GS,NGND, Nhà Văn Lê Trí Viễn: MỘT TRÁI TIM LUÔN DÀNH CHO ...
Có thể bạn quan tâm
GS.Lê Trí Viễn(giữa) cùng các học trò ngày 27 tháng chạp |
Dẫu biết đời người hữu hạn, nhưng khi nghe tin thầy mất, tôi không cầm được nước mắt. Cách đây hơn mươi hôm, tôi và PGS-TS Trần Hữu Tá ghé lên thăm thầy. Thầy vẫn khỏe, vẫn cười nói và... xúc động chảy nước mắt khi nghe thầy Tá đọc bài thơ của thầy làm cách đây mấy năm. Ra về, thầy trò chúng tôi tin chắc thầy sẽ được khỏe mạnh những vài ba xuân nữa, ấy mà sáng nay (3-2-2012) thầy đã thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng.
Cách học và tinh thần tự học
Học thầy, tôi không chỉ học cái duyên đứng lớp mà còn học cái cách học, cái tinh thần tự học của thầy. Với thầy, làm thầy là phải uyên bác, muốn uyên bác thì phải học, phải đọc, phải suy gẫm. Hồi dạy chúng tôi chuyên đề Hồ Xuân Hương ở chương trình đào tạo sau đại học, thầy đố cả lớp bà Hồ Xuân Hương làm nghề đi mà đi hết nơi này đến nơi khác và có tiền dựng Cổ Nguyệt đường đón tiếp những bậc tài tử đến bàn chuyện văn thơ? Tôi là thằng “rắn mắt” nên từ nhỏ đã để ý nhiều thứ. Khi thầy chỉ đến tôi, tôi tự tin thưa rằng bà Hồ Xuân Hương làm nghề buôn vải. Cả lớp ai cũng cười. Thầy cũng cười. Tôi lý giải là hồi nhỏ, tôi thấy ở quê tôi có nhiều bà mang tay nãi đầy vải và một cây thước. Bà thường vào những nhà khá giả trong xóm, giới thiệu vải. Người này đến xem rồi gọi người khác đến lựa. Gặp trưa, thì chủ nhà mời ăn trưa. Gặp tối, thì được ăn tối và xin ngủ nhờ. Bà ta đi hết xóm này tới xóm khác, hết vùng này đến vùng khác cho đến lúc hết vải mới về. Chỉ có đi buôn mới có đồng ra đồng vào, chứ làm ruộng thì của ruộng đắp bờ lấy đâu tiền mà mời mọc, tiếp đãi bạn bè đến ngâm thơ vịnh nguyệt.
Nghe tôi nói, cả lớp tròn mắt nhìn, không ai có ý kiến ngược lại. Thầy cũng cười vui, tin rằng tôi sẽ thành công nếu đi vào nghề nghiên cứu văn học. Với thầy, muốn làm nghiên cứu thì phải biết lật tới lật lui vấn đề, chứ không phải sách nói là đúng, sách viết là hay... Cũng trong chuyên đề ấy, thầy lan man sao đó từ Hồ Xuân Hương đến Hồ Thơm (Nguyễn Huệ), rồi thầy hỏi Nguyễn Huệ chết vì lý do gì? Câu hỏi quá dễ, ai cũng trả lời được, vì sách sử đã ghi. Nguyễn Huệ chết vì trúng độc. Thầy hỏi, Nguyễn Huệ trúng độc gì? Ai hạ độc? Cả lớp ngớ người. Thầy cười cười, nói: “Lại theo sách!”. Thầy chỉ tôi, tôi cũng chào thua! Nụ cười vừa tắt, thầy nói tỉnh queo: “Nguyễn Huệ chết vì bị... muỗi cắn!”. Cả lớp lại cười ồ. Thầy lý giải, ngày ấy, vùng An Khê (Bình Định) là vùng rừng thiêng nước độc; Nguyễn Huệ còn vào vùng đồng bào dân tộc huấn luyện binh sĩ, ắt phải bị muỗi vàng, muỗi vằn cắn. Người bị loài muỗi này cắn, thì phải bị sốt rét. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của dân tộc, bộ đội ta, bà con ta không thiếu người chết vì bị sốt rét ác tính. Bây giờ (thế kỷ XX), trên suốt chiều dài đất nước vẫn chưa hết người chết vì... bị muỗi cắn, huống gì hồi thế kỷ XVIII.
Với tôi, những thứ gọi là “trữ tình ngoại đề” của thầy, tôi thấm lắm và luôn biết cách vận dụng vào công việc của mình.
Đăm đắm chuyện văn chương
Tác giả(phải) cùng GS.Lê Trí Viễn |
Thời trẻ, thầy ảnh hưởng văn chương Tự lực văn đoàn, nên quyết tâm học đến nơi đến chốn để vào làng văn. Ai biết hơn thầy, thầy xin học, không nệ đó là đồng nghiệp hay mục sư có tuổi đời không lớn hơn mình. Thầy cho biết, học tiếng Pháp thời ấy là bị áp đặt. Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Ngày ấy, ai nắm được tiếng Pháp như nắm được cái chìa khóa quan trọng mở cửa cho mình nhiều tri thức của nhân loại. Nhờ tiếng Pháp mà thầy biết được cái hay của một câu thơ của Racine, cái hào hùng của một đoạn văn Hugo, đến cái âm điệu não nùng của một trang thơ Verlaine, cái tương giao bất ngờ của Baudelaire... Từ đó, thầy yêu văn chương. Nhưng không ai có thể lập được thời khóa biểu cho mình. Kháng chiến bùng nổ, thầy được phân công đi dạy học. Và nghề dạy học gắn với thầy suốt cả cuộc đời. Thầy thường nói, văn thơ là cuộc sống, là tâm hồn con người lọc qua một tâm hồn con người nữa là tác giả và được ghi lại bằng ngôn ngữ. Người dạy Văn phải từ ngôn ngữ ấy đi ngược lại con đường nhà văn đã đi. Nhưng điều tiên quyết cho thầy giáo vẫn là trái tim của mình. Và trái tim của thầy luôn dành cho cái Đẹp, dành cho văn chương.
Cách đây mươi năm, tôi có nghe thầy đọc một bài thơ. Thích quá, tôi ghi lại và đưa vào số Tết của báo Người Lao Động. Anh Phan Hồng Chiến, Tổng Biên tập báo Người Lao Động, ghi thêm vào trước tên Lê Trí Viễn chức danh Giáo sư. Theo anh giáo sư ít có ai làm thơ, nếu có làm thì cũng không thể hay như thầy Viễn. Bài thơ đó, tôi quên nhan đề, đại thểnhư vầy: Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng/ Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn/ Em đến với anh đêm thần tiên ấy/ Trăng với đèn chếnh choáng hơi men. Rồi một chiều mồng hai Tết, thầy kể vừa rồi có tập trung con cháu, đưa về thăm quê. Thầy trở thành người “hướng dẫn viên du lịch”, chỉ cho lớp con cháu, chỗ này chỗ nọ của một thời mà thầy và ông bà sinh sống.
Tối lại, con cháu phải chia ra ngủ nhờ ở nhà bà con. Giữa đêm thức giấc, thầy viết bài thơ: Có quê mà chẳng có nhà/ Đành đem giấc ngủ gửi bà con thôi/ Nửa đêm thức dậy bồi hồi/ Mẹ ơi!/ Con đứt nửa người, Mẹ ơi! Đọc đến đó, thầy khóc. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Hơn mười ngày trước, thầy Tá đọc lại bài này, thầy cũng xúc động chảy nước mắt. Và bây giờ, chỉ có những học trò của thầy, con cháu của thầy chảy nước mắt thôi./
GS-NGND, NHÀ VĂN LÊ TRÍ VIỄN
Sinh ngày 10-3-1918, tại Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam.
Từng giảng dạy tại Trường ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM. Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất. Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1971). Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.
Trong quá trình dạy học, GS-NGND, nhà văn đã viết hàng chục tác phẩm. Một số tác phẩm tiêu biểu: Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt – Nguyễn sơ (NXB Tinh Tiến, Liên khu V, 1951), Một số vấn đề Lịch sử Văn học Việt Nam (Trường ĐH Bắc Kinh xb, 1961), Những bài giảng văn ở đại học (NXB Giáo dục, H, 1982)...
Trút hơi thở cuối cùng lúc 8g50 ngày 3-2-2012 tại nhà riêng (68 đường A4, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM). Nhập quan lúc 15g50 ngày 3-2. Động quan lúc 8g ngày 6-2-2012. An táng tại Nghĩa trang Thành phố (huyện Củ Chi).
VU GIA
Theo: thegioimoi.vn
Từ khóa » Thơ Lê Trí Viễn
-
Ba Giai đoạn Trữ Tình Trong Thơ Lê Trí Viễn
-
Lê Trí Viễn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bài Thơ: Gửi Lê Trí Viễn (Khương Hữu Dụng) - Thi Viện
-
Long Hưng Anh Hùng - Thơ Lê Trí Viễn - CTC Tất Trọng - YouTube
-
Nhà Nghiên Cứu Văn Học Lê Trí Viễn: "Văn Thơ Là Cuộc Sống..."
-
Phân Tích ĐÂY THÔN VĨ DẠ –GS LÊ TRÍ VIỄN
-
Bình Thơ: Đêm ấy đêm Này - Tuổi Trẻ Online
-
Nghĩ Về Thơ Hồ Xuân Hương / Lê Trí Viễn, Chủ Biên
-
Lê Trí Viễn, Bậc Sư Biểu "kính Nhi Cận Chi"
-
Nhớ Thầy Lê Trí Viễn - Báo Đà Nẵng
-
Một Chìa Khoá để Vào Bài Thơ “Đây Thôn Vỹ Dạ” Của Hàn Mặc Tử
-
Giáo Sư, Nhà Giáo Nhân Dân Lê Trí Viễn - Hậu Duệ Của Nòi Văn
-
Đến Với Thơ Hay (Tập 1) - Sách Lẻ