Hai Dòng Nhận Thức – Phần Cuối - CSCI INDOCHINA

Trong một giai thoại nổi tiếng mở đầu cuốn sách Blink của Malcolm Gladwell, một bức tượng Hy Lạp được cho là đã được giám định khoa học kỹ càng đã ngay lập tức bị bác bỏ, và cho rằng đó là tượng giả bởi một số nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Tại sao? Các chuyên gia không thể giải thích điều này. Họ chỉ cảm thấy rằng có gì đó không ổn – một điều gần như “tác động trực giác”. Các cuộc kiểm tra sau này đã chứng thực bức tượng đó là giả. Các chuyên gia có thể cảm nhận được sự thật trong tích tắc bởi họ đã từng tìm hiểu và phân tích những bức tượng Hy Lạp trong một thời gian quá dài, tới nỗi những kiến thức và kỹ năng đã được tiếp thu và chuyển hóa thành hoạt động vô thức của Cái Đầu.

Công việc của các nhà tâm lý học nhân thức là phải tìm ra cơ chế làm việc của vô thức. Trong vài thập kỷ trở lại đây, họ đã đạt được những tiến bộ to lớn và tìm ra được nhiều điều có thể thay đổi mãi mãi cách chúng ta nghĩ về nhận thức.

Phương pháp thực nghiệm và thành kiến là những cách gọi nôm na cho một trong những nỗ lực hào hứng nhất để khuấy động bức màn bí mật về tư duy của chúng ta. Trong trường hợp này, “thành kiến” không có nghĩa là một sự xúc phạm hay coi thường. Nó chỉ là một xu hướng, không hơn. Nếu bạn đọc một tờ danh sách mua sắm, trên đó, một trong các món hàng được viết bằng màu chữ xanh lá cây trong khi tất cả còn lại là màu xanh nước biển, bạn sẽ có xu hướng ghi nhớ món hàng màu xanh lá cây. Đó là hiệu ứng Von Restorff – một thành kiến thiên về ghi nhớ những thứ bất bình thường. Đây chỉ là một trong rất nhiều điều về thành kiến mà các nhà tâm lý học đã khám phá ra. Có một số thành kiến, giống như hiệu ứng Von Restorff là khá hiển nhiên. Nhưng những hiệu ứng khác sẽ đáng ngạc nhiên hơn khi chúng ta phân tích ở phần sau.

Với trường hợp về phương pháp thực nghiệm, đó là những quy luật về dấu hiệu. Một điều mà chúng ta đã đề cập, đó là quy luật sự xuất hiện – ngang bằng – với sự thực. Nếu trong nó giống như một con sư tử, thì đó sẽ là con sư tử. Thật thú vị và đơn giản. Thay vì bị sa lầy vào thông tin, Cái Bụng chỉ cần sử dụng một vài hành động quan sát và một quy tắc đơn giản để trong khoảnh khắc có thể kết luận rằng con vật giống như một con mèo lớn kia thực ra chính là một con sư tử, và có lẽ tốt nhất là bạn nên bỏ chạy ngay lập tức. Chính phương thức suy nghĩ chớp nhoáng này đã giúp bạn sống sót. Nhưng không may là, cũng quy luật ấy, lại có thể dẫn tới kết luận rằng tấm ảnh trong ví không phải chỉ là một mẩu giấy, và bạn phải tìm thấy nó, dù phải đi lang thang xung quanh một khu ổ chuột tối tăm ở châu Phi vào nừa đêm. Bạn có thể bị giết chết vì kiểu suy nghĩ đó. Vì thế, Cái Bụng là tốt, nhưng không hoàn hảo.

May thay, Cái Bụng không phải là cơ quan duy nhất cố gắng đưa ra những quyết định và khiến chúng ta phải hành động theo những quyết định ấy. Chúng ta còn có Cái Đầu, Cái Đầu sẽ giám sát những quyết định của Cái Bụng, và ít nhất cũng có thể cố gắng điều chỉnh hay gạt bỏ những quyết định ấy, nếu Cái Đầu cho rằng Cái Bụng đã sai. Cái Bụng quyết định và Cái Đầu xem xét lại. Quá trình này cũng là cơ chế cơ bản để những suy nghĩ và quyết định của chúng ta được hình thành. Nhà tâm lý học Daniel Gilbert Đại học Harvard đã viết: “Một trong những điều cơ bản của sự sáng suốt của chúng ta là những quyết định về mặt đại thể là kết quả của những hệ thống không có ý thức hoạt động rất nhanh, trên cơ sở rất ít manh mối, và theo một cách thông thường, sau đó nó sẽ chuyển những phán đoán ước lượng này trở thành trạng thái tỉnh táo có ý thức, trạng thái sẽ điều chỉnh một cách chậm rãi và thận trọng những phán đoán này”.

Đứng trên một đồng bằng rộng lớn, nhìn về một ngọn núi ở phía xa – như trong một câu chuyện minh họa của Daniel Kahneman, bạn sẽ có trực giác để ước lượng xem ngọn núi cách mình bao xa. Vậy trực giác đó tới từ đâu? Nó dựa trên cái gì? Bạn sẽ không biết đâu. Bạn thậm chí cũng sẽ không biết rằng bạn đang có một trực giác, hay ít nhất, bạn sẽ không nghĩ về nó theo cách này. Bạn sẽ chỉ nhìn tới ngọn núi, và có một nhận thức ước lượng về khoảng cách giữa mình và ngọn núi. Miễn là bạn không hề có những thông tin khác cho thấy rằng trực giác đó hoàn toàn ngoài tầm kiểm chứng thì bạn sẽ chấp nhận ước lượng đó nhưng một sự đo lường hcính xác, và sẽ hành động dựa trên ước lượng đó.

Bạn không hề biết rằng, trực giác đó tới từ hoạt động vô thức của Cái Bụng. Cái Bụng đã sử dụng một quy luật đơn giản của dấu hiệu để tạo ra phỏng đoán này. Các sự vật xuất hiện càng mờ nhạt thì chứng tỏ nó càng ở xa ta. Vì thế, nếu ngọn núi trông rất mờ, thì có nghĩa là nó ở rất xa. Đó là một quy tắc hữu ích có thể cung cấp thông tin đáng tin cậy chỉ trong phút  chốc. Nếu đó không phải là một quy luật tốt, thì chọn lọc tự nhiên đã không biến nó trở thành một nếp nhăn trên não chúng ta.

Tuy nhiên, quy tắc đó có thể sai lầm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngày hôm ấy cực nóng và ẩm ướt? Điều kiện thời tiết này sẽ khiến không khí trở nên giống như có sương mù và tất cả các sự vật sẽ xuất hiện lờ mờ hơn so với chính những sự vật ấy trong những ngày quang đãng. Để có được ước đoán chính xác về khoảng cách, chúng ta phải điều chỉnh. Nhưng Cái Bụng không làm chức năng này. Nó chỉ áp dụng quy luật về dấu hiệu. Trong trường hợp này, điều đó sẽ dẫn tới sai lầm. Vì thế Cái Đầu phải can thiệp vào phán đoán của Cái Bụng để tính tới yếu tố không khí ẩm.

Nhưng liệu Cái Đầu có thể can thiệp được như vậy? Thật không may, trong nhiều trường hợp, câu trả lời sẽ là không.

Chúng ta hãy xem xét câu hỏi sau: Một cây gậy và một quả bóng có tổng giá trị tiền là 1,10 USD. Cây gậy đắt hơn quả bóng là 1 USD. Vậy thì quả bóng giá bao nhiêu tiền?

Hầu hết tất cả những ai được hỏi câu này sẽ bột phát trả lời: “10 xu”. Có vẻ như đây là một câu trả lời đúng. Chúng ta có cảm giác là như vậy. Tuy nhiên, đó lại là một đáp án sai. Sự thật là, đáp án đó rõ ràng không chính xác (nếu như bạn dành ra một chút thời gian để suy nghĩ cẩn thận hơn). Tuy nhiên, đây là một ví dụ hoàn hảo cho sự nhầm lẫn thường tình của chúng ta. Hai nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Shane Frederick cho biết: “Hầu hết những người thamg gia trả lời câu hỏi của chúng tôi đều có xu hướng ban đầu trả lời là “10 xu”. Rất nhiều người cho biết, họ bất lực trước phản ứng bốc đồng này của mình. Tỉ lệ trả lời sai cao một cách đáng ngạc nhiên trước một câu hỏi đơn giản như vậy cho chúng ta thấy Hệ thống Hai (Cái Đầu) chỉ có thể giám sát hời hợt kết quả của Hệ thống Một (Cái Bụng): Người ta thường không đắn đo suy nghĩ gì nhiều, và thường có xu hướng tin vào những nhận định có vẻ hợp lý vụt đến nhanh chóng trong đầu.

Cái Đầu có thể trở nên hời hợt một cách đáng ngạc nhiên. Ví dụ, các nhà tâm lý học thường nhấn mạnh nhiều lần rằng khi người ta được hỏi về cảm giác khỏe mạnh, thoải mái của họ, thì yếu tố thời tiết sẽ là yếu tố cơ bản tạo ra sự khác nhau trong các câu trả lời. Trời nắng sẽ khiến tâm trạng con người trở nên hưng phấn, trong khi trời mưa sẽ khiến họ buồn bã. Đó chính là “lời nói phát ra từ Cái Bụng”. Tất cả chúng ta đều biết rằng thời tiết sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng. Nhưng câu hỏi về tâm trạng thoải mái của một ai đó hiển nhiên là bao hàm rộng hơn rất nhiều so với tâm trọng tạm thời lúc đó bị ảnh hưởng bởi thời tiết tốt hay xấu. Đáng nhẽ cái Đầu nên can thiệp và điều chỉnh những câu trả lời của Cái Bụng một cách tương ứng, nhưng nó lại không thường xuyên làm được như vậy. Vô số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng thời tiết có mối tương quan mạnh mẽ với sự lên xuống của thị trường chứng khoán. Thật buồn cười khi cho rằng ánh nắng mặt trời lại có thể có tác động tới những tính toán tài chính của những người mua bán cổ phiếu tại Phố Wall, nhưng rõ ràng là đã có những tác động như vậy. Cái Đầu giống như một chàng thanh niên thông minh lanh lợi nhưng lười biếng, cậu ta có thể làm được những điều to lớn nếu chịu bước chân xuống khỏi cái giường ngủ.

Còn đây là cách thức vận động của tư duy trong điều kiện bình thường. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng khi người ta vội vã, sự giám sát của Cái Đầu đối với những quyết định của Cái Bụng càng trở nên lỏng lẻo hơn nữa và những sai lầm càng có khả năng xảy ra. Nhưng người hoạt động về ban ngày thường luộm thuộm, cẩu thả và ủy mị hơn vào buổi chiều tối, trong khi những người lấy ngày làm đêm lại thường rơi vào tình trạng tồi tệ nhất của họ vào buổi sáng. Sự đãng trí, xao lãng hay mệt mỏi kiệt quệ, và cả sức ép, sự căng thẳng là những yếu tố làm giảm mức độ tập trung của Cái Đầu. Và dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể hoàn toàn tập trung sau khi đã uống một vài cốc bia.

Và bây giờ, nếu bạn không may phải ở trong một tình cảnh căng thẳng như tại một khu ổ chuột ở châu Phi giữa nửa đêm, kiệt sức sau một ngày dài làm việc, hơi chuếnh choáng sau khi đã uống vài li bia đen, và chìm trong tâm trạng thất vọng vì bị mất chiếc ví bên trong có những bức ảnh. Khi ấy, Cái Đầu sẽ không thể làm việc với khả năng tốt nhất của mình.

Để tóm tắt lại mối quan hệ giữa Cái Đầu và Cái Bụng, Daniel Kahneman cho rằng Cái Đầu và Cái Bụng luôn “tranh giành quyền đưa ra những quyết định, phản ứng cuối cùng”. Hoặc ai đó có thể nói không chính xác được như vậy, nhưng sinh động hơn, rằng mỗi chúng ta đều đang ở trong một cuộc đua ôtô trên xa lộ. Trong mỗi chiếc ôtô là một người đàn ông từ thời tối cổ nhưng lại muốn lái xe, cùng với một anh chàng thiếu niên thông minh nhưng lười nhác, anh chàng biết rằng mình nên cầm một tay vào vôlăng nhưng lại ngại phải cãi cọ phiền phức mà thích nghe nhạc từ chiếc Ipod và ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường qua cửa kính của xe hơn.

Và đêm hôm đó ở Nigeria, người đàn ông thời đồ đá đã “lái xe” trong khi cậu chàng thanh niên cuộn tròn và ngủ ngon lành ở ghế sau. May mà tôi vẫn còn sống sót bước ra khỏi đó.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Dan Gardner – Khoa học và chính trị về nỗi sợ hãi – NXB LĐXH 2008.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Hiệu ứng Von Restorff