Hạ đường Huyết
Có thể bạn quan tâm
Hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết là một tình trạng đặc trưng bởi mức thấp bất thường của lượng đường trong máu (glucose), nguồn năng lượng chính của cơ thể.Hạ đường huyết thường liên quan đến việc điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số tình trạng bệnh khác có thể gây hạ đường huyết ở cả những người không bị tiểu đường. Cũng như sốt, hạ đường huyết không phải là bệnh – nó chỉ là dấu hiệu cảnh báo của một vấn đề sức khỏe.Sơ cứu hạ đường huyết bằng cách nhanh chóng đưa mức đường trong máu trở lại mức bình thường – khoảng 70-100 mg/dl – bằng các loại thực phẩm nhiều đường hoặc thuốc uống. Quá trình điều trị lâu dài đòi hỏi phải xác định và điều trị các nguyên nhân cơ bản của hạ đường huyết.
Triệu chứng của hạ đường huyết
Cơ thể bạn cần một nguồn cung cấp đường (glucose) ổn định để hoạt động chức năng bình thường. Nếu mức đường trở nên quá thấp, như trong chứng hạ đường huyết, tình trạng này có thể tác động lên hoạt động của não:
- Nhầm lẫn, hành vi bất thường hoặc cả hai, chẳng hạn như không có khả năng để hoàn thành những công việc hay nhiệm vụ thường ngày
- Rối loạn thị giác như nhìn đôi và mờ mắt
- Động kinh, mặc dù không phổ biến
- Mất ý thức, mặc dù không phổ biến
Hạ đường huyết cũng có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng khác như:
- Tim đập nhanh
- Run rẩy
- Lo lắng
- Đổ mồ hôi
- Đói
- Cảm giác ngứa ran xung quanh miệng
Tuy nhiên các dấu hiệu và triệu chứng trên không phải là đặc thù riêng của hạ đường huyết. Chúng có thể xảy ra do các nguyên nhân khác. Lấy mẫu máu tĩnh mạch để kiểm tra lượng đường trong máu tại thời điểm xảy ra các dấu hiệu và triệu chứng là cách duy nhất để biết chắc chắn rằng hạ đường huyết là nguyên nhân hay không.Khi nào thì tôi cần đi khám bác sĩ?
- Tìm sự giúp đỡ của bác sĩ ngay lập tức nếu:
- Bạn có những triệu chứng của hạ đường huyết. Hạ đường huyết, nếu được xác nhận, có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng.
- Bạn bị bệnh tiểu đường và các dấu hiệu sớm của hạ đường huyết không được cải thiện bằng ăn uống hoặc dùng viên đường.
- Tìm sự giúp đỡ khẩn cấp nếu một người nào đó bạn biết bị bệnh tiểu đường hoặc từng nhiều lần bị hạ đường huyết rơi vào tình trạng mất ý thức.
Nguyên nhân của việc hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường (glucose) trong máu giảm quá thấp. Có nhiều lý do tại sao điều này có thể xảy ra, phổ biến nhất là do tác dụng phụ của các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, để hiểu rõ hạ đường huyết xảy ra như thế nào, bạn cần biết cơ thể điều chỉnh việc sản xuất, hấp thu và dự trữ đường ra sao.
Điều chỉnh lượng đường trong máu
Trong quá trình tiêu hóa, cơ thể phá vỡ các carbohydrate trong thực phẩm – như bánh mì, gạo, rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa – thành các phân tử đường khác nhau. Một trong những phân tử đường này là glucose, nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Glucose được hấp thu vào máu sau khi ăn uống, nhưng nó không thể được hấp thụ vào tế bào của hầu hết các mô trong cơ thể mà không cần sự giúp đỡ của insulin – một hormone được tiết ra bởi tuyến tụy.Khi mức glucose trong máu tăng lên, nó sẽ báo hiệu cho một số tế bào (gọi là tế bào beta) của tuyến tụy, nằm phía sau dạ dày, để tăng tiết insulin. Insulin sẽ “mở khóa” các tế bào, cho phép đường thâm nhập vào và cung cấp nhiên liệu mà các tế bào cần để hoạt động bình thường. Lượng đường dư thừa sẽ được lưu trữ trong gan và cơ bắp dưới dạng glycogen. Quá trình này làm giảm mức glucose trong máu và ngăn không cho nó tăng cao nguy hiểm. Khi lượng đường trong máu trở lại bình thường, việc tiết insulin từ tuyến tụy cũng sẽ chấm dứt.Nếu bạn không ăn trong vài giờ và lượng đường trong máu giảm đi, một hormone khác từ tuyến tụy, được gọi là glucagon sẽ “báo hiệu” cho gan để phá vỡ các glycogen được dự trữ từ trước qua đó giải phóng glucose trở lại vào máu. Điều này sẽ giúp lượng đường trong máu duy trì ở mức bình thường cho đến khi bạn ăn trở lại.Ngoài gan phá vỡ glycogen thành glucose, cơ thể cũng có khả năng sản xuất đường trong một quá trình gọi là gluconeogenesis. Quá trình này xảy ra chủ yếu trong gan, nhưng cũng có trong thận, và nó còn tạo ra các chất tiền thân khác của glucose.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết khi bị bệnh tiểu đường
Nếu bạn bị tiểu đường, tác dụng của insulin lên cơ thể bị suy giảm mạnh vì tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (bệnh tiểu đường loại 1), hoặc vì các tế bào kém đáp ứng với insulin (bệnh tiểu đường loại 2). Kết quả là đường có xu hướng tích tụ trong máu và có thể đạt đến mức cao nguy hiểm. Để khắc phục vấn đề này, bạn thường được chỉ định uống insulin hoặc các loại thuốc làm giảm lượng đường trong máu.Tuy nhiên, nếu bạn dùng quá nhiều insulin so với lượng đường trong máu, insulin có thể làm mức đường máu giảm mạnh, dẫn đến hạ đường huyết. Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra sau khi uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường, khi bạn không ăn nhiều như bình thường (lượng glucose nạp vào ít đi) hoặc khi bạn tập thể dục nhiều hơn bình thường (sử dụng nhiều glucose hơn). Để ngăn chặn điều này xảy ra, hãy thảo luận với bác sĩ để lập đơn thuốc phù hợp với thói quen ăn uống và hoạt động của bạn.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết không liên quan đến bệnh tiểu đường
Hạ đường huyết ở những người không bị tiểu đường ít phổ biến hơn. Nguyên nhân có thể bao gồm những điều sau đây:
- Thuốc. Vô tình uống nhầm thuốc trị tiểu đường của người khác là một nguyên nhân có thể gây hạ đường huyết. Các loại thuốc khác cũng có thể gây hạ đường huyết, đặc biệt là ở trẻ em hoặc ở những người bị suy thận. Ví dụ thuốc quinin dùng trong điều trị bệnh sốt rét.
- Uống rượu quá nhiều. Uống nhiều mà không ăn có thể ngăn cản gan giải phóng glucose được lưu trữ vào máu gây hạ đường huyết.
- Một số bệnh nghiêm trọng. Bệnh lý của gan, chẳng hạn như viêm gan nặng, có thể gây hạ đường huyết. Các rối loạn ở thận, cơ quan bài tiết các loại thuốc khỏi cơ thể, có thể ảnh hưởng đến mức đường trong máu do sự tích tụ của những loại thuốc này. Nhịn đói quá lâu, vấn đề thường xảy ra ở người bị rối loạn ăn uống như chán ăn do suy nhược tâm thần, có thể làm thiếu các chất mà cơ thể cần trong quá trình sản xuất đường (gluconeogenesis) và gây hạ đường huyết.
- Dư thừa insulin. Một khối u tụy (insulinoma) có thể tiết ra insulin quá mức, dẫn đến hạ đường huyết. Các khối u loại khác có thể dẫn đến sản xuất quá nhiều chất có tác dụng tương tự như insulin. Mặt khác, một số khối u có thể sử dụng quá nhiều đường cho sự phát triển của chúng. Sự tăng lớn của các tế bào beta tuyến tụy chuyên sản xuất insulin (nesidioblastosis) cũng có thể dẫn đến việc tiết xuất insulin quá mức, gây hạ đường huyết. Những người trải qua phẫu thuật dạ dày có nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn.
- Suy nội tiết. Một số rối loạn ở tuyến thượng thận và tuyến yên có thể dẫn đến sự thiếu hụt một số hormone quan trọng trong việc điều tiết sản xuất glucose. Trẻ em có những rối loạn này dễ bị hạ đường huyết hơn là người lớn.
Hạ đường huyết sau bữa ăn
Hầu hết hạ đường huyết xảy ra khi bạn chưa ăn (hoặc khi bạn đang ăn kiêng), nhưng không phải luôn luôn như vậy. Đôi khi hạ đường huyết xảy ra sau bữa ăn vì cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn mức cần thiết. Đây là một dạng hạ đường huyết gọi là hạ đường huyết do phản xạ hoặc hạ đường huyết sau khi ăn, có thể xảy ra ở những người đã qua phẫu thuật dạ dày. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra ở những người bình thường.
Biến chứng của hạ đường huyết
Nếu bạn bỏ qua các triệu chứng của hạ đường huyết quá lâu, bạn có thể mất ý thức. Đó là bởi vì bộ não cần glucose để hoạt động đúng.Bạn nên nhận ra các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết sớm vì hạ đường huyết không được điều trị có thể dẫn đến:
- Động kinh
- Mất ý thức
- Tử vong, chủ yếu ở những người có bệnh tiểu đường
Mặt khác, nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy cẩn thận không điều trị hạ đường huyết bằng cách hấp thụ đường quá nhiều. Nếu làm thế, bạn có thể làm lượng đường trong máu tăng quá cao. Điều này cũng có thể gây nguy hiểm và có thể tổn thương hệ thần kinh, các mạch máu và nhiều cơ quan khác.
Xét nghiệm và chẩn đoán hạ đường huyết
Bác sĩ sẽ sử dụng ba tiêu chí – thường được gọi là bộ ba Whipple – để chẩn đoán hạ đường huyết. Bộ ba Whipple bao gồm các yếu tố sau:
- Các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết. Các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết có thể không biểu hiện trong lần khám đầu tiên. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn qua đêm. Điều này sẽ khiến các triệu chứng hạ đường huyết xảy ra để bác sĩ có thể chẩn đoán. Bạn cũng có thể phải nhịn ăn kéo dài tại bệnh viện. Nếu các triệu chứng hạ đường huyết xảy ra sau bữa ăn, bác sĩ sẽ kiểm tra mức đường huyết sau khi ăn.
- Có mức đường huyết thấp khi các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bạn để phân tích trong phòng thí nghiệm.
- Sự biến mất của các dấu hiệu và triệu chứng. Phần thứ ba của bộ ba chẩn đoán liên quan đến việc các dấu hiệu và triệu chứng hạ đường huyết biến mất khi mức đường trong máu được tăng lên.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và xem xét bệnh sử của bạn.
Điều trị hạ đường huyết
Bao gồm:
- Sơ cứu ngay lập tức để tăng lượng đường trong máu
- Điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn gây hạ đường huyết để ngăn chặn tái phát
- Sơ cứu ngay lập tức
Việc sơ cứu phụ thuộc vào các triệu chứng. Triệu chứng ban đầu thường có thể được điều trị bằng cách ăn uống những thứ nhiều đường như ăn kẹo, uống nước ép trái cây hoặc dùng viên đường để tăng lượng đường trong máu. Nếu triệu chứng nặng hơn, cơ thể suy yếu không thể tự ăn uống, bạn có thể cần được tiêm glucagon hoặc glucose vào tĩnh mạch. Nếu bạn hay bị nhiều đợt hạ đường huyết nặng, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể có một bộ tiêm glucagon tại nhà hay không.
Điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn
Để ngăn chặn hạ đường huyết tái phát , bác sĩ cần xác định rõ các nguyên nhân tiềm ẩn và chữa trị nó. Tùy thuộc vào nguyên nhân, điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc uống. Nếu một loại thuốc là nguyên nhân gây hạ đường huyết, bác sĩ sẽ đề nghị thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng.
- Điều trị khối u. Nếu một khối u trong tuyến tụy là nguyên nhân, nó sẽ được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ. Nesidioblastosis, sự tăng lớn các tế bào tụy sản xuất insulin, có thể được điều trị bằng cách loại bỏ một phần của tuyến tụy.
Phòng chống hạ đường huyết
- Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy thận trọng làm theo phác đồ điều trị bệnh tiểu đường mà bạn và bác sĩ đã vạch ra.
- Nếu bạn không mắc bệnh tiểu đường nhưng có nhiều lần bị hạ đường huyết, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày là một biện pháp tạm thời để giúp ngăn ngừa mức đường trong máu hạ quá thấp. Tuy nhiên, phương pháp này không phải là một chiến lược dài hạn được khuyến khích. Hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn.
Biên dịch - Hiệu đính: Vũ Ngọc Trâm - TS.BS. Phạm Nguyên QuýNguồn: Y học cộng đồng
Từ khóa » Sơ Cứu Tụt đường Huyết
-
Cách Cấp Cứu Khi Bị Hạ đường Huyết đột Ngột - Vinmec
-
Hạ đường Huyết Là Gì? Cách Cấp Cứu Khi Bị Hạ đường Huyết đột Ngột
-
Cách Xử Trí Khi Bị Hạ đường Huyết - FAMILY HOSPITAL
-
Chuyên Gia Hướng Dẫn: Cách Cấp Cứu Khi Bị Hạ đường Huyết đột Ngột
-
Làm Gì Khi Bị Hạ đường Huyết? - Bệnh Viện Hồng Ngọc
-
Cách Xử Trí Khi Bị Hạ đường Huyết
-
Hạ đường Huyết, Sơ Cứu Thế Nào? - Bệnh Viện Nhân Dân 115
-
Hạ đường Huyết Và Cách Xử Trí, Phòng Ngừa
-
Xử Trí đúng Cách Khi Bị Hạ đường Huyết | VTC Now - YouTube
-
Cách Sơ Cứu Hạ đường Huyết Nhanh - Nhà Thuốc Long Châu
-
CẤP CỨU HẠ ĐƯỜNG HUYẾT - Health Việt Nam
-
Hạ đường Huyết: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Xử Trí - YouMed
-
Hạ đường Huyết ở Phụ Nữ Mắc đái Tháo đường Thai Kỳ? - Glucerna
-
Cách Cấp Cứu Khi Bị Hạ đường Huyết đột Ngột - Xét Nghiệm Dr.Labo
-
️ Phân Biệt Giữa Hạ đường Huyết Và Hạ Canxi Máu
-
Cách Sơ Cứu Bệnh Tại Chổ - Phòng CTSV
-
Sơ Cứu Người Hạ đường Huyết Do đái Tháo đường| Wellbeing
-
5 Cách Sơ Cứu Người Tiểu đường Bị đột Quỵ Tại Nhà - Sức Khỏe
-
Phân Biệt Hạ đường Huyết Và Tụt Huyết áp Chỉ Trong 3 Phút!