Giám định Tỉ Lệ Thương Tật ở đâu, Chi Phí Giám định Do Cơ Quan Nào ...

Giám định tỉ lệ thương tật ở đâu, chi phí giám định do cơ quan nào chi trả?

Hỏi:

Giám định tỉ lệ thương tật ở đâu, chi phí giám định do cơ quan nào chi trả?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự như sau: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:

1. Tố giác của công dân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;

3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;

4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm.

5. Người phạm tội tự thú”.

Như vậy, người bị hại có quyền tố cáo và làm đơn đề nghị trưng cầu giám định về tỷ lệ thương tật với cơ quan công an về hành vi vi phạm của người phạm tội. Theo điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều luật như tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm, tội làm nhục người khác, …chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Theo Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Khoản 2 điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”.

Như vậy, bạn có thể làm đơn tố cáo đến công an quận, huyện nơi xảy ra hành vi phạm tội để được giải quyết.

Theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về trưng cầu giám định như sau:

1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.

3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;

c) Tình trang tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;

d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

đ) Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả.”

Đồng thời, theo quy định tại Điều 28 Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2004 quy định về việc nhận trưng cầu giám định như sau:

“1. Tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện việc giám định do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương trưng cầu.

2. Tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện việc giám định do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương trưng cầu và các việc giám định phức tạp do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở cấp huyện, cấp tỉnh trưng cầu”.

Như vậy, trong vụ án, Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án… có quyền ra Quyết định trưng cầu giám định về tỷ lệ thương tật.

- Chi phí giám định trong dân sự: Do đương sự chi trả

- Chi phí giám định trong hình sự: Do cơ quan tiến hành tố tụng chi trả, hoặc do bên yêu cầu chi trả tùy từng sự việc, kết quả giám định, kết luận sự việc.

Từ khóa » Giám định Thương Tích Hết Bao Nhiêu Tiền