Giỗ Tổ Hùng Vương: Trong Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Của Người Việt
Có thể bạn quan tâm
Thuở trước, các làng xã ở Thái Bình thường duy trì tín ngưỡng thờ Hùng Vương theo nhiều hình thức khác nhau. Có làng lập đền thờ riêng, có làng thờ cùng với các nhân thần, thiên thần trong các đền, miếu, am, phủ hoặc tại đình làng. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay hầu hết các ngôi đền thờ Hùng Vương trên địa bàn Thái Bình đã bị hư hao. Hiện tại, ở thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà còn ngôi đền thờ Hùng Nghị Vương cùng các tướng sĩ đã có công giúp Hùng Vương dẹp giặc. Nhân dân trong vùng vẫn quen gọi đền Nhà Vua hoặc đền Vua. Những năm gần đây, ngôi đền này đã được tôn tạo với quy mô hoành tráng. Ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày hội của làng Thượng Ngạn, quy tụ con em xa gần của làng về giỗ Tổ. Bài văn tế ở đền Thượng Ngạn có đoạn:
“Nhớ tích xưa! Theo Ngọc phả lưu truyền:
Tháp Khu, thuộc trang Thượng Ngạn, là chốn địa linh.
Hơn 2000 năm trước, đã tọa lạc Hùng Vương linh từ,
Muôn dân xa gần quen gọi đền Vua...”.
Theo tâm thức dân gian thì tín ngưỡng thờ Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một. Việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở từng vùng miền trong cả nước thường có những nghi thức khác nhau. Xin giới thiệu quang cảnh chung về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ vốn được xem là phổ biến.
Từ cổ xưa, thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên được coi là đạo hiếu không thể không thực hiện. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Alexandre de Rhodes đã viết trong sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Bắc Kỳ. Theo nhãn quan của một giáo sĩ phương Tây, ông ta cho rằng đó là một “dị đoan” với những “sai lầm”: “Một trong những dị đoan rất thông thường và rất quyến rũ dân xứ này tin theo vì chữ hiếu, đó là yến tiệc họ sửa soạn để tưởng nhớ cha mẹ quá cố, gọi là lễ giỗ. Trong việc này có ba cái sai lầm lớn. Thứ nhất, họ tưởng cha mẹ đã quá cố được tự do trở về nhà con cháu... Thứ hai, họ ngây dại tin rằng hồn người chết cũng dùng thịt thà và dự yến ẩm của chúng ta. Do đó họ có thói sửa một bữa giỗ rất thịnh soạn có thể có được. Người con trưởng và người thừa kế, khi bày bàn tiệc rồi thì đọc bài văn khấn như thể người quá cố đang có mặt... Cái sai lầm thứ ba, vô lý hơn hai cái sai lầm trước, có thể nói như một sự xúc phạm, đó là sự sống, sức khỏe, an vui trong gia đình và tất cả sự thịnh vượng vật chất trong nhà đều lệ thuộc vào cha mẹ đã khuất. Cuối cùng người con thừa kế, nhân danh các anh em và mọi người trong nhà, nài xin cha đừng quên các con và xin săn sóc gia đình, ban cho mọi người được sức khỏe, sống lâu và dư dật của cải. Cuối cùng toàn thể gia đình quỳ xuống, trán chạm đất như để xin người quá cố chúc phúc lành cho. Nghi thức này được tái diễn nhiều lần trong thời gian còn tang và nhất là vào ngày giỗ. Nếu người thừa kế quên thì họ hàng có thể đưa ra tòa và chắc chắn là sẽ không được hưởng gia tài vì vô ơn đối với người đã cho thừa kế...
Trong năm còn có những lễ khác ít long trọng hơn theo tập tục cúng tế ông bà, cụ cố và tiên tổ, bên nội cũng như bên ngoại cho tới tám đời, mỗi vị đều có một ngày riêng. Và, bởi vì rất khó cho dân chúng nhớ đúng ngày thì mỗi năm có hai tháng là tháng bảy và tháng chạp được chỉ định cho dân chúng giỗ cha mẹ, không ai dám sai sót...
Người đàng ngoài có tâm tình hiếu thảo rất đặc biệt đối với cha mẹ đã qua đời và tiêu phí quá đáng để cúng giỗ. Vì thế không những họ đâm ra nghèo túng mà còn làm cho họ mắc nợ nần, bởi muốn theo tục lệ và phép xã giao nên phải chi dụng không những về cỗ bàn mà còn về các nghi lễ khác, vừa vô ích vừa phù phiếm, nhưng theo phép xử thế, họ không sao tự miễn cho mình được. Thí dụ họ thi đua dựng nhà, sắm các dụng cụ bếp núc làm bằng tre nứa và giấy hoa rồi đem đi đốt. Họ điên dại tin rằng nhờ đồ vàng mã này người quá cố sẽ được nhà đẹp, đồ dùng tươm tất trong thế giới các người tới. Cũng điên dại như thế, vào ngày cuối năm, họ sắm quần áo cũng làm bằng giấy hoa rồi đem đốt. Họ kỳ khôi tưởng rằng hàng mã này sẽ trở thành áo mới, vải đẹp để dùng trong năm mới...”.
Vào thế kỷ XVIII, Phạm Đình Hổ đã viết trong sách Vũ trung tùy bút về tín ngưỡng thờ cúng gia tiên: “Tục nước ta, nhà nào đến ngày giỗ thì hết sức lo tính, thậm chí phải đi vay mượn về làm cỗ bàn để đãi khách, không còn có chút gì thương nhớ cả... Ngày giỗ mà tế, theo tục, có làm cũng không sao. Miễn là không làm cỗ linh đình mời khách ăn uống nhộn nhịp, mà quên mất cái ý thương xót, kính mến đặt lễ tế vào ngày giỗ là được thế tục nay cứ nhân ngày giỗ để thết khách, cho là một thói quen đi lại thù đáp lẫn nhau...”.
Thông thường việc lập ban thờ để thờ cúng cha mẹ được duy trì ở mọi gia đình theo quan niệm con cái ở đâu cha mẹ ở đó, nhưng đến ngày giỗ cha mẹ, ông bà thường được tổ chức tại gia đình trưởng nam. Xưa và nay, việc thờ cúng gia tiên thuở trước thường được duy trì theo ngày giỗ của những người trong gia tộc đã quá cố. Giỗ cha mẹ được tổ chức tại gia đình người con trai trưởng. Giỗ ông, bà được tổ chức ở gia đình người cháu đích tôn. Giỗ cụ ông, cụ bà được tổ chức tại nhà người chắt đích tôn. Các bậc cha chú ngành thứ cùng anh em con cháu nội ngoại đều phải theo giỗ.
Những gia đình đông con cháu và có điều kiện từ 3 - 4 đời trở đi mà xây nhà thờ để thờ gia tiên thì gọi là từ đường tiểu chi, cũng có nơi gọi là từ đường chi. Từ 5 đời trở lên “ngũ đại mai thần chủ” thường có từ đường thờ riêng nếu không có từ đường riêng thì phối thờ ở từ đường đại tôn nhưng ngày giỗ vẫn được tổ chức tại nhà người trưởng nam của chi đó.
Ngày giỗ gọi là húy nhật hay kỵ nhật, có nghĩa là ngày kiêng kỵ. Nguyên ngày trước, lễ giỗ gọi là lễ chính kỵ. Trong lễ chính kỵ, cỗ bàn to nhỏ tùy cảnh, tùy tâm nhưng dù thế nào cũng không thể thiếu được bát cơm lồng thật chặt và quả trứng gà luộc đặt trên đĩa có ít muối trắng...
Theo quan niệm xưa, vào ngày giỗ cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ theo trực hệ 4 đời nếu con cháu không về là có lỗi. Những người giàu sang, có chức quyền mà không về phụng lễ càng bị dư luận chê cười là bất hiếu, bất lễ.
Trải khoảng 3 thập kỷ, từ sau 1955 đến trước công cuộc đổi mới giữa những năm 1980, việc thờ cúng tổ tiên ở nhiều nơi ít được chú trọng. Nhiều từ đường dòng họ bị hạ giải, nhiều gia phả dòng họ bị thất lạc, hư hao do những nguyên nhân khác nhau. Mộ phần gia tiên cũng ít được sạch cỏ, đỏ hương và khá nhiều dòng họ bị thất lạc mộ tổ.
3 thập kỷ trở lại đây, dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, cách nhìn nhận về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng được thông thoáng hơn nên các hoạt động vấn tổ, tầm tông, tôn tạo từ đường, phần mộ, tục biên gia phả, duy trì giỗ họ được chấn hưng ở hầu khắp các gia đình, gia tộc trong cả nước. Hy vọng, trong quá trình giữ gìn và chấn hưng văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong đó có tín ngưỡng thờ Hùng Vương sẽ kế thừa có chọn lọc những yếu tố mang tính nhân văn theo tâm thức “Uống nước nhớ nguồn”, vun đắp tính cộng đồng, cộng cảm của gia tộc, giống nòi vốn có trong truyền thống của con cháu Hùng Vương.
Nguyễn Thanh
Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên ý Nghĩa Của Thờ Cúng Tổ Tiên Trong đời Sống Người Việt
-
Thờ Cúng Tổ Tiên - Nét đẹp Văn Hóa Của Người Việt Nam - Hànộimới
-
Ý Nghĩa Của Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Trong Văn Hoá Người Việt
-
Phong Tục Và Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Của Người Việt
-
Ý Nghĩa Của Tập Tục Thờ Cúng Tổ Tiên Của Người Việt Nam - HRV
-
Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên – Wikipedia Tiếng Việt
-
Một Số đặc Trưng Cơ Bản Của Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Của Cộng ...
-
Thờ Cúng Tổ Tiên Giáo Dục Các Giá Trị đạo đức Truyền Thống Của Gia ...
-
Ý Nghĩa Thờ Cúng Tổ Tiên| Cách Thờ Cúng Tổ Tiên
-
Tìm Hiểu Về Tín Ngưỡng Thờ Cúng ông Bà Tổ Tiên Ngày Tết
-
Không Gian Thờ Cúng Tổ Tiên Của Người Việt: Từ Nhà ở Nông Thôn ...
-
Nguồn Gốc, ý Nghĩa Của Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Trong Văn Hoá Việt
-
[PDF] TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ ... - VNU
-
Thờ Cúng Tổ Tiên – Nét đẹp Văn Hóa Của Người Việt Nam
-
[PDF] NIỀM TIN VÀO TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN