H.O. Ông Là Ai (2): Những Thành Đồng Vách Sắt - Vietbao

H.O. ÔNG LÀ AI (2): NHỮNG THÀNH ĐỒNG VÁCH SẮT

Chu Tất Tiến.

Thập niên 1990, khi những đợt phi cơ chở danh sách H.O. đầu tiên vào nước Mỹ, một số người Việt đã sang trước nhìn vào hình ảnh những người đến sau với cặp mắt nghi ngại, không biết là những người đến Mỹ theo diện H.O. này có vượt qua sóng gió của những ngày đầu tiên lập nghiệp tại xứ sở văn minh này hay không. Với kinh nghiệm sống trên nước Mỹ nhiều năm, người đến trước biết rõ từng chi tiết về tình hình tài chánh của người đến sau: trợ cấp bao nhiêu tiền, trả tiền nhà bao nhiêu, tiền ăn bao nhiêu, chi tiêu được những gì… Cho nên, có một số nhỏ người đến từ năm 1975, nay đã thành công trên xứ người, tỏ vẻ kém thân thiện với “dân H.O.”, nếu không nói là đánh giá rất kém thành phần này, mặc dù người đến sau, đều thuộc thành phần cao cấp của chế độ cũ, là những sĩ quan từng chỉ huy cả ngàn người, những anh hùng trên mặt trận, ngực từng đỏ chói huy chương, hay là Giám đốc, Phó Tỉnh, Phó Quận, Trưởng Ty….blank Tác giả Chu Tất Tiến .

Điều suy nghĩ đó rất đúng, nhưng chỉ đúng với tất cả những thành phần khác, ngoài “dân H.O.” Thực tế, từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc, trên khắp thế giới, bất cứ ai di tản từ miền này sang miền khác đều vấp phải một bức tường vô hình nhưng tàn nhẫn: Sự đối chọi văn hóa (Cultural Shock). Ngay cả trên nước Mỹ, những người Mỹ sinh sống từ lâu tại miền Nam, là xứ nông nghiệp, khi chuyển lên sinh sống tại miền Bắc đều vấp phải bức tường này: khó kiếm việc, khó tìm nhà ở thích hợp với túi tiền của mình, và cũng bị kỳ thị bởi những người giỏi về máy móc. Đặc biệt là những người sống tại đồng quê, mà chán cảnh buồn tẻ của ruộng đồng, để bỏ lên thành phố, đều khó sống. Như ở Los Angeles gần Hollywood, có biết bao thanh niên nam nữ đến từ vùng quê, nay lang thang ngoài đường, rồi bán mạng cho ma cô, đĩ điếm. Những giới trẻ này, đẹp trai, đẹp gái lắm mà nếu không chịu đi bán xì ke, không chịu bán thân nuôi mình thì chỉ trong vài tháng là biến thành homeless, hay thành tội phạm, suốt đời không ngóc đầu lên được nữa. Một số nhỏ chết trong rừng sâu, núi thẳm, trong các hố nông, hay bị vất nơi hoang vu, không vết chân người lui tới. Danh sách tìm thanh niên thiếu nữ bị mất tích nhiều quá, khiến cảnh sát cũng bỏ lơ, chả ai để ý tìm giùm người thất lạc..

Vì thế, khi nhìn vào dân H.O., trong tay không có nhiều dollar, trong đầu không có nhiều kiến thức về đất nước Hoa Kỳ, nơi văn minh bậc nhất trên thế giới, tài năng hay kỹ thuật đều là con số zero, cho nên, trừ một số nhỏ người đi trước thì cố gắng giúp đỡ cho người đi sau được gia nhập vào sinh hoạt của xứ Mỹ này, bằng cách giới thiệu việc làm thích hợp, hoặc cho đi làm tạm bợ sao đó, rồi khuyến khích người đến sau đi học, còn lại đều cho rằng tương lai của “dân H.O.” sẽ u ám lắm. Một số kỳ thị ra mặt, một số khác lửng lơ con cá vàng, và một số lợi dụng sự thiếu khả năng của người đi sau mà làm lợi cho mình. Người viết bài này, đã từng bị cay đắng của những lời không đẹp: “Anh là “phi nhân”, leo lên máy bay là tới Mỹ, còn được trợ cấp nữa, trong khi tụi tôi, sang năm 75, phải đi nhặt rác, quét nhà cho khách sạn, khổ bỏ mẹ.” Với những lý luận như thế, người viết bài này không có câu trả lời nào hơn là: “Đúng! Năm 75, anh đi nhặt rác, quét nhà, nhưng có lương, và không ai đánh đập anh, còn chúng tôi, năm 75, cũng đi nhặt rác, quét nhà, nhưng lại có mũi súng AK sau lưng, không làm là chúng bắn bỏ mẹ!” Những “shop may” nhận người H.O. vào làm chỉ trả một số lương tượng trưng, chưa tới $2.50 một giờ, trong khi bắt làm 10 tiếng một ngày, tuần lễ 6 ngày, không có nghỉ bệnh, và không có bảo hiểm sức khỏe..

Nhưng tất cả những ưu tư về người H.O. đều đã lầm to. Người đi sau, đến Mỹ theo diện H.O., không phải là những người đi vì kinh tế, mà vì chính trị, bất đắc dĩ phải lìa xa quê hương vì không còn đất sống trong xã hội Cộng Sản, cho nên ý chí của những người này đã vượt lên hơn hẳn những ai ra đi vì mong muốn có một cuộc sống ấm no hơn ở quê nhà. Lý do thứ hai, những người thuộc diện H.O., như đã nói ở trên, đều là những người thuộc giai cấp chỉ huy, về quân đội, thì ít nhất là Thiếu Úy Trung Đội Trưởng từng chỉ huy 40 binh lính, từng xông pha trận mạc, lái máy bay, tầu chiến, hoặc nếu làm hành chánh, thì đã quen với sự nghiên cứu, học tập, cho nên việc thiếu kiến thức, thiếu khả năng chuyên môn cũng không phải là một trở ngại không thể vượt qua. Điều quan trọng hơn nữa, là “dân H.O.” đều là những người đã từng chui rèn trong ngục tù dã man của Cộng Sản, ít nhất là 3 năm, cho nên những khó khăn nhất thời trong giai đoạn mới đặt chân lên nước Mỹ không nghĩa lý gì với trái tim cứng cỏi của họ..

Một vài chiến hữu H.O. sau khi người bạn đường bỏ đi, tưởng mất tinh thần, khó hội nhập vào nước Mỹ nhưng chỉ một thời gian sau, đã đứng vững trên đôi chân của mình, hoặc đứng máy tiện, hoặc máy hàn, với số lương khá cao. Đại Úy T., chỉ sau 10 năm sống độc thân, làm thợ hàn, đã lãnh lương Technician cao gần bằng kỹ sư. Anh H., không muốn sống ở California vì vợ anh đã ôm cầm sang thuyền khác, đã lái một mạch lên Carolina, và chức vụ sau cùng của anh khi về hưu là Kỹ Sư Điện. Với những ai còn đủ gia đình, thì hầu như thành công nhanh hơn những dân tộc di tản khác gấp bội. Đại đa số con cái của H.O., những thanh thiếu niên sang Mỹ vào tuổi 13-18, đều có kinh nghiệm sống khổ trong xã hội Cộng Sản, và được cha mẹ khuyến khích, đều mang trên danh hiệu mình những chữ “Sĩ” và “Sư” nổi bật: Dược Sĩ, Bác Sĩ, Nha Sĩ, Kỹ Sư, Giáo Sư, Luật Sư. Có gia đình có tới 6 người làm Y Sĩ..

Đến thăm gia đình anh H. thuộc H.O.1, tại căn nhà rất khang trang, anh cho biết, “hai vợ chồng đều đi làm tại công sở. Được bạn bè giới thiệu, anh xin vào sở Xã hội, và sau khi trúng tuyển và đi làm một thời gian, anh giới thiệu người vợ của mình cũng thi vào cùng Sở, và hai vợ chồng đã sống rất hạnh phúc với hai người con là Bác Sĩ và Dược Sĩ.” Anh P. thì vui vẻ hơn, trước đây là dược sĩ, sau khi sang Mỹ thì xin làm Chuyên viên thử mầu sắc cho một cơ sở làm chất mùi thơm cho mọi thức uống, dần dần rồi lương anh cao như Dược Sĩ. Bà Xã của anh, từng là Giáo Sư Đại Học Minh Đức cũng làm cùng một sở với chồng, sau 15 năm làm việc, anh chị xin nghỉ hưu trí với số tiền cũng đủ cho đi du lịch triền miên. Đứa con trai của anh, khi sang Mỹ mới 14 tuổi, nay là Kỹ Sư trưởng một cơ sở ráp máy bay, cô con gái bé tí hồi nào, cũng làm cho Bệnh viện với chức vụ Dược Sĩ trưởng. Chị B.H. thuộc H.O. 1, khi sang Mỹ chỉ có cô con gái 16 tuổi vì chồng chị tử nạn trong tù, sau một thời gian vất vả đi may, đã được mời làm cho một đài phát thanh tiếng Việt được Mỹ tài trợ. Hiện tại, chị rất hanh phúc sống chung với mấy đứa cháu ngoại ngoan ngoãn và giỏi giang. Cô con gái của chị đã có bằng Master về giáo dục..

Một vài trường hợp gần như chuyện thần tiên. Anh C., nguyên Trung úy Công Binh, biết mình không có khả năng Anh Ngữ, nên xin làm người quét dọn cho một khách sạn. Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, và thấy anh có khả năng sửa chữa máy móc, điện, nước…anh được chuyển sang phụ trách phần Maintenance của khách sạn, dần dần được đề bạt lên làm Manager! Bà Chủ khách sạn thấy anh thật thà, chăm chỉ, lại giỏi nhiều việc, đã hỏi thăm anh về gia cảnh, biết anh còn mẹ già ở quê, bà chủ lẳng lặng về hỏi thăm Mẹ già của anh, và khi biết anh cũng từng là Sĩ Quan chiến trận anh hùng, bà chủ về lại Mỹ, làm chúc thư để lại cho anh cái khách sạn mà anh làm Manager, vì lũ con bà vô cùng bất hiếu. Khi bà mất, anh C. nghiễm nhiên thành ông chủ một khách sạn khá sang ở miền Bắc. Anh K. ở miền bắc California, được một bà Mỹ bảo lãnh sau khi sang diện H.O. Thấy anh hiền lành và làm việc cật lực cho mấy mẫu rau xanh của bà, bà đã cho anh ngôi nhà anh đang ở, và khi bà mất, mấy đứa con bà kiện thưa lung tung, nhưng họ chào thua vì di chúc của bà đã nói rõ là vì mấy đứa con bất hiếu, trong khi anh K. lại chăm lo cho bà còn hơn con ruột. Anh đã lập gia đình và có 4 đứa con rất ngoan..

Điều đáng chú ý là thời gian hội nhập vào xã hội Mỹ của những người H.O. nhanh hơn sự tưởng tượng của mọi người đi trước. Người sang năm 1975 thường phải mất 15, hoặc 20 năm mới thành công lớn, (cũng có người sang 75, sau khi thành công lại đam mê bài bạc, trở thành trắng tay), nhưng “dân H.O.” chỉ cần 5 , 7 năm đã khác hẳn ngày đầu tiên đến Mỹ. Một số anh trở thành Giáo Sư Trung Học, có anh làm Giáo Sư Đại Học vì từng có bằng Cao Học ở Việt Nam. Anh K. vốn là một nhạc sĩ, nhưng sau khi nộp đơn vào làm Maintenance cho một trường học, thì đã chọn đúng nhiệm sở: mỗi ngày tà tà lái chiếc xe hốt lá sân trường về gom lại một đống rồi nhờ sở rác đổ. Sau đó, thì đi một vòng xem chỗ nào hư hỏng về điện, nước thì sửa, không thì trở về phòng làm việc của mình, họp với một số bạn, ca hát vui chơi, uống cà phê không ai để ý, vì Trường tin tưởng anh làm việc với hết cả khả năng của mình, khả năng hấp thụ những điều mới và khả năng chấp nhận những lao động khổ nhọc mà anh học được trong tù.

Với anh T, đi tù 6 năm, sau khi làm việc trên đất Mỹ 20 năm, đã về hưu vì một người con làm Dược Sĩ, mở Pharmacy riêng, nhờ anh trông coi. Một người con nữa làm Kỹ Sư Trưởng, coi một nhóm gần 10 kỹ sư khác. Anh Ph. tuy khuất lộc sớm, nhưng mấy người con đều thành công lớn. Người con trai làm chủ hai Business lớn, cô con gái tốt nghiệp ngành Thời trang, đi làm cho mấy hãng thời trang lớn, lương không thua gì bác sĩ..

Phải nói một điều công bằng nữa: đại đa số những bà vợ H.O., sau những năm đi thăm nuôi chồng vất vả, trèo đèo, lội suối, đi xe trâu hoặc cuốc bộ cả vài cây số trong rừng, đã là những nhân tố chính yếu giúp cho “dân H.O.” tiến nhanh và tiến mạnh trong mọi phương diện. Có những bà vợ cũng lăn xả đi làm chung với chồng, tối về, lại chân nam đá chân xiêu trong bếp, nấu cơm cho cả nhà ăn. Ăn tối xong, thì lo rửa bát, quét nhà cho các con học bài. Câu nói thường ở cửa miệng của những bà nội trợ này với con cái thường là: “Cố lên con! Cố lên con! Ráng học cho kịp người ta. Mình đã qua đây trễ rồi, thì phải cố gắp 5, gấp 10 người trước thì mới mong kịp họ.” Và thế là người Mẹ hy sinh tất cả, hy sinh sức khỏe, hy sinh ăn uống, thường nhịn miệng cho chồng con ăn ngon, đã đẩy mạnh tốc độ thành công của “dân H.O.” nhanh một cách lạ lùng. Bây giờ thì 9 trong 10 gia đình H.O. đều có một vài chữ “Sĩ” hay “Sư”...

Bên cạnh đó, ngược lại với lời tiên đoán “dỏm” của một nhà báo năm nào, cho rằng dân H.O sẽ quên chống Cộng, họ đã chống Cộng hăng say hơn mọi dân tộc thiểu số trên đất Mỹ. Hầu hết các cuộc tập họp chống Cộng lớn, đều là “dân H.O.” dẫn đầu. Có thể nói,nếu không có mặt của người H.O. trên đất Mỹ, phong trào chống Cộng đã xìu xìu ển ển và tan hàng từ lâu, nhất là sau những vụ lừa gạt tiền bạc của đồng hương do mấy nhóm chống Cộng giả hiệu, do mấy ông tự phong làm “Thủ Tướng” hay “Tư Lệnh Mặt Trận…”.

Để kết luận, “dân H.O.” đã làm cho bộ mặt cộng đồng người Việt trên đất Mỹ đổi mới và làm cho sinh hoạt trên khắp mọi ngành phát triển mạnh mẽ, từ thương mại, văn học, văn chương, đến chính trị (một số hậu duệ H.O. đã thành công về phương diện chính trị), và làm rạng danh người Việt trên đất Mỹ. Lực lượng H.O. này, cho dù sau 25 năm, đã lớn tuổi, nhưng nhiệt huyết vẫn còn như ngày nào, nếu có cách mạng trong vòng 10 năm, nhất định thành phần H.O. hay hậu duệ H.O. sẽ là những nhân tố chủ động làm thay đổi bộ mặt Việt Nam trên toàn thế giới.

Chu Tất Tiến.

..

  • Biển Đông: TC Nắn Gân Mỹ
  • Ap Lực Kinh Tế Khiến Làm Thay Đổi Nhận Thức Về Căn Nhà Cho Việc Hồi Hưu
  • Tiếp Tế Nước Được Tới Umm Qasr
  • Florida: Con Cá Sấu Lôi Bé 2 Tuổi Xuống Nước Bị Giết

Từ khóa » Thành đồng Vách Sắt Là Gì