Giáo Sư, Nhà Giáo Nhân Dân Lê Trí Viễn - Hậu Duệ Của Nòi Văn
Có thể bạn quan tâm
Giáo sư Lê Trí Viễn đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1998) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, văn hóa, nghệ thuật (năm 2010)...
1.Khu K300 đường Cộng Hòa, TP. Hồ Chí Minh bát ngát nhà cao đường rộng. Ông qui hoạch chơi khăm: trước mặt dãy A, ông gọi tên dãy K; quanh góc đi thẳng, ông đóng biển dãy C; vòng lại một chút, ông đổi thành dãy F.
Bữa nọ, có cụ già tóc bạc phơ đã non nửa buổi quẩn quanh tìm nhà Giáo sư Lê Trí Viễn. Hỏi một cô gái, cô tròn mắt ngạc nhiên:
- Ông ơi! Ông già thế này mà còn đi tìm thầy? Đường này chẳng có thầy nào cả!
Rồi cô sập cửa lại.
Đi tìm nhà Giáo sư Lê Trí Viễn ở khu đất nhà binh đặt số nhà theo kiểu lộn tùng phèo, giữa Sài Gòn bao la hơn mấy ngàn đường phố, cứ như rơi vào tổ nhện. Vậy mà, ông già tóc phủ trắng như sương kia cũng kiên nhẫn dò ra. Và căn nhà H19, bây giờ mới đổi lại thành số 68 đường A4, ngày nào cũng nhiều học trò tới, từ nhiều nơi, mọi cương vị, lứa tuổi, nghề nghiệp.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn là cây đại thụ của ngành ngữ văn và sư phạm Việt Nam. Vị trí vinh dự ấy được xác định không chỉ bởi quãng thời gian hơn 70 năm của thầy gắn bó với sự nghiệp trồng người, từ bậc tiểu học đến đại học tại nhiều ngôi trường trên đất nước. Cũng không phải chỉ bởi quãng thời gian suốt 15 năm liên tục (1963 - 1978) làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cỗ máy cái, vành nôi khổng lồ của ngành sư phạm cả nước. Có lẽ, cái chính tạo nên vị trí vinh dự ấy của Giáo sư Lê Trí Viễn là uy tín khoa học, uy tín sư phạm của Thầy đối với ngành và với nghề.
2. Giáo sư Lê Trí Viễn đã vượt qua ngưỡng tuổi 90. Người thầy nhỏ, thanh, mắt và dáng đi rất trẻ. Thầy được nhà nước phong hàm Giáo sư năm 1980, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1988. Con đường dạy học, viết văn của thầy trong hơn 70 năm là cuộc hành trình qua bao nhiêu chặng đường đất nước, bao nhiêu mái trường, bao nhiêu cảnh ngộ, cả gian truân và hạnh phúc, vừa làm vừa tự học.
Thầy bước vào nghề giáo học từ trường tiểu học tại chính quê mình, sau đó về Trường Trung học Khải Định (Huế). Rồi dạy ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ngãi.
Dạy văn ở bậc chuyên khoa. Hòa bình (1954), thầy dạy ở Đại học Bắc Kinh, sau đó về xây dựng khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm I Hà Nội. Sau ngày giải phóng miền Nam ít năm, thầy xin bà Nguyễn Thị Bình (là Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc ấy) về giảng ở khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Cả đời thầy gắn bó với nghề dạy học, vì thế học trò của thầy có mặt ở khắp nước, trong đó phải kể đến những người như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, GS, Hoàng Tụy, các nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Nghiêm Đa Văn, Bùi Giáng, Vũ Đình Văn, Bùi Công Minh và các nghệ sỹ như Nghệ sỹ ưu tú Tân Nhân, Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Tuyết, v.v…
Lũ học trò chúng tôi ai cũng phục và khiếp sức làm việc của thầy. Thầy dạy chúng tôi phải biết tìm thời gian làm việc theo cách của chàng trai đang mê người yêu. Rảnh dù ít phút, là đọc, là viết. Ngồi trên xe đi công tác, tôi cũng thấy thầy chăm chú đọc.
Thầy giữ sức ghê lắm, để làm việc: tập thể dục rất đều; không trà, không thuốc, không rượu; đâu như nhiều anh em cánh trẻ, nghiện nhiều thứ. Hồi viết chung công trình, tôi đã thử âm thầm thi “ngồi lì” với thầy nhưng đến tiếng thứ bảy thì đành vái cụ, bỏ cuộc.
Lần khác, vượt hàng trăm cây số đường trường, lại là đường xấu, từ Sài Gòn đến tận Rạch Giá, khi xuống xe mấy anh to xác, tốt mã nhất đều phờ phạc, riêng thầy phăng phăng vào phòng họp làm việc ngay.
3. Giáo sư Lê Trí Viễn nổi tiếng là người làm việc rất nghiêm. Hồi là chủ nhiệm khoa, thầy “chấm bài” ngay trên đơn xin nghỉ học của sinh viên, gạch những sai sót về chính tả, câu, chữ và bắt người làm đơn viết lại. Viết sai lần hai thì không giải quyết đơn ấy nữa.
Các học viên sau đại học bây giờ cũng khiếp thầy về kỷ luật học hành. Vào lớp, thầy điểm danh. Sách tham khảo chưa kịp đọc, cụ la. Đi muộn cũng vậy. Về chuyện giờ giấc, ngay bộ môn Văn học Việt Nam của khoa tôi cũng bị cụ rày mấy “vố”. Gần đây nhất là buổi liên hoan cuối năm.
Bữa đó, thầy trò hẹn nhau lúc 17 giờ. Thầy đến rất đúng hẹn. Đợi mươi phút, vẫn còn phải chờ, thầy đùng đùng nổi giận bỏ về. Bậc tiên chỉ ngày giáp Tết mà giận thế, phiền lắm. Mấy người thuộc cỡ “lì đòn”, mặt cũng tái nhợt, luống cuống như gà mắc tóc. Hãi. Dù rằng ai cũng biết tuổi già… hay dỗi và chỉ lát thôi, thế nào cụ cũng làm lành, thế nào cụ cũng ngân ngấn nước mắt theo giọng ngâm nga của các cụ đồ trong đêm “cầu tiên” vùng Gò Nổi.
Để có thời gian làm việc nhiều, thầy tổ chức, điều hành công việc rất khoa học, rất giỏi, không tài tử như thói tật của nhiều người trong giới văn chương.
Cứ xem cung cách thầy quản lý khoa thì rõ, nhất là vào thời chiến tranh. Thuở ấy, khoa Ngữ văn như một trung đoàn lớn, có tới 1.200 sinh viên, 160 cán bộ, nhân viên, đi sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên) rồi Văn Giang (Hưng Yên). Tất cả chuyện ăn ở, giảng dạy, học tập của ngần ấy con người đều do khoa trực tiếp quản lý. Thế mà mọi việc răm rắp, chu đáo, tỉ mỉ, nghiêm túc.
Ngày khai giảng cũng rất long trọng. Năm giờ rưỡi khai mạc, hùng tráng như cuộc ra quân. Sáu giờ rưỡi giải tán. Bảy giờ sáng, đâu đã về đấy, trước giờ máy bay địch bắt đầu bắn phá.
Cũng nhân ngày ấy, thầy có bài thơ “Khai giảng năm nay có bắn súng”, nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhiều người khác sau này vẫn còn nhắc lại. Đam mê lớn nhất của thầy là chuyện dạy học, chuyện văn chương. Học trò nào có năng lực văn chương, làm khoa học, thầy đều khuyên nên từ quan, nếu phải làm công việc quản lý thì cũng đừng bao giờ bỏ văn.
Sau 15 năm làm chủ nhiệm khoa, được tổ chức tín nhiệm mời làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, thầy viết thư gửi đi 7 nơi xin thoái thác.
Lắm người chỉ đi dạy mà không chịu viết (anh em nói vui là chỉ làm “văn tế”). Thầy vừa dạy vừa viết, làm cả “văn tế” lẫn “văn bia”. Khái niệm “phát triển chương trình” tưởng như mới lạ ở Việt Nam nhưng thực ra đã được các nhà sư phạm uy tín ở nước ta, như GS Lê Tí Viễn và không ít nhà giáo khác, thực hiện từ khá lâu.
Thầy là thành viên Ban Tu thư của Bộ Giáo dục từ năm 1954 cùng với những tên tuổi nổi tiếng khác như Vũ Đình Liên, Hoàng Ngọc Phách, Đỗ Đức Hiểu, Huỳnh Lý, Trương Chính, chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa văn học cho cấp 2 và cấp 3.
Trong thời gian làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy chính là người quyết định một số môn học mới hoặc nội dung đào tạo cần thiết bổ sung trong chương trình đào tạo giáo viên ngữ văn, chẳng hạn môn Tiếng Việt, Làm văn, hay môn Nghệ thuật học, v.v…
Thầy cũng là người chủ trương dạy các chuyên đề riêng cho những sinh viên khá giỏi trong khoa; chủ trương này là tiền đề mở những lớp đào tạo liên tục 5 năm cho những sinh viên khá, giỏi của khoa Ngữ văn một số năm sau.
4. GS. Lê Trí Viễn còn là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn.Thầy đã cùng một số người trong nhóm dịch bộ tiểu thuyết nổi tiếng Những người khốn khổ của Victor Hugo, Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản lần đầu năm 1958-1959. Đến nay bản dịch này vẫn được coi là một trong những mẫu mực tín, đạt, nhã của tác phẩm văn học dịch.
Tất cả các công trình của GS. Lê Trí Viễn đều bắt đầu từ nghiên cứu, bài giảng, bài báo mà thành. Viết cái trước mắt, thầy đã nhắm cho việc lâu dài, không làm qua loa, ăn xổi. Một đời với văn, thầy đã có 43 tập giáo trình, giảng văn, khảo cứu, chuyên luận, dịch thuật, sáng tác.
Các tập sách ấy đã được tập hợp thành bộ “Một đời dạy văn, viết văn” gồm bảy tập, hơn 6.000 trang. Năm trong số bảy tập sách – cụm công trình “Nghiên cứu, phê bình văn học trung đại Việt Nam và Cơ sở ngữ văn Hán Nôm” đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt năm 2010. Tập thơ Tinh sương, thơ một đời, “Hàng trăm ngàn li ti hơi nước mới kết thành một giọt ” của thầy, có nhiều bài thơ được nhiều người yêu thích:
Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn
thấp ngọn đèn
Anh đến với em đêm thần tiên ấy
Trăng với đèn chếnh choáng
hơi men.
(Đêm ấy đêm này)
Kháng chiến con đi khắp nước
Xóm nhỏ quê nhà đêm ấy mới
về thăm
Con mới hay mẹ ra đi năm trước
Ngoảng lại ngọn tre già lơ lửng một
vừng trăng.
(Về thăm nhà vùng du kích)
Cái mạnh nhất của thầy là giảng văn. Những lúc ấy thơ văn như bắt mất hồn vía của thầy. Thầy hay dặn chúng tôi đọc vỡ được một câu, một chữ là mênh mông, thăm thẳm chiều sâu, nhọc nhằn lắm. Là nghẹt thở. Là vã hết mồ hôi trán. Hiểu một áng văn hay, đâu phải chỉ biết đi vào, còn phải biết đi ra, biết cảm nhận được cái chung, biết bóc tách dần các lớp cảm xúc, tư tưởng, nghệ thuật, biết nói, viết về tác phẩm.
Phải thật sự làm thân, nhập hồn vói tác phẩm bằng tri thức, vốn liếng cuộc đời. Phải thấm, hiểu được cái hay của nó và truyền được cái hay ấy cho người đọc, người nghe. Bằng không, đừng giảng, đừng bình nữa, thậm chí nên bẻ bút, bỏ nghề đi. Trăn trở ấy, thầy đã viết trong bài thơ “Gửi gắm”:
Lạ gì cái chuyện văn chương
Một câu một chữ khôn lường
chiều sâu
Dạy văn lấy cảm làm đầu
Một đời tôi, chỉ một câu dặn mình
Dạy văn dạy nghĩa dạy tình
Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta
Tình gần muốn gửi cho xa
Mai sau đi dạy ngẫm ra lời này.
Mấy anh “nhất quỷ nhì ma” đã có lúc xem trộm thầy ngồi viết. Một người đang nhập đồng. Đọc. Ngâm nga. Khóc. Đập bàn. Vò nát sách… Rõ là một nghệ sĩ đích thực! Rõ là hậu duệ của “nòi văn”! Nhiều trang văn thầy viết, đúng như thán phục của nhà văn Nguyễn Khải, là “nửa người nửa thần”.
Trong sáng tác, có giọng văn riêng đã khó. Trong nghiên cứu, có giọng văn riêng càng khó hơn. Giọng văn của thầy tài hoa và rất riêng. Vì vậy mà có lúc thầy định giấu mình, chúng tôi đọc cứ cười tủm tỉm, biết ngay.
Chiếc xe Chaly tàng tàng màu xanh, mỗi lần nổ máy khởi động, cả hàng phố phải giật mình ngó ra xem, hàng ngày vẫn bon bon trên đường. Thầy vẫn đi dạy, đi thăm trường, đi họp, rồi vội vã về nhà ngồi viết… Nhiều lần Thầy bảo tôi:
- Nợ văn chương, nợ đời càng trả càng thêm nặng. Viết xong cuốn sách này, việc này, thầy nghỉ.
Mà có thấy cụ nghỉ đâu! Mấy tháng sau, vẫn thấy thầy đến tặng trò sách mới. Vẫn thấy thầy mở trường, thêm lớp. Vẫn thấy thầy làm thơ… Phục thầy, thương thầy, những lúc ấy tôi cứ nghĩ: không biết trời đang bắt tội hay đang ban tặng hạnh phúc cho thầy?
Có lẽ cả hai…
Tôi có một bài thơ nhỏ kính tặng thầy:
ĐỀ TẶNG PHÒNG VĂN GIÁO SƯ
LÊ TRÍ VIỄN
Phòng văn Thầy tôi tựa vào
giàn hoa
Năm nay Thầy tôi đã già
Hoa chỉ nở cho riêng Thầy, hương
rất lạ
Và điều này chỉ Thầy tôi nhận ra…
Và điều này chỉ Thầy tôi nhận ra
Trăng từ thuở Nguyễn Du đêm đêm
vẫn sáng
Soi một nửa giường nằm
Và một nửa Thầy tôi
Thầy ngồi viết
Bóng hạc in trên vách
Nguyễn Du về
Sương lắc rắc giàn hoa
Thầy một đời với văn
Một đời nợ sách
Đa đoan hành
Hậu duệ kiếp tài hoa…
Từ khóa » Thơ Lê Trí Viễn
-
Ba Giai đoạn Trữ Tình Trong Thơ Lê Trí Viễn
-
GS,NGND, Nhà Văn Lê Trí Viễn: MỘT TRÁI TIM LUÔN DÀNH CHO ...
-
Lê Trí Viễn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bài Thơ: Gửi Lê Trí Viễn (Khương Hữu Dụng) - Thi Viện
-
Long Hưng Anh Hùng - Thơ Lê Trí Viễn - CTC Tất Trọng - YouTube
-
Nhà Nghiên Cứu Văn Học Lê Trí Viễn: "Văn Thơ Là Cuộc Sống..."
-
Phân Tích ĐÂY THÔN VĨ DẠ –GS LÊ TRÍ VIỄN
-
Bình Thơ: Đêm ấy đêm Này - Tuổi Trẻ Online
-
Nghĩ Về Thơ Hồ Xuân Hương / Lê Trí Viễn, Chủ Biên
-
Lê Trí Viễn, Bậc Sư Biểu "kính Nhi Cận Chi"
-
Nhớ Thầy Lê Trí Viễn - Báo Đà Nẵng
-
Một Chìa Khoá để Vào Bài Thơ “Đây Thôn Vỹ Dạ” Của Hàn Mặc Tử
-
Đến Với Thơ Hay (Tập 1) - Sách Lẻ