Gốm Việt Trải Qua Các Thời Kỳ Lịch Sử - Báo Lao Động Thủ đô

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập Gốm Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Tinh hoa gốm Việt nhìn từ bộ sưu tập An Biên

Gốm sứ qua góc độ lịch sử

Cách ngày nay hơn 2.000 năm, trên nền tảng truyền thống gốm Đông Sơn, người Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm gốm men tiên tiến đương thời của Trung Hoa (làm khuôn, gắn chắp các thành phần sau đồ khuôn, tráng men và nung với nhiệt độ cao trong lò), phát triển quy mô, tổ chức sản xuất, tạo ra dòng gốm mang sắc thái riêng và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục. Đây là những cơ sở, nền tảng để hình thành nên các dòng gốm men phát triển ở các thời kỳ sau đó, đặc biệt là từ thời Lý - Trần.

Ông Trần Đình Thăng, nhà sưu tập có 50 hiện vật gốm sứ được trưng bày tại cuộc triển lãm “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ sưu tập An Biên” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, những hiện vật này tái hiện rõ nét lịch sử phát triển gốm sứ trong những giai đoạn đầu tiên cho đến thời kỳ thịnh vượng nhất (thế kỷ XV-XVII).

Gốm Việt trải qua các thời kỳ lịch sử
Ông Trần Đình Thăng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt - Nhà sản xuất dép Vento Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, chủ của bộ sưu tập chia sẻ: “Điều tôi tự hào nhất là có trong tay 2 chiếc liễn mua từ năm 1986, nằm trong bộ sưu tập gốm men trắng thời Lý. Hai liễn men trắng thời nhà Lý ở thế kỷ XI-XIII được các hội di sản văn hóa, các nhà khoa học và lãnh đạo bảo tàng Lịch sử Quốc gia đánh giá là tương đối quý hiếm. Theo các nhà khoa học thì đôi liễn này đã được dùng trong các quốc tự hoặc là hoàng gia.”

Trên cơ sở kiến thức từ cuốn “Gốm Việt Nam - một truyền thống riêng biệt” của hai nhà sưu tầm người Mỹ, ông Trần Đình Thăng đã đi khắp Việt Nam và nước ngoài để mua bằng được tất cả những hiện vật xuất hiện trong cuốn sách đã nêu. Với những hiện vật thu thập qua nhiều năm tháng, ông cảm thấy rất vinh dự khi được đóng góp vào bộ sưu tập gốm sứ Việt Nam.

Ông Thăng cũng cho biết, bộ sưu tập được đặt tên An Biên là tên của một địa danh cổ ở vùng đất Hải Phòng. Ngoài những hiện vật có mặt ở bảo tàng, tại nhà riêng ông còn có gần 500 cổ vật mang rất nhiều chất liệu gốm, sứ, đồng, gỗ,... Đặc biệt có 100 bức tượng mang giá trị rất lớn về mỹ thuật.

Gốm Việt trải qua các thời kỳ lịch sử
Liễn hoa nâu thế kỷ 11-12 nằm trong giai đoạn đồ gốm Việt Nam thời Lý - Trần.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đồ gốm đã ra đời cách nay khoảng 7.000 - 8.000 năm và khoảng trên dưới 4.000 năm thì người nguyên thủy ở Việt Nam bước vào thời hậu kỳ đồ đá mới. Giai đoạn thế kỷ XI-XIV, đồ gốm Việt Nam thời Lý - Trần đã phát triển mang tính độc lập, khám phá những đề tài trang trí mang đậm tính bản địa của người Việt, tạo nên một trong những trang sử rực rỡ nhất của truyền thống sản xuất gốm sứ Việt Nam với loại hình phổ biến là: liễn, ấm, đài sen, âu, bát, đĩa.... sản xuất phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng từ cung đình đến dân gian. Đặc biệt, thời kỳ này đã hình thành và phát triển các dòng gốm men phong phú, đa dạng như: gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men xanh lục, gốm men nâu, gốm hoa nâu và cuối thế kỷ XIV xuất hiện gốm hoa lam.

Được coi là thời kỳ phát triển mạnh mẽ, thế kỷ XV-XVII, gốm Việt Nam đã biết nắm bắt các mối quan hệ giao lưu thương mại giữa nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, được sản xuất nhiều chủng loại có trình độ kỹ thuật cao với các loại hình chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ (bát, đĩa, âm, ang, hộp lư hương, tượng nghệ, chân đèn...), dòng men tiêu biểu là hoa lam, nhiều màu, lam xám, với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, mây, nghê... Một số trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng thời kỳ này: Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)...

Cho đến thế kỷ XVIII- XIX, là thời kì của gốm Bát Tràng. Những biến động của lịch sử khiến các trung tâm sản xuất gốm dần lụi tàn từ thế kỷ 18. Đậm tính truyền thống và riêng biệt, trung tâm sản xuất gốm Bát Tràng đã trải qua những giai đoạn lịch sử khó khăn để tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay, trở thành một bảo tàng sống động về gốm sứ Việt Nam. Tiêu biểu của gốm Bát Tràng là các dòng: men rạn, rạn lam... và chủ yếu là loại hình: đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp thị hiếu người dùng đương thời như: lư hương, ấm, bình vôi, tượng nghê...

Đóng góp từ bộ sưu tập tư nhân

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, GS.TS Phạm Quốc Quân đánh giá rất cao về 70 cổ vật gốm sứ đang được trưng bày tại Bảo tàng, nhất là những hiện vật thời Lý. Ông cũng cho rằng bộ sưu tập đồ gốm men trắng thời Lý có họa tiết rất phóng khoáng, không bị bó chặt như những thiết kế trước đó.

PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hoá cho rằng, từ trưng bày “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ sưu tập An Biên" cho thấy, văn hóa Việt Nam không phải là “cái đuôi” của bất kỳ nền văn hóa nào khác. Đó cũng là đường đi đúng nhất mà Đảng và nhà nước đã chỉ ra là hòa nhập chứ không hòa tan. Theo ông thì triển lãm gốm sứ giống như một bệ đỡ về tư tưởng, để Việt Nam không phải là “cái đuôi” của nền văn hóa khác.

Gốm Việt trải qua các thời kỳ lịch sử
Khu vực trưng bày bộ sưu tập gốm men trắng thời Lý.

Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan chia sẻ: “Đối với Bảo tàng, việc tổ chức các triển lãm chuyên đề diễn ra rất thường xuyên. Kể cả sự hợp tác với các bộ sưu tập tư nhân, trước đây Bảo tàng cũng đã tổ chức rất nhiều lần. Tuy nhiên có một điều khác biệt cho trưng bày gốm lần này là một bộ sưu tập có đầy đủ được các loại hình gốm, trải dài suốt lịch sử 2.000 năm của Việt Nam. Trong đó có cả những hiện vật rất quý hiếm, xứng đáng là bảo vật quốc gia. Sự quý hiếm này không phải bộ sưu tập nào cũng có được.”

“Tôi đánh giá bộ sưu tập tại Bảo tàng khá đầy đủ về loại hình và các giai đoạn lịch sử khác nhau, cũng như quá trình phát triển của đồ gốm Việt Nam gắn liền với dân tộc. Đặc biệt, những sản phẩm gốm được trưng bày thể hiện quá trình tiếp thu sáng tạo và để có thể tạo ra những dòng gốm riêng biệt cho Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có lịch sử ra đời sớm và tồn tại liên tục; có những thời kỳ đỉnh cao của đồ gốm men trong trường quốc tế. Nhờ vào đó, Bảo tàng đưa tới công chúng thông điệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là của tất cả chúng ta”, bà Thu Hoan nhấn mạnh.

Từ khóa » đồ Gốm Sứ Việt Nam Qua Các Thời đại