GS.VS. Trần Đại Nghĩa – Tấm Lòng Trọn đời Vì Nghĩa Lớn

1. Khởi nguồn lòng yêu nước và hoài bão của tuổi trẻ

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hoà Hiệp, huyện Tam Bình), tỉnh Vĩnh Long.

Lòng yêu nước của ông sớm được hình thành và nuôi dưỡng bởi truyền thống quê hương Vĩnh Long anh hùng, nơi đã sản sinh ra những người con ưu tú làm rạng danh quê hương, đất nước như ca dao có câu:

“Vĩnh Long là xứ địa linh Đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng”.

Khi lên 7 tuổi, Phạm Quang Lễ đã khắc sâu lời căn dặn của cha trước lúc mất: “phải học hành đến nơi đến chốn và phải biết mang hiểu biết của mình để giúp ích cho đời”. Thấm nhuần lời căn dặn ấy, mà ông đã học tập, lao động và cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đặc biệt, với những biến đổi lớn lao của xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp trong những năm đầu của thế kỷ XX đã đẩy đồng bào ta rơi vào cảnh cơ cực, bần hàn, tủi nhục, thậm chí là đi đến bước đường cùng, không lối thoát. Mới mười tuổi đầu, Phạm Quang Lễ đã hai lần chứng kiến cảnh người dân nhảy cầu tự tử chỉ vì chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. Tận mắt chứng kiến và cảm thương trước những thân phận nhỏ bé của người dân nô lệ đã hình thành nên lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và ý chí mong muốn đánh đuổi thực dân Pháp.

Lòng yêu nước, căm thù giặc ấy lớn dần cùng với nhận thức, ý thức trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước. Khi nhìn vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, Phạm Quang Lễ nhận ra rằng dân ta thua là bởi thiếu vũ khí hiện đại. Do đó, ông đã xác định phải học tập thật giỏi để có đủ năng lực tham gia chế tạo vũ khí giúp nhân dân đánh đuổi thực dân Pháp. Từ đó, ông đã âm thầm thực hiện hoài bão của mình bằng cách chờ cơ hội du học.

Năm 1935, được sự giúp đỡ của Nhà báo Vương Quang Ngươu, Phạm Quang Lễ được cấp một suất học bổng du học tại Pháp, bước đầu mở ra cơ hội cho việc thực hiện hoài bão mà ông đã ôm ấp trong ngần ấy năm.

Chân dung Phạm Quang Lễ trước khi du học ở Pháp, năm 1935

2. Tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn

Chấp nhận sang Pháp du học là đồng nghĩa với việc phải xa gia đình, xa mẹ già và chị gái thân yêu. Đứng trước tình nhà và nghĩa nước, Phạm Quang Lễ cũng chần chừ, do dự. Nhưng được sự thấu hiểu, động viên, khích lệ của mẹ và chị, Phạm Quang Lễ đã quyết đặt nghĩa nước lên trên tình nhà.

Sang Pháp du học, ông đã dồn hết tâm trí, sức lực để thực hiện ước mơ, hoài bão giúp dân, giúp nước bằng cách miệt mài học tập, bí mật tìm tòi, thu thập kiến thức, tài liệu liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu chế tạo vũ khí. Mười một năm ở trời tây, ông đã trang bị cho mình 6 tấm bằng đại học và tương đương đại học cùng với 30.000 trang tài liệu mật về vũ khí và chế tạo vũ khí.

Năm 1946, không một chút phân vân, ông từ bỏ cuộc sống giàu sang, danh vọng nơi đất Pháp với mức lương hiện hưởng mỗi tháng là 5.500 Franc (tương đương 22 lượng vàng lúc bấy giờ) để theo Bác Hồ về nước, theo cách mạng dù biết phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ để kháng chiến.

Nhận thấy rằng, trong khói lửa chiến tranh, vũ khí là niềm tin, là động lực và là phương tiện không thể thiếu của biết bao chiến sĩ ở chiến trường. Vì vậy, ông luôn mong muốn tạo ra thật nhiều vũ khí có hoả lực mạnh để cung cấp cho chiến trường Việt Nam. Dù khó khăn, thiếu thốn cả về nhân lực, vật lực, tài lực cộng với môi trường làm việc nguy hiểm nhưng vẫn không làm ông nản lòng, chùn bước, mà trái lại, ông càng làm việc hăng say để cống hiến. Ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí hiện đại, ngang tầm thế giới lúc bấy giờ như Súng Bazooka, Súng SKZ, Súng cối, Đạn bay (Bom bay), Đạn chống tăng AT, xe phóng từ trường; cách phá bom bi, cách chống “Cây nhiệt đới”, và chỉ đạo tìm giải pháp chống nhiễu của máy bay B52, để bộ đội ta điều chỉnh tên lửa Sam 2 bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ.

Đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng cán bộ Quân giới xem sản phẩm do một Nhà máy quốc phòng sản xuất, tháng 12/1968

Để cho ra đời những sản phẩm vũ khí hiện đại, góp phần quyết định vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngoài tư chất thông minh, sự sáng tạo trên cơ sở nền tảng kiến thức mà ông đã bí mật, bền bỉ nghiên cứu trong 11 năm ở Pháp và Đức, thì yếu tố góp phần quyết định không hề nhỏ đó chính là lòng yêu nước nồng nàn, sự tận tâm, tận lực và trách nhiệm trong công việc với tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn, đúng như tên gọi và bí danh mà Bác Hồ đã đặt cho ông “Trần Đại Nghĩa”.

Ngày 30/4/1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Giáo sư đã ghi trong nhật ký của mình: “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão của tôi hồi nhỏ, sứ mệnh của tôi rất đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh cách mạng để giải phóng đất nước, và nay đất nước đã được giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa, vì một đời người không thể làm hơn”. Giáo sư có ý định nghỉ hưu. Thế nhưng, tiếp tục chấp hành sự phân công của Chính phủ, mà hơn hết vẫn là mong muốn được góp sức phục vụ quê hương, Giáo sư nhận giữ chức vụ Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam – nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bằng năng lực, trí tuệ và tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã có công lớn trong giai đoạn đầu xây dựng Viện Khoa học Việt Nam, định hướng, hình thành và phát triển các ngành khoa học của Viện, từ đội ngũ cán bộ đến cơ sở vật chất, từng bước khẳng định được vai trò và vị trí của Viện trong và ngoài nước.

Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, dù ở bất cứ nơi đâu hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cũng luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc. Xin mượn một đoạn trong bài thơ “Tặng anh” của Nhà toán học Phan Đình Diệu viết tặng Giáo sư để thể hiện lòng tri ân, cảm phục trước tài năng và tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn của Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa:

“Nghĩa lớn gọi về với nước non Buồn vui đã trải cuộc vuông tròn Rèn tài văn võ thời phiêu bạt Gánh việc giang sơn thuở mất còn”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Đạo (2002) – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa – Nhà Xuất bản Trẻ Tp. Hồ Chí Minh. 2. Thành Đức (2015) – Huyền thoại nhà khoa học anh hùng Trần Đại Nghĩa - Nhà xuất bản Trẻ.

Từ khóa » Vì Nghĩa Là Gì