Giám đốc Thẩm Là Gì? Thủ Tục Giám đốc Thẩm Theo Tố Tụng Dân Sự?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Giám đốc thẩm là gì?
  • 2 2. Thủ tục giám đốc thẩm theo tố tụng dân sự:
  • 3 3. Kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự:
  • 4 4. Thẩm quyền giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự:
  • 5 5. Phiên tòa giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự:
  • 6 6. Kiến nghị giám đốc thẩm có được dừng thi hành án dân sự không?

1. Giám đốc thẩm là gì?

Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt được áp dụng khi bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Thủ tục này là hình thức đảm bảo pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự.

Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, không phải là một cấp xét xử. Tính chất đặc biệt thể hiện ở đặc điểm sau:

– Giám đốc thẩm là thủ tục xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải xét xử lại các bản án, quyết định đó.

– Đối tượng của thủ tục giám đốc thẩm là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

– Căn cứ làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm là khi phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giải quyết vụ án.

– Chủ thể làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm chỉ có một số người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

– Thủ tục giám đốc thẩm không mở công khai và bắt buộc phải có sự tham gia của viện kiểm sát.

* Kháng nghị giám đốc thẩm:

Là hành vi tố tụng của chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự yêu cầu Tòa án xem xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có căn cứ theo quy định của pháp luật khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giải quyết vụ án. Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm được pháp luật giới hạn trong phạm vi nhất định.

2. Thủ tục giám đốc thẩm theo tố tụng dân sự:

Hiện nay theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 tại Điều 331 có quy định như sau:

Người có thẩm quyền tiến hành kháng nghị bao gồm: thông thường đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân cấp cao hoặc một số Tòa án khác, thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngoại trừ một số trường hợp khác theo luật định. Trong trường hợp xét thẩm quyền kháng nghị theo phạm vi lãnh thổ, địa bàn khu vực, thẩm quyền thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Những căn cứ, điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm như đã nêu trên được quy định tại Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

Căn cứ theo Điều 327 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì:

– Khi phát hiện căn cứ cho rằng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án của Tòa án mà đã ban hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực, các bên đương sự, những người có quyền và lợi ích liên quan có quyền được yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định đó nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên và tính đúng đắn, hợp pháp trong quá trình giải quyết vụ án thông qua một văn bản đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thời hạn để nộp đơn đề nghị là trong vòng 01 năm tính từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Ngoài ra, trường hợp phát hiện ra sự vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì Viện kiểm sát, Tòa án hoặc tổ chức, cơ quan, cá nhân khác có thể thông báo cho người có thẩm quyền thực hiện kháng nghị được quy định tại Điều 331 của Bộ luật này, việc thông báo cũng phải được thể hiện bằng văn bản.

– Khi phát hiện có căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân Tỉnh thực hiện việc kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao thực hiện việc kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị.

Trong đó, pháp luật cũng quy định cụ thể về đơn đề nghị đã nêu trên như sau:

– Trong đơn đề nghị luôn phải đầy đủ các nội dung chính sau: Thời gian làm đơn đề nghị (ngày, tháng, năm); Họ tên và địa chỉ người làm đơn; Thông tin về tên bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án mà được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; Nội dung thể hiện rõ lý do của người đề nghị và yêu cầu, nội dung vi phạm pháp luật được phát hiện, nguyện vọng của người làm đơn; để đảm bảo tính hợp pháp và rõ ràng, người làm đơn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn nếu là cá nhân, đối với người đề nghị là tổ chức, cơ quan thì phải có chữ ký và đóng dấu của của người đại diện theo luật định.

– Người làm đơn phải nộp kèm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, các thông tin, tài liệu, chứng cứ (nếu có) nhằm đảm bảo chứng minh những yêu cầu của mình hợp pháp và có căn cứ cụ thể. Đơn đề nghị và các chứng cứ, thông tin, tài liệu vừa nêu được gửi cho người có thẩm quyền kháng nghị.

Sau khi nhận được đơn đề nghị hợp pháp của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát có nghĩa vụ phải ghi vào sổ nhận đơn, thực hiện việc cấp, gửi giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Trong trường hợp đơn đề nghị không đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật theo Điều 328 của Bộ luật này thì Viện kiểm sát, Tòa án có thể gửi thông báo, yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thêm trong thời gian 01 tháng, quá thời hạn 01 tháng trên nếu vẫn không có phản hồi của người gửi đơn thì bên Tòa án, Viện kiểm sát có quyền trả lại, không thụ lý đơn đề nghị nhưng phải thông báo, nêu rõ lý do cho đương sự biết và ghi chú vào sổ nhận đơn.

Cá nhân, tổ chức được người có thẩm quyền kháng nghị giao cho việc thực hiện việc tìm hiểu, xem xét nghiên cứu đơn có nghĩa vụ thông báo, kiến nghị hồ sơ vụ án và báo cáo, đề xuất lên người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm ra quyết định kháng nghị, trong trường hợp có lí do chính đáng để không thực hiện việc kháng nghị thì phải thông báo và nêu rõ lí do đó cho người nộp đơn thông qua văn bản. Toàn bộ thủ tục tiếp nhận đơn và đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án qua thủ tục giám đốc thẩm được quy định cụ thể tại Điều 329 Bộ luật này.

Ngay sau khi có quyết định về việc kháng nghị của người có thẩm quyền, quyết định này phải được gửi cho Tòa án nơi có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị cùng với các đương sự, các cá nhân, tổ chức khác có quyền, lợi ích, nghĩa vụ có liên quan. Trong trường hợp người kháng nghị là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao thì quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo hồ sơ của vụ án. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát tiến hành nghiên cứu hồ sơ và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm khi hết thời hạn.

Về thời hạn kháng nghị đối với thủ tục giám đốc thẩm: Thông thường, thời hạn kháng nghị tính từ ngày bản án và quyết định của Tòa án có hiệu lực, người có thẩm quyền kháng nghị thủ tục này có thể tiến hành việc kháng nghị khi có đầy đủ hồ sơ hợp pháp trong vòng 03 năm. Ngoài ra, thời hạn kháng nghị vẫn có thể được kéo dài thêm 02 năm khi đã hết thời hạn trên nếu có các điều kiện:

– Đương sự vẫn thực hiện tiếp việc gửi đơn đề nghị sau khi đã hết thời hạn 03 năm kháng nghị;

– Có căn cứ cho rằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án không phù hợp với quy định của pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, những người có quyền và lợi ích liên quan hoặc lợi ích chung của xã hội, của đất nước.

Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm cũng được quy định một cách cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các bên, Tòa án nhân dân nắm thẩm quyền giám đốc thẩm có trách nhiệm tiến hành mở phiên tòa xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm trong vòng 04 tháng. Thời điểm bắt đầu được tính từ ngày Tòa án nhận được kháng nghị cùng với hồ sợ hợp pháp của vụ án.

Các quy định có liên quan về phạm vi giám đốc thẩm, thẩm quyền của hội đồng xét xử giám đốc thẩm… được quy định cụ thể từ Điều 342 đến Điều 350 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. Kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự:

Kháng nghị giám đốc thẩm là hành vi tố tụng của chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự yêu cầu Tòa án xem xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có căn cứ theo quy định của pháp luật khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giải quyết vụ án. Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm được pháp luật giới hạn trong phạm vi nhất định.

– Chủ thể kháng nghị: 

Chánh an tòa án nhân dân tối cao, Viên trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án của cấp. Trừ trường hợp

Chánh  án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp quận, huyện.

Căn cứ để các chủ thể này kháng nghị là dựa vào công tác giám đốc thẩm của ngành tòa án, khiếu nại của đương sự, tổng kết của nghành, công tác giám sát của Nhà nước, cơ quan tư pháp và từ các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh những hậu quả không thể khắc phục được. Thời hạn hoãn thi hành án không quá 3 tháng kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

– Căn cứ kháng nghị: là cơ sở pháp lý để các chủ thể có thẩm quyền kháng nghị dựa vào đó yêu cầu Tòa án xem xét lại vụ án bằng việc ra quyết định kháng nghị. Bao gồm:

Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Được hiểu là kết luận của Tòa án trong bản án, quyết định không đúng với bản chất của sự việc, không có sự đồng nhất với sự thật khách quan.

Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: được hiểu là trong quá trình áp dụng pháp luật tố tụng của Tòa án đã không áp dụng đúng các quy định của luật tố tụng dân sự. Mức độ vi phạm phải là nghiêm trọng (vi phạm các nguyên tắc của luật tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự).

Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Được hiểu là Tòa án đã áp dụng sai luật nội dung vào giải quyết vụ án. Tòa án đã sử dụng những căn cứ dựa vào đó để kết luận vụ việc không đúng với bản chất sự việc đó.

– Thời hạn kháng nghị: Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực pháp luật.

4. Thẩm quyền giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự:

Không phải ai cũng có thể kháng nghị được theo thủ tục giám đốc thẩm mà chỉ có những trường hợp sau đây mới có thẩm quyền bao gồm:

+ Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao

+ Toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao bị kháng nghị như sau:

+ Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

+ Toàn thể Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

5. Phiên tòa giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự:

Phiên tòa giám đốc thẩm được tiến hành như sau:

– Thời hạn chuẩn bị: việc xét án tối đa là bốn tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và hồ sơ vụ án. Trong thời hạn đó Tòa án phải mở phiên tòa để xét án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Chánh án tào án phân công một thẩm phán làm bản thuyết trình tóm tắt về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình phải được gửi trước cho các thành viên hội đồng giám đốc thẩm chậm nhất là 7 ngày trước ngày mở phiên tòa.

– Phạm vi giám đốc thẩm: Hội đồng giám đốc thẩm chỉ xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị. Hội đồng giám đốc thẩm có quyền xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.

– Phiên tòa giám đốc thẩm: Sau khi chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên hội đồng giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử, quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Đại diện VKS phát biểu ý kiến của VKSvề quyết định kháng nghị.

Trong trường hợp có người tham gia tố tụng hoặc người khác được Toà án triệu tập tham gia phiên toà giám đốc thẩm thì họ được trình bày ý kiến của mình về quyết định kháng nghị. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị.

 Các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án.

Quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao biểu quyết theo trình tự tán thành, không tán thành với kháng nghị và ý kiến khác; nếu không có trường hợp nào được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành thì phải hoãn phiên toà. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà, Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán phải tiến hành xét xử lại với sự tham gia của toàn thể các thành viên.

Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định này cho đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quyết định Giám đốc thẩm, Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và VKS cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

6. Kiến nghị giám đốc thẩm có được dừng thi hành án dân sự không?

Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc kháng nghị giám đốc thẩm không phải cơ sở để dừng thi hành án dân sự.

TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ 

Tóm tắt câu hỏi:

Cơ quan thi hành án và tòa án tỉnh Lạng Sơn luôn căn cứ vào Trích đo địa chính số 298/TĐĐC tỷ lệ 1/500 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn để xét xử vụ việc của tôi. Nay tôi nhận được Công văn số 466 STNMT ĐĐBĐ ngày 20/5/2016 Ban hành thông báo hủy bỏ sản phẩm trích đó số 298/TĐĐC tỷ lệ 1:500 do áp dụng luật chưa đúng quy định. Tôi có yêu cầu tới Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao theo trình tự Giám đốc thẩm và yêu cầu dừng thi hành án Bản án dân sự phúc thẩm số 31/2015/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn để xem xét, điều tra bảo vệ quyền lợi của tôi trước những hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng anh chị Dương Thị Hằng vì Tòa án luôn căn cứ vào trích đo số 298 địa chính khu đất do văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất cung cấp để xét xử vụ việc nhưng nay có công văn số 466 STNMT ĐĐBĐ ngày 20/5/2016 Ban hành thông báo hủy bỏ sản phẩm trích đo số 298/TĐĐC tỷ lệ 1:500 do áp dụng luật chưa đúng quy định. Vậy cơ quan thi hành án vẫn cố tình lấy đất của tôi có đúng không? 

Luật sư tư vấn:

Theo Khoản 6 Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

“6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.”

Như vậy, bản án dân sự phúc thẩm số 31/2015/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, cơ quan thi hành án có quyền thực thi bản án từ khi có yêu cầu của người được thi hành án và bạn không tự nguyện thi hành án.

Theo quy định tại Điều 49 Luật thi hành án dân sự 2008, việc thi hành án dân sự sẽ bị tạm đình chỉ nếu:

“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị.

Trong thời gian tạm đình chỉ thi hành án do có kháng nghị thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.

Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được một trong các quyết định sau đây:

a) Quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;

b) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị;

c) Quyết định của Toà án về việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.”

Theo quy định trên, việc tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 31/2015/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn bắt đầu khi cơ quan thi hành án dân sự nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo thông tin bạn cung cấp, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng sơn căn cứ vào Trích đo địa chính số 298/TĐĐC tỷ lệ 1/500 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn để xét xử phúc thẩm vụ việc của bạn. Nhưng sau khi có bản án phúc thẩm Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 466 ngày 20/5/2016 Ban hành thông báo hủy bỏ sản phẩm trích đó số 298/TĐĐC tỷ lệ 1:500. Như vậy Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã căn cứ vào giấy tờ không hợp lệ. Do đó vụ việc của bạn có căn cứ đẻ giám đốc thẩm. Sau khi bạn làm đơn gửi tới Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét để ra quyết định giám đốc thẩm và quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự mới tạm đình chỉ thi hành án và không tiếp tục lấy đất của bạn.

Từ khóa » Giám đốc Thẩm Hình Sự Là Gì