Giới Sử Học Trung Quốc Nói Gì Về Nguồn Gốc Người Việt?

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Giới sử học Trung Quốc xưa nay đều quan tâm vấn đề nguồn gốc dân tộc Kinh Việt Nam. “Học báo Đại học Dân tộc Quảng Tây” số tháng 10/2008 có đăng bài của Hoàng Thế Kiệt viết về các nhầm lẫn trong nghiên cứu vấn đề trên. Nói chung báo Trung Quốc rất hiếm bài viết về Việt Nam, vì thế chúng tôi xin giới thiệu tóm lược bài này. Các phần ghi trong ngoặc vuông là của người dịch. Tác giả Hoàng Thế Kiệt (1968-) người dân tộc Hán, là Nghiên cứu viên Đại học Dân tộc Quảng Tây, thuộc nhóm giữ quan điểm cho rằng người Kinh Việt Nam có nguồn gốc là người Lạc Việt cổ ở Trung Quốc – là quan điểm đang được tranh cãi. Ngoài ra, do nhiều lý do, không ít người Trung Quốc hiện nay còn hiểu sai về lịch sử và con người Việt Nam.

vietnam_ethnicities

1. Do nguyên nhân chính trị, giới sử học Trung Quốc không đưa dân tộc Kinh Việt Nam vốn thuộc Ngữ tộc Tráng-Đồng vào phạm vi các dân tộc nói Tráng-Đồng ngữ

Giới sử học Trung Quốc hiện nay đều tán thành nhận định 8 dân tộc [ở Trung Quốc] thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng: Tráng, Bố Y, Đồng, Tải, Lê, Thủy, Mục Lão, Mao Nam đều có cùng nguồn gốc là tộc Bách Việt thời cổ, đều là hậu duệ của các tộc Tây Âu, Lạc Việt trong Bách Việt. Các dân tộc sau đây cũng có nguồn gốc liên quan với tộc Tây Âu (xem Phạm Hồng Quý, 2001): (1) Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam: Tày, Nùng, Thái, Giáy, Lự, Bố Y, Lào, La-chi, Pu-péo, Sán Chay, Cao Lan; (2) Dân tộc Lào Long 老龙của Lào; (3) Dân tộc Thái của Thái Lan; (4) Dân tộc Shan của Myanmar; (5) Dân tộc Asam và Ahong ở Ấn Độ.[1]

Trong các tộc nói Tráng-Đồng ngữ, giới học giả không đưa dân tộc Kinh 京族Việt Nam vốn thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng [?] vào phạm vi các dân tộc Tráng-Đồng ngữ; nghe nói nguyên nhân là ngôn ngữ của người Kinh chịu ảnh hưởng lớn của Hán ngữ cho nên các từ mượn Hán ngữ chiếm hơn một nửa số lượng từ vựng tiếng Kinh. Ngoài ra trong tiếng Kinh còn có các từ ngữ Môn-Khmer và Indonesia, vì vậy giới ngôn ngữ học vẫn tranh cãi mãi về nguồn gốc của tiếng Kinh, cho tới nay vẫn chưa xác định nó thuộc ngữ hệ nào (về phía Việt Nam, do tiếng Việt và ngữ tộc Môn-Khmer có nhiều từ đồng nguyên, cho nên đa số học giả Việt Nam chủ trương tiếng Việt thuộc ngữ tộc Việt-Mường, ngữ hệ Nam Á; hơn nữa nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới cũng thiên về quan điểm cho rằng tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á) (Vương Văn Quang, Khương Đan, 2008). Nhưng tác giả bài viết này [Hoàng Thế Kiệt] cho rằng giới học giả không đưa dân tộc Kinh Việt Nam vốn thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng [?] vào phạm vi các tộc Tráng-Đồng ngữ, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của các yếu tố chính trị khiến họ phải làm như vậy.[2]

Các học giả Trung Quốc Hà Nãi Hán (1989), Phạm Dũng (1986), Phan Hùng (1984) đều cho rằng Lạc Việt không thuộc cộng đồng Bách Việt và cũng không phải là tổ tiên của các dân tộc ở miền nam Trung Quốc. Thực ra các ghi chép trong thư tịch và điều tra dân tộc học hiện đại đều chứng minh dân tộc Kinh Việt Nam là hậu duệ của người Lạc Việt cổ; theo lý lẽ, nên đưa dân tộc Kinh Việt Nam vào phạm vi các tộc người của Tráng-Đồng ngữ. [?]

Sách “Việt sử tùng khảo” của Mông Văn Thông (1984) chứng minh thời xưa dân cư sống ở hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân (tức bắc phần Việt Nam) chủ yếu là người Lạc Việt.

Các ghi chép cũng cho biết dân ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đều là người Lạc Việt. Như Hán Thư quyển 64 hạ “Hán thư-Giả Quyên chi truyện汉书•贾捐之传” chép: Dân bản địa là người Lạc Việt: “người Lạc Việt, cha con cùng tắm chung một dòng suối, có thói quen uống nước bằng mũi, chẳng khác gì loài cầm thú, vốn không đáng lập quận huyện” [?].

Sau đời Hậu Hán, tên gọi Lạc Việt mất dần khỏi các thư tịch, thay bằng từ “Lý 俚”, Tây Âu thay bằng Ô Hử 乌浒, tuy người thì vẫn còn.

Thời hiện đại, dân sống ở vùng biên giới Việt Nam -Trung Quốc, trên đất phía Trung Quốc là người Tráng (tự xưng là Bố Nùng, Bố Thổ, Bố Tái, Căn Đà, Căn Thác 布侬, 布土, 布傣, 根托, 根拖, trên đất phía Việt Nam là các dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Hán-Tạng: Ngữ tộc Tày-Nùng—Tái (Tày, Nùng, La-chi, Pu-péo, Sanchay, Cao Lan, Thái, Lự, Giáy, Bố Y, Lào岱, 侬, 拉基, 布标, 山斋, 高栏, 泰, 泐, 热依, 布依, 佬族等),Ngữ tộc Mông-Dao苗瑶语族(Hơ-mông赫蒙, Mông苗 [hay Mèo?], Dao瑶, Pà-thẻn巴天, Sán-dìu山由), Ngữ tộc Tạng-Miến藏缅语族(Lô-lô倮倮, Phù-la普拉, Hà-nhì哈尼, Si-la西拉, Cống贡, La-hủ拉祜), ngữ tộc Hán汉语族 (Hoa tộc华族), dân tộc Kinh (京族) .

Trong các dân tộc ở miền bắc Việt Nam, ngữ tộc Mèo-Dao 苗瑶, ngữ tộc Tạng-Miến, ngữ tộc Hán gồm tộc Hoa và tộc Sán-dìu 山瑶đều là người từ Trung Quốc di cư đến Việt Nam. Ngữ tộc Tày Nùng—Thái ở Việt Nam có cùng nguồn gốc với ngữ tộc Tráng-Đồng Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc.

Phạm Hùng Quý căn cứ vào các thư tịch cổ, ngôn ngữ, gia phả, truyền thuyết và tình hình hôn nhân hiện nay đi tới nhận xét dân tộc Tráng Trung Quốc có quan hệ anh chị em ruột với 5 dân tộc ở Việt Nam: Tày, Nùng, La-chí, Pu-péo, Sán-chay. Các dân tộc Thái, Lự, Giáy, Bố Y, Lào thì có mối quan hệ anh chị em họ với dân tộc Tráng. Tiếng nói của họ gần với nhau, tập quán giống nhau, họ có mối quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân, có tín ngưỡng thần bảo hộ … qua đó có tình cảm nhận biết nhau (Phạm Hùng Quý, 2001).

Trong dân tộc Tráng miền nam Trung Quốc có chi hệ Nùng, tự xưng là Bố Nùng (pu nu), chủ yếu sống tại vùng nam Hữu Giang Quảng Tây và một phần châu Văn Sơn tỉnh Vân Nam. Dân tộc Nùng Việt Nam cũng tự xưng Bố Nùng (pu nu). Tổng hợp kết quả nghiên cứu của các học giả Trung Quốc tiền bối như Phạm Hùng Quý (2001), Châu Kiến Tân (2002), Hướng Đại Hữu (1987), Châu Nam Kinh (2002) và kết quả điều tra dân tộc học của các học giả Việt Nam, họ cho rằng “Tổ tiên các dân tộc Nùng, Tày, Dao瑶, Mèo 苗ở bắc Việt Nam đều có nguồn gốc ở Quảng Tây Trung Quốc.” “Phần lớn người Nùng ở nước chúng tôi từ Quảng Tây Trung Quốc di cư tới.” “Dân tộc Nùng ở Việt Nam và một bộ phận dân tộc Đồng 僮 ở miền tây, tây nam Quảng Tây và ở Vân Nam Trung Quốc đều có gốc là bộ tộc Nùng, có ghi chép trong sách sử thế kỷ 6~11.” “Báo cáo tổng hợp của Hoàng Thị Châu ở Đại học Tổng hợp và Nguyễn Linh ở Viện Nghiên cứu thông tin khoa học xã hội [Việt Nam] cho biết: Sau khi các vương quốc Nam Việt, Nam Chiêu南诏, Đại Lý bị diệt, những người nói tiếng Tày-Tái 岱-傣 đã di cư đến Việt Nam, về sau lại có người Dao, Mèo, Cao Lan—Sơn-tử高栏—山子, người Nùng, người Hán và các dân tộc nói tiếng thuộc ngữ hệ Tạng-Miến như người Hà-nhí, La-hủ, Lô-lô 哈尼, 拉沽 [Lagū], 倮倮 di cư tới Việt Nam”. Dân tộc Nùng di cư đến Việt Nam “chỉ có lịch sử 2-300 năm”. Dân tộc Nùng ở Việt Nam thường lấy tên theo tên quê hương Trung Quốc của họ, ví dụ Thuận Nùng, Trâu Nùng, Lỗi Nùng, Anh Nùng, An Nùng v.v… Các nghiên cứu của Trung Quốc và điều tra dân tộc học của Việt Nam cho thấy phần lớn dân tộc Nùng là từ Trung Quốc di cư tới Việt Nam, thời điểm sớm nhất là sau khi nước Nam Việt bị mất nước (111 TCN), muộn nhất là vào thế kỷ 17 ~ 18.

Phần lớn người Tráng ở lưu vực Tả Giang và Hữu Giang Quảng Tây cũng như vùng Nam Ninh đều tự xưng là kan tho, pu tho 根托, 布土, nghĩa là người Thổ hoặc người bản địa. Tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên ở Việt Nam cũng có nhiều người tự xưng kan tho. Trước năm 1958 họ tự xưng là người Thổ, ý nghĩa là người bản địa. Hiện nay những người kan tho ấy được xác định là người Tày. Người Tày và người Nùng ở Việt Nam có cùng nguồn gốc, quan hệ rất khăng khít với nhau, ngôn ngữ như nhau, tập quán giống nhau. Để phân biệt người Tày với người Nùng, chính phủ Việt Nam dùng tiêu chuẩn chủ yếu nhất là độ dài thời gian họ sống tại Việt Nam (chủ yếu là ở cao nguyên Việt Bắc). Người ở lâu là người Tày; những người mới di cư đến Việt Nam khoảng gần 200 năm nay là người Nùng. Một số người Tày là diễn biến từ người Nùng mà thành. Có gia đình, anh là Tày, em là Nùng, khó phân biệt giới hạn giữa hai tộc. Người Tày-Nùng Việt Nam cũng như người Tráng Quảng Tây cho tới nay vẫn thờ Nùng Trí Cao là thủy tổ dân tộc. Tổng quan kết quả nghiên cứu của học giả Việt Nam và Trung Quốc, có thể thấy dân tộc Tày Việt Nam đã sống ở đồng bằng sông Hồng [?] từ rất sớm, họ là người bản địa, là thổ dân [?]. Dân tộc Nùng và Tày Việt Nam đều phát triển hình thành từ một chi (Lạc Việt) của người Bách Việt.

Dân tộc La-chí 拉基Việt Nam chủ yếu ở tỉnh Hà Giang (giáp giới với Châu Tự trị dân tộc Tráng, Miêu Vân Sơn thuộc tỉnh Vân Nam), một ít ở Lào Cai. Tổ tiên người La-chí vốn sống ở châu A-mi 阿迷州Trung Quốc (thị xã Khai Viễn tỉnh Vân Nam) hiện nay; họ đến Việt Nam vào thời Càn Long (1735 – 1795).

Tổ tiên dân tộc Pu-péo Việt Nam cũng từ Trung Quốc đến, họ sống tại các huyện Đồng Văn, An Minh, Bắc Mê tỉnh Hà Giang; tỉnh Tuyên Quang cũng có một ít người Pu-péo từ Trung Quốc đến.

Người Cao Lan Việt Nam là một chi của dân tộc Tráng Trung Quốc, có khoảng vài vạn người, chủ yếu ở thị xã Đông Hưng, Nà Léng, … dọc biên giới Việt Nam -Trung Quốc.

Người Sơn Tử 山子[?] là một chi của người tộc Dao 瑶 Trung Quốc. Người Cao Lan và người Sơn Tử từ Quảng Tây vào Việt Nam, được người Việt Nam coi là một dân tộc, gọi là Sán-chay 山斋. Họ sống ở Tuyên Quang, Quảng Ninh, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Tổ tiên họ đến từ vùng giáp giới 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam.

Dân tộc Bố Nùng Trung Quốc ở Việt Nam được gọi là dân tộc Bố Nùng và Giáy. Khoảng giữa thế kỷ 19, người Bố Nùng theo nhiều đường di cư vào Việt Nam.

Dân tộc Tái 傣族 Trung Quốc[3] sau khi đến Việt Nam đã trở thành hai dân tộc Thái 泰 và Lự 泐. Phần lớn họ ở vùng Việt Bắc, một số ở vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Họ rất gần với tộc Tái Vân Nam Trung Quốc. Tổ tiên họ đến Việt Nam vào thế kỷ 9 từ Xi-xoang-bản- na và từ lưu vực sông Mekong Thái Lan [?].

Tóm lại, các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng hiện nay ở Việt Nam như Tày, Nùng, Thái, Giáy, Lự, Bố Y布依, Lào 佬, La-chí, Pu-péo, Sán-chay, Cao Lan, ngoài tộc Tày có lẽ là người bản địa Giao Chỉ [?] ra, các tộc khác đều là người di cư tới Việt Nam, sớm nhất là người Nùng (vào khoảng năm 111 TCN khi nước Nam Việt bị diệt). Các tộc khác đến Việt Nam vào khoảng thế kỷ 17 ~ 18. Họ từng là cùng một cộng đồng dân tộc.

Các học giả có quan điểm dòng chính của giới sử gia Trung Quốc hiện nay, như Ngô Phượng Bân (1982), Vương Dân Đồng (1984), … cho rằng dân tộc Kinh Việt Nam trực tiếp phát triển hình thành từ chi hệ Bách Việt, là hậu duệ của người Lạc Việt cổ đại. Tần Khâm Trĩ (1989) cũng cho rằng “Người Âu Việt, Lạc Việt trong dân tộc Bách Việt cổ đại là tổ tiên của dân tộc Kinh hiện nay”. Vương Văn Quang (1994) nói tộc Kinh vốn có chủ thể là người Lạc Việt, trong lịch sử lâu dài đã hấp thu các dân tộc xung quanh, sau thế kỷ 10 mới tái tổ hợp thành một dân tộc. Hoàng Thế Kiệt cho rằng người Lạc Việt ban đầu sống ở Bắc bộ Việt Nam, sau di chuyển về phía nam, giữa thế kỷ 19 đến điểm cực nam. Trong quá trình di chuyển, có pha trộn với những thành phần dân tộc khác, cuối cùng phát triển thành dân tộc Kinh.

Kết quả nghiên cứu về ngôn ngữ học của GS Vi Thụ Quan ở Đại học Dân tộc Quảng Tây đã cung cấp chứng cớ mạnh mẽ cho kết luận của Hoàng Thế Kiệt. Trong bài “Xuất phát từ ngôn ngữ để xem xét nguồn gốc văn hóa của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng”, GS Vi qua quan sát mấy nhóm từ vựng về nông nghiệp trồng lúa, kiến trúc, ẩm thực, dụng cụ sinh hoạt và đặc trưng âm luật ca dao, đã luận chứng về mối quan hệ nguồn gốc văn hóa của dân tộc Việt Nam với các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng-Đồng (Vi Thụ Quan, 1999). Mặt khác, trong bài “So sánh kết cấu âm luật ca dao dân tộc Tráng và ca dao dân tộc Việt Nam”, GS Vi cho rằng kết cấu âm luật ca dao có đặc sắc dân tộc nhất, đó là một trong những thước đo tin cậy nhất để phân biệt thuộc tính dân tộc của ca dao. Kết cấu âm luật ca dao dân tộc Tráng có những điểm giống nhau kỳ lạ với kết cấu âm luật ca dao dân tộc Việt Nam. Người Tráng và người Kinh Việt Nam cùng là hậu duệ của người Lạc Việt cổ, ca dao của họ có kết cấu âm luật như nhau, điều đó quyết không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là xây dựng trên cơ sở hai dân tộc có cùng nguồn gốc văn hóa, là di tồn của văn hóa cộng đồng nguyên thủy của hai dân tộc.

2. Sách sử Trung Quốc coi quan hệ với các quận Giao Chỉ là quan hệ đối ngoại

Năm 214 TCN, sau khi bình định Lĩnh Nam, Tần Thủy Hoàng lập 3 quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Lai lịch hai quận Nam Hải và Quế Lâm đều đã rõ ràng, riêng quận Tượng thì khá phức tạp. Sách sử Mậu Lăng Thư 茂陵书 chép: “Thủ phủ quận Tượng là Lâm Trần, cách Trường An một vạn 7 nghìn 5 trăm dặm”. Lâm Trần là thị xã Sùng Tả 崇左 Quảng Tây ngày nay. Mậu Lăng Thư xác định thủ phủ [quận trị] quận Tượng ở Sùng Tả.

Không ít học giả coi tư liệu này là căn cứ sử liệu chủ yếu, qua đó cho rằng quận Tượng hoàn toàn nằm trong địa phận Trung Quốc. Như sử gia người Pháp Maspéro, người Nhật Tả Bác Nghĩa Minh佐伯义明 (Tiền Tôn Phạm, 2008). Ngoài ra sử gia Việt Nam Đào Duy Anh (1959) trong tác phẩm “Lịch sử cổ đại Việt Nam” (xuất bản năm 1955; bản dịch Trung văn do NXB Khoa học xuất bản năm 1959) cũng có quan điểm tương tự, ông cho rằng “Quận Tượng (của nhà Tần) là miền tây tỉnh Quảng Tây hiện nay và có thể cộng thêm một phần đất phía nam tỉnh Quý Châu”, “Ba quận do nhà Hán lập không có quan hệ gì với quận Tượng do nhà Tần lập ra”.

“Tập Địa đồ lịch sử Trung Quốc” (8 tập) do NXB Địa đồ Trung Quốc xuất bản tháng 10/1982 (Đàm Kỳ Tương谭其骧 chủ biên) là tập bản đồ lịch sử Trung Quốc chỉ tiết nhất hiện đang được lưu hành; có cống hiến quan trọng cho việc nghiên cứu địa lý lịch sử Trung Quốc. Trang 3-4 “Địa đồ toàn bộ thời kỳ nhà Tần” và trang 11-12 “Địa đồ các quận ở miền nam Hoài Hán đời nhà Tần” thuộc tập 2 của “Tập địa đồ” này vẽ vị trí bắc bộ quận Tượng nhà Tần ở miền đông nam Quý Châu, vẽ trung bộ quận này ở miền tây Quảng Tây, nam bộ vẽ ở miền nam và tây nam Quảng Tây và ở bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông; đầu phía nam quận Tượng thì vẽ ở bên trong địa phận Việt Nam, cách biên giới Trung Quốc-Việt Nam khoảng 50~150 km về phía nam; Lâm Trần (thủ phủ quận Tượng) thì vẽ ở thị xã Sùng Tả hiện nay (Tiền Tông Phạm, 2008).

Ngoài ra, cuốn “Trung Quốc sử cảo中国史稿” xuất bản với danh nghĩa Quách Mạt Nhược [Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc] đã coi mối quan hệ giữa vương triều Hán với các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là quan hệ đối ngoại. Tất cả những điều đó có lẽ đều là do các học giả “dùng phạm vi lãnh thổ quốc gia nước CHND Trung Hoa để xử lý vấn đề lãnh thổ quốc gia trong lịch sử” (Bạch Thọ Di, 1989: 80). Đàm Kỳ Tương từng nói: “Các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đúng là ở trong cương vực của các vương triều Hán-Đường, không thể vì ngày nay đó là lãnh thổ nước Việt Nam mà nói bừa rằng mối quan hệ giữa nhà Hán – Đường với các quận đó là quan hệ ‘đối ngoại’. Sau thời Ngũ Đại, Việt Nam tách khỏi Trung Quốc, độc lập xây dựng quốc gia riêng thì ta nên tôn trọng sự độc lập của họ, không thể vì Việt Nam từng xưng ‘thần’ và cống nạp các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh mà không coi họ là nước láng giềng độc lập (Đàm Kỳ Tương, 1991)”.

3. Các học giả Trung Quốc Trịnh Triệu Hùng, Lương Đình Vọng, Tạ Thọ Cầu cho rằng “Kinh thành và quốc đô của nước Lạc Việt là ở chân núi phía tây nam Đại Minh Sơn, tức vùng Lục Oát 陆斡thuộc huyện Vũ Minh hiện nay; phương vị không ra ngoài tuyến Lục Oát—Lưỡng Giang—Mã Đầu”.

Tác giả bài này cho rằng luận chứng như vậy chưa đủ tin cậy, chỉ là mong muốn tưởng tượng chủ quan.

Các học giả nói trên khi tiến hành điều tra văn hóa vùng Đại Minh Sơn có phát hiện cụm mộ cổ và các đồ mộ táng thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Vũ Minh Mã Đầu Nguyên Long Pha, là đồ mộ táng của người Lạc Việt. Chân núi phía tây nam Đại Minh Sơn có nhiều di vật văn hóa Lạc Việt vương. Vùng Hoàn Đại Minh Sơn là nơi phát xuất văn hóa Long Mẫu [Mẹ Rồng], sùng bái Long Mẫu đã trở thành tôn giáo và trụ cột tinh thần mạnh mẽ của Lạc Việt cổ quốc. Qua đó các học giả này đưa ra nhận định như trên về vị trí trung tâm của Lạc Việt cổ quốc (Tạ Thọ Cầu, 2006).

Ngày 17/11/2006, tại Đại học Dân tộc Quảng Tây, GS Lương Đình Vọng đọc báo cáo khoa học “Văn hóa dân tộc Tráng-Đồng ngữ với việc xây dựng Quảng Tây văn hóa”. GS Lương đã móc nối việc xác định vị trí cố đô Lạc Việt với chính sách an ninh văn hóa quốc gia Trung Quốc hiện nay.

Học giả Đàm Thánh Mẫn (2007) cũng cho rằng từng tồn tại cố đô Lạc Việt dưới chân núi Đại Minh Sơn: ông coi Vũ Minh Mã Đầu là trung tâm của cố đô Lạc Việt và liên minh Âu Lạc, coi “Thành Cổ Loa” tại Hà Nội Việt Nam là kinh đô mới chuyển về phía nam sau khi bại trận.

Học giả Lam Nhật Dũng (2007) đưa ra một ý kiến ngược lại: Trong bài “Lạc Việt vô quốc luận”, ông căn cứ vào các thư tịch cổ, vào tình hình xã hội phản ánh trong các ngôi mộ ở Nguyên Long Pha và An Đẳng Ánh Sơn, vào tình trạng thiếu các công trình phòng thủ kinh thành để luận chứng tộc Lạc Việt chưa từng xây dựng tổ chức quốc gia của họ.

Tác giả bài này cũng cho rằng luận chứng như trên là chưa đủ tin cậy. Quê tôi ở chân núi Đại Minh Sơn thuộc huyện Vũ Minh, tỉnh Quảng Tây. Tôi chân thành mong muốn quê hương mình thuộc vào vùng quốc đô và kinh thành của Phương quốc Lạc Việt như các học giả trên từng nói. Thế nhưng sự thực thường là trái ngược với mong muốn tốt đẹp ban đầu của con người, nhất là khi mong muốn đó là tưởng tượng chủ quan không dựa trên căn cứ vào sự thực khoa học, như các thư tịch lịch sử (thư tịch chưa đủ chứng minh, thậm chí không có thư tịch ghi chép), hoặc dựa vào các di vật khảo cổ, mà phần nhiều là tưởng tượng ra, nói vu vơ bừa bãi. Bởi vậy cái gọi là nghiên cứu như thế, cho dù có mang danh khoa học nhưng hoàn toàn không chú ý tới các thường thức khoa học cơ bản nhất, phần nhiều là tưởng tượng chủ quan, đoán mò vô căn cứ, thiếu số liệu, thiếu suy lý logic.

Việc móc nối sự xác định vị trí cố đô Lạc Việt với chính sách an ninh văn hóa quốc gia hiện nay [của Nhà nước Trung Quốc] lại càng phạm sai lầm mà sử gia H. Butterfield [1900-1979] từng viết trong cuốn “Cách giải thích lịch sử của trường phái sử học Whig” [Whig interpretation of history] xuất bản năm 1931.

Cuốn sách sử học nổi tiếng này có viết: “Phần quan trọng của Cách giải thích lịch sử của trường phái Whig là họ tham khảo tình hình hiện nay để nghiên cứu quá khứ …. Khi dùng phương pháp trực tiếp đối chiếu hiện tại này sẽ rất dễ (hơn nữa, không thể tránh khỏi) phân chia các nhân vật lịch sử thành những người thúc đẩy tiến bộ và những người ngăn cản tiến bộ, qua đó tồn tại một phương pháp tương đối đơn giản thuận tiện. Khi dùng phương pháp đó, sử gia có thể tiến hành lựa chọn và gạt bỏ, có thể nhấn mạnh luận điểm đó.” Theo cách phân tích như thế, các sử gia trường phái Whig dùng quan điểm ngày nay để thêu dệt lịch sử. Học giả Lưu Binh (1991) cho rằng phương pháp trực tiếp tham chiếu quan điểm và tiêu chuẩn của ngày nay để lựa chọn và viết lịch sử là một trở ngại cho việc tìm hiểu lịch sử.[4]

Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ nguồn tiếng Trung 交趾政治史上的五种图式. – 黄世杰 (广西民族大学学报编辑部,广西南宁).

———-

[1] Trong bản gốc có chỗ tên gọi các dân tộc thiểu số không nhất quán với nhau.

[2] Có lẽ tác giả muốn nói về sự mâu thuẫn chính trị giữa Trung Quốc với Việt Nam hiện nay.

[3] Chữ 傣 này âm Hán-Việt là Thái, trùng với âm Hán-Việt của chữ泰 (trong “Thái Lan”). Để tránh nhầm lẫn, chúng tôi gọi âm Hán-Việt của chữ傣 là “Tái”.

[4] Trong bài “Trung Quốc nghiên cứu lịch sử phục vụ mưu đồ chính trị”, chúng tôi nhận xét công trình “Nghiên cứu phương quốc Lạc Việt” đã hư cấu sự kiện lịch sử và đưa ra các kết luận nhằm đáp ứng chính sách của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, như bịa ra chuyện từ thời Thương-Chu (1600 TCN), vùng Lĩnh Nam (trong đó có Việt Nam?) đã bị chính quyền Trung Nguyên cai trị, và từ hồi đó người Lạc Việt đã khai thác Biển Đông v.v…Thực ra mãi cho tới năm 214 TCN, người Trung Nguyên mới cai trị Lĩnh Nam và năm 179 TCN nhà Triệu mới chiếm Việt Nam.

Theo nghiencuuquocte.org

Từ khóa » Dân Tộc Sán Dìu ở Trung Quốc