Giới Thiệu Tài Liệu: “Sử Dụng Vũ Lực Liên Quan đến Tranh Chấp Chủ ...

 

 

Hoàng Ngọc Anh &Tăng Minh Thanh Thảo 

Tháng 5 năm 2018, Viện Luật Quốc tế và Luật so sánh của Anh (BIICL) công bố Báo cáo dài 147 trang với tiêu đề: “Sử dụng vũ lực liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ đất liền” (The Use of Force in relation to Sovereignty Disputes over Land Territory). Báo cáo là kết quả nghiên cứu của dự án luật quốc tế của nhóm chuyên gia do TS. Constantinos Yiallourides chủ trì và hội thảo quốc tế cùng chủ đề được tổ chức tại London ngày 27/3/2018. Báo cáo phân tích các quy tắc điều chỉnh hành vi và thực tiễn sử dụng vũ lực giữa các quốc gia trong các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có nhiều liên hệ tới tranh chấp Biển Đông. Báo cáo đưa ra ba luận điểm chính đáng chú ý như sau:

Sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hoặc thay đổi nguyên trạng (status quo) trong các lãnh thổ tranh chấp là vi phạm luật pháp quốc tế

Báo cáo khẳng định nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng và sử dụng vũ lực[1] là một quy phạm mệnh lệnh có tính chất bắt buộc chung (jus cogen). Do đó, bất cứ hành động vũ lực nào để giành quyền kiểm soát trong các lãnh thổ tranh chấp là bất hợp pháp. Tuy nhiên, các quốc gia đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực thường không phản bác nguyên tắc này mà thường vin vào ngoại lệ liên quan đến quyền tự vệ để biện minh cho hành động của mình. Trong Báo cáo, các tác giả chỉ ra rằng vũ lực chỉ được sử dụng để bảo vệ nguyên trạng thực tiễn (factual) trong tranh chấp lãnh thổ khi nó là một trường hợp của tự vệ.  Cụ thể, theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, hành động tự vệ hợp pháp phải đáp ứng được hai yêu cầu: (i) đáp trả lại một cuộc tấn công vũ trang; (ii) cần thiết và tương xứng về mức độ.

Các tác giả nhấn mạnh việc cấm sử dụng vũ lực có thể diễn giải theo nghĩa rộng, nghĩa là loại trừ mọi hành động vũ trang đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trong tranh chấp lãnh thổ. Việc một nước đơn phương triển khai lực lượng quân sự trong một lãnh thổ tranh chấp, tạo nên một tình thế đã rồi trên thực địa và buộc bên kia chấp nhận nguyên trạng mới là hành vi mở rộng lãnh thổ bất hợp pháp bằng vũ lực. Đặc biệt, khi một nguyên trạng lãnh thổ mới đã hình thành, một quốc gia có lãnh thổ bị chiếm đóng bất hợp pháp và đang nằm dưới sự kiểm soát thực tế của một quốc gia khác không thể sử dụng vũ lực để giành lại lãnh thổ, trên cơ sở quyền tự vệ.

Các tác giả chứng minh rằng các cuộc tấn công dù không xảy ra xung đột vũ trang là hành vi sử dụng vũ lực bất hợp pháp nếu cho thấy “ý định cưỡng bức” (coersion intent). Tiến sĩ Constantinos Yiallourides (thành viên nhóm tác giả) tiếp tục khẳng định các quan điểm trên trong một bài đăng trên trang The Diplomat mới đây.[2] Trong bài này, ông cho rằng các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở trên Biển Đông, mặc dù không xảy ra đối đầu vũ trang nhưng sẽ tạo nên một tình thế “đã rồi” trên thực địa, đồng thời “cưỡng bức” các bên yêu sách khác chấp nhận một hiện trạng mới và là hành vi mở rộng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua sử dụng vũ lực.

Ngoài ra, thông qua việc phân tích tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Bhutan năm 2017[3], các tác giả khẳng định nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực được áp dụng với cả lãnh thổ đã được phân định hoặc chưa được phân định; do đó, việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp để thay đổi nguyên trạng trong lãnh thổ tranh chấp bị cấm theo luật quốc tế. Trong bản lập trường dài 15 trang của Trung Quốc đưa ra sau đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Doklam, Trung Quốc tránh không viện dẫn Điều 2(4) Hiến chương nhưng hàm ý rằng hành vi của Trung Quốc sử dụng vũ lực không vi phạm Điều 2(4) Hiến chương, bởi vì các cuộc đụng độ diễn ra trong vùng lãnh thổ chưa được phân định.

Việc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực là điều kiện cần thiết để thực hiện nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp.

Theo nhóm tác giả, việc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực là hệ quả tất yếu của nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 2(3) Hiến chương Liên hợp quốc. Nói cách khác, khi các quốc gia tuân thủ nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp đồng nghĩa các quốc gia đã đáp ứng được nghĩa vụ cấm đe dọa và sử dụng vũ lực.

Báo cáo nêu lên 03 trường hợp nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp bị vi phạm. Trường hợp thứ nhất liên quan đến việc các quốc gia kiên quyết không thể hiện bất cứ nỗ lực nào để có thể giải quyết tranh chấp. Trường hợp thứ hai liên quan đến việc quốc gia thực hiện các hành vi đơn phương sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực xâm phạm đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác. Đây là hành vi, đồng thời vi phạm cả điều 2(3)và điều 2(4) về nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực sử dụng vũ lực đã được tòa ICJ khẳng định trong các vụ việc Campuchia vs Thái Lan; Cameroon vs Nigeria. Trường hợp thứ ba, cũng là trường hợp đáng chú ý nhất, đặt trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng triển khai lực lượng quân đội trong các thực thể tranh chấp tại Biển Đông, đó là việc triển khai các hoạt động quân sự nhằm làm thay đổi nguyên trạng trên thực tế. Cụ thể, việc một quốc gia đơn phương đưa lực lượng quân sự của mình vào khu vực tranh chấp (mà trước khi tranh chấp xảy ra, chưa có sự hiện diện quân sự nào) nhằm làm thay đổi nguyên trạng để mang đến động thái có lợi cho mình cũng có thể cấu thành vi phạm đối với Điều 2(3). 

Các quốc gia có nghĩa vụ kiềm chế, không được tăng cường hoặc mở rộng tranh chấp nhằm gây khó khăn cho việc giải quyêt tranh chấp

Nhóm tác giả cho rằng nghĩa vụ kiềm chế cấu thành một loại quy tắc ứng xử bổ trợ cho việc triển khai thực hiện các nghĩa vụ thực chất chính yếu điều chỉnh các tranh chấp quốc tế, đó là nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và nghĩa vụ cấm sử dụng vũ lực.

Hai trường hợp được coi là hành vi thiếu kiềm chế và làm phức tạp thêm tranh chấp được đề cập bao gồm: (i) Sự hiện diện quân sự: hiện diện quân sự không sử dụng đến vũ trang cũng có thể coi là hành vi dẫn đến nguy cơ làm leo thang căng thẳng, làm cho tranh chấp khó giải quyết; (ii) Hành vi vây tổn hại tới môi trường: Nhóm tác giả trích dẫn Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, theo đó, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS cho rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ kiềm chế khi thực hiện các hành vi làm ô nhiễm môi trường như (xây dựng đảo trên các thực thể tại Biển Đông, bảo vệ và không ngăn cản các hoạt động của tàu thuyền đánh cá, gây hại cho các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng…). 

Nhóm tác giả đề xuất lấy một số tiêu chí mà Tòa sử dụng trong vụ kiện Biển Đông để đánh giá các hành vi vi phạm nghĩa vụ kiềm chế và làm trầm trọng tranh chấp trong quá trình tố tụng; bao gồm: (a) thực hiện các hành vi bị cáo buộc là vi phạm các quyền của các bên còn lại theo cách có thể làm cho sự vi phạm trở nên trầm trọng hơn (b) thực hiện các hành vi có thể ngăn cản tính hiệu quả của phán quyết hoặc làm cho quá trình triển khai phán quyết trở nên khó khăn hơn; (c) làm suy yếu tính toàn vẹn của thủ tục giải quyết tranh chấp bằng cách làm cho công việc của tòa hoặc hội đồng trọng tài trở nên khó khăn hơn; (d) thực hiện các hành vi khác làm giảm khả năng thực hiện các quá trình tố tụng có thể dẫn đến một giải pháp giải quyết tranh chấp giữa các bên. Sau khi phân tích, Tòa trọng tài đã kết luận việc Trung Quốc tăng cường xây dựng đảo và tiến hành các hoạt động nạo vét tại một số thực thể ở Biển Đông là hành vi làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các bên.

Liên hệ với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

Dựa trên cơ sở phân tích (i) các nguyên tắc của luật quốc tế; (ii) các án lệ của các tòa án và tòa trọng tài quốc tế (ii) thực tiễn hành xử của các quốc gia và tổ chức quốc tế, (iii) các tài liệu của các cơ quan chuyên môn về luật quốc tế, và (iv) nghiên cứu của các học giả, báo cáo trên là một tài liệu tham khảo toàn diện và cụ thể về  nghĩa vụ của các bên trong các tranh chấp lãnh thổ đất liền có liên quan đến hành vi sử dụng vũ lực; cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa ba nghĩa vụ: nghĩa vụ cấm đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực; nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp và nghĩa vụ kiềm chế. Nghĩa vụ sau là hệ quả và là yếu tố để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trước.

Sợi chỉ xuyên suốt trong ba nghĩa vụ mà nhóm tác giả nêu trong báo cáo là yếu tố nguyên trạng. Theo đó, cả ba nghĩa vụ đều nhấn mạnh các quốc gia có nghĩa vụ không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm mục tiêu thay đổi nguyên trạng của vùng lãnh thổ tranh chấp, việc thay đổi nguyên trạng lãnh thổ tranh chấp bằng các hành vi đơn phương mang bản chất quân sự sẽ cấu thành vi phạm đối với nghĩa vụ hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế và các bên phải kiềm chế để không có hành vi thay đổi nguyên trạng của lãnh thổ tranh chấp. Duy trì yếu tố nguyên trạng sẽ đóng vai trò quan trọng cho tính hiệu quả và toàn vẹn của các biện pháp giải quyết tranh chấp sau này, dù đó là biện pháp ngoại giao hay biện pháp tài phán.[4]

Mặc dù không chủ ý nhằm vào bất cứ tranh chấp lãnh thổ cụ thể nào, nhưng có thể thấy, các tác giả đã dẫn ra nhiều đoạn trong phán quyết Vụkiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, góp phần khẳng định giá trị pháp lý và tính đúng đắn của án lệ mang tính lịch sử này. Từ góc nhìn phân tích của các tác giả, có thể thấy rằng, các hành vi mà Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện trên các thực thể tranh chấp tại Biển Đông, như cải tạo đảo, quân sự hóa các đảo đã làm thay đổi nguyên trạng của các thực thể tranh chấp tại Biển Đông, cấu thành vi phạm nghĩa vụ của các quốc gia trong khu vực lãnh thổ tranh chấp.

Hoàng Ngọc Anh là nghiên cứu viên và Tăng Minh Thanh Thảo là trợ lý nghiên cứu, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm, nhận xét riêng của các tác giả.

 

[1] Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng và sử dụng vũ lực tồn tại trong tập quán quốc tế,  được quy định tại Điều 2(4) Hiến chương Liên Hợp Quốc (Hiến chương) và được ghi nhận trong một loạt các Tuyên bố và bởi các tòa án quốc tế, theo đó tất cả các quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế

[2] Constantinos Yiallourides, “Is China Using Force or Coercion in the South China Sea?”, The Diplomat,  Ngày 11/7/2018, xem tại: https://thediplomat.com/2018/07/is-china-using-force-or-coercion-in-the-south-china-sea/, truy cập ngày 17/08/2018.

[3] Năm 2017, quân đội Trung Quốc cho xây dựng một con đường đi qua khu vực tranh chấp giữa hai nước này, cao nguyên Doklam. Bhutan phản đối vì hoạt động xây dựng của Trung Quốc ảnh hưởng đến tiến trình phân định ranh giới giữa hai nước và vi phạm Thỏa thuận 1988 về duy trì hòa bình ở khu vực biên giới và nguyên trạng biên giới và hạn chế không thực hiện các hành động đơn phương hoặc sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng đó, trong lúc chờ đợi giải quyết vấn đề biên giới.

[4]  Constantinos Yiallourdes, Force and Coercion in the South China Sea: Why does it matter in international law, Tham luận trình bày tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông 10, Đà Nẵng, Việt Nam, 11/2018.

 

Từ khóa » Sử Dụng Vũ Lực Trong Luật Quốc Tế