Nhu Cầu Than Của Việt Nam [Kỳ 2]: Nguồn Cung Trong Nước Và Nhập ...
Có thể bạn quan tâm
Nhu cầu than của Việt Nam [Kỳ 1]: Dự báo đến năm 2035
KỲ 2: NGUỒN CUNG THAN TRONG NƯỚC VÀ NHẬP KHẨU
PGS, TS. NGUYẾN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
1/ Yêu cầu, nguyên tắc đáp ứng nhu cầu than:
Việc đáp ứng nhu cầu than phải đảm bảo yêu cầu: Đủ, kịp thời, ổn định với giá cả hợp lý. Trong bối cảnh địa chính trị khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai, dịch bệnh cũng như tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt; thị trường năng lượng và thị trường than thường xuyên biến động với biên độ ngày càng cao, để đáp ứng nhu cầu than đảm bảo các yêu cầu nêu trên, đòi hỏi phải nâng cao mức độ tự chủ trong việc cung ứng than, giảm thiểu rủi ro trong việc gián đoạn nguồn cung và giá bán tăng cao bằng các giải pháp ứng phó đồng bộ thích hợp. Theo đó, việc đáp ứng nhu cầu than phải tuân thủ nguyên tắc và theo trình tự ưu tiên như sau:
Thứ nhất: Trước hết đáp ứng bằng nguồn than khai thác trong nước. Việc khai thác than trong nước không chỉ để đáp ứng nhu cầu mà còn đảm bảo tính tự chủ trong việc cung ứng than, hiệu quả kinh tế - xã hội, việc làm và giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung do các nguyên nhân thị trường và phi thị trường. Nâng cao tính tự chủ bằng sản xuất trong nước đã được tái khẳng định rõ rệt, thuyết phục nhất qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua ở cả Việt Nam và các nước trên thế giới.
Thứ hai: Phần nhu cầu còn thiếu sẽ được đáp ứng bằng nguồn than nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở chiến lược bài bản, đảm bảo sự chắc chắn, ổn định lâu dài về nguồn cung với giá cả hợp lý.
Thứ ba: Với tư duy “người tính không bằng trời tính”, theo đó, cần xác lập hệ thống dự trữ than đồng bộ phù hợp với nhu cầu than và sản lượng than nhập khẩu ngày càng tăng cao nhằm mục tiêu “đảm bảo an ninh năng lượng là trên hết”.
2/ Nguồn cung từ khai thác than trong nước:
Theo dự báo trong QH 403/2016, sản lượng than thương phẩm trong giai đoạn đến năm 2030 dự kiến là (triệu tấn): Năm 2020: 47-50; năm 2025: 51-54; năm 2030: 55-57 [1].
Theo tài liệu [2], căn cứ vào thực trạng tài nguyên, trữ lượng than đã được thăm dò còn lại, lịch khai thác được lập theo QH403/2016 sản lượng than nguyên khai và than thương phẩm sản xuất trong nước được rà soát và cập nhật đến năm 2035 như sau (triệu tấn): Năm 2020: 44; năm 2025: 45; năm 2030: 53 và năm 2035: 55 triệu tấn (chi tiết xem Bảng 1).
Bảng 1: Sản lượng than sản xuất trong nước giai đoạn 2020 - 2035. Đơn vị: Nghìn tấn.
TT | Chủng loại than | 2020 | 2025 | 2030 | 2035 |
1 | Than nguyên khai | 50 062 | 55 788 | 59 930 | 61 872 |
2 | Than thương phẩm | 44 313 | 49 415 | 53 130 | 54 795 |
2.1 | Than sạch sản xuất | 41 298 | 44 966 | 48 983 | 50 411 |
2.1.1 | Than cục các loại | 1 596 | 1 693 | 1 948 | 2 323 |
2.1.2 | Than cám | 39 583 | 43 036 | 46 768 | 47 826 |
2.1.3 | Than bùn tuyển | 119 | 237 | 268 | 262 |
2.2 | Than tiêu chuẩn cơ sở | 1 383 | 1 347 | 1 206 | 1 444 |
2.3 | Than bùn địa phương | 1 425 | 2 850 | 2 850 | 2 850 |
2.4 | Than mỡ | 207 | 252 | 90 | 90 |
Để đạt được mức sản lượng than dự kiến nêu trên, theo QH403/2016, từ năm 2016 đến 2030 toàn ngành than cần tổng nhu cầu vốn đầu tư là 269.006 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm. Với tình hình tài nguyên than có mức độ nghiên cứu, thăm dò còn thấp (trữ lượng chỉ chiếm 4,6% tổng tài nguyên than), điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, phức tạp cộng với chính sách thuế, phí tăng cao làm cho giá thành than ngày càng tăng cao, trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn hẹp, do vậy, trong thời gian tới ngành than không những phải đối mặt với nguy cơ bị lỗ mà việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sẽ vô cùng khó khăn.
3/ Cân đối cung cầu than trong nước và nhu cầu nhập khẩu than:
Nguyên tắc cân đối: Việc cân đối than sản xuất trong nước cho các hộ tiêu thụ trong nước thực hiện theo nguyên tắc sau: Ưu tiên cấp tối đa than cho sản xuất điện (bao gồm các chủng loại than cám 4b, cám 5, cám 6, cám 7); sản lượng than còn lại cân đối cho các hộ theo thứ tự ưu tiên là: phân bón, hóa chất → xi măng → các hộ khác. Riêng luyện kim sử dụng than cốc nên cân đối hết các nguồn than cốc trong nước sản xuất được cho luyện kim, còn thiếu sẽ nhập khẩu.
Theo tinh thần đó, sau khi loại trừ sản lượng các mỏ than bùn địa phương, than Đồng bằng Sông Hồng, sản lượng than (nêu ở bảng 1) còn lại có thể đem cân đối nhu cầu là (trong đó than đủ tiêu chuẩn để cấp cho sản xuất điện chiếm khoảng 80%): Năm 2020: 43 triệu tấn (cho điện khoảng 35 triệu tấn), năm 2025: 46 triệu tấn (cho điện 36,3 triệu tấn), năm 2030: 48 triệu tấn (cho điện 39,8 triệu tấn) và năm 2035: 49 triệu tấn (cho điện 39,5 triệu tấn).
Như vậy, than trong nước cho điện chỉ đủ cung ứng cho 17 nhà máy nhiệt điện sử dụng antraxit: Phả Lại 1, 2; Uông Bí 1 (mở rộng 1 và 2); Ninh Bình; Na Dương 1 và 2; Cao Ngạn; Cẩm Phả 1 và 2; Sơn Động; Mạo Khê; Mông Dương 1 và 2; Quảng Ninh 1 và 2; Hải Phòng 1 và 2; Nông Sơn và 12 nhà máy nhiệt điện sử dụng than pha trộn antraxit trong nước, than nhập khẩu gồm: An Khánh 1; Thái Bình 1 và 2; Hải Dương; Nam Định 1; An Khánh - Bắc Giang; Thăng Long; Vũng Ánh 1; Nghi Sơn 1; Vĩnh Tân 1 và 2; Duyên Hải 1.
Còn lại 28 nhà máy nhiệt điện phải sử dụng 100% than bitum, á bitum nhập khẩu: Hải Phòng 3; Quảng Ninh 3; Nghi Sơn 2; Công Thanh; Vũng Áng 2 và 3; Quảng Trách 1 và 2; Quỳnh Lập 1 và 2; Quảng Trị; Fonmosa - Hà Tĩnh; Hải Hà - Đồng Phát; Vĩnh Tân 3; Duyên Hải 2 và 3; Vân Phong 1; Long Phú 1, 2 và 3; Sông Hậu 1 và 2; Long An 1 và 2; Vĩnh Tân 4; Fonmosa - miền Nam; Than miền Nam.
Để đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 25 triệu tấn vào năm 2020, khoảng 50 triệu tấn vào năm 2025 (trong đó, các nhà máy nhiệt điện BOT tự thu xếp khoảng 25 triệu tấn); khoảng 80 triệu tấn vào năm 2030 (trong đó các nhà máy nhiệt điện BOT tự thu xếp khoảng 40 triệu tấn) và khoảng 88 triệu tấn vào năm 2035 (trong đó, các nhà máy nhiệt điện BOT tự thu xếp khoảng 43 triệu tấn).
Than cho phân bón, hóa chất: Từ năm 2020 trở đi than trong nước sẽ không cung ứng đủ cho ngành hoá chất. Khả năng đáp ứng than cho ngành hoá chất đạt trung bình khoảng 3,0 ÷ 3.4 triệu tấn/năm (đáp ứng khoảng 70% nhu cầu than cho hoá chất, thiếu khoảng 1,6 ÷ 2,0 triệu tấn).
Than cho xi măng: Từ năm 2020, trở đi sẽ thiếu than cho xi măng với khối lượng khoảng từ 3 đến 4,5 triệu tấn/năm, tương đương 65% nhu cầu than cho xi măng.
Than cho luyện kim: Chủ yếu sử dụng than cốc - là chủng loại than trong nước sản xuất được rất hạn chế, không đủ để cung cấp. Ngành thép phải nhập khẩu than cốc để phục vụ sản xuất gang với khối lượng 4,0 tới 7,0 triệu tấn/năm. Trong những năm tới, khi nhu cầu cho sản xuất gang tăng cao, cần thiết phải tìm thị thường để nhập khẩu lâu dài.
Than cho các hộ khác: Nhu cầu sử dụng của các hộ khác chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Khả năng cung cấp than cho các hộ khác chỉ đạt khoảng 1,0 ÷ 3,0 triệu tấn/năm. Do vậy, từ năm 2020 than cho các hộ khác sẽ thiếu khoảng 4,0 ÷ 5,0 triệu tấn/năm, cần có cơ chế khuyến khích các hộ này chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng khác.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam việc nhập khẩu than có một số khó khăn, thách thứ: Việt Nam mới tham gia thị trường nhập khẩu than nhiệt (steam coal), trong khi thị trường này đã được các tập đoàn tài chính - thương mại lớn trên thế giới sắp đặt “trật tự” và chi phối từ lâu; có sự cạnh tranh gay gắt của các nước, nhất là các nước trong khu vực; cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than còn yếu, năng lực vận chuyển đường thủy nội địa từ cảng biển về các nhà máy nhiệt điện than quá mỏng; cơ chế chính sách và tổ chức nhập khẩu than còn nhiều bất cập.
4/ Định hướng nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài:
Lựa chọn nguồn cung cấp than: Trước mắt và trung hạn là thị trường than Indonesia và Úc. Trong dài hạn, ngoài thị trường Úc cần tập trung mở rộng sang thị trường Nga, Nam Phi và một số thị trường tiềm năng khác như Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Côlômbia...
Giải pháp đảm bảo nguồn cung: Mục tiêu lớn nhất của nhập khẩu than cho sản xuất nhiệt điện là đảm bảo được nguồn cung ổn định trong dài hạn (theo vòng đời nhà máy điện) với giá cạnh tranh. Để thực hiện được mục tiêu đó cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo nguồn cung như sau:
Thứ nhất: Đa dạng hoá nguồn cung.
Thứ hai: Đầu tư chiếm lĩnh thị trường đảm bảo thị phần chắc chắn, ổn định.
Thứ ba: Áp dụng phương thức mua và định giá than phù hợp.
Theo kinh nghiệm của các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… để có nguồn cung than ổn định cho sản xuất điện, cần phải đầu tư mua mỏ ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây là dạng đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, dó đó, cần có chiến lược bài bản và Chính phủ phải có sự hỗ trợ thích đáng bằng các hình thức thích hợp từ cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư, hợp tác quốc tế, đường lối ngoại giao năng lượng v.v...
Theo kinh nghiệm nhập khẩu của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc (nhập khẩu hàng năm từ 120 ÷ 180 triệu tấn than) thì tỷ lệ giữa việc nhập khẩu than từ đầu tư (bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) và nhập khẩu than theo hợp đồng thương mại khoảng 50/50. Vì vậy, để đảm bảo nguồn than cung cấp lâu dài và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than, việc nhập khẩu than cần thiết phải gắn liền với đầu tư khai thác mỏ than ở nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu này, trong ngắn và trung hạn cần tăng cường tìm kiếm mỏ để đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp - mua cổ phần) tạo nguồn than nhập khẩu từ các nước như Inđônêxia, Úc… Về dài hạn, cần mở rộng sang khu vực Viễn Đông, miền Nam Liên bang Nga, Ukraina v.v.. Trong quá trình đầu tư cần đa dạng hóa các hình thức như: Đầu tư các mỏ mới hoặc mua lại mỏ để thăm dò, khai thác; mua cổ phần của các công ty đang khai thác và xuất khẩu để giành quyền mua lượng than tương ứng với tỷ lệ cổ phần đầu tư.
Đối với việc mua theo hợp đồng thương mại để đảm bảo cạnh tranh và tránh rủi ro cần đa dạng các hình thức hợp đồng nhập khẩu than như: Hợp đồng dài hạn, hợp đồng theo năm hay hợp đồng theo từng chuyến với tỷ lệ từng loại than và cơ chế định giá phù hợp.
Về lĩnh vực này, các điện lực Nhật Bản đã có nhiều đổi mới phương thức mua than nhằm mục đích đảm bảo hiệu quả kinh tế và cung cấp ổn định trong sự thay đổi nhanh chóng môi trường kinh doanh và thị trường than nhiệt. Ví dụ như đa dạng hóa kỳ hạn hợp đồng và áp dụng giá liên kết chỉ số (giá thả nổi), thậm chí còn ký hợp đồng bảo hiểm rủi ro với các định chế tài chính để cho phép họ lựa chọn giá thả nổi cố định (fixing floating prices) bất kỳ khi nào họ muốn.
Về tổ chức nhập khẩu than: Kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc thì tập trung chủ yếu vào các đơn vị có tiềm lực tài chính, có cơ sở hạ tầng bến cảng, kho bãi đảm bảo môi trường, trong đó bao gồm các đơn vị tiềm lực lớn như: TKV, EVN, PVN, Tổng công ty Đông Bắc và các chủ đầu tư nhà máy điện, nhà máy xi măng lớn và các đơn vị thương mại đáp ứng các điều kiện về kinh doanh than.
KỲ TỚI: CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP
Tài liệu tham khảo:
[1] Điều chỉnh “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016.
[2] Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, 2016, “Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến 2025, có xét đến 2035" (dự thảo).
[3] BP Statistical Review of World Energy 2019.
[4] Nguyễn Cảnh Nam: Than, điện than tăng trưởng trong sự phân hóa theo xu thế tất yếu. NangluongVietnam Online 05:53 |25/09/2019.
[5] Niên giám Thống kê Việt Nam 2017.
[6] Energy, Environment and Economy: Prospects and Challenges until 2050 - IEEJ Outlook 2018. The Institute of Energy Economics, Japan – IEEJ, October 2017.
[7] BP Statistical Review of World Energy 2020.
Từ khóa » Than Mỡ ở Nước Ta được Khai Thác Tại Mỏ
-
Than Mỡ ở Tây Bắc Việt Nam Và Kết Quả Nghiên Cứu Chế Tạo Than ...
-
Than Mỡ Là Gì? | Có Ứng Dụng Gì Trong Ngành Công Nghiệp Hiện ...
-
Bộ TN&MT đóng Cửa Một Phần Mỏ Than Mỡ Lớn Nhất Đông Nam Á
-
Các Loại Than đá Phổ Biến ở Việt Nam - THUAN HAI
-
[PDF] TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TUYỂN THAN MỠ Ở VIỆT NAM
-
Ở Nước Ta Than đá được Khai Thác Chủ Yếu ở đâu?
-
Công Nghiệp Khai Thác Than Trên Thế Giới - - Vinacomin
-
Than – Nguồn Tài Nguyên Quý Của Việt Nam
-
Thông Tư 7-MT/TT Của Bộ Mỏ Và Than Ban Hành Ngày 23/07/1982
-
Bộ TN-MT đóng Cửa Một Phần Mỏ Than Mỡ Lớn Nhất Đông Nam Á
-
Khai Thác Mỏ Than Vĩnh Phước (Quảng Nam) Thời Pháp Thuộc
-
Giải Pháp Khai Thác, Sử Dụng Hiểu Quả Tài Nguyên Than Việt Nam
-
Quảng Ninh đóng Cửa Mỏ Than Lộ Thiên: Tài Nguyên đã Cạn Kiệt?
-
Đảm Bảo Khai Thác Than Hiệu Quả Và Chú Trọng Bảo Vệ Môi Trường