Quyền Tự Vệ Của Quốc Gia Trong Luật Quốc Tế

Quyền tự vệ của Quốc gia trong Luật Quốc tế

QUYỀN TỰ VỆ CỦA QUỐC GIA TRONG LUẬT QUỐC TẾ

Nguyễn Thái Sơn – Giảng viên Khoa Luật – T04

Sau chiến tranh thế giới lần II, Liên Hợp quốc được thành lập để bảo vệ nền an ninh và hòa bình quốc tế, ngăn chặn các cuộc chiến tranh xâm lược. Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên Hợp quốc xác lập nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực với quy định: “Tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc từ bỏ đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như những cách khác trái với những mục đích của Liên Hợp quốc”. Tuy nhiên, Hiến chương cũng thừa nhận hai trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc này là: trường hợp quốc gia thực hiện quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang theo Điều 51 và hành động của Hội đồng bảo an tiến hành hoặc cho phép sử dụng vũ lực để duy trì, khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế theo Điều 42.

Về vấn đề quyền tự vệ của quốc gia, Điều 51 của Hiến chương đã quy định như sau:

Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá thể hay tập thể vốn có trong trường hợp thành viên Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng bào an Liên hợp quốc chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những biện pháp mà các thành viên Liên hợp quốc áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng bảo an và không được ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng bảo an, chiểu theo Hiến chương này, đối với việc Hội đồng bảo an áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động mà Hội đồng bảo an thấy cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.

Quy định trên của Hiến chương điều chỉnh hai vấn đề pháp lý về quyền tự vệ: xác định trường hợp quốc gia được quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang và quy định điều kiện về thủ tục thông báo của quốc gia cho Hội đồng bảo an khi thực hiện quyền tự vệ. Ngoài những nội dung trên, tập quán quốc tế còn quy định quốc gia phải tuân thủ nguyên tắc cần thiết và tương xứng khi thực hiện quyền tự vệ. Nội dung này được Tòa ICJ thừa nhận trong kết luận tư vấn về Tính hợp pháp của hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân “việc thực thi quyền tự vệ với điều kiện của sự cần thiết và tương xứng là một quy tắc của luật tập quán quốc tế” [6, tr. 23]. Như vậy, nội dung về quyền tự vệ của quốc gia trong Luật quốc tế hiện nay bao gồm ba vấn đề sau: thứ nhất, trường hợp quốc gia được quyền tự vệ; thứ hai; điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện hành vi tự vệ và thứ ba, điều kiện về thủ tục thông báo cho Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc.

- Về vấn đề thứ nhất: trường hợp quốc gia được quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang. Điều 51 Hiến chương quy định “Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá thể hay tập thể vốn có trong trường hợp thành viên Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang…”. Để xác định hành vi tấn công vũ trang các vấn đề pháp lý cần phải phân tích làm rõ bao gồm: chủ thể thực hiện hành vi tấn công vũ trang, mức độ sử dụng vũ lực để được xác định là tấn công vũ trang và vai trò của quốc gia nạn nhân trong việc xác định hành vi tấn công vũ trang. Những vấn đề pháp lý này đã được Tòa ICJ giải thích rõ qua các phán quyết của mình.

Về chủ thể thực hiện hành vi tấn công vũ trang. Trong phán quyết vụ Nicaragua, Tòa ICJ đã phân tích “Tấn công vũ trang phải được hiểu là bao gồm không chỉ hành động của các lực lượng vũ trang chính quy xuyên biên giới quốc tế, mà còn hành động gửi hoặc thay mặt cho một quốc gia của các băng, nhóm, tổ chức vũ trang hoặc lính đánh thuê, thực hiện các hành động của lực lượng vũ trang chống lại một quốc gia khác có mức độ nghiêm trọng như một cuộc tấn công vũ trang thực sự được thực hiện bởi những lực lượng vũ trang thường xuyên, hoặc có sự tham gia đáng kể của lực lượng vũ trang thường xuyên trong đó” [1, tr 93]. Trong Kết luận tư vấn vụ bức tường ở Jerusalem, Tòa ICJ cũng khẳng định: “Điều 51 của Hiến chương thừa nhận sự tồn tại quyền tự vệ vốn có của một quốc gia trong trường hợp bị tấn công vũ trang chủ thể tấn công vũ trang phải là quốc gia được thực hiện trực tiếp qua hoạt động của lực lượng vũ trang thường xuyên hoặc được thực hiện gián tiếp thông qua các băng, nhóm vũ trang, lính đánh thuê được quy cho quốc gia.

Về mức độ sử dụng vũ lực để được xác định là tấn công vũ trang. Trong phán quyết vụ Nicaragua, Tòa ICJ đã cho rằng tấn công vũ trang phải là “hình thức nghiêm trọng nhất của việc sử dụng vũ lực hơn là các hình thức ít nghiêm trọng khác” [1, tr. 91]. Tòa ICJ còn khẳng định Nghị quyết của Đại hội đồng về Tuyên bố các nguyên tắc cơ bản, Nghị quyết 3314 về định nghĩa xâm lược của Đại hội đồng là các tập quán quốc tế để xác định các hình thức sử dụng vũ lực. Trong các hình thức sử dụng vũ lực đó, Tòa ICJ đã xác định xâm lược là một trong các hình thức nghiêm trọng nhất của việc sử dụng vũ lực và hành vi xâm lược là một trong những hình thức của tấn công vũ trang [1, tr.92]. Ngoài ra, Tòa còn cho rằng “một cuộc tấn công vũ trang còn có thể bao gồm hoạt động gửi băng nhóm vũ trang vào lãnh thổ của quốc gia khác nếu Về vai trò của quốc gia bị tấn công trong việc xác định hành động tấn công vũ trang. Trong phán quyết vụ Nicaragua, Tòa ICJ đã cho rằng “chính quốc gia là nạn nhân của một tấn công vũ trang phải đưa ra và tuyên bố quan điểm rằng nó đã bị tấn công”[1, tr. 95]. Đối với trường hợp tự vệ tập thể Tòa ICJ còn khẳng định “không có quy tắc nào cho phép tiến hành quyền tự vệ tập thể trong trường hợp không có yêu cầu của quốc gia tự xác định chính họ là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang” [1, tr.95]. Trong Phán quyết vụ hoạt động vũ trang giữa Congo và Uganda, Tòa ICJ xác định hành động của Uganda không phải là tự vệ vì “khi Uganda tuyên bố thực hiện hành vi tự vệ, nó đã không tuyên bố là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang được thực hiện bởi lực lượng vũ trang được quy cho Cộng hòa Congo” [5, tr.59]. Như vậy, hành động tuyên bố của quốc gia nạn nhân là một yêu cầu bắt buộc để xác định có cuộc tấn công vũ trang từ quốc gia khác. Trong trường hợp tự vệ tập thể, việc yêu cầu giúp đỡ của quốc gia nạn nhân là điều kiện để các quốc gia đồng minh được tiến hành quyền tự vệ tập thể.

Tuy nhiên, một vấn đề pháp lý phức tạp phát sinh từ câu chữ của Điều 51 của Hiến chương là quốc gia chỉ được quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang hay quốc gia còn có thể được quyền tự vệ trong các trường hợp khác như: bị đe dọa tấn công vũ trang, bị đe dọa tấn công bởi chủ nghĩa khủng bố… Một số cường quốc như Anh và Hoa Kỳ đã cố gắng dựa vào thuật ngữ “quyền vốn có” (inherent right) và câu chữ của Hiến chương “không có một điều khoản nào… làm tổn hại đến… quyền tự vệ vốn có” để khẳng định rằng Hiến chương đã thừa nhận ngoài trường hợp bị tấn công vũ trang, các quốc gia còn được quyền tự vệ “vốn có” trong các trường hợp khác mà luật tập quán quốc tế điều chỉnh. Các nước này đã viện dẫn quy tắc xuất phát từ vụ việc Caroline xảy ra vào năm 1837 trong đó Chính phủ Anh và Hoa Kỳ đã thỏa thuận với nhau quyền tự vệ sẽ chỉ là hợp pháp theo Luật quốc tế khi “sự cần thiết của quyền tự vệ là ngay lập tức, đáng kể, không thể lựa chọn các biện pháp và không có thời gian để cân nhắc việc lựa chọn” [3]. Theo thỏa thuận này, thì hành vi tự vệ của quốc gia được xác định là hợp pháp khi nó thỏa mãn nguyên tắc cần thiết, tương xứng và ngay lập tức chứ không ràng buộc rằng quốc gia chỉ được quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang như quy định của Hiến chương. Từ đó các quốc gia này cho rằng quốc gia có thể tự vệ để đối phó với việc đe dọa sử dụng vũ lực, đe dọa tấn công vũ trang hay để đối phó với chủ nghĩa khủng bố [9].

Chúng ta cần hiểu đúng đắn quy định tại Điều 51 của Hiến chương theo cách giải thích hẹp chỉ cho phép quốc gia được quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang. Cơ sở cho cách hiểu này xuất phát từ các quy định hiện hành của Luật quốc tế sau: Một là, quyền tự vệ của quốc gia được xác định là ngoại lệ của nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực - là một quy phạm Jus cogens của Luật quốc tế. Tòa ICJ đã nhiều lần khẳng định “nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực được thể hiện tại Khoản 4, Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc đã được thừa nhận là quy phạm Jus cogens” [1, tr. 91]. Với đặc tính là quy phạm Jus cogens, nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực đã loại bỏ hiệu lực pháp lý của các tập quán quốc tế, các điều ước quốc tế có nội dung trái với nó [2, tr. 40]. Quyền tự vệ của quốc gia là ngoại lệ của quy phạm Jus cogens nên ngoại lệ này phải được quy định cụ thể, chặt chẽ. Nếu các quốc gia thực hiện quyền tự vệ một cách rộng rãi thì sẽ dẫn đến trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực sẽ “chiếm đoạt” nguyên tắc này, từ đó tạo điều kiện cho các hành vi sử dụng vũ lực bất hợp pháp của quốc gia vốn là nguyên nhân gây bất ổn đến an ninh và hòa bình quốc tế. Hai là, Hiến chương Liên hợp quốc từ Điều 39 đến Điều 42 đã quy định những biện pháp, cơ chế hiệu quả để giải quyết các trường hợp đe dọa sử dụng vũ lực, đe dọa tấn công vũ trang… khi trao thẩm quyền cho Hội đồng bảo an thay mặt các quốc gia giải quyết các tình thế quốc tế này. Những hành động phi vũ trang theo Điều 41 và hành động vũ trang theo Điều 42 của Hội đồng bảo an vẫn là cơ chế an ninh tập thể hữu hiệu hiện nay để đối phó với các hành động đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực từ một quốc gia hay một thực thể khác như lực lượng khủng bố chống lại quốc gia khác. Ba là, trong các phán quyết của mình mặc dù Tòa ICJ đã không trả lời về vấn đề đe dọa tấn công vũ trang có làm phát sinh quyền tự vệ không, như trong vụ Nicaragoa vì “trong vụ tranh chấp vấn đề về tính hợp pháp của một phản ứng trước sự đe dọa tấn công vũ trang sắp xảy ra đã không được các bên nêu ra” [1, tr. 93]. Tuy nhiên, Tòa ICJ đã thận trọng khi sử dụng từ ngữ “” (nguyên văn: a response to the imminent threat of armed attack) chứ không phải là thuật ngữ “quyền tự vệ” (right of self-defence) khi đề cập đến vấn đề này. Đây có thể được xem là căn cứ “bổ sung” để khẳng định quyền tự vệ sẽ không được thực hiện trong trường hợp có sự đe dọa tấn công vũ trang.

- Về vấn đề thứ hai: điều kiện của hành vi tự về phải thỏa mãn nguyên tắc về sự cần thiết và tương xứng. Như đã phân tích ở trên, Điều 51 của Hiến chương không điều chỉnh quốc gia được thực hiện quyền tự vệ như thế nào để đối phó với hành vi tấn công vũ trang. Trong kết luận tư vấn về Tính hợp pháp của hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân, Tòa ICJ đã khẳng định “việc thực thi quyền tự vệ với điều kiện của sự cần thiết và tương xứng là một quy tắc của luật tập quán quốc tế” [6, tr. 23]. Nguyên tắc về sự cần thiết và tương xứng (necessity and proportionality) của tập quán quốc tế về quyền tự vệ đã được Tòa ICJ phân tích làm rõ qua các vụ tranh chấp cụ thể mà Tòa thụ lý giải quyết với các nội dung sau:

Về nguyên tắc cần thiết, quốc gia thực hiện quyền tự vệ phải chỉ ra rằng hành động tự vệ của họ là lựa chọn duy nhất có sẵn để có thể đẩy lùi cuộc tấn công vũ trang. Nếu cuộc tấn công vũ trang đã chấm dứt, hoặc chưa diễn ra việc thực hiện quyền tự vệ của quốc gia được xem là không cần thiết. Trong vụ Oil Platform giữa Iran và Hoa Kỳ, khi Iran vào ngày 16/11/1987 bắn tên lửa vào tàu chở dầu “Sea Isle City” treo cờ Hoa Kỳ ở vùng biển Kuwait, sau đó Iran cũng thừa nhận đã đặt mìn vùng biển gần Bahrain dẫn đến sự kiện ngày 14/4/1988 tàu chiến “Samuel B. Roberts” của Hoa Kỳ bị đắm do vướng mìn. Mặc dù, Hoa Kỳ đã thông báo vụ việc trên đến Hội đồng bảo an và sau đó thực hiện quyền tự vệ tiến hành phá hủy hai giàn khoan dầu của Iran ở ngoài khơi. Tuy nhiên, Tòa ICJ đã cho rằng việc thực thi quyền tự vệ của Hoa Kỳ là không hợp pháp do không thỏa mãn điều kiện về sự cần thiết, vì “không có bằng chứng nào cho thấy Hoa Kỳ cáo buộc Iran tiến hành các hoạt động quân sự ở các giàn khoan dầu, giống như cách mà Hoa kỳ liên tục cáo buộc Iran tấn công các tàu vận chuyển của Hoa Kỳ, điều này cho thấy việc nhắm mục tiêu phòng vệ vào các giàn khoan không được coi là một hành động cần thiết” [5, tr. 41].

Về nguyên tắc tương xứng, căn cứ thường được dựa vào là tỷ lệ xấp xỉ giữa hành vi tự vệ và hành vi tấn công vũ trang. Hội đồng bảo an đã dựa trên nguyên tắc định lượng để xác định tính tương xứng. Một số Nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã căn cứ vào số thương vong do hành động tự vệ gây ra để xác định xem việc sử dụng vũ lực là hành động trả thù hay là tự vệ hợp pháp. Nếu số thương vong do hành động tự vệ gây ra cao hơn nhiều trong so với cuộc tấn công vũ trang trước đó, thì đó là dấu hiệu cho thấy việc sử dụng vũ lực thực sự là một sự trả thù bất hợp pháp [7, tr. 588]. Trong khi đó Ủy ban Luật pháp quốc tế lại dựa trên nguyên tắc chức năng để xác định tính tương xứng, Ủy ban cho rằng tính hợp pháp của hành động tự vệ của các quốc gia được đo lường bằng việc hành động đó có đạt được mục tiêu đẩy lùi hoặc ngăn chặn cuộc tấn công vũ trang ban đầu hay không, chứ không xem xét dựa trên hình thức, bản chất và sức mạnh của hành động tự vệ [7, tr. 588, 589]. Các phán quyết của Tòa ICJ lại xác định tính tương xứng trên cơ sở từng vụ việc cụ thể. Có trường hợp Tòa xác định trên nguyên tắc định lượng, nhưng cũng có trường hợp Tòa xác định trên nguyên tắc chức năng.

Trong vụ Oil Platform, Tòa ICJ cho rằng việc phá hủy hai giàn khoan dầu của Iran để đáp trả việc đặt mìn đối với một tàu quân sự là không tương xứng, trong khi Tòa lại cho rằng việc phá hủy hai giàn khoan dầu khác để đáp trả một cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào một tàu thương mại duy nhất có thể phù hợp với nguyên tắc tỷ lệ [5, tr. 41, 42]. Trong vụ Hoạt động vũ trang trên Lãnh thổ Congo, Tòa ICJ đã tuyên bố rằng việc lực lượng vũ trang Ugandan chiếm giữ các sân bay và thị trấn ở Congo cách biên giới của Uganda hàng trăm km không tương xứng để đối phó lại với các cuộc tấn công xuyên biên giới của lực lượng ADF mà phía Uganda đã cáo buộc là tấn công vũ trang [8, tr. 59]. Tuy nhiên, trong vụ tính hợp pháp của mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân, Tòa ICJ cho rằng nguyên tắc tương xứng không loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ trong mọi trường hợp, nhưng cách sử dụng vũ lực tương xứng trong tự vệ ở trường hợp này, để hợp pháp, phải đáp ứng các yêu cầu của luật xung đột trong đó bao gồm các nguyên tắc và quy phạm luật nhân đạo [6, tr. 23].

- Về vấn đề thứ ba: thủ tục thông báo của quốc gia đếnHội đồng bảo an khi thực hiện quyền tự vệ. Theo điều 51 của Hiến chương, quốc gia thực hiện quyền tự vệ phải thông báo ngay cho Hội đồng bảo an. Vấn đề pháp lý cần phân tích làm rõ là việc vi phạm nghĩa vụ thông báo đến Hội đồng bảo an có ảnh hưởng và là điều kiện để xác định tính hợp pháp của hành vi tự vệ của quốc gia không. Trong Phán quyết vụ Nicaragua và Hoa Kỳ, Tòa ICJ cho rằng việc không báo cáo hành động tự vệ tập thể của Hoa Kỳ đến Hội đồng bảo an đã chứng tỏ “hành vi này của Hoa Kỳ không phù hợp với niềm tin rằng nó đã hành động tự vệ tập thể phù hợp theo quy định của Điều 51 của Hiến chương” [1, tr. 111]. Trong Phán quyết vụ hoạt động vũ trang giữa Congo và Uganda, Tòa ICJ cũng đề cập đến việc Uganda không báo cáo Hội đồng bảo an về các sự kiện liên quan đến yêu cầu của hành vi tự vệ, nhưng Tòa cho rằng hành vi tự vệ của Uganda không hợp pháp không phải là vì không tuân thủ thủ tục thông báo mà vì “Uganda đã không tuyên bố là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang được thực hiện bởi lực lượng vũ trang được quy cho Cộng hòa Congo” [5, tr.59]. Với cách tiếp cận trên của Tòa ICJ cho thấy thủ tục thông báo cho Hội đồng bảo an không là điều kiện để xác định tính hợp pháp của hành vi tự vệ, việc vi phạm nghĩa vụ này sẽ chỉ cấu thành vi phạm độc lập riêng. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh giá trị của việc thông báo đến Hội đồng bảo an là một trong những căn cứ để chứng minh rằng quốc gia đang là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang.

Từ những nội dung và các căn cứ được đề cập và phân tích ở trên, có thể kết luận những nội dung cơ bản về quyền tự vệ của quốc gia được quy định trong hệ thống pháp luật quốc tế như sau:

- Thứ nhất, Điều 51 Hiến chương đã xác lập một trường hợp quốc gia được quyền tự vệ duy nhất đó là khi bị tấn công vũ trang bởi một quốc gia khác. Để xác định hành vi tấn công vũ trang phải chứng minh được các yếu tố: chủ thể của tấn công vũ trang phải là quốc gia hoặc được quy cho quốc gia; mức độ của hành vi tấn công phải là việc sử dụng vũ lực nghiêm trọng nhất như hành vi xâm lược, hoặc các hành vi sử dụng vũ lực khác có quy mô và ảnh hưởng như hành vi tấn công vũ trang; quốc gia bị tấn công phải tuyên bố và xác thực mình là nạn nhân của hành động tấn công vũ trang bởi quốc gia khác. Luật quốc tế hiện đại giới hạn trường hợp tự vệ của quốc gia là cần thiết khi cộng đồng quốc tế đã xây dựng cơ chế trao quyền cho Hội đồng bảo an để đối phó với các tình thế quốc tế bảo vệ nền an ninh và hòa bình quốc tế, đồng thời nó còn thể hiện “sự logic” với ý nghĩa là trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực. Việc một số cường quốc hiện nay muốn mở rộng trường hợp tự vệ để đối phó các hành động đe dọa tấn công vũ trang, tấn công bởi các thực thể khác không phải là quốc gia như lực lượng khủng bố… thực chất là “sự xé rào” các quy định của Luật quốc tế về quyền tự vệ.

- Thứ hai, quốc gia thực hiện quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang phải đảm bảo nguyên tắc cần thiết và tương xứng được ghi nhận trong tập quán quốc tế. Theo đó quốc gia phải chứng minh biện pháp tự vệ là biện pháp duy nhất cuối cùng để đối phó lại với việc bị tấn công vũ trang, đồng thời các biện pháp tự vệ quốc gia cần đảm bảo sự hài hòa theo nguyên tắc tỷ lệ và nguyên tắc chức năng với hành động tấn công vũ trang.

- Thứ ba, nghĩa vụ thông báo ngay cho Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc khi quốc gia thực hiện quyền tự vệ không phải là điều kiện để xác định tính hợp pháp của việc tự vệ. Việc quốc gia không thực hiện nghĩa vụ này sẽ cấu thành một vi phạm Luật quốc tế độc lập khác. Tuy nhiên, việc thông báo cho Hội đồng bảo an có giá trị chứng minh cùng với những căn cứ khác rằng quốc gia đang là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang từ quốc gia khác.

[1] Judgment ICJ, Case concerning military and paramilitary activities in and against Nicaragua, 27 June 1986.

[2] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế, NXB CAND năm 2009.

[3] Vụ việc Caroline được tham khảo tại website: https://avalon.law.yale.edu/19th_century/br-1842d.asp, truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2020.

[4] Advisory opinion ICJ, Legal consequences of the construction of a wall in the occcupied palestinian territory, 9 July 2004.

[5] Judgment ICJ, Case concerning Oil Platforms, 6 November 2003.

[6] Advisory opinion ICJ, Legality of the Threat or Use of Nuclear Weapons, 8 July 1996.

[7] Tham khảo tại website: http://www.iipsl.jura.uni- koeln.de/fileadmin/sites/iipsl/Forschung/Anlagen/14_Maerz_2015/zu17.pdf truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2020.

[8] Judgment ICJ, Case concerning armed activities on the territory of the Congo (Congo vs Uganda), 19 December 2005.

[9] Chú thích, xem chính sách an ninh quốc gia của Hoa Kỳ năm 2002 tại website: https://2009-2017.state.gov/documents/organization/63562.pdftruy cập ngày 10 tháng 5 năm 2020.

Tags quyentuvecuaquocgia

Tin khác

Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021

Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021(17/11/2020)

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, chiều 13/11/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Giá trị pháp lý của ngày Pháp Luật Việt Nam 9.11

Giá trị pháp lý của ngày Pháp Luật Việt Nam 9.11(08/11/2020)

Ngày 9/11 được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Nhắc nhở giáo dục cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu, tự giác tuân thủ, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013

Đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013(15/10/2020)

Bài viết trình bày những đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013

Từ khóa » Sử Dụng Vũ Lực Trong Luật Quốc Tế