Giải Pháp Khai Thác, Sử Dụng Hiểu Quả Tài Nguyên Than Việt Nam

KIỀU KIM TRÚC - PHÓ BAN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TKV

Vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam

Việt Nam nằm trong top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ khá cao của Việt Nam giúp cải thiện mức sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Dự báo nhu cầu điện của Quy hoạch Điện VII, tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 8,1-8,7% giai đoạn (2001-2020), trong đó năm 2010 trên 100 tỷ kWh, năm 2020 là 330-362 tỷ kWh, năm 2030 là 695-834 tỷ kWh. Nhu cầu điện ngày càng lớn, khả năng cân đối tài chính để khai thác và chế biến 55-58 triệu tấn than sau năm 2015 là rất khó khăn. Nhu cầu than riêng cho ngành điện vào năm 2020 với công suất các nhà máy điện than là 36 nghìn MW để sản xuất 154,44 tỷ kWh, sẽ tiêu thụ 67,3 triệu tấn than. Năm 2030, công suất các nhà máy nhiệt điện than là 75.748,8 MW để sản xuất 391,980 tỷ kWh, tiêu thụ tới 171 triệu tấn than.

Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu than trước năm 2020. Nếu không đảm bảo được kế hoạch khai thác hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, tình huống phải nhập khẩu than sẽ xuất hiện sớm hơn vào khoảng năm 2017-2018. Điều đó cho thấy vấn đề đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện của Việt Nam sẽ chuyển từ giới hạn trong phạm vi một quốc gia thành một phần của thị trường quốc tế và chịu sự tác động thay đổi của nó.

Việt Nam là nước có tiềm năng về tài nguyên than. Tổng tài nguyên và trữ lượng tới hơn 48,7 tỷ tấn, bao gồm Bể than Đông Bắc (Quảng Ninh) hơn 8,8 tỷ tấn, Bể than đồng bằng sông Hồng hơn 39,3 tỷ tấn; các mỏ than nội địa Hải Phòng, Khánh Hòa, Na Dương, Nông Sơn, Khe Bố...) gồm 3,2 tỷ tấn; các mỏ than địa phương gồm 0,04 tỷ tấn và các mỏ than bùn hơn 0,3 tỷ tấn.

Bể than anthracite Đông Bắc đã được khai thác từ hơn 100 năm nay phục vụ tốt cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bể than á bitum Đồng bằng sông Hồng nếu tính tới độ sâu -3500m thì dự báo đạt đến 210 tỷ tấn. Than tại mỏ Na Dương là than lignite còn than bùn (peat coal) chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 5 tỷ m3).

Để tăng độ tin cậy và phát hiện thêm tài nguyên, theo Quy hoạch than 60/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn đến năm 2015 khối lượng thăm dò 1.600.000 mét khoan (dự kiến đến hết năm 2014 khoan được khoảng 732.836 m khoảng 35% so với quy hoạch), giai 2016¸2020 cần phải khoan 750.000 m.

Việc tiến hành khai thác than đảm bảo cho nhu cầu sản xuất điện hiện nay chủ yếu tập trung ở Bể than Đông Bắc (trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh), ngoài ra có một số mỏ than ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nông Sơn với sản lượng 46,98 triệu tấn; 48,28 triệu tấn và 44,33 triệu tấn, 42,85 triệu tấn than nguyên khai tương ứng với các năm 2010, 2011 và 2012, 2013. Kế hoạch dài hạn của ngành than phấn đấu đến năm 2015 sản lượng than thương phẩm đạt 55 triệu tấn (thực tế điều chỉnh chỉ đạt 46 triệu tấn) và khoảng 65-60 triệu tấn than vào năm 2020, và 66 - 70 triệu tấn vào năm 2025, trên 75 triệu tấn vào năm 2030, tương đối phù hợp với mục tiêu phát triển khai thác than đã được Chính phủ phê duyệt theo Quy hoạch phát triển ngành Than (Quy hoạch 60) và Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của VINACOMIN nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên trong giai đoạn 2025-2030 cho thấy khả năng khai thác và chế biến than của VINACOMIN cũng chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu than cho sản xuất điện, thực chất sản lượng than sẽ chỉ đủ cung cấp cho khoảng 12.000 MW, nghĩa là sản xuất được không quá 72 tỷ kWh mỗi năm, kể cả đến những năm 2025-2030, do đó cho thấy Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia nhập khẩu than trong giai đoạn 2017-2018.

Thực tế hiện nay toàn bộ sản lượng than khai thác bằng 02 phương pháp: lộ thiên và hầm lò, bao gồm 24 mỏ lộ thiên và 49 mỏ hầm lò, được phân bố chủ yếu tại tỉnh Quảng Ninh, phía Bắc Việt Nam, với tỷ lệ 50/50 và tỷ lệ khai thác than hầm lò tăng lên từ năm 2014 đến 2020 sẽ chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng sản lượng than. Các mỏ đang được đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và các kỹ thuật khai thác mỏ, đặc biệt là cơ giới hóa khai thác hầm lò đã góp phần tăng sản lượng và tiết kiệm chi phí. Đồng thời VINACOMIN đang nghiên cứu công nghệ khí hóa than ngầm, là một quy trình công nghệ nhằm chuyển đổi than từ dạng rắn thành dạng khí và cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Với công nghệ tiên tiến này, VINACOMIN có cơ hội mở rộng công tác thăm dò và khai thác trữ lượng than nằm từ độ sâu 300m xuống tới 1.200m so với mặt nước biển tại bể than Quảng Ninh, và tại bể than Đồng bằng Sông Hồng với sự hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài. Để có thể khai thác tận thu triệt để tài nguyên, TKV đang triển khai các đề tài nghiên cứu, dự án KHCN để nghiên cứu các giải pháp khai thác than dưới khu vực cần phải bảo vệ các công trình trên bề mặt (thành phố, khu dân cư, hồ nước, khu bảo tồn…) bằng các phương pháp chèn lò, tính toán để lại các trụ bảo vệ hợp lý…

Về đầu tư: Để đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực than trong 3-4 năm tới là đáng kể (chiểm khoảng 60% tổng nhu cầu đầu tư của TKV) để đầu tư phát triển các mỏ than mới; mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện tại. Các dự án lớn: Dự án mỏ hầm lò Núi Béo công suất 2 triệu tấn/năm; Dự án mỏ Khe Chàm III công suất 2,5 triệu tấn/năm; Dự án mỏ Hà Lầm 2,4 triệu tấn/năm; Dự án mỏ Khe Chàm II-IV 3,5 triệu tấn/năm; Dự án mỏ Mạo Khê 2 triệu tấn/năm. Vốn đầu tư mới cho các dự án than: năm 2014: 9.450 nghìn tỷ VNĐ; 2015 - 12.036 nghìn tỷ VNĐ; 2016 - 12.450 nghìn tỷ VNĐ; 2017 - 12.187 nghìn tỷ VNĐ; 2018 - 10.300 nghìn tỷ VNĐ; 2019 - 9.881 nghìn tỷ VNĐ và 2020 - 7.011 nghìn tỷ VNĐ.

Những thách thức phát triển ngành than đảm bảo an ninh năng lượng giai đoạn 2015-2030

- Những rủi ro không lường trước khi thăm dò, đánh giá trữ lượng than ở độ sâu hơn 300m so với mực nước biển ở vùng than Đông Bắc, và hơn -1000m ở đồng bằng sông Hồng do hạn chế về trình độ công nghệ thăm dò, phương pháp đánh giá (từ những năm 70) và kết quả là chi phí đầu tư lớn, sai số cao và độ tin cậy thấp;

- Tài nguyên than chưa được đánh giá theo nguyên tắc thị trường (chưa được định giá), do đó dẫn đến lãng phí, quản lý không hiệu quả và không thể chia sẻ và hội nhập với thị trường thế giới (chưa được coi là nguồn vốn để phát triển kinh tế xã hội);

- Hạn chế về áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa công nghệ khai thác than bằng phương pháp hầm lò ở các tầng sâu, điều kiện địa chất phức tạp, thông tin không tin cậy; rủi ro về mất an toàn cho con người và công trình, thiết bị máy móc cao, dẫn đến năng suất thấp, giá thành than cao và không đảm bảo lợi hiệu quả đầu tư và lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp mỏ.

- Nhu cầu về vốn đầu tư để phát triển và xây dựng mới các mỏ than hầm lò, và khai thác than ở đồng bằng sông Hồng để tăng sản lượng than đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong giai đoạn 2010-2030 được đánh giá khoảng 50-80 tỷ USD Đây là một thách thức rất lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam với quy mô nguồn vốn còn rất nhỏ và nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.

- Ở Việt Nam thời gian qua, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28-32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Do đó lượng than tiêu hao cho một đơn vị năng lượng của Việt Nam cao hơn nhiều không chỉ so với các nước phát triển, mà so cả với những nước trong khu vực. Đồng thời gây ra ô nhiễm môi trường và tăng phát thải khí nhà kính (GHG) tạo ra rủi ro cao về tính tuân thủ pháp luật và quy định về bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế.

- Biến đổi khí hậu đã làm mực mước biển dâng cao tác động lớn đến các công trình cảng, nhà máy chế biến than và các cơ sở hạ tầng của ngành than nằm ở dải ven bờ có thể bị ngừng trệ và thiệt hại nặng nề. Mặt khác, một số địa phương có tài nguyên than như Thái Bình, Hưng Yên thuộc Đồng bằng sông Hồng có thể bị ngập do nước biển dâng gây rủi ro cao cho việc đầu tư thăm dò và khai thác than tại đây

Một số nguyên tắc đổi mới để đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên than

Đối với Việt Nam, vấn đề khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên than năng lượng đặt đặt ra yêu cầu cấp thiết. Việt Nam đã đưa ra “Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2050’’ đã cho thấy tương lai Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, sử dụng và sản xuất năng lượng một cách hiệu quả với các quốc gia, tổ chức khu vực và trên thế giới.

Các giải pháp phát triển bền vững ngành than để góp phần nâng cao hiệu quả trong khai thác và sử dụng tài nguyên than được đề xuất trên cơ sở một số nguyên tắc sau đây:

- Nguyên tắc đầu tiên: Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn trong công tác thăm dò đánh giá tài nguyên và trữ lượng than theo xu hướng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

- Nguyên tắc thứ hai là ứng dụng các phương pháp mô hình hóa, tối ưu hóa trên cơ sở ứng dụng toán học và máy tính trong công tác đánh giá trữ lượng, lập quy hoạch và thiết kế khai thác và chế biến than.

- Nguyên tắc thứ ba là sự nhận thức về bản chất liên kết giữa ứng dụng khoa học công nghệ khai thác, chế biến than với điều kiện tự nhiên và địa chất mỏ than sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất và hạ giá thành.

- Nguyên tắc thứ tư chính là tầm quan trọng của thông tin. Thông tin về trữ lượng và chất lượng than phải được thay đổi theo tiêu chuẩn quốc tế, được hội nhập thị trường thế giới và khu vực, đặc biệt là thị trường tài chính mỏ.

- Nguyên tắc thứ năm mở rộng khái niệm xuất nhập khẩu than hợp lý với mục tiêu xuất khẩu than chất lượng cao, không phù hợp để sản xuất điện, và nhập khẩu than nhiệt phù hợp với sản xuất điện để đảm bảo cân đối thặng dư thương mại.

Một số giải pháp bảo đảm tiết kiệm tài nguyên than năng lượng

- Khai thác và sử dụng than một cách tiết kiệm và hiệu quả, trong quản lý cũng như ứng dụng công nghệ, và sử dụng than

- Đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ trong ngành than phù hợp với độ sâu khai thác lớn và có tính an toàn cao cho người và thiết bị

Một số giải pháp huy động vốn để đầu tư

- Thực hiện chiến lược huy động vốn theo từng ngành. Đối với công nghiệp than (i) huy động từ các khối ngân hàng trong nước với thời hạn 5-7 năm; (ii) các hợp đồng vay vốn song phương quốc tế; (iii) các khoản vay tài trợ nhập khẩu máy móc, thiết bị ngành than; (iv) phát hành trái phiếu trong nước, quốc tế.

- Bổ sung vốn từ cổ phần hóa: (i) thực hiện cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Thủ tướng Chính phủ; (ii) đẩy nhanh cổ phần hóa các tổng công ty lớn của Tập đoàn: Tổng công ty Điện, Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc;

- Tận dụng các khả năng tài chính cũng như kinh nghiệm quản lý từ các đối tác chiến lược.

Từ khóa » Than Mỡ ở Nước Ta được Khai Thác Tại Mỏ