Giúp Học Sinh Lớp 2 Giảm Bớt Lỗi Chính Tả | Xemtailieu

logo xemtailieu Xemtailieu Tải về Giúp học sinh lớp 2 giảm bớt lỗi chính tả
  • doc
  • 21 trang
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐỀ TÀI: “GIÚP HỌC SINH LỚP 2 GIẢM BỚT LỖI CHÍNH TẢ” I. SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC THỰC HIỆN SÁNG KIẾN: Chữ viết là hệ thống ký hiệu bằng đường nét đặt ra để ghi tiếng nói và có những quy tắc, quy định riêng. Muốn viết đúng chính tả Tiếng Việt, ta phải tuân theo những quy định, quy tắc đã được xác lập. Chính tả là cách viết chữ được xem là chuẩn, tức là viết đúng âm đầu, đúng vần, đúng dấu (thanh), đúng quy định về viết hoa. Trong các môn học quy định hiện nay với học sinh Tiểu học, phân môn Chính tả là phân môn không kém phần quan trọng vì phân môn Chính tả giúp học sinh viết đúng, viết đẹp, tính cẩn thận … Trong thực tế, học sinh mắc lỗi chính tả rất nhiều. Có những học sinh viết sai hơn 10 lỗi ở một bài chính tả khoảng 60 chữ. Tình trạng học sinh phổ thông viết sai chính tả khá phổ biến. Hiện tượng này cho thấy thực trạng viết sai chính tả là có hệ thống : Viết sai chính tả từ học sinh Tiểu học đến học sinh THCS rồi đến THPT vẫn tiếp tục sai. Mặt khác, từ kết quả viết chính tả của học sinh Tiểu học trong các tiết học chính tả, nhiều GV và nhà quản lí Giáo dục Tiểu học có nhận xét rằng, đa số học sinh đã đạt được chuẩn kiến thức và kĩ năng chính tả tối thiểu được quy định trong chương trình phân môn Chính tả.Thế nhưng về thực tế, khi thoát khỏi phạm vi của bài viết trong chính tả, khi học các môn học khác thì học sinh mắc nhiều lỗi chính tả thông thường. Đặc biệt là khi chấm các bài Tập làm văn, tôi không thể hiểu các em muốn diễn đạt điều gì, vì khi viết tập làm văn, các em phải tự thể hiện năng lực học Tiếng Việt qua việc trình bày những kiến thức, bộc lộ suy nghĩ tình cảm của mình thì các em viết sai nhiều, bài viết mắc quá nhiều lỗi chính tả. Điều này ảnh hưởng tới kết quả học tập của các em ở môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác, hạn chế khả năng giao tiếp, làm các em mất tự tin, trở nên rụt rè, nhút nhát. Như vậy, Phân môn Chính tả cũng có nhiệm vụ to lớn trong việc hình thành, bồi dưỡng tâm hồn cho các em . Giúp các em hào hứng, phấn khởi, tự tin hơn trong môn học và hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp thu các môn học khác . Trong môn Tiếng Việt, tính chất nổi bật của phân môn chính tả là tính thực hành. Bởi lẽ chỉ có thể hình thành các kĩ xảo chính tả cho học sinh thông qua việc thực hành, luyện tập, Do đó trong phân môn này, các quy tắc chính tả, các đơn vị kiến thức mang tính chất lý thuyết không được bố trí trong tiết dạy riêng mà dạy lồng trong hệ thống bài tập chính tả. Chính vì vậy giáo viên có nhiệm vụ giúp học sinh nắm vững các quy tắc chính tả và hình thành kĩ năng, kĩ xảo chính tả. Nói cách khác giúp học sinh hình thành năng lực và thói quen viết chính tả đúng. Khái niệm “kĩ xảo” trong tâm lý học được hiểu là: “ Những yếu tố tự động hóa của hoạt động có ý thức được tạo ra trong quá trình thực hiện hoạt động đó”. Định nghĩa này bao hàm cả những kĩ năng vận động, kĩ xảo trí tuệ, trong đó có kĩ xảo chính tả. Hình thành cho học sinh kĩ xảo chính tả nghĩa là giúp học sinh viết đúng chính tả một cách tự động hóa, không cần phải trực tiếp nhờ tới các quy tắc chính tả, Không cần đến sự tham gia của ý chí. Chính tả tiếng Việt là chính tả ngữ âm, nghĩa của mỗi âm vị được ghi bằng một con chữ. Nói cách khác, giữa cách đọc và cách viết thống nhất với nhau, đọc như thế nào sẽ viết như thế ấy. Trong giờ chính tả học sinh sẽ xác định được cách viết đúng ( đúng chính tả) bằng việc tiếp nhận chính xác âm thanh của lời nói ( chính tả nghe – viết) cơ chế của cách viết đúng là xác lập được mối quan hệ giữa âm thanh và chữ viết. Giữa đọc và viết, giữa tập đọc và viết chính tả có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng lại có quy trình trái ngược nhau. Trong thực tế sự biểu hiện của mối quan hệ giữa đọc (phát âm) và viết ( viết chính tả) khá phong phú đa dạng. Cụ thể, chính tả tiếng Việt không dựa hoàn toàn vào cách phát âm. Thực tế của phương ngữ nhất định nào. Do cách phát âm của một số vùng miền khác nhau. Vì vậy cách phát âm thực tế của các phương ngữ đều có những sai lệch với chính âm, cho nên không thể thực hiện phương châm dạy học sinh “ Nghe như thế nào, viết như thế ấy được”. Mà phải biết dạy cho học sinh biết kết hợp giữa ngữ âm và ngữ nghĩa. Vì lý do đó, tôi đã cố gắng thống kê, phân loại lỗi, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra một số biện pháp khắc phục do vậy tôi đã chọn đề tài: “Giúp học sinh lớp 2 giảm bớt lỗi chính tả. II. PHẠM VI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN: Đề tài: “Giúp học sinh lớp 2 giảm bớt lỗi chính tả. Đã được triển trai trong các buổi sinh hoạt chuyên môn của nhà trường Hermann Gmeiner . III. MÔ TẢ SÁNG KIẾN: 1. Thống kê lỗi chính tả : Qua những năm chủ nhiệm lớp 2, tôi thấy học sinh thường mắc phải các loại lỗi sau: 1.1. Về thanh điệu: Tiếng Việt có 6 thanh điệu (ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) thì học sinh không phân biệt 2 thanh hỏi, ngã. Tuy chỉ có 2 thanh nhưng số lượng tiếng mang 2 thanh này không ít và rất phổ biến . Ví dụ: Sữa xe đạp, hướng dẩn, giử gìn, dổ dành, sáng sũa , rộng rải ,… 1.2. Về âm đầu: - Học sinh viết lẫn lộn một số chữ cái ghi các âm đầu sau đây: + c/k: Céo cờ… + g/gh: Con gẹ , gê sợ… + ng/ngh: Ngỉ ngơi, nge nhạc… + ch/tr: Cây che, chiến chanh… + s/x: Cây xả , xa mạc… + v/d/gi: Giao động, giải lụa , giòng giống , dui dẻ… - Trong các lỗi này, lỗi về ch/tr, s/x, v/d/gi là phổ biến nhất . 1.3. Về âm chính: - Học sinh hay mắc lỗi khi viết chữ ghi các âm chính trong các vần sau đây: + ai/ay/ây: Bàn tai, đi cầy, dậy học… + ao/au/âu: Hôm sao, ngã đao, mầu đỏ, … + ăm/âm: con tầm, sưu tằm, bụi bậm… + iu/êu/iêu: chìu chuộng, lim khiết, cây niu… + im/iêm/êm/em: tim thuốc, lúa chim, cái kềm… + ip/iêp/êp/ep: số kíp, liên típ, thệp cưới… + ui/uôi: chín mùi, đầu đui, tủi tác… + ưu/ ươu: ốc bưu, con khứu,.. 1.4. Về âm cuối: - Học sinh thường viết lẫn lộn chữ ghi âm cuối trong các vần sau đây: + an/ang: cây bàn, bàng bạc… + at/ac: lang bạc, lường gạc, rẻ mạc… + ăt/ăc: giặc giũ, co thắc, mặt quần áo… + ât/âc: nổi bậc, nhất lên… + ên/ênh: bấp bên, nhẹ tên, ghập ghền, khấp khển… +êt/êch: trắng bệt… + iêt/iêc: mải miếc, tiêu diệc… + ut/uc: chim cúc, bão lục… + uôn/uông: khuôn nhạc, buồn tắm… + uôt/uôc: rét buốc, chải chuốc… + ươn/ương: con lươn , sung sướn 2. Nguyên nhân mắc lỗi: 2.1. Về thanh điệu: HS không phân biệt được 2 thanh hỏi, ngã. Mặt khác, số lượng tiếng mang 2 thanh này khá lớn. Do đó lỗi về dấu câu rất phổ biến. 2.2. Về âm đầu: HS có sự lẫn lộn giữa các chữ ghi âm đầu ch/tr, s/x. d/gi. Mặt khác, người Miền Nam còn lẫn lộn v và d. Ngoài ra, có một số âm ghi bằng 2 hoặc 3 dạng (ví dụ: /k/ ghi bằng c,k,qu…) dĩ nhiên là có những quy định riêng cho mỗi dạng, nhưng đối với học sinh Tiểu học (nhất là học sinh yếu) thì rất dễ lẫn lộn. 2.3. Về âm chính: Có 2 nguyên nhân gây ra sự lẫn lộn về âm chính trong các vần này: - Nguyên nhân thứ nhất là do sự phức tạp của chữ quốc ngữ: Nguyên âm /ă/ lại được ghi bằng chữ a trong các vần ay, au, các nguyên âm đôi /ie, ươ, uô/ lại được ghi bằng các dạng iê,yê, ia, ya; ươ, ưa; uô, ua (bia - khuya, biên - tuyến, lửa - lương, mua - muôn); âm đệm /w/ lại được ghi bằng 2 con chữ u và o : Ví dụ: huệ, hoa . - Nguyên nhân thứ hai là do cách phát âm lẫn lộn trong phương ngữ Nam Bộ đối với các âm chính trong hầu hết các vần trên. 2.4. Về âm cuối: HS Miền Nam phát âm hoàn toàn không phân biệt các vần có âm cuối n/ng/nh và t/c/ch. Mà số từ mang các vần này không nhỏ. Mặt khác hai bán âm cuối /i,u/ lại được ghi bằng 4 con chữ i/y (trong: lai/lây), u/o (trong: sau/sao) do đó lỗi về âm cuối là lỗi khó khắc phục đối với học sinh khu vực phía Nam. 3. Một số biện pháp khắc phục lỗi: 3.1. Luyện phát âm cho đúng: - Muốn học sinh viết đúng chính tả, giáo viên phải chú ý luyện phát âm cho học sinh để phân biệt các thanh, các âm đầu, âm chính, âm cuối vì chữ quốc ngữ là chữ ghi âm - âm thế nào, chữ ghi lại thế ấy. - Việc rèn phát âm không chỉ được thực hiện trong tiết Tập đọc mà được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài trong tất cả các tiết học như Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn… - Với những học sinh có vấn đề về mặt phát âm (nói ngọng, nói lắp,…), giáo viên lưu ý học sinh chú ý nghe cô phát âm để viết cho đúng. Vì vậy, giáo viên phải cố gắng phát âm rõ ràng, tốc độ vừa phải mới có thể giúp học sinh viết đúng được. 3.2. Phân tích, so sánh: - Với những tiếng khó, giáo viên áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo tiếng, so sánh với những tiếng dễ lẫn lộn, nhấn mạnh những điểm khác nhau để học sinh ghi nhớ. Ví dụ: Khi viết tiếng “muống” học sinh dễ lẫn lộn với tiếng “muốn”, giáo viên yêu cầu học sinh phân tích cấu tạo hai tiếng này: - Muống = M + uông + thanh sắc - Muốn = M + uôn + thanh sắc. So sánh để thấy sự khác nhau: Tiếng “muống” có âm cuối là “ng”, tiếng “muốn” có âm cuối là “n”. Học sinh ghi nhớ điều này, khi viết, các em sẽ không viết sai. 3.3. Giải nghĩa từ: - Biện pháp thứ ba để khắc phục lỗi chính tả cho học sinh là giải nghĩa từ. Việc giải nghĩa từ thường được thực hiện trong tiết Luyện từ và câu, Tập đọc, Tập làm văn… nhưng nó cũng là viêc làm rất cần thiết trong tiết Chính tả, khi mà học sinh không thể phân biệt từ khó dựa vào phát âm hay phân tích cấu tạo tiếng. - Có nhiều cách để giải nghĩa từ cho học sinh: Giáo viên có thể cho học sinh đọc chú giải, đặt câu (nếu học sinh đặt câu đúng tức là học sinh đã hiểu nghĩa từ), tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh,… - Với những từ nhiều nghĩa, giáo viên phải đặt từ đó trong văn cảnh cụ thể để giải nghĩa từ. 3.4. Ghi nhớ mẹo luật chính tả: - Mẹo luật chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối hàng loạt từ, giúp giáo viên khắc phục lỗi chính tả cho học sinh một cách rất hữu hiệu. Ngay từ lớp 1, các em đã được làm quen với luật chính tả đơn giản như: các âm đầu k, gh, ngh chỉ kết hợp với các nguyên âm i, e, ê, iê. Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp thêm cho học sinh một số mẹo luật khác như: * Về thanh điệu: - Nếu tiếng kia có có thanh huyền hoặc thanh nặng thì tiếng kia phải là thanh ngã . Ví dụ: nũng nịu , thừa thãi , sạch sẽ, lộng lẫy ,…. - Nếu tiếng kia có thanh ngang hoặc thanh sắc thì tiếng tiếp theo phải là thanh hỏi . Ví dụ: vớ vẩn , lanh lảnh , ngớ ngẩn ,nhỏ nhen,… Tuy nhiên có một số ngoại lệ như: vẻn vẹn, ngoan ngoãn, khe khẽ,.. * Về âm đầu : + Để phân biệt âm đầu tr/ch: Đa số các từ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch, ví dụ: chăn, chiếu, chảo, chổi, chai, chày, chén, chum, chạn, chõ, chĩnh, chuông, chiêng, … chồn, chí, chuột, chó, chuồn chuồn, châu chấu, chào mào, chiền chiện, chẫu chàng, chèo bẻo, chìa vôi… + Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: Sả, si, sồi, sứ, sung, sắn, sim, sao, su su, sầu đâu, sa nhân, sơn trà, sặt, sậy, sấu, sến, săng lẻ, sầu riêng, so đũa… sam, sán, sáo, sâu, sên, sếu, sò, sóc, sói, sứa, sáo sậu, săn sắt, sư tử, sơn dương, san hô… * Để phân biệt các vần dễ lẫn lộn : - Một số từ có vần ênh chỉ trạng thái bấp bênh, không vững chắc: gập ghềnh , khấp khểnh , lênh đênh ,… - Hầu hết các từ tượng thanh có tận cùng là ng hoặc nh: oang oang, eng éc, xập xình, bình bịch ,… - Vần uyu chỉ xuất hiện trong các từ : khuỷu tay, khúc khuỷu, ngã khuỵu. - Vần oeo chỉ xuất hiện trong các từ : ngoằn ngoèo, khoèo chân . * Lưu ý : - Khi nào thì viết “ i ” hay “y” : + Khi “ i ” đứng độc lập kết hợp với dấu thanh thành một âm tiết được viết “y”. Ví dụ : đại ý , như ý, ý chính,… + Khi “ i ” đứng sau âm đệm thì được viết “y”. Ví dụ : chuyện, luyến, truyện , khuyên,… + Một số trường hợp“ i ” là bán nguyên âm .Ví dụ : loay hoay, xoáy, quay ,… + Trong trường hợp tiếng không có phụ âm đầu thì nguyên âm đôi “iê” được viết là “yê” . Ví dụ : yêu , yên , yết ,yếm,… 3.5. Làm các bài tập chính tả: Giáo viên có thể đưa ra các dạng bài tập chính tả khác nhau để giúp học sinh tập vận dụng các kiến thức đã học, làm quen với việc sử dụng từ trong văn cảnh cụ thể. Sau mỗi bài tập, giáo viên giúp học sinh rút ra các quy tắc chính tả để các em ghi nhớ. - Bài tập trắc nghiệm: * Khoanh tròn vào chữ cai trước những chữ viết đúng chính tả: a. Hướng dẩn b. Hướng dẫn c. Giải lụa d. Dải lụa e. Oan uổng f. Oan uổn * Điền chữ Đ vào ô trống trước những chữ viết đúng chính tả và chữ S vào ô trống trước những chữ viết sai chính tả: Rau muốn Rau muống Chải chuốc Chải chuốt Giặc quần áo Giặt quần áo - Bài tập chọn lựa: * Chọn từ thích hợp trong ngoặc điền vào chỗ trống trong câu sau:  Cháu bé đang uống ……… (sửa, sữa)  Học sinh …...........mũ chào thầy giáo. (ngả, ngã).  Đôi …… này đế rất …….. (giày, dày)  Sau khi ……. con, chị ấy trông thật …… (xinh, sinh)  Lan thích nghe kể……….hơn đọc……….. (truyện, chuyện) - Bài tập phát hiện: * Tìm từ sai chính tả trong câu sau và sửa lại cho đúng:  Cả phòng khéc lẹc mùi thuốc lá.  Bức tườn bị nức ngang nức dọc. - Bài tập điền khuyết: * Điền vào chỗ trống:  s/x: chim…ẻ, san…ẻ, …ẻ gỗ. …uất khẩu, năng….uất.  ươn/ương: bay l…..., b…. chải, bốn ph….. , chán ch…\…  iêt/ iêc: đi biền b…....., thấy tiêng t…/.., xanh biêng b…/.. - Bài tập tìm từ: Học sinh tìm từ ngữ chứa âm, vần dễ lẫn qua gợi ý nghĩa của từ, qua gợi ý từ đồng âm, từ trái nghĩa…. * Tìm các từ chứa tiếng bắt đầu bằng ươt hoặc ươc có nghĩa như sau:  Dụng cụ để đo, vẽ, kẻ:  Thi không đỗ:  Người chuyên nghiên cứu, bào chế thuốc chữa bệnh: * Tìm các từ chỉ hoạt động:  Chứa tiếng bắt đầu bằng r:  Chứa tiếng bắt đầu bằng d:  Chứa tiếng bắt đầu bằng gi:  Chứa tiếng có vần ươt:  Chứa tiếng có vần ươc: * Tìm từ ngữ có thanh hỏi hoặc thanh ngã có ý nghĩa như sau:  Trái nghĩa với từ thật thà:  Đoạn đường nhỏ hẹp trong thành phố:  Khung gỗ để dệt vải: - Bài tập phân biệt: * Đặt câu để phân biệt từng cặp từ sau:  da- gia  ngả - ngã - Bài tập giải câu đố * Em chọn tr hay ch để điền vào chỗ trống rồi giải câu đố sau: Mặt….. òn, mặt lại đỏ gay Ai nhìn cũng phải nhíu mày vì sao Suốt ngày lơ lửng… ên cao Đêm về đi ngủ, ….ui vào nơi đâu? (là gì?) 3.6. Viết lại những tiếng sai: Qua những bài học chính tả , tôi cho học sinh về nhà viết lại những tiếng sai nhiều lần vào vở nháp hoặc viết lại bài chính tả . IV. KẾT QUẢ, HIỆU QUẢ MANG LẠI: Trong quá trình đứng lớp, tôi đã áp dụng các biện pháp trên và nhận thấy học sinh lớp tôi có tiến bộ rõ rệt. Bản thân các em cũng ý thức hơn khi viết bài nên bài viết ít mắc lỗi chính tả. Những em trước kia thường sai 9, 10 lỗi thì nay chỉ còn 3, 4 lỗi, những em trước kia sai 5, 6 lỗi thì nay chỉ còn 1, 2 lỗi…Đối với những em không sai lỗi thì chữ viết của các em ngày càng đẹp và đúng mẫu hơn, … Cụ thể, qua đợt kiểm tra định kì cuối học kì I tỉ lệ học sinh khá – giỏi môn Tiếng Việt (viết) là 90,0 % và giữa học kì II là 92,5 %, không có em nào yếu .Với những tiến bộ đó có những em đã cố gắng dưới sự hướng dẫn của tôi đã tham gia thi viết chữ đẹp vòng trường, vòng thành phố, trong nhiều năm dạy lớp 2 tôi đã tạo nguồn học sinh thi viết chữ đẹp cho các lớp trên, cụ thể năm học 2011 – 2012 tham gia thi viết chữ đẹp vòng thành phố lớp tôi đã có 3 em đạt giải 1 em giải ba hai em giải nhì . Nhà trường đưa đi 57 em dự thi thì đã có 51 em đạt giải chiếm 89,5%. Tuy rằng đây mới chỉ là kết quả hết sức khiêm tốn và việc “Giúp học sinh giảm bớt lỗi chính tả” là một quá trình lâu dài song tôi vẫn cảm thấy rất vui vì công việc mình làm đã bước đầu có hiệu quả. Sự tiến bộ của học sinh ngày càng rõ nét trong viết các bài chính tả cũng như khi làm bài của phân môn khác như viết Tập làm văn, làm lời giải toán có lời văn,… Tỷ lệ học sinh được đánh giá xếp loại vở sạch chữ đẹp hàng năm chiếm 85% của toàn trường. V. ĐÁNH GIÁ VỀ PHẠM VI ẢNH HƯỞNG CỦA SÁNG KIẾN: Qua sáng kiến của em sẽ giúp giáo viên không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn của mình trong quá trình tổ chức dạy học ở tất cả các môn học nói chung và kinh nghiệm dạy chính tả nói riêng. Học sinh thường hay mắc các lỗi chính tả làm ảnh hưởng đến học tập, các em viết đúng chính tả, tốc độ viết tăng dần khi đó các em mới theo kịp bài, trình bày sạch sẽ, gọn gàng, rõ ràng góp phần cùng nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng, giảm thiểu học sinh bỏ học, lưu ban. Tạo cho các em hứng thú trong học tập. Góp phần thực hiện tốt cuộc vận động hai không với bốn nội dung của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trong toàn ngành đó là: “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc học sinh không đạt chuẩn cho lên lớp”. Tạo cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường cảm thấy tự tin hơn về tay nghề từ đó uy tín của đội ngũ giáo viên được nâng lên, phụ huynh tin tưởng yên tâm gửi con vào trường ngày càng đông. Sáng kiến có ảnh hưởng trong phạm vi tới các trường tiểu học trong thành phố Cà Mau cũng như các trường tiểu học trong tỉnh. - Việc phát hiện lỗi chính tả, thống kê, tìm nguyên nhân gây lỗi, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục là rất cần thiết, không thể thiếu trong quá trình dạy - học Tiếng Việt. Nhưng không phải chỉ đưa ra các biện pháp khắc phục là có thể thực hiện một cách có hiệu quả. Sửa chữa, khắc phục lỗi chính tả là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, bền bỉ, không được nóng vội. Bởi vì có những học sinh tiến bộ ngay trong vài tuần nhưng cũng có những học sinh thì sự tiến bộ diễn ra rất chậm, không phải vài tuần, có khi vài tháng, thậm chí cả một học kỳ. Nếu giáo viên không biết chờ đợi, nôn nóng thì chắc chắn sẽ thất bại. - Ngay từ khi các em mới bắt đầu “làm quen” với Tiếng Việt, giáo viên nên hướng dẫn các em thật tỉ mỉ về các quy tắc chính tả, quy tắc kết hợp từ, quy tắc ghi âm chữ quốc ngữ… tránh trường hợp học sinh vì thiếu hiểu biết dẫn đến sai sót. - Trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn quan sát, kiểm tra, … từ đó phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc, hoặc những lỗi mà học sinh hay mắc phải để kịp thời sửa chữa, uốn nắn. Tải về bản full

Từ khóa » Kẻ Lỗi Chính Tả Lớp 2