Giám định Tổn Thất Là Gì? Quy định Về Giám định Thiệt Hại để Bồi ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Giám định tổn thất:
  • 2 2. Quy định về giám định thiệt hại để bồi thường bảo hiểm:
  • 3 3. Thực hiện giám định tổn thất:
  • 4 4. Về thời hạn yêu cầu, thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường:
  • 5 5. Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm:
  • 6 6. Nội dung hợp đồng bảo hiểm, hình thức, thời điểm phát sinh:

1. Giám định tổn thất:

Giám định tổn thất được hiểu là hoạt động xem xét, kết luận về nguyên nhân và mức độ tổn thất cho đối tượng bị xâm hại. Thông thường việc giám định tổn thất được được sử dụng trong hoạt động bảo hiểm đối với tài sản.

Theo đó, chúng ta có thêm khái niệm về giám định tổn thất bảo hiểm là hoạt động xác định hiện trạng, nguyên nhân, mức độ tổn thất, tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Insurance loss assessment is the activity of determining the current status, causes and extent of loss, calculating the distribution of liability for loss compensation as a basis for settlement of insurance claims.

2. Quy định về giám định thiệt hại để bồi thường bảo hiểm:

Về nguyên tắc bồi thường:

– Thứ nhất, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

– Thứ hai, trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

Nguyên tắc bồi thường sẽ được áp dụng trong các trường hợp liên quan đến vấn đề giám định thiệt hại đối với loại tài sản được mua bảo hiểm. Và theo nguyên tắc này các bên có quyền và nghĩa  vụ liên quan phải tiến hành thẩm định để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Về căn cứ xác định bồi thường:

– Thứ nhất, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

– Thứ hai, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

– Thứ ba, ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Như vậy, việc bồi thường thiệt hại được xác định trên nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Và mức bồi thường này không được vượt quá số tiền mà khách hàng mua bảo hiểm. Điều này chứng tỏ không phải bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra thì công ty bảo hiểm đều phải có trách nhiệm chi trả đầy đủ mà chỉ cần chi trả cho phần tài sản được mua bảo hiểm tương đương với số tiền mua bảo hiểm.

Về hình thức bồi thường:

– Thứ nhất, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:

+ Sửa chữa tài sản bị thiệt hại. Ví dụ: Máy móc bị hư hỏng, không hoạt động thì sửa chữa lại, sơn sửa lại màu sắc, hay bộ phận phù tụng…

+ Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác, ví dụ như ô tô của A bị hư hỏng nặng nề và bảo hiểm mua cho ô tô của A có giá trị lớn đến tỷ đồng, do đó lúc này công ty bảo hiểm có thể thay thế một chiếc ô tô khác cho A với giá trị tương tự hoặc thấp hơn.

+ Trả tiền bồi thường. Trường hợp này xảy ra khi A mua bảo hiểm xe ô tô của mình nhưng gây thiệt hại cho bên B, lúc này công ty bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả toàn bộ chi phí sửa chữa cho bên B.

– Thứ hai, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thỏa thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền.

– Thứ ba, trong trường hợp bồi thường đối bằng cách thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác hoặc trả tiền bồi thường thì lúc này doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.

Hình thức bồi thường sẽ được chi trả dưới ba hình thức trên đây để thuận tiện cho khách hàng và tùy thuộc vào số tiền mua bảo hiểm cho loại tài sản đó. Điều này chứng tỏ các bên sẽ tự thỏa thuận với nhau trên nguyên tắc bồi thưởng thiệt hại theo ý chí tự nguyện trước khi ký kết hợp đồng mua bảo hiểm tài sản.

Về nguyên tắc bồi thường:

–  Các công ty bảo hiểm của Việt nam tính toán và bồi thường tổn thất trên cơ sở các nguyên tắc

+ Bồi thường bằng tiền chứ không phải bằng hiện vật. Đồng tiền bồi thường là đồng tiền đã được thoả thuận trong hợp đồng, nếu không có thoả thuận thì nộp phí bằng đồng tiền nào sẽ được bồi thường bằng đồng tiền đó.

+ Về nguyên tắc, trách nhiệm của người bảo hiểm chỉ giới hạn trong phạm vi số tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, khi cộng tiền tổn thất với các chi phí: cứu hộ, giám định, đánh giá và bán lại hàng hoá bị tổn thất, chi phí đòi người thứ ba bồi thường, tiền đóng góp vào tổn thất chung thì dù có vượt quá số tiền bảo hiểm người bảo hiểm vẫn bồi thường dựa trên quy định trong điều khoản đã thoả thuận của hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, khi thanh toán tiền bồi thường, người bảo hiểm có thể khấu trừ những khoản thu nhập của người được bảo hiểm trong việc bán hàng và đòi người thứ ba.

3. Thực hiện giám định tổn thất:

– Giám định tổn thất được tiến hành khi hàng hoá bị tổn thất, hư hỏng, đổ vỡ, thiếu hụt, giảm phẩm chất ở cảng đến hoặc trên đường hành trình và do người được bảo hiểm yêu cầu. Những tổn thất do mất hàng, giao thiếu hàng hoặc không giao hàng thì không cần phải giám định và cũng không thể giám định được. Do đó, người được bảo hiểm phải có nghĩa vụ là phải đưa ra những bằng chứng chứng minh về nguyên nhân và mức độ của những tổn thất này. Sau khi giám định, người giám định sẽ cấp chứng thư giám định. Chứng thư giám định gồm hai loại: Biên bản giám định và giấy chứng nhận giám định được gửi cho người được bảo hiểm trong vòng 30 ngày.

– Người được bảo hiểm có thể tham gia ý kiến với giám định viên để thông nhất về tỷ lệ tổn thất hàng hoá. Trường hợphai bên không nhất trí được thì có mời một bên trung gian ( bên thứ 3) làm giám định viên độc lập. Biên bản giám định là chứng thư quan trọng trong việc đòi bồi thường, vì vậy khi hàng đến cảng đến có tổn thất phải yêu cầu giám định ngay (không muộn hơn 60 ngày kể từ ngày dỡ hàng khỏi tàu). Cơ quan giám định phải là cơ quan được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm hoặc cơ quan được người bảo hiểm uỷ quyền.

– Ngay sau khi nhận được thông báo tai nạn, tổn thất từ khách hàng qua bất cứ hình thức nào, công ty bảo hiểm phải cử ngay nhân viên thu thập thông tin ban đầu liên quan đến tổn thất và mở sổ theo dõi tổn thất, sổ nhận khai báo tổn thất

4. Về thời hạn yêu cầu, thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường:

Thứ nhất, về thời hạn yêu cầu bồi thường:

– Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm là một năm, kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.

– Trường hợp bên mua bảo hiểm chứng mình rằng bên mua bảo hiểm chứng minh được rằng bên mua bảo hiểm không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 Văn bản hợp nhất Luật kinh doanh bảo hiểm 2019 được tính từ ngày bên mua bảo hiểm biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó.

– Trường hợp có người thứ ba, trong trường hợp người thứ ba yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 Văn bản hợp nhất Luật kinh doanh bảo hiểm 2019 được tính từ ngày người thứ ba yêu cầu.

Thứ hai, về thời hạn trả tiền bồi thường:

– Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.

Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận và có xày ra tranh chấp, thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bào hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh xảy ra tranh chấp

5. Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm:

Ngoài việc trả tiền bồi thường bào hiểm, bên mua bảo hiểm không được trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp như sau

– Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực

– Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng

– Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

6. Nội dung hợp đồng bảo hiểm, hình thức, thời điểm phát sinh:

Thứ nhất, về nội dung hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm phải có những nồi dung như sau

– Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;

–  Đối tượng bảo hiểm có thể là tài sản, sức khỏe,…

–  Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;

–  Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm

–  Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;

–  Thời hạn bảo hiểm có thể đã kéo dài tùy thuộc vào từng loại tài sản hoặc theo sự thỏa thuận của các bên…

–  Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;

–  Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;

–  Các quy định giải quyết tranh chấp;

–  Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.

Ngoài ra, hai bên có thể thỏa thuận những nội dung khác trong hợp đồng bảo hiểm và không trái với pháp luật, đạo dức xã hội

Thứ hai, về hình thức hợp đồng, hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.

Thứ ba, về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây

– Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm;

– Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm;

– Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.

Thứ tư, về số tiền bảo hiểm, Số tiền bảo hiểm hoặc phương thức xác định số tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:  Văn bản hợp nhất 06/VBHN- VPQH 2019 hợp nhất Luật kinh doanh bảo hiểm

Từ khóa » Giám định độc Lập Là Gì