Hà Lan Và Công Trình đê Biển Kỳ Vĩ - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Cùng với kim tự tháp ở Ai Cập, đường hầm qua eo biển Manche, kênh đào Panama, đấu trường Colosseum v.v… Hệ thống đê biển ở Vương quốc Hà Lan được các nhà kiến trúc trên thế giới bầu chọn là một trong số 10 công trình vĩ đại nhất trên hành tinh. Để tạo dựng được những con đê biển kỳ vĩ ấy, người Hà Lan qua nhiều thế hệ đã phải trải qua bao trận chiến chống giặc nước biển, giành giật từng mét đất để làm nơi sinh sống. Cuộc chiến ấy kéo dài qua nhiều thế kỷ để đến ngày nay đất nước này đã có hệ thống đê biển hiện đại nhất thế giới. Có đến nơi đây, mới thấy hết được sự sáng tạo và trí tuệ của người Hà Lan trong cuộc chinh phục thiên nhiên, phục vụ lợi ích của con người.

Sinh thời nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có ý định đến Hà Lan để nghiên cứu kinh nghiệm về xây dựng đê biển nhằm phục vụ việc trị thủy ở đồng bằng sông Cửu Long, song rất tiếc ý định đó của ông chưa thực hiện được, ông đã qua đời.

Từ những thảm họa

Nằm ở phía Tây Bắc của châu âu, Hà Lan được biết đến là một đất nước với hơn 60% diện tích đất nằm thấp hơn so với mực nước biển. Vậy mà giờ đây nếu ai từng đặt chân đến vương quốc này không chỉ được chứng kiến một không gian thoáng đãng với những cánh đồng hoa tuylíp, những chiếc cối xay gió, những tòa biệt thự cổ kính soi mình bên những dòng kênh rạch… Hà Lan còn được biết đến bởi những công trình đê biển xuyên thế kỷ và được ghi vào kỷ lục thế giới.

Theo các chuyên gia của Hà Lan hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu thì trong số các vùng đất thấp nằm dưới mực nước biển, hiện có ở khu vực phía Tây - Nam chiếm 27% lãnh thổ của quốc gia này nằm dưới mực nước biển ở độ sâu 6,74m. Do diện tích Hà Lan rất nhỏ so với nhiều quốc gia ở Tây Bắc âu nên từ lâu, đất ở vương quốc Hà Lan đã là tài sản vô cùng quý giá. Do vậy để có đất canh tác, người Hà Lan từ thế hệ này qua thế hệ khác đã phải gồng mình để giành đất từ biển và sau đó là cải tạo các mảnh đất đã lấn được để xây lên đó những thành phố, những làng quê thơ mộng và trù phú.

Nhưng thật tiếc cho công sức của họ đã bỏ ra bởi như người dân Hà Lan thường nói: "Ông trời luôn thay đổi tính nết" và đã gây cho người dân nước này những thiệt hại to lớn cả về người và tài sản. Trong lịch sử, nhiều trận lụt do hậu quả của nước biển dâng đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng người dân ở quốc gia này. Theo đó là hàng nghìn làng mạc, thị trấn, thị xã cũng bị ngập tràn trong nước hoặc bị nước cuốn trôi.

Tác giả và đồng nghiệp chụp kỷ niệm tại chân đê biển Hà Lan.

Đặc biệt là trận bão cuối năm 1836 và đêm 31/1/1953 là nỗi kinh hoàng không thể quên đối với người dân Hà Lan khi mà sóng lớn và triều cường cùng nước biển dâng đã phá tan 45km đê biển và nhấn chìm toàn bộ diện tích 3 tỉnh nằm ở phía Nam Hà Lan. Trận cuồng phong năm đó đã cướp đi hơn 20 ngàn người, hơn 100 ngàn người được cứu sống và di dời, hơn 10 ngàn ngôi nhà bị phá hỏng. Thảm kịch mang tính lịch sử ấy đã khiến người Hà Lan nhận ra những yếu kém của chính mình trong cuộc hành trình chinh phục thiên nhiên.

Đến hành trình chinh phục thiên nhiên

Ngay sau khi trận lụt diễn ra, Chính phủ Hà Lan đã tổ chức phiên họp khẩn cấp để thành lập ủy ban Châu thổ với nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các công trình thủy lợi có tác dụng bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước biển dâng và xem xét việc xây dựng các cửa chắn ngăn nước biển. Các nghiên cứu của ủy ban Châu thổ ở nước này sau một thời gian bỏ công nghiên cứu thực địa đã cho ra đời một kế hoạch xây dựng các công trình với tầm vóc và quy mô vĩ đại. Đó là hệ thống các công trình đê biển, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt ở khu vực Tây Nam Hà Lan. Các công trình này được xây dựng trong suốt hơn nửa thế kỷ nhằm bảo vệ các khu vực đất đai rộng lớn trong vùng châu thổ trước sự tiến công của nước biển.

Giờ đây, hệ thống đê biển ở Hà Lan đã trở thành một bức trường thành ngăn chặn các thảm họa của biến đổi khí hậu. Người ta có thể vượt trên các con đê, kè biển với tốc độ hơn 100km/giờ. ở một số đoạn của con đê, người ta còn xây dựng các nhà hầm, khách sạn và bảo tàng phục vụ du khách từ các nơi đến tham quan và nghiên cứu kinh nghiệm của Hà Lan.

Ghi nhận sự kỳ vĩ của hệ thống đê biển ở Hà Lan, Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Hoa Kỳ đã đề nghị công trình này là một trong số những kỳ quan của thế giới hiện đại. Điều đó xem ra là chính xác, bởi nhờ hệ thống đê biển mà hầu hết diện tích lãnh thổ Hà Lan nay đã trở thành những vùng đất trù phú phục vụ lợi ích của con người.

Cũng từ những thành quả ấy mà ngày nay khi nói đến Hà Lan, nhiều người lại có dịp đề cập đến những phố trẻ, thành phố nằm sâu dưới đáy biển với bản lĩnh của một dân tộc luôn phải đấu tranh với những biến đổi khí hậu để sinh tồn và phát triển đã tạo nên cho họ một quyết tâm không gì lay chuyển nổi là bằng mọi giá phải chế ngự các thảm kịch do bão lũ và nước biển dâng. Và cũng từ những thảm kịch đã từng xảy ra đã giúp người Hà Lan phải nghĩ cách để làm lợi từ chính nguồn nước biển để phục vụ cho lợi ích của con người. Đó là lịch sử lấn biển và xây dựng các hệ thống đê biển kỳ vĩ nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Đê biển Afsluitdijk Hà Lan.

Người Hà Lan từ lâu đã nổi tiếng với câu nói: "Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan". Câu nói đó đã nói lên niềm tự hào về những công trình chinh phục thiên nhiên của người dân nơi đây mà công trình đê biển được coi như những kỳ quan của loài người. Đây cũng là quốc gia tập trung những nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu thế giới về thủy lợi và đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiết kế những con đê thông minh.

Theo dự đoán của các nhà khoa học Hà Lan thì rất có thể trong thế kỷ này nước biển sẽ dâng cao khoảng 1m do tình trạng ấm lên của trái đất. Nếu điều đó xảy ra nước biển sẽ nhấn chìm các con đê cổ. Đối phó với tình trạng này, người Hà Lan đã và đang tìm giải pháp để chế ngự. Đó là biện pháp làm giảm sức mạnh của dòng nước. Thay vì phải nâng cao của hệ thống đê, đập, người Hà Lan tập trung chuyển sang cải tạo đất để tạo những khoảng trống cho nước dâng tự nhiên, hay tạo ra những khu vực làm giảm lực của sóng biển.

Một chuyên gia về biến đổi khí hậu đang làm việc ở một trung tâm thông tin và điều phối quốc gia về các vấn đề nước cho biết: Giải pháp này trên thực tế đã được áp dụng từ lâu và đã có tác dụng chế ngự các thảm họa nhưng nạn biến đổi khí hậu lại đang diễn ra nhanh hơn. Khắc phục tình trạng này, ở Hà Lan, người ta đã bắt đầu chương trình mang tên "Room for the Rivers", tức là "chừa chỗ cho các con sông".

Theo đó, chương trình này tạo ra những chỗ trống quanh các con sông nhằm giảm bớt thiệt hại do nước biển dâng gây ra. Cách làm này xem ra khôn ngoan hơn là việc nâng cao các bức tường ngăn nước biển. Thời gian gần đây, các chuyên gia Hà Lan đang nghiên cứu và triển khai những dự án xây dựng hệ thống "đê chắn sóng thông minh" bằng cách tích hợp công nghệ cảm ứng để giám sát những con đê, đập nhằm đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ bị nước biển tàn phá do biến đổi khí hậu. Theo đó các chuyên gia và các nhà khoa học thủy lợi Hà Lan đang thử nghiệm gắn các chip vào thân đê, đập nhằm mục đích phát hiện sớm và cảnh báo các trận sóng thần và nước biển dâng.

"Chúng tôi kết hợp cả công nghệ cảm ứng với các mô hình dự báo bão và nước biển dâng là nhằm dự báo sớm để ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra" - một chuyên gia Hà Lan nói.

Mặc dù khá tự tin về hệ thống đê biển, song như các chuyên gia ở đây thì trong trường hợp xấu nhất, tức là nước biển dâng quá nhanh, hệ thống bơm nước bị hỏng, với địa hình của Hà Lan, trong vòng một tuần, toàn bộ lãnh thổ của quốc gia này sẽ bị chìm trong nước. Vì thế người Hà Lan đã chấp nhận thực tế này và đang tự trang bị những phương tiện mang tính tự vệ.

Theo đó, trẻ em ở Hà Lan ngay từ nhỏ đều đã phải học bơi. Để lấy được "bằng bơi lội", trẻ em phải trải qua một bài kiểm tra, gồm đạp nước trong vòng 30 giây. Xác định một vật cản dưới nước, sau đó bơi 100m. Chưa hết, một dự án đang được nghiên cứu, triển khai ở thủ đô hành chính Hague, bao gồm các khu nhà nổi được thiết kế để nổi lên và hạ xuống theo mực nước. ý tưởng này không có gì mới, song nó cho thấy người Hà Lan chuẩn bị khá kỹ cho việc chung sống với tình trạng biến đổi khí hậu.

Việt Nam - Hà Lan hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu

Là một trong những nước được cảnh báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã thấu hiểu về tầm quan trọng của các biện pháp nhằm khắc phục những thảm họa của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Có lẽ vì thế mà trong chuyến thăm chính thức vương quốc Hà Lan vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ ta đã dành trọn một ngày để đến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với Hà Lan về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tại chuyến thăm đó, Thủ tướng và một số thành viên trong đoàn đã được bạn bố trí một chiếc máy bay trực thăng để khảo sát thực địa các tuyến đê biển và các con đập ngăn nước biển ở Hà Lan; tiếp và trao đổi kinh nghiệm với nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Lan - Giáo sư Veer Man xung quanh những kinh nghiệm của Hà Lan trong việc xây dựng hệ thống đê biển và những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại cuộc tiếp xúc ấy, điều đáng mừng là Giáo sư Veer Man đã nhận lời mời của Thủ tướng làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tình cảm của Giáo sư Veer Man và cho rằng, sự có mặt của giáo sư thể hiện sự coi trọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị Giáo sư Veer Man phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên môi trường của Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương để đưa ra một kế hoạch tổng thể, chi tiết nhằm thực hiện thỏa thuận chiến lược giữa hai nước về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước; trước hết là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra rõ rệt nhất, để từ đó rút kinh nghiệm trước khi triển khai sang các khu vực khác ở Việt Nam

Từ khóa » Hệ Thống đê ở Hà Lan