Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà có ý nghĩa rất quan trọng đối với các tuyến đường: Tây Sơn, Chùa Bộc - Thái Hà, là nút thắt cần được tháo gỡ để tăng cường khả năng lưu thông cho một trong những khu vực chịu nhiều áp lực nhất trên địa bàn quận Đống Đa. Nút giao bao gồm 4 góc theo các hướng: Tây Sơn - Thái Hà; Thái Hà - Ngã Tư Sở; Ngã Tư Sở - Chùa Bộc; Chùa Bộc - Tây Sơn. Khu vực này cũng đã được xây dựng một cầu vượt nhẹ trực thông hướng đường Tây Sơn, đồng thời mở rộng 3 góc nút giao; chỉ còn góc 1/4, hướng Chùa Bộc rẽ phải ra Tây Sơn. Đây cũng là hướng lưu thông cuối cùng còn xảy ra UTGT tại nút giao trong giờ cao điểm. Dự án đầu tư xây dựng Xây dựng hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà theo quy hoạch tại góc 1/4 nút giao, từ Học viện Ngân hàng đến cổng trường Đại học Công đoàn, đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5572/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 và được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 8006/QĐ-UBND ngày 17/11/2017; Quyết định số 4437/QĐ-UBND ngày 02/10/2020. Dự án có tổng chiều dài trên 521m, với các hạng mục nền, mặt đường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, tổ chức giao thông và các công trình phụ trợ khác. Theo phương án thiết kế, khi hoàn thiện góc 1/4, phố Chùa Bộc (hướng đi Thái Hà) sẽ được chỉnh trang, cải tạo bên phải tuyến, bắt đầu từ cổng Học Viện Ngân Hàng qua góc ngã tư, tiếp đến tuyến phố Tây Sơn (hướng đi Nam Đồng), kết thúc tại cổng trường Đại học Công Đoàn. Tổng mức đầu tư trên 535 tỷ đồng, trong đó hơn 470 tỷ đồng là chi phí GPMB.Sau khi mở rộng, mặt đường tuyến phố Chùa Bộc trong nút giao sẽ rộng từ 23 - 30m; đoạn từ Chùa Bộc đến phạm vi nút giao rộng từ 16 - 18m; vỉa hè rộng trung bình 3m. Đại diện Chủ đầu tư - Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP cho biết, việc đầu tư xây dựng góc 1/4 Chùa Bộc - Tây Sơn không chỉ giải quyết UTGT, tăng cường năng lực thông hành qua nút giao mà còn tạo nên cảnh quan cân xứng, hoàn chỉnh cho cả khu vực. Mặt khác, hiện đoạn tuyến từ Học Viện Ngân Hàng đến Đại học Công đoàn gần như không còn vỉa hè, không gian cho người đi bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, ATGT. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi nút giao được xây dựng đồng bộ cả 4 góc.Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP thông tin thêm, dự án đã được phê duyệt lần đầu năm 2014, điều chỉnh vào năm 2017, nhưng đến nay mới có thể thực hiện. Hiện nay, dự án đã được cắm mốc và bàn giao mốc GPMB ngoài thực địa. Vị trí tái định cư cũng đã được TP bố trí chấp thuận tại nhà CTI.2 và nhà CTI.1-1 (các toà: A, B), khu nhà ở Vĩnh Hoàng, quận Hoàng Mai. UBND TP đã ban hành giá đất bồi thường, hỗ trợ GPMB; Sở Xây dựng đã công khai cơ cấu và giá các căn hộ tái định cư.Trong phạm vi dự án có khoảng 110 hộ dân thuộc diện phải GPMB. UBND quận Đống Đa đang phối hợp cùng với chủ đầu tư, chỉ đạo UBND phường Quang Trung chuẩn bị kiểm đếm, xác định diện tích thu hồi đất. Công tác điều tra, kiểm đếm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, sau khi được thẩm định và phê duyệt sẽ công khai cho người dân biết. Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ GPMB để đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2021, theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.