Những Công Trình Kỳ Vĩ Giúp Hà Lan Không Bị Chìm Dưới Nước

Maeslantkering được biết đến như hàng rào chắn sóng di động lớn nhất thế giới - Ảnh: Internet

Hà Lan được biết đến là đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển. Vùng trũng nhất ở dưới mực nước biển tới 6,74m là một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Rotterdam. Ngoài ra, thống kê cho thấy 2/3 diện tích của quốc gia này nằm ở khu vực dễ ngập lụt, trong khi mật độ dân số thuộc nhóm đông đảo bậc nhất.

Đặc điểm này đã khiến Hà Lan nhiều lần trải qua những thảm hoạ kinh hoàng. Đỉnh điểm nhất là năm 1953, triều cường dâng cao do ảnh hưởng của một cơn bão đã tàn phá gần như hoàn toàn vùng duyên hải phía nam, cướp đi sinh mạng của gần 2.000 người và gây thiệt hại kinh tế lớn chưa từng có.

Thảm kịch mang tính lịch sử ấy đã khiến người Hà Lan nhận ra những yếu kém của mình trong hệ thống các công trình phòng vệ chống nước biển. Chính phủ Hà Lan đã lập tức thành lập các hội đồng nước có vai trò độc lập so với các chính quyền địa phương, chuyên việc trị thủy. Ngày nay, sau nhiều đợt sáp nhập, còn lại 27 hội đồng kiểm soát nước ở khắp Hà Lan. Các hội đồng này có cơ chế bầu cử riêng biệt, thu thuế và hoạt động độc lập với các cơ quan chính phủ khác.

Cuộc chiến kéo dài nhiều thế kỷ đã giúp Hà Lan có một hệ thống đê biển hiện đại nhất thế giới, đặc biệt là hai dự án quan trọng Zuiderzee Works - hệ thống đập cùng các công trình thoát nước ở khu vực tây bắc và Delta Works - hệ thống đê biển khổng lồ ở khu vực tây nam Hà Lan.

Dự án Zuiderzee Works

Công trình Zuiderzee Works với rất nhiều hạng mục quan trọng được xây dựng từ năm 1920-1975, trong đó đáng chú ý nhất là con đập có tên Afsluitdijk, được xây dựng từ năm 1932-1933. Đây là con đập minh chứng cho khát vọng và khả năng chinh phục thiên nhiên của con người.

Đập Afsluitdijk được xây thẳng như một chiếc thước kẻ trên mặt biển, trên mặt đê có 4 làn xe chạy, “tách” thành phố Zuiderzee ra khỏi Biển Bắc, biển Zuider đã bị xóa sổ và thay bằng hồ nước ngọt Ijsselmeer rộng 1.100 km2.

Đập Afsluitdijk được xây thẳng như một chiếc thước kẻ trên mặt biển - Ảnh: Internet

Công trình Zuiderzee Works giúp Hà Lan có thêm 1.650 km2. Các làng mạc và đô thị lớn nhỏ bắt đầu được mọc lên ven hồ tạo nên tỉnh mới Flevoland. Thành phố thủ phủ của Flevoland được đặt tên là Lelystad - tên của kỹ sư trưởng dự án Zuiderzee Works, để ghi nhận công lao và sự đóng góp của ông.

Dự án Delta Works

Sau cơn bão năm 1953, chính phủ Hà Lan đã thành lập Ủy ban Delta với trọng trách bảo vệ toàn bộ vùng tây nam lãnh thổ. Tập trung vào các thành phố đông dân, mục tiêu của họ là giảm rủi ro ngập lụt xuống thấp hơn 1/10.000 lần, an toàn gấp khoảng 100 lần các thành phố ven biển khác.

Từ năm 1958-2002, Hà Lan thực hiện dự án Delta Works, tạo nên một hệ thống đê chắn sóng biển và ngăn lũ được đánh giá là hoàn hảo nhất thế giới. Các công trình bao gồm: đập, cống, khóa, đê và các rào cản sóng bão với mục đích rút ngắn đường bờ biển, từ đó giảm số lượng đê điều phải xây dựng. Khoảng 3.000 km đê bao biển, 10.000 km đê bao sông và kênh rạch được nâng cao, khép kín các cửa sông trong khu vực.

Tại sao Hà Lan không bị chìm dưới nước? - Nguồn video: TED

Tuyến phòng thủ đầu tiên của dự án là xây đập cho các vùng cửa sông dễ bị lũ nhất. Những vùng vịnh hẹp này là nơi nhiều con sông đổ ra Biển Bắc. Đến mùa bão, đó là nơi nước lũ dâng tràn vào đất liền. Bằng hệ thống nhiều con đập, Ủy ban Delta đã biến những cửa sông này thành nhiều hồ chứa phục vụ cho các khu bảo tồn và công viên công cộng.

Tuy nhiên, giải pháp này không áp dụng được cho kênh Nieuwe Waterweg. Là huyết mạch của ngành hàng hải ở khu vực, con kênh phải được rộng mở vào ngày thường và phải được che chắn lúc giông bão. Vào năm 1998, rào chắn Maeslantkering được hoàn thành giúp bảo vệ con kênh một cách linh hoạt khi cần.

Maeslantkering (được xây dựng hai bên bờ New Waterway) được biết đến như hàng rào chắn sóng di động lớn nhất thế giới. Hàng rào này được kết nối với một hệ thống máy tính theo dõi mực nước biển và thời tiết, có thể tự động đóng mở trong trường hợp khẩn cấp.

Bình thường, hai cánh cửa của Maeslantkering hoàn toàn để mở sang hai bên cho tàu đi qua. Khi nước biển dâng cao, cảm biến điện tử tối tân kích hoạt quy trình khẩn cấp. Trong vòng 30 phút sau, một cặp cánh tay thép dài 240m sẽ đóng chặt lại, bảo vệ kênh rạch phía trước.

Measlantkering được hoàn thành vào năm 1997, là hạng mục cuối cùng trong dự án Delta Works với 16.500 km đê chính và phụ, hệ thống cống tiêu nước, cửa ngăn triều, âu thuyền và rất nhiều công trình phụ trợ khác. Kể từ khi đưa vào sử dụng, Maeslantkering mới chỉ đóng một lần trong trận bão lớn của năm 2007.

Bình thường, hai cánh cửa của Maeslantkering hoàn toàn để mở sang hai bên cho tàu đi qua - Ảnh: Internet

Hoạt động của hàng rào chắn sóng di động Maeslantkering - Nguồn video: Rijkswaterstaat

Hệ thống đê biển ở Hà Lan được các nhà kiến trúc trên thế giới bầu chọn là một trong số 10 công trình vĩ đại nhất trên hành tinh. Trong đó, dự án Delta Works được thiết kế với độ vững chắc đủ để chịu được trận bão lớn với mức độ chỉ xảy ra một lần trong 1.000 năm. Đây là hàng rào khổng lồ chắn sóng Biển Bắc bảo vệ cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn và thành phố cảng Rotterdam.

Đến nay, Hà Lan cũng là quốc gia tập trung những chuyên gia hàng đầu thế giới về thủy lợi và đối phó với biến đổi khí hậu. Với những công trình, hạng mục được tính toán kỹ lưỡng, chi tiết trong trị thủy, Hà Lan từ một vùng đất ngập lụt trở thành một trong những nơi đáng sống nhất thế giới với nền giáo dục, kinh tế và an sinh xã hội phát triển bền vững.

Long Hải (tổng hợp)

Từ khóa » Hệ Thống đê ở Hà Lan