Giai Thoại Và Sự Thật Về Toọng - Tướng Cướp Khét Tiếng Một Thời
Có thể bạn quan tâm
40 năm trôi qua, nhiều người vẫn cho rằng Toọng chính là nguyên mẫu trong tiểu thuyết "Người không mang họ", chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo. Vậy, sự thật về giai thoại này là như thế nào?.
Người dân Nghệ An vẫn thường gọi những người gan góc, lỳ lợm là "lỳ như Toọng". Đương nhiên, đó không phải là một sự ước lượng chung chung, bởi Toọng là một nhân vật có thật, thậm chí đã trở thành một giai thoại trong giới giang hồ mà tiếng tăm và nỗi ám ảnh đã vượt khỏi thành Vinh rất xa.
Với một ít chỉ dẫn mơ hồ, tôi lang thang trên núi Dũng Quyết để tìm lại trường bắn - nơi vào một ngày giữa năm 1982, tướng cướp khét tiếng Trương Hiền, còn được biết đến với biệt danh Toọng bị xử bắn, kết thúc cuộc đời cướp bóc, sống buông thả của mình. "Đi vòng lại chỗ đền thờ kia rồi đi lên, cái vùng đất bằng phẳng phía trên là trường bắn ngày xưa, nay thành nghĩa trang rồi. Toọng là người cuối cùng bị xử bắn ở đây, sau đó trường bắn được chuyển đi nơi khác", người đàn ông tên Điền chỉ cho tôi.
Trong trí nhớ của ông Điền, vào ngày xử bắn Toọng, người dân khắp nơi kéo đến xem đông nghịt, nhiều người phải trèo lên cây để xem cho rõ. Toọng cùng đàn em là Trần Đức Lợi và một tội nhân khác bị thi hành án một lần.
"Tôi đứng không xa, nhìn thấy khá rõ. Toọng là một người thấp, béo, không có biểu hiện sợ hãi gì, bình thản đi 3 bàn để ký giấy rồi bảo không cần phải bịt mắt nhưng sau đó vẫn bị bịt lại. Kể ra thì anh ta chết oan", ông Điền kể.
Mấy từ "chết oan" khiến tôi sửng sốt. Tôi hỏi lại, ông Điền vẫn bình thản kể: "Nghe nói anh ta là người có nghĩa khí, chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo". Ông Điền còn kể cho tôi nghe về những điều ông góp nhặt được về tướng cướp Toọng, rằng anh ta từ "phía trong" phiêu dạt ra, cũng hiền lành, chỉ có một ước mơ bình dị là lấy một cô vợ, có một căn nhà nho nhỏ sống những ngày bình yên và hạnh phúc. Rồi chẳng hiểu vì sao lại đi cướp, nhưng là cướp của người giàu chia cho người nghèo. Người đàn ông này còn quả quyết, cuộc đời của Toọng sau này đã được viết thành tiểu thuyết, rồi dựng thành phim. "Đợt đó, phim về Toọng người ta mang về đây chiếu liền mấy đêm, đêm nào người xem cũng đông nghịt", ông Điền nói và khẳng định chắc nịch bộ phim "Người không mang họ" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên là nói về chính cuộc đời của Toọng - người cuối cùng bị thi hành án ở trường bắn này.
Theo chỉ dẫn của ông Điền, tôi đi lên núi, quanh quẩn mấy vòng vẫn không thể xác định được khu vực trường bắn ở đâu, bởi 40 năm trôi qua, đã có quá nhiều thay đổi. Đường lên đỉnh núi Dũng Quyết - ngọn núi duy nhất ở thành phố Vinh, được xây thành bậc thang, hai bên cây cối mọc um tùm. Những bãi đất bằng phẳng rải rác được phát quang, trở thành nghĩa trang của nhiều dòng họ. Dấu vết của một trường bắn - nơi kết thúc cuộc đời tội lỗi của nhiều tội nhân, trong đó có tướng cướp Toọng hoàn toàn biến mất. Tôi chặn một người dân đang leo núi lại hỏi. Dường như phải đợi một lúc để lục lại trí nhớ, anh khoát tay tôi đi cùng, men theo khu mộ chí rồi chỉ xuống khoảng đất bằng phía dưới: "Chỗ này, chính là trường bắn ngày xưa. Hồi xử bắn Toọng tôi hơn 20 tuổi, cũng tò mò đến xem nhưng không chen được vào gần. Bắn xong người ta chôn Toọng ở đây, sau này nghe đâu người nhà ra đưa về quê rồi".
Khi nghe tôi hỏi Toọng và nhân vật chính trong tiểu thuyết "Người không mang họ" có phải là một không, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, nguyên Phó Đội trưởng Đội Hình sự, Công an thành phố Vinh cười: "Đó là một sự nhầm lẫn tai hại. Toọng, tức là Trương Hiền, còn có tên gọi khác là Trương Vui hay Đức là đối tượng hình sự, bị kết tội cướp tài sản, trộm cắp tài sản và giết người, bị tuyên phạt tử hình. Còn nhân vật Trương Sỏi trong tiểu thuyết "Người không mang họ", sau chuyển thể thành bộ phim nhựa cùng tên không biết lấy nguyên mẫu từ đâu hay là do người viết tưởng tượng ra, nhưng nhất quyết không phải là Toọng. Toọng là một tên cướp, liều lĩnh và manh động, quy tụ dưới trướng hàng chục đàn em, trong đó có 7 tay chân thân tín. Tài sản cướp được đều dùng để chơi thuốc phiện và bao gái".
Theo dòng hồi tưởng của vị Thượng tá với 30 năm làm lính hình sự - người trực tiếp bắt giữ Trương Hiền, chân dung tên cướp khét tiếng được biết đến với biệt danh Toọng dần hiện ra. Trương Hiền sinh năm 1957, quê tỉnh Quảng Trị.
Thành phố Vinh thời điểm những năm giữa thập kỷ 70 của thế kỷ trước đang cố gắng gượng dậy sau những hoang tàn, đổ nát của chiến tranh phá hoại. Cùng với đoàn bộ đội phục viên từ chiến trường ra Bắc, đám du thủ, du thực cũng trà trộn, trong đó có Trương Hiền - một tay trộm cắp, cướp bóc, đang trên đường chạy trốn sau khi bẻ song sắt trại giam Đông Hà (Quảng Trị). Trương Hiền chọn đất Vinh làm nơi dừng chân, bởi lẽ, thành phố này là nơi trung chuyển hàng hóa Bắc - Nam và cả sang Lào, là điểm tạm dừng chân của khách buôn, tất nhiên, hành lý của họ ít khi trống không!.
Với một kẻ nhiều kinh nghiệm trộm cắp, thừa sự liều lĩnh và không kém phần thông minh, dù chân ướt, chân ráo đến nhưng Trương Hiền lần lượt quy tụ dưới trướng những thành phần bất hảo, trong đó không ít kẻ trước đây vốn "xưng vương, xưng bá" ở thành phố này. Trương Hiền được đám đàn em xưng là "đại ca Toọng". Dưới sự chỉ đạo của Toọng, toán cướp gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp thành phố, nhất là những nơi buôn bán sầm uất và đặc biệt là trên tuyến xe lửa Vinh - Hà Nội trong suốt những năm 1977-1979.
Có đêm, Toọng và đàn em "khoắng" sạch kho hàng ở khu vực vườn hoa Cửa Nam, gồm thuốc lá, thuốc lào, vải... mang ra bãi cát ven sông Cửa Tiền chôn rồi tìm nguồn tiêu thụ. Đợt các chiến sĩ đi từ chiến trường ra, Toọng chỉ đạo đàn em mặc quần áo bộ đội, trà trộn vào khu vực các nhà ga hay điểm nghỉ chân, lục ba lô lấy tài sản, súng, thậm chí con búp bê đưa từ miền Nam ra làm quà cho con, nhóm này cũng không bỏ qua.
Một lần, băng nhóm của Toọng phát hiện có người xách chiếc cặp da, nhảy xuống đoạn đường tàu vắng ở khu vực gần ga Vinh, nghĩ chắc có nhiều tài sản quý nên áp sát, đe dọa để lấy. Mặc dù người này van xin, trình bày là giảng viên một trường đại học vừa đi hội thảo ở Huế về, trong chiếc cặp chỉ toàn tài liệu, không có gì đáng giá nhưng Toọng và đàn em vẫn đe dọa, lấy đi. Khi phát hiện đúng chỉ toàn giấy tờ, nhóm này ném xuống chân cầu Đước.
Trương Hiền nhận thấy cứ đi móc túi thì xoàng quá, muốn nhanh có tiền thì phải cướp, lại khiến cho những người khác sợ hãi, không dám phản kháng. Đám đàn em tỏ vẻ lo sợ, Hiền vứt toẹt ra một khẩu súng...
Toọng chuyển hướng, chuyên cướp của khách đi xe đò và khách đi tàu. Đám tay chân thân tín nhảy lên các chuyến tàu Bắc - Nam, có khi "khoắng" sạch cả toa hàng. Khi nhóm của Toọng đu được lên tàu, chúng sẽ đóng hết cửa và trấn lột không trừ một nạn nhân nào. Thậm chí mấy anh bộ đội đi từ chiến trường ra, tay mang đồng hồ cũng bị nhóm Toọng không nể nang, dí súng lột sạch.
"Những khi ăn nên làm ra, Toọng và đàn em nướng hết số tiền kiếm được vào thuốc phiện và gái. Còn khi không "đánh được quả", chiếc bánh chưng trên bàn thờ người dân chúng cũng vào ngang nhiên lấy đi. Những vụ cướp bóc, sẵn sàng xả súng qua đồn đại của giang hồ khiến người dân khiếp sợ, không dám chống cự. Đêm, nhà nào nhà nấy cửa đóng, then cài, không dám đi ra ngoài...", Thượng tá Nguyễn Văn Bình nhớ lại.
Sau 2 năm có mặt tại thành phố Vinh, toán cướp do Toọng cầm đầu trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân và cả khách vãng lai tình cờ đi qua hay dừng chân ở đây. Ty Công an Nghệ Tĩnh chỉ đạo Công an thành phố Vinh tổ chức truy quét, triệt phá. Các trinh sát tinh nhuệ được tung vào trận, các chốt tại khu vực trọng yếu như: Chợ Vinh, nhà ga, bến xe... đã được lập. Với sự phối hợp của Ty Công an Nam Định và một số địa phương khác, những đàn em thân tín của Toọng lần lượt bị bắt giữ nhưng không vì thế mà "đại ca" của chúng tỏ ra sợ hãi. Những cơn đói thuốc và cuộc sống buông thả khiến Toọng phải một mình đi "đánh quả".
"Thực ra, Trương Hiền bị bắt 3 lần, nhưng hai lần trước hắn đều tìm cách vượt ngục hoặc được đàn em mang theo vũ khí yểm hộ để trốn khỏi nhà tạm giữ Công an thành phố. Sau mỗi lần trốn thoát, Toọng thường ẩn náu kỹ, im hơi khoảng 3-4 tháng rồi "tái xuất". Có lần, Trung tá Phạm Hồng Quang, thời điểm đó đang phụ trách chốt chặn trước cổng chợ Vinh phát hiện Toọng vừa "ăn hàng" ở trong chợ ra. Khi thấy bóng dáng công an, Toọng rút 2 tay hai súng xối xả nhả đạn về phía đồng chí Quang rồi chạy thoát", Thượng tá Nguyễn Văn Bình kể.
Trước sự manh động, liều lĩnh, tác oai tác quái của Toọng và đàn em, Ty Công an báo cáo, đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An phối hợp truy bắt. Một đơn vị đặc công được điều từ huyện Nghi Xuân sang mai phục. Dường như "đánh hơi" được nguy hiểm, Toọng lại mai danh ẩn tích một thời gian.
Trưa ngày 9/3/1979, Trung úy Nguyễn Văn Bình và Thiếu úy Nguyễn Thái Học mặc thường phục, mai phục tại khu vực chợ Vinh thì phát hiện Toọng từ trong chợ đi ra. 2 lần bị bắt, cũng nhẵn mặt các trinh sát hình sự nên khi phát hiện sự có mặt của cảnh sát, Toọng rút súng, bắn 3 phát liên tiếp, Trung úy Bình và Thiếu úy Học lăn xuống đường, tránh được hướng đi của viên đạn.
"Viên đạn thứ 4 bị kẹt, trong tích tắc đó, hai anh em chúng tôi lao vào. Tôi chụp lấy cánh tay trái của Toọng, bẻ quặt ra sau lưng bởi nếu hắn tháo được viên đạn ra thì chắc chắn sẽ bắn tiếp để thoát thân. Toọng thả khẩu súng ở tay phải để đánh lại. Hai bên lao vào vật lộn, hắn lùn nhưng béo và khỏe, khiến cả hai rơi xuống ruộng rau muống. Lúc này người dân ùa đến, hỗ trợ chúng tôi khống chế và bắt giữ được Trương Hiền. Đoạn đường áp giải Toọng từ chợ Vinh về trụ sở, người dân kéo đi theo đông lắm. Họ lấy đá ném vào người hắn, bao nhiêu uất ức đều dồn nén vào từng hòn đá, khiến anh em chúng tôi khá vất vả để đưa đối tượng về. Lần này, Toọng được chuyển thẳng tới Trại giam công an tỉnh để đảm bảo công tác giam giữ an toàn", Thượng tá Bình kể về một trong những chiến công xuất sắc của Công an thành phố Vinh những năm đầu sau thống nhất, mà ông là người tham gia và đóng góp phần quan trọng. Đám đàn em thân tín của Toọng sau đó cũng lần lượt xộ khám hoặc bán xới đến nơi khác làm ăn.
Khi Toọng bị bắt giữ, Ty Công an Quảng Trị cử người ra phối hợp, xác minh một vụ cướp xe máy, giết người, vứt xác xuống ống cống xảy ra ở khu vực đường 9 - Khe Sanh trước đó. Trương Hiền khai nhận chính y là người đã gây ra vụ việc trên. Trong quá trình lấy lời khai, Toọng không chối tội nhưng có lúc lại bảo "cháu lỡ" rồi xin được tha. Với những chứng cứ thu thập được, Trương Hiền và đồng bọn được xác định thực hiện hàng loạt vụ trộm cắp, cướp giật tải sản và giết người.
Tháng 8/1980, phiên tòa lưu động xét xử tên tướng cướp sừng sỏ và 9 đồng bọn được mở ra và kết thúc sau 2 ngày bằng 4 bản án tử hình dành cho Trương Hiền, Đậu Kim Sơn, Trần Đức Lợi, Đoàn Thanh, 4 bản án chung thân và một bản án 20 năm, một bản án 15 năm tù...
Sau phiên tòa, Trương Hiền làm đơn chống án xin ân giảm án tử hình. Ngày 20/5/1981, Chủ tịch nước Trường Chinh đã bác đơn xin ân giảm của tướng cướp khét tiếng này. Tháng 6/1982, Trương Hiền, tức Toọng bị xử bắn, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi mà chất chứa tội lỗi ở cái tuổi 25.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Nguyễn Vượng
24/02/2022 - 06:11Từ khóa » Toọng Là Ai
-
Giai Thoại Và Sự Thật Về Tướng Cướp “Người Không Mang Họ”
-
Cảnh Sát Kể Về Cuộc đấu Súng Với Toọng-"Người Không Mang Họ"
-
Sự Thật Về Tướng Cướp "Người Không Mang Họ" - Kỳ Cuối: Giải Mã
-
Kết Cục Buồn Của Tướng Cướp Khét Tiếng - VietNamNet
-
Tướng Cướp Không Mang Họ Khét Tiếng Miền Trung (Phần 1)
-
Bài 1: Sự Thật Về Tướng Cướp "không Mang Họ" - Nghệ An 24h
-
Hồ Sơ Vụ án - Sự Thật Về Tướng Cướp Trương Sỏi (người ... - Facebook
-
Nội Soi Người Không Mang Họ - Báo Công An Đà Nẵng
-
Sự Thật Về Tướng Cướp Người Không Mang Họ | An Ninh - Pháp Luật
-
Sự Thật Về Tướng Cướp "Người Không Mang Họ" - Tiền Phong
-
Người đàn Bà Trong đời "tướng Cướp Không Mang Họ” - Gia đình
-
Chuyện Ly Kỳ Về Tên Tướng Cướp Khét Tiếng Trương Sỏi - Zing News