Góc Tiếng Nhật: Cá Hồi Là “sake” (鮭) Hay “saamon” (サーモン)?

24/01/2022

Cá hồi trong tiếng Nhật là “sake” (鮭), ngoài ra cũng có khi được gọi là “saamon” (サーモン), vốn là cách phiên âm từ salmon (cá hồi) trong tiếng Anh. Tuy đều chỉ cá hồi, chúng có những điểm khác nhau thú vị đấy. Các bạn lưu ý để không gọi nhầm trong nhà hàng Nhật nha.

Nội dung
  • 1. Sự khác biệt giữa “sake” và “saamon”?
  • 2. Ai đã đặt tên “saamon” cho cá hồi Nhật Bản?
  • 3. Tổng kết

Sự khác biệt giữa “sake” và “saamon”?

Ở Nhật Bản, dựa vào cách ăn và cách nuôi dưỡng mà người ta gọi cá hồi là sake hay saamon.

Sake (鮭): cá hồi chín, đã được chiên hoặc nướng trên lửa

Saamon (サーモン): cá hồi ăn sống, như sushi hay sashimi

Sake (鮭)
Saamon (サーモン)

Về cách nuôi dưỡng, những chú cá hồi sinh trưởng trong môi trường tự nhiên được gọi chung là sake, còn những chú cá được nuôi để chế biến đồ ăn sống được gọi là saamon.

Sự phân biệt trong tên gọi này có nguyên nhân từ loài nhuyễn thể mà cá hồi sinh sống trong môi trường tự nhiên hay ăn. Trong loài nhuyễn thể này có chứa ký sinh trùng Anisakis dễ gây các bệnh nguy hiểm về đường tiêu hóa nếu con người ăn phải. Để tránh điều đó, người Nhật sẽ nướng hay chiên cá hồi trên lửa sau đó mới ăn: sake.

Trong khi đó, cá hồi nuôi được cho ăn thức ăn chuyên dụng dạng hạt và dạng bột, không có ký sinh trùng Anisakis. Do đó khi ăn sống chúng ta có thể an tâm về sức khỏe và không gặp nguy hiểm: saamon.

Ai đã đặt tên “saamon” cho cá hồi Nhật Bản?

Thật ra trước những năm 80 của thế kỉ XX, người Nhật vẫn chỉ ăn cá hồi theo phương thức truyền thống là nướng trên lửa để tránh ký sinh trùng gây hại cho sức khoẻ. Mãi cho đến năm 1986, cá hồi sống hay saamon mới có mặt ở Nhật Bản.

Bjorn Eirik Olsen, một thành viên trong dự án hợp tác ngư nghiệp giữa Na Uy và Nhật Bản đã chọn tên saamon cho món cá hồi sống tại đất nước mặt trời mọc.

Na Uy là nơi có sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cá hồi có thể nói là cao nhất trên thế giới, từ những năm 1970 người ta đã có thể nuôi và ăn cá hồi sống.

Trong thời gian thực hiện dự án, Olsen nhận thấy người Nhật bấy giờ chỉ ăn cá hồi đã chế biến (sake), nếu cá hồi sống của mình cũng gọi là “sake” thì sẽ không ai mua cá của mình. Chính vì vậy, ông đã chọn cách gọi theo tên tiếng Anh là saamon cho món cá hồi sống của mình để bán.

Ngoài ra, Olsen cũng chú ý đến món sushi băng chuyền đang dần chiếm thị phần cao trên thị trường Nhật Bản vào những năm 1980. Các nhà hàng sushi băng chuyền lúc đó đang tập trung phát triển những thực đơn hợp lý và mới lạ. Nắm bắt cơ hội, Olsen đưa ra món sushi cá hồi và đã trở thành một cú hit lớn.

Sau đó, trong chuyến thăm hợp tác với Nhật Bản, Thủ tướng Na Uy đã cho thực hiện một video quảng cáo giới thiệu sushi cá hồi. Nhận được hưởng ứng tích cực từ người ăn, cá hồi saamon đã trở nên nổi tiếng và trở thành hình ảnh đại diện của sushi băng chuyền.

Món sushi cá hồi đã ra đời ở Nhật Bản như thế. Ngày nay, việc nuôi cá hồi đang được thực hiện rất tích cực ở Nhật Bản. Khắp xứ sở hoa anh đào đã có hơn 80 loại cá hồi địa phương đấy.

Tổng kết

Vậy là chúng ta đã được tìm hiểu xuất xứ đầy thú vị của món cá hồi sống và các tên gọi cá hồi trong tiếng Nhật rồi nhỉ! Mỗi lần được thưởng thức món cá hồi thơm ngon, đầy dinh dưỡng, chắc hẳn các bạn sẽ thích thú và nhớ ngay đến sake cùng saamon phải không nào? 😘

Từ khóa » Cá Hồi Trong Tiếng Nhật