Giải Phẫu Bệnh Tụy Tạng
Có thể bạn quan tâm
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Tụy của người trưởng thành dài khoảng 15 cm, nặng 60-100g, gồm đầu tụy, thân tụy và đuôi tụy. Ở đầu tụy có ống Wirsung dẫn dịch ngoại tiết vào tá tràng. Tụy là một tạng ẩn vì không sờ được khi thăm khám bụng, nhưng lại liên quan chặt chẽ với các tạng và mô xung quanh như tá tràng, đại tràng ngang, thùy trái gan... nên bệnh của tụy như viêm, u, thường gây bệnh thứ phát các cơ quan trên.
Về mô học và sinh lý học, tụy gồm tụy nội tiết và tụy ngoại tiết. Tụy ngoại tiết gồm nhiều nang tuyến nhỏ họp thành tiểu thùy trên một nền mô đệm sợi thưa. Các nang tuyến được lót bởi các tế bào trụ cao, sắp xếp thành hình tháp chừa một lòng rất nhỏ. Các tế bào này cũng có các vi nhung mao, bào tương sậm màu kiềm do có nhiều lưới nội sinh chất hạt, bộ Golgi phát triển và đỉnh tế bào có chứa các hạt zymogen. Hệ thống ống tụy nối liền các nang và dẫn vào các ống lớn dần, cuối cùng đổ vào ống Wirsung và Santorini. Tế bào lót ống hình trụ thấp và chế nhầy.
Tụy nội tiết gồm các tiểu đảo Langerhans, là các tế bào hợp thành dây đám trên nền mô đệm sợi thưa rất giàu mạch máu. Các tiểu đảo nằm rải rác trong mô tụy, ngăn cách với các nang tuyến bởi một lớp sợi võng mỏng.
Dị tật bẩm sinh
Vô tạo tụy hiếm gặp. Các dị dạng thường gặp hơn là:
(1) Đầu tụy tách rời đuôi tụy,
(2) Tụy vòng: đầu tụy tạo thành vòng quấn quanh tá tràng, đôi khi gây tắc nghẽn tá tràng,
(3) Dị dạng ống tụy: ống Wirsung và ống Santorini hoàn toàn tách rời. Ống Wirsung đổ chung vào ống mật chủ, hoặc đổ vào một lỗ trên bóng Vater.
Tụy lạc chỗ
Khá phổ biến: khoảng 2% số ca tử thiết có tụy lạc chỗ. Vị trí thường gặp: dạ dày, tá tràng, kế đến là túi thừa Meckel và hồi tràng. Ngoại lệ có khi tụy lạc chỗ ở thực quản, phổi. Tụy lạc chỗ có thể một hay nhiều ổ, đường kính vài mm đến vài cm, mật độ chắc, màu vàng nâu, ở lớp dưới niêm mạc, nên dễ nhầm với tổn thương ác tính. Về vi thể, tụy lạc chỗ gồm các nang tuyến tụy giống mô tụy bình thường, đôi khi có cả tiểu đảo Langerhans.
Tụ sắc tố tụy
Hemosiderin lắng đọng ở các nang tuyến và tiểu đảo tụy làm tụy có màu nâu sậm.
Tụ mỡ tụy
Mỡ len vào tách các tiểu thùy tụy, bao bọc mô tụy, tạo hình ảnh mô tụy bị mỡ thay thế, nhưng thực ra tụy vẫn còn khối lượng bình thường. Bệnh sinh chưa rõ.
Tụy trong bệnh tiểu đường
Trong bệnh tiểu đường, tiểu đảo Langerhans bị xơ hóa. Trong bệnh tiểu đường ở thiếu niên, có hoại tử tế bào bêta, thấm nhập bạch cầu ái toan và limphô bào. Trong bệnh tiểu đường ở người trưởng thành, có thoái hóa bột.
Thiểu dưỡng tụy
Nguyên nhân:
(1) Xơ mỡ động mạch tụy gây thiếu máu,
(2) Suy dinh dưỡng,
(3) Tắc ống tụy do hẹp bẩm sinh, viêm, sỏi, u...
Trong thiểu dưỡng tụy do tắc ống tụy, tụy teo nhỏ, xơ hóa. Dưới kính hiển vi, thấy mô đệm sợi mỡ thay thế hoàn toàn các nang tụy, hoặc chỉ còn sót lại vài nang dãn rộng, các tiểu đảo thưa thớt.
Tụy trong bệnh tăng u rê huyết
Khoảng phân nửa số bệnh nhân tử vong vì suy thận có các biến đổi vi thể ở tụy: các túi tuyến dãn rộng chứa đầy chất nhầy, mô đệm thấm nhập nhiều limphô bào. Bệnh sinh chưa rõ.
Viêm tụy
Viêm tụy cấp xuất huyết
Thường xảy ra ở tuổi trung niên, có liên quan rõ ràng với bệnh đường mật và hoặc với uống rượu. Ở trẻ em, viêm tụy cấp xuất huyết có liên quan yếu tố di truyền. Các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn: chấn thương, loét dạ dày tá tràng, nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm virus, bệnh cường giáp, tăng lipid, tăng canxi máu. Một số thuốc như corticoid, sulfonamid và thuốc ngừa thai cũng có thể gây viêm tụy. Khoảng 10% bệnh nhân bị viêm tụy cấp không có nguyên nhân rõ rệt.
Bệnh do các enzym tụy (có khoảng 22 loại: 15 loại protease, 5-6 loại amylase, lipase và phospholipase) bị hoạt hóa gây hiện tượng tự hủy tụy. Nhưng yếu tố nào khởi phát hoạt hóa các enzym tụy và enzym nào giữ vai trò chủ chốt vẫn chưa rõ. Các enzym tụy bị hoạt hóa gây tiêu hủy mô tụy, hoại tử mạch máu, xuất huyết. Giai đoạn sớm, tụy phù nề, căng cứng, dần dần, hoại tử màu xám nhạt, có những đốm xuất huyết màu xanh sậm xen lẫn những vùng hoại tử mỡ màu vàng nhạt, bóng (còn gọi là vết nến) làm bề mặt tụy giống hình tấm bản đồ. Ổ bụng chứa dịch màu nâu nhạt, có những giọt mỡ giống nước sốt gà, là điểm đặc trưng của dịch ổ bụng trong viêm cấp. Dịch này có thể bị bội nhiễm gây viêm phúc mạc mủ. Vết nến còn có thể có ở màng bụng, mạc treo ruột, hoặc ngoài ổ bụng do các enzym lipase theo máu đến khắp cơ thể.
Bệnh khởi phát đột ngột, đau bụng cấp sau một bữa tiệc lớn nhiều rượu. Đau liên tục, dữ dội, nhanh chóng trụy tim mạch do xuất huyết, rối loạn điện giải và do các chất dãn mạch như bradykinin, prostaglandin. Nếu bệnh nhân có sẵn bệnh đường mật, hoặc có biến chứng viêm mật cấp thì có vàng da. Trong 24 giờ đầu, amylase máu tăng, còn lipase máu tăng chậm trong 72 - 96 giờ sau, nhưng cả 2 về mức bình thường sau 5 - 6 ngày. Đường huyết tăng nhẹ do có rối loạn hoạt động tiểu đảo tụy. Tuy vậy, có một số bệnh nhân bị tiểu đường thật sự sau viêm tụy cấp
Viêm tụy mạn
Là hậu quả của những đợt viêm tụy cấp. Có 2 thể:
Viêm tụy mạn ở người nghiện rượu
Mô tụy bị chia cắt thành nhiều tiểu thùy, các ống liên thùy dãn rộng, lắng đọng các hạt protein trong lòng ống, các túi tuyến teo, tế bào nang tuyến có thể chuyển sản gai. Tuy nhiên, các tiểu đảo tụy ít bị ảnh hưởng. Sờ nắn thấy tụy cứng hơn bình thường vì có nhiều ổ canxi hoặc do sỏi carbonate canxi trong ống tụy. Thể viêm tụy này hay dẫn tới hình thành bọc giả tụy.
Viêm tụy mạn do tắc mật
Hẹp cơ vòng Oddi hoặc sỏi mật gây tắc mật và biến chứng viêm tụy mạn. Tổn thương chủ yếu ở đầu tụy, niêm mạc nang tuyến ít bị hủy hoại hơn trong thể trên.
Bọc tụy tạng
Ít gặp, nhưng trên lâm sàng, với dấu hiệu của một khối trong bụng, có thể gây chẩn đoán nhầm lẫn với các u thật.
Bọc tụy tạng bẩm sinh
Do sự phát triển của ống tụy. Trong quá trình hình thành tụy tạng, hệ thống ống tụy phát triển dần cho đến thời kỳ trưởng thành. Nếu các ống nguyên thủy còn tồn tại, có thể có các ổ tế bào chế tiết của ống, tiết ra dịch tạo thành các bọc.
Thường có nhiều bọc nhưng đôi khi chỉ có một bọc, có đường kính 3 đến 5 cm lót bởi một lớp màng mềm và trơn láng. Lớp màng này là các tế bào thượng mô teo đét xếp liền nhau hoặc là các tế bào thượng mô lập phương thấp hay dẹt. Bên ngoài bọc là vỏ bao sợi mỏng. Bên trong bọc chứa thanh dịch hoặc dịch nhầy. Có khi có xuất huyết hoặc bội nhiễm làm thay đổi hình thái tế bào thượng mô và chất dịch.
Bệnh bọc bẩm sinh của tụy, gan, thận rất ít khi xảy ra trên cùng một bệnh nhân. Riêng trong cùng một loại bệnh rất hiếm gặp, bệnh Lindau-von Hippel, bệnh nhân có bọc ở 3 tạng trên kèm theo các u mạch máu ở võng mạc và tiểu não hoặc đại não.
Bọc giả của tụy
Khoảng 75% các bọc của tụy là bọc giả. Các loại bọc khác gồm bọc do bướu thật, bọc do ứ đọng, bọc bẩm sinh.
Bọc giả có vỏ bao bằng mô sợi viêm. Bọc có thể nằm trong mô tụy, nhưng thường nằm bên ngoài và chỉ dính với mô tụy bởi mô viêm đặc biệt là ở vùng đuôi tụy. Đôi khi bọc nằm trong túi mạc nối nhỏ. Bọc là hậu quả của quá trình tự tiêu và hoại tử mô sau viêm tụy cấp do rượu, mật, chấn thương.
Hình thái:
Bọc thường có đường kính 3-10 cm, chứa đầy chất dịch đục có mô hoại tử-xuất huyết và nhiều men của dịch tụy. Mặt trong vách bọc không có thượng mô lót, chỉ có tơ huyết, mô viêm hạt (với sắc tố hemosiderin và đại thực bào) và chất collagen thưa. Nếu bọc có đã lâu, vách bọc dày và có nhiều collagen hơn.
Bọc có thể thông với hệ thống ống dẫn, có thể làm lẹm vách các mạch máu chính của hệ thống cửa, gây thuyên tắc, xuất huyết hoặc hoại tử mỡ lan rộng. Mô tụy kế cận có thể bị viêm cấp nặng hoặc viêm mạn tính. Đôi khi, bọc có thể gây đau bụng.
Chẩn đoán phân biệt với 2 loại u dạng bọc ở tụy, là:
U bọc nhầy của tụy.
U đặc dạng nhú của tụy.
Cả 2 loại u này đều có hình thái đại thể bên ngoài giống bọc giả của tụy, nhưng có thể được phân biệt dễ dàng dưới kính hiển vi vì cả 2 đều có tế bào thượng mô viền mặt trong vỏ bao. Ngoài ra, 2 loại u thật này thường có ở giới nữ trong khi bọc giả tụy thường có ở giới nam hơn.
Bọc giả của tụy, hầu như luôn luôn xảy ra cùng với viêm tụy tạng, có thể cũng xảy ra sau một chấn thương bụng với tổn thương trực tiếp và xuất huyết tụy tạng. 9/10 bọc giả của tụy có tiền căn viêm hoặc chấn thương tụy tạng.
Trong những năm gần đây, các kỹ thuật chẩn đoán như siêu âm, chụp X quang điện toán cắt lớp đã giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán xác định bọc của tụy. Bọc giả của tụy thường không có vách ngăn trong bọc.
Bọc tân tạo
Có thể là u tuyến bọc hoặc carcinom tuyến bọc. Rất hiếm gặp.
U thường đơn độc, đường kính từ 5 - 15cm, thường có vách ngăn trong u chia u ra làm nhiều bọc nhỏ. U lót bởi một lớp thượng mô với những nhú nhô vào lòng u.
Nếu là u lành, lớp thượng mô trụ cao sắp xếp đều đặn với màng đáy rõ ràng và không có tế bào thoái sản, không có chồng chất tế bào, không có xâm nhập.
Nếu là carcinom, lớp thượng mô mang các đặc tính của u ác, tế bào thượng mô xếp chồng chất, không đều, xâm nhập vách bọc và mô lân cận.
Carcinom tụy tạng
Là loại ung thư của phần tụy ngoại tiết.
Trong mô tụy bình thường, các tế bào ống tụy chỉ chiếm tỉ lệ 4% các tế bào tụy. Nhưng hầu hết carcinom tụy tạng lại xuất nguồn từ tế bào thượng mô ống tụy. Chỉ có 1% xuất nguồn từ tế bào túi tuyến.
Bệnh có tử suất cao vì thường có triệu chứng muộn, chỉ được chẩn đoán khi đã trễ. Theo Nguyễn Chấn Hùng và cs., tại TP. Hồ Chí Minh, năm 1997, trong 10 loại ung thư có xuất độ cao nhất, ung thư tụy tạng đứng hàng thứ 8 ở giới nam. Bệnh nhân thường đến trễ khi đã có dấu hiệu vàng da tắc mật. Ở Hoa Kỳ, bệnh chiếm 5% các trường hợp tử vong và mỗi năm có 25.000 trường hợp bệnh mới với 22.000 người chết. Xuất độ bệnh tăng gấp 3 lần từ 40 năm nay, có lẽ do thuốc lá (người hút thuốc là nhiều dễ bị ung thư tụy gấp 2 đến 2,5 lần người không hút thuốc), thực phẩm (nhiều mỡ, nhiều calories), các hoá chất sinh ung (xuất độ bệnh cao ở những người tiếp xúc thường xuyên với các hoá chất kỹ nghệ, đặc biệt là b-naphthylamine, benzidine). Trên động vật thí nghiệm, chất nitrosamines có thể gây ung thư tụy.
Tuổi mắc bệnh thường nhất là 60 đến 80 tuổi. Chỉ có 10% có ở người trẻ. Xuất độ bệnh cao ở người da đen hơn là da trắng, ở nam giới hơn là nữ giới, ở người bị bệnh tiểu đường hơn là người không bị bệnh tiểu đường.
Vị trí tổn thương có ở đầu tụy là 60%, thân tụy 15 - 20%, đuôi tụy 5%. Có 20% các trường hợp, tổn thương lan toả hoặc đã lan rộng không thể xác định vị trí ban đầu. Trong các vị trí bị tổn thương thì đầu tụy có nhiều biểu hiện lâm sàng sớm và nhiều nhất: vì ở đó u chèn ép bóng Vater, ống mật chủ, tá tràng gây tắc mật. Nhờ vậy, u thường được phát hiện sớm khi còn nhỏ và chưa có lan rộng.
Còn ở thân và đuôi tụy, u thường được phát hiện trễ, khi đã lớn và có di căn xa.
Carcinom của đầu tụy
U thường nhỏ, chỉ làm cho đầu tụy hơi to, hoặc có khi có dạng cục nhỏ khó nhận biết được từ bên ngoài. Hiếm khi u to đến 8-10 cm. Mô u đồng nhất, xơ, không có giới hạn rõ và bờ rõ ràng, màu trắng xám thay thế cho mô tụy bình thường màu vàng và có thùy. U có thể ăn lan đến bờ tá tràng và ống mật chủ, đôi khi tạo thành tổn thương sùi vào lòng tá tràng hoặc loét.
U có thể xâm nhập gây tắc ống mật chủ, bóng Vater. Những bệnh nhân bị carcinom đầu tụy thường bị tắc mật nặng, có thể có xơ gan tắc mật và thường chết do suy gan hơn là do u lan rộng.
Vi thể:
Hầu hết là carcinom tuyến biệt hoá, có thể có hoặc không có chế tiết nhầy. Các tuyến ung thư thường không điển hình, không đều, nhỏ, lót bởi những tế bào lập phương hoặc trụ thoái sản. Một số ít trường hợp, u có cấu trúc không biệt hoá, 10% có cấu trúc tuyến-gai, hoặc có nhiều đại bào dị dạng, nhiều phân bào, 0,5% xuất nguồn từ các bọc và có tên là carcinom tuyến bọc. Hiếm khi u xuất nguồn từ túi tuyến, đó là carcinom tế bào túi tuyến, loại đặc biệt ở trẻ em.
Carcinom của thân và đuôi tụy
U thường to, cứng, không đều, đôi khi chiếm trọn hết đuôi và thân tụy. Đặc tính đại thể và vi thể giống như carcinom đầu tụy.
U thường ăn lan rộng hơn carcinom đầu tụy, ăn lan đến cột sống gần đó, ăn lan lên trên và xuống dưới đến các khoảng trống sau phúc mạc, đến lách và thượng thận, đến dạ dày và đại tràng.
U cho di căn đến các hạch tụy tạng, quanh dạ dày, mạc treo, đại võng, cuống gan. Di căn gan dưới dạng các nốt làm gan to gấp 2 đến 3 lần bình thường.
Carcinom tụy tạng thường có biểu hiện lâm sàng trễ, sau vài tháng hoặc vài năm. Các triệu chứng chính gồm: sụt cân (70% trường hợp), đau bụng (50%), đau lưng (25%), kém ăn, buồn nôn, ói, yếu mệt. Carcinom tụy tạng là một bệnh không gây đau cho đến khi diễn tiến xa, là nguyên nhân gây vàng da vàng mắt không kèm đau (50% bệnh carcinom đầu tụy có vàng da vàng mắt).
Thời gian trung bình từ lúc có triệu chứng cho đến khi có chẩn đoán chắc chắn là 4 tháng và từ lúc được chẩn đoán đến lúc gây tử vong là 3 đến 5 tháng. Vì vậy, người ta đã tìm cách để chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm bằng cách tìm các chất đánh dấu u, đó là đo isoenzyme galactosyl transferase trong huyết thanh. Loại isoenzyme này tăng cao khi có ung thư tụy hoặc ống tiêu hoá.
Chẩn đoán và định vị trí của ung thư thì dựa vào siêu âm, vào chụp X quang điện toán cắt lớp, có thể kết hợp với sinh thiết bằng kim qua da mà không cần mổ bụng thám sát.
Carcinom của tụy (và carcinom của phổi) có thể cho viêm tắc tĩnh mạch, dưới dạng dấu hiệu Trousseau trong 10% trường hợp.
Phẫu thuật điều trị, nếu thực hiện được đúng mức, tỉ lệ bệnh sống thêm sau một năm là 10% và 3 năm là 2%.
U tiểu đảo tụy
Là u của phần tụy nội tiết, hiếm gặp hơn so với u phần tụy ngoại tiết. Người lớn có xuất độ bệnh cao hơn trẻ em. U có thể ở bất kỳ vị trí nào của tụy, có thể lành hay ác tính (nếu ác tính thì cho di căn gan và hạch), có thể có một khối đơn độc hoặc nhiều ổ (khi có nhiều ổ, u có thể có nhiều loại tế bào khác nhau), có thể có hay không có hoạt động chế tiết nội tiết tố.
Ba hội chứng lâm sàng thường gặp và rõ rệt nhất đi kèm với tình trạng tăng hoạt động của tiểu đảo Langerhans là:
(1) Cường insulin và giảm đường huyết,
(2) Hội chứng Zollinger-Ellison
(3) Tân sinh đa nội tiết.
Mỗi hội chứng trên có thể do: tăng sản lan tỏa của tiểu đảo Langerhans, các u lành đơn độc hoặc nhiều ổ, các u ác của tiểu đảo.
U tế bào bêta và tình trạng hạ đường huyết
Cũng được gọi là u insulin (insulinom) là loại u thường gặp nhất của tế bào tiểu đảo.
U tiết ra insulin gây triệu chứng lâm sàng của giảm đường huyết. Có 3 dấu hiệu lâm sàng đặc biệt của loại này:
Có những cơn hạ đường huyết với lượng glucose trong huyết thanh thấp hơn 50 mg/dl.
Bệnh nhân có những biểu hiện về thần kinh trung ương như lú lẫn, mất tri giác nhất là lúc đói và lúc vận động.
Các dấu hiệu này giảm bớt khi bệnh nhân được cho ăn hoặc tiêm truyền glucose vào tĩnh mạch.
Cũng có những bệnh khác gây ra 3 dấu hiệu trên, nhưng nguyên nhân trước tiên phải được nghĩ đến là từ tụy tạng.
Trong những tổn thương của tiểu đảo gây nên tình trạng cường insulin, người ta thấy có:
Khoảng 70% u tuyến (lành) đơn độc.
Khoảng 10% u tuyến (lành) nhiều ổ.
Khoảng 10% là di căn của ung thư, thường là carcinom từ nơi khác.
Khoảng 10% là nhóm hỗn hợp gồm tăng sản lan tỏa của tiểu đảo và các u tuyến lành xảy ra trên mô tụy lạc chỗ.
Các u tuyến (lành) tiết ra insulin
Cũng được gọi là u insulin, có kích thước từ rất nhỏ, khó nhận biết được đến rất to thành một khối nặng trên 1.500 g, thường đơn độc (chỉ có 1/7 trường hợp có nhiều khối), có mật độ chắc, có màu vàng xám, có vỏ bao rõ, chèn ép mô tụy chung quanh.
U gồm những chuỗi và ổ tế bào bêta biệt hoá tốt giống tế bào bêta bình thường. Dưới kính hiển vi điện tử, tế bào u giống tế bào bình thường, có những hạt đường kính 150 - 200m bám vào màng tế bào. Khảo sát hoá-mô-miễn dịch cho thấy trong tế bào có chứa insulin.
Carcinom tế bào tiểu đảo
Rất ít cho hình ảnh thoái sản, khó phân biệt với u lành, dù có khi xâm nhập vỏ bao và lan đến mô tụy chung quanh, chỉ được chẩn đoán là ung thư khi có di căn hạch hoặc xâm nhập đến các nơi khác ngoài tụy. U thường gây triệu chứng cường insulin.
Tăng sản lan tỏa của tiểu đảo
Có thể gặp ở người lớn, nhưng thường là ở trẻ em con của các bà mẹ bị bệnh tiểu đường. Trong thời kỳ còn là bào thai, đứa bé chịu ảnh hưởng của tình trạng cao đường huyết của mẹ cho nên có phản ứng tăng số lượng và kích thước các tiểu đảo. Sau khi đứa bé ra đời, tình trạng phản ứng này có thể gây nên những thời kỳ hạ đường huyết nặng.
Tình trạng hạ đường huyết
Cũng có thể xảy ra do các tổn thương khác, hoặc có khi vô căn không kèm bất kỳ tổn thương thực thể nào.
Các tổn thương thực thể khác, ngoài các tổn thương tiểu đảo đã kể trên gồm:
Các trạng thái nhạy cảm với insulin như bệnh tiểu đường ở giai đoạn sớm sau khi bị cắt một phần dạ dày, đói ăn.
Các trạng thái nhạy cảm với leucine.
Bệnh gan lan tỏa.
Bệnh glycogen.
Giảm hoạt động của tiền não thùy và vỏ thượng thận.
Một số u ngoài tụy như: u sợi và sarcom sợi ở sau phúc mạc, gần cơ hoành hay trong lồng ngực, các carcinom của gan, thượng thận, dạ dày, ống dẫn mật. Thường kèm theo hạ đường huyết nhất là hai loại đầu.
Người ta vẫn chưa biết nguyên do, dù có một số khảo sát cho thấy có tăng của chất giống insulin lưu thông NSILA (nonsuppressible insulin like activity), có lẽ là somatomedin, ở những bệnh nhân bị các u này.
Hội chứng Zollinger-Ellison, U tế bào tiết gastrin, U tế bào tiểu đảo sinh loét
Zollinger và Ellison đã mô tả một hội chứng gồm u của tế bào tiểu đảo kèm với tình trạng tăng tiết dạ dày và loét dạ dày tá tràng. Các u này tiết ra nhiều gastrin nên được gọi là u tế bào tiết gastrin. Với những kỹ thuật miễn dịch phóng xạ, gastrin được tìm thấy trong u và được tiết ra trong môi trường cấy tế bào u. Gastrin làm tăng tiết acid ở dạ dày và gây loét dạ dày tá tràng.
Các tế bào sản xuất gastrin chưa được xác định rõ ràng trong mô tụy bình thường. Tuy nhiên, trong các u biệt hoá rõ, các tế bào này có hình thái siêu vi tương tự như các tế bào G của ruột và dạ dày (tế bào G này bình thường sản xuất ra gastrin ở ruột và dạ dày).
Về vị trí, 85 - 90% u có ở tụy tạng, 10 - 15% u có ở tá tràng.
Về đặc tính giải phẫu bệnh, 60% u là ung thư (với 2/3 trường hợp cho di căn lúc được phát hiện), 40% là u lành. Chỉ có thể phân biệt được u lành với ung thư nhờ vào đặc tính di căn hạch và di căn xa. Các tổn thương này cũng thường nhỏ, khó phát hiện.
Một số u tuyến lành có nhiều ổ và kèm với u lành tuyến nội tiết ở các nơi khác, khi đó được gọi là bệnh tân sinh nội tiết nhiều nơi.
Trong hội chứng Zollinger-Ellison, các ổ loét thường không thể điều trị được, có thể có ở dạ dày hoặc đoạn đầu và đoạn thứ nhì của tá tràng (75%), ở phần xa của tá tràng và hỗng tràng (25%). 10% bệnh nhân có nhiều ổ loét cùng một lúc. Dạ dày cũng có tăng sản của các tế bào thành chế tiết acid. Bệnh nhân có thể bị tiêu chảy (với rối loạn nặng nước và các chất điện giải), có hội chứng kém hấp thu.
Hội chứng tân sinh nội tiết nhiều nơi
Gồm nhiều u tuyến nội tiết, thường là của não thùy, tụy tạng, cận giáp.
U có tính gia đình, do gen trội trên nhiễm sắc thể thường, di truyền không hoàn toàn. Người ta nhận thấy, trong nhiều gia đình có bệnh này, có những người có hội chứng này, có những người có hội chứng Zollinger-Ellison, do đó, người ta nghĩ rằng hai hội chứng chỉ là những kiểu hình khác nhau của cùng một gen bị đột biến.
Một số u trong hội chứng này có thể là u ác, cho nên thuật ngữ tân sinh nội tiết nhiều nơi (MEN, multiple endocrine neoplasia) được dùng để thay thế cho thuật ngữ cũ, bệnh u tuyến nội tiết nhiều nơi (multiple endocrine adenomatosis).
Hội chứng này, (gọi tắt là hội chứng MEN), được chia làm nhiều loại tùy theo nơi bị tổn thương và tùy theo có kèm hay không loét dạ dày tá tràng.
Theo bảng 12.1, MEN I gồm u hay tăng sản của tuyến cận giáp, não thùy, vỏ thượng thận, tụy tạng kèm loét dạ dày tá tràng và tăng tiết ở dạ dày. MEN II: (cũng gọi là hội chứng Sipple) gồm nhiều u sắc bào của tủy thượng thận, carcinom đa bào của tuyến giáp, tăng sản, hoặc u tuyến của tuyến cận giáp, nhưng không có u của tiểu đảo tụy tạng và loét. Trong một số gia đình có MEN II, ngoài các u vừa kể, còn có thêm nhiều tổn thương của niêm mạc và da, đó là u sợi thần kinh ở mí mắt, lưỡi, môi, ruột, phế quản, bàng quang, khi đó, được xếp trong nhóm MEN IIB hay MEN III.
Các biểu hiện lâm sàng của hội chứng này rất phức tạp, có thể có nhiều biểu hiện tùy theo các tổn thương.
Bảng: Các loại hội chứng tân sinh nội tiết nhiều nơi và các biểu hiện bệnh lý
Tổn thương | MEN I | MEN IIA | MEN IIB hay III |
Tuyến não thùy | ++++ | 0 | 0 |
Carcinom đa bào của tuyến giáp | + | ++++ | ++++ |
Tuyến cận giáp | ++++ | +++ | + |
Tủy thượng thận | ++++ | + | + |
U sắc bào thượng thận | 0 | ++++ | ++++ |
Tụy tạng | ++++ | 0 | 0 |
Loét dạ dày-tá tràng | ++++ | 0 | 0 |
U sợi thần kinh ở niêm mạc và da | 0 | 0 | ++++ |
Các u hiếm của tế bào tiểu đảo
U tế bào alpha hay u glucagon
Làm tăng glucagon trong huyết thanh, với một hội chứng gồm tiểu đường trung bình, thiếu máu, tổn thương hồng ban hoại tử ở da.
U tế bào delta hay u Somatostatin
Kèm với tiểu đường, sỏi túi mật, đi tiêu ra mỡ, giảm acid trong dịch vị. Rất khó phát hiện trước khi mổ.
U tế bào tiểu đảo tiết polypeptide
Thường không gây triệu chứng về nội tiết tố.
Vipom (Vipoma)
Gây nên hội chứng gồm tiêu chảy toàn nước, giảm kali máu, không có acid trong dịch vị, do u tiết ra các peptid vận mạch (vasoactive intestinal peptide: VIP).
U carcinoid của tụy
Sản xuất ra serotonin, nhưng hiếm cho hội chứng carcinoid.
U đa kích thích tố
Một số u tụy và ngoài tụy đồng thời sản xuất ra nhiều nội tiết tố. Ngoài insulin, glucagon, gastrin, các u tế bào tiểu đảo còn sản xuất ACTH, MSH, vasopressin, norepinephrine và serotonin.
Từ khóa » Giải Phẫu ống Wirsung
-
Ống Tụy Chính – Wikipedia Tiếng Việt
-
Johann Georg Wirsung – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giải Phẫu - Sinh Lý - Tụy Là Một Tuyến Nằm Sau Phúc Mạc Dài Khoảng ...
-
Ống Tụy Chính - Wiki Là Gì
-
CẮT BÓNG VATER VÀ TẠO HÌNH ỐNG MẬT CHỦ, ỐNG WIRSUNG ...
-
Hướng Dẫn Chụp Cắt Lớp Vi Tính Viêm Tụy Mãn | BvNTP
-
️ Chẩn đoán Cắt Lớp Vi Tính U Tụy (P2) - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Viêm Tụy Cấp Nguy Hiểm Thế Nào? - BỆNH VIỆN BẠCH MAI
-
Thông Thường ống Tụy Chính Và ống Mật Chủ Cùng đổ Vào Bóng ...
-
Dị Dạng Tụy Và ống Tụy - Phẫu Thuật Nhi
-
Tuyến Tụy: Cấu Trúc Và Chức Năng - YouMed
-
Chấn Thương Lách - Bệnh Viện Quân Y 103