên cạnh đó, việc bổ sung chất hữu cơ lại bị hạn chế do xác bã thực vật có trên mặt liếp dễ bị rửa trôi xuống mương vườn. Hai yếu này đã làm nghèo chất đạm cơ hữu, khả năng giữ nước và khí dưới ngưỡng bình thường của đất.
Ngoài ra, với lượng mưa nhiều hàng năm kết hợp với lượng nước tưới dư thừa trong mùa nắng đã làm đất liếp mau nén dẽ, cản trở nước tưới thấm vào đất. Hiện tượng này còn gây cho rễ thiếu không khí thở dẫn đến hệ lụy cây kém phát triển, năng suất thấp.
Do chiều rộng của liếp vườn thường chỉ khoảng từ 4-8m nên khi mưa dầm hoặc tưới nhiều, nước chảy tràn làm trôi lớp đất mặt xuống mương vườn. Lâu dần liếp vườn càng ngày thấp và đất trở nên kém màu mỡ cũng gây nên tình trạng thoái hóa đất liếp.
Với địa hình cao của đất liếp làm cho dưỡng chất theo nước xuống mương vườn khiến các nguyên tố base như Ca, Mg, K ít đi, làm giảm độ bảo hòa base. Do đó, đất vườn lâu năm thường có độ pH thấp. Một số dưỡng chất vi lượng như Zn, Mn nằm trong ngưỡng thiếu hụt để cung cấp cho cây trồng.
Quan trọng hơn, khi đất liếp bị suy thoái cũng là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh trong đất phát triển. Bệnh vàng lá, thối rễ, chảy mủ thân trên cây ăn trái ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Giải pháp cho nhà vườn
Từ những thực trạng trên, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ đưa ra một số giải pháp làm chậm tiến trình suy thoái đất liếp vườn cây ăn trái, nâng cao năng suất và phẩm chất cây trồng. Cụ thể, nhà vườn cần bón phân hữu cơ cho đất liếp với liều lượng từ 1-2kg/m2 phân hữu cơ vào đầu mùa nắng. Trước khi bón, dùng cuốc răng cào nhẹ mặt liếp để giúp đất giữ được phân hữu cơ (nếu đất liếp không có cỏ). Nên bón phân hữu cơ đã phân hủy và tưới thêm nấm Trichoderma để ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất.
Quản lý tốt cỏ trong vườn cũng là giải pháp làm giảm thoái hóa của đất liếp. Theo lý giải của Giáo sư, cỏ vườn có ích trong việc hạn chế sự rửa trôi lớp đất mặt, giữ xác bã thực vật và hạn chế sự đóng váng trên mặt liếp. Rễ cỏ còn làm đất thông thoáng và khi chết là nguồn cung cấp chất hữu cơ cho đất. Vào mùa mưa dầm, cỏ là những bơm sinh học giúp tầng đất sâu mau khô ráo. Do đó, không nên diệt cỏ mà chỉ cắt thấp khi cỏ vườn phát triển quá cao.
Nhà vườn cần nuôi dưỡng trùn đất và áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt. Trùn đất có nhiệm vụ cày hang giúp đất thông thoáng và xáo trộn chất hữu cơ vào đất liếp. Riêng việc áp dụng giải pháp tưới nhỏ giọt hạn chế được lượng nước tưới dư thừa, hạn chế sự rửa trôi lớp đất mặt và trực di dưỡng chất, ít tốn công lao động, hạn chế sự phát tán bệnh, giảm thất thoát phân bón...
Khi đất bị suy thoái, khoáng sét trong đất bị phá hủy, đất mất dần cấu trúc trở nên rời rạc, mềm nhão khi gặp nước sẽ kết dính đóng váng khi khô khiến đất trở nên bí chặt, kém thông thoáng. Nếu để tình trạng suy thoái kéo dài, đất trở nên già cỗi, bạc màu, sức sản xuất kém, năng suất và chất lượng của cây trồng giảm, lúc đó không thể khôi phục lại sức sống của đất. Bón vôi là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chận tiến trình suy thoái này, giảm ngộ độc sắt (Fe), nhôm (Al) và măngan (Mn) cho cây trồng, phục hồi cấu trúc đất làm đất thông thoáng, thấm nước tốt. Hàng năm, vào đầu mùa mưa nên bón khoảng 300-500kg/ha phân vôi để cung cấp Ca cho đất.
Giải pháp kế tiếp cho nhà vườn là bồi bùn mương cho đất liếp. Bùn đáy mương chứa nhiều xác bã hữu cơ, dưỡng chất và phù sa có thể sử dụng để bón cho đất liếp. Bồi bùn mương bằng cách tráng một lớp mỏng bùn dầy khoảng 3-5 phân đều trên mặt liếp vào mùa nắng. Không sử dụng bùn phèn hoặc lấy đất cứng đáy mương bón cho liếp vườn, vì thường là phèn tiềm tàng.
Y Du (lược ghi)
Từ khóa » Trồng Liếp Là Gì
-
Từ điển Tiếng Việt "liếp" - Là Gì?
-
Liếp Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Liếp - Wiktionary Tiếng Việt
-
Liếp Là Gì, Nghĩa Của Từ Liếp | Từ điển Việt
-
Từ Liếp Là Gì - Tra Cứu Từ điển Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Liếp - Từ điển Việt
-
Liếp Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Kỹ Thuật Lên Liếp Vườn Cây ăn Trái ở ĐBSCL
-
Top 19 Cái Liếp Là Gì Mới Nhất 2022 - Trangwiki
-
Trình Bày Vai Trò Và Quy Trình Lên Luống (liếp) Trong Công Việc Làm đất
-
Kỹ Thuật Trồng Dừa - Sở Khoa Học Và Công Nghệ Bến Tre
-
Kỹ Thuật Canh Tác Dưa Hấu An Toàn Trong Vụ Tết
-
Chương 9: ĐÀO MƯƠNG LÊN LIẾP - Kilopad