Hậu VAMC: Nợ Xấu Biến Mất Hay Biến Chất

Hậu VAMC: Nợ xấu biến mất hay biến chất

Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để giải quyết nợ xấu. Thế nhưng cơ chế hoạt động của VAMC cho thấy, nợ xấu khó có thể được xử lý tận gốc. Trong khi đó, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp - nhiệm vụ chính của Công ty Mua bán nợ Việt nam (DATC) luôn được xem là biện pháp hiệu quả nhất thời gian qua.

Chỉ xử lý được 50%

VAMC dự kiến sẽ có quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 100% của Nhà nước, là một tổ chức tài chính đặc thù trực thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước. VAMC được mua nợ của các tổ chức tín dụng, được sử dụng quyền của chủ nợ trong việc thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý nợ, có quyền điều chỉnh cơ cấu lại khoản vay, điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành cổ phần của khách vay, bán tài sản đảm bảo... Theo đó, VAMC sẽ không dùng tiền ngân sách mua lại nợ xấu mà sẽ mua 100% nợ giá trị trên sổ sách của ngân hàng thông qua hình thức phát hành trái phiếu trong thời hạn 5 năm, lãi suất 0%. Ngược lại, các nhà băng bán nợ mỗi năm sẽ phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu. Các ngân hàng sẽ dùng loại giấy tờ có giá này để thế chấp vay NHNN qua hình thức tái chiết khấu. Tuy nhiên, mức tái chiết khấu mà NHNN đưa ra chỉ là 40% giá trị trái phiếu.

Đặc biệt, khi VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng, sau 5 năm, nếu khoản nợ xấu không bán được, ngân hàng cũng đã trích lập đủ 100% trái phiếu để trả trái phiếu cho VAMC đồng thời nhận khoản nợ xấu về. Tuy nhiên, lúc này khoản nợ xấu đó đã được xóa trong bảng kế toán của ngân hàng, có nghĩa là đã được làm sạch (vì ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%). Ngược lại, nếu xử lý được nợ xấu, thanh lý được tài sản đảm bảo thì tổ chức tín dụng chỉ được thu hồi về 85% giá trị, còn VAMC sẽ được hưởng 15%.

Với cách làm này VAMC được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để giải quyết nợ xấu. TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, VAMC ra đời mang một ý nghĩa tích cực trong tiến trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Các nhà băng sẽ khó chây ỳ trong giải quyết nợ xấu, bởi theo quy định tất cả các ngân hàng có nợ xấu trên 3% đều bắt buộc phải bán nợ xấu cho VAMC nếu được yêu cầu.

Thế nhưng, theo tính toán của cơ quan quản lý VAMC chỉ có thể giải quyết được 50% nợ xấu, đưa con số nợ xấu từ 6% về 3% - tức là ngưỡng an toàn. Như vậy, sự ra đời của VAMC trong thời gian tới có thể sẽ giải tỏa được phần nào tảng băng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nhưng liệu VAMC ra đời có giải quyết được tận gốc số nợ xấu khổng lồ hiện nay khi câu trả lời chỉ dừng lại ở 50% số nợ xấu hiện tại, 50% nợ xấu còn lại sẽ xử lý như thế nào và ai sẽ là người xử lý?

Sau 5 năm nợ xấu sẽ chuyển thành... rất xấu

Theo đánh giá của một số chuyên gia, trong điều kiện thị trường nợ kém phát triển như hiện nay có thể khiến các khoản nợ xấu chuyển sang VAMC được bán với giá thấp, hoặc không thể bán được. Điều này sẽ gây tổn thất lớn cho ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời gây bất ổn thị trường.

TS. Cao Sỹ Khiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, với số vốn chỉ 500 tỷ đồng sẽ chẳng thấm vào đâu so với con số nợ xấu trong hệ thống nhà băng đã lên tới gần 100.000 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đủ mua 1-2 khoản nợ là hết, rồi các khoản nợ còn lại sẽ giải quyết ra sao. Chắc chắn với số vốn hiện có, VAMC sẽ phải “chọn mặt gửi vàng” khi lựa chọn mua những khoản nợ xấu. Mua khoản nợ nào, loại tài sản nào sẽ được VAMC tính toán rất kỹ để có thể thu hồi và quay vòng vốn, chứ không thể mua một cách ồ ạt được.

Mặt khác, theo quy trình xử lý nợ xấu thông thường của các VAMC trên thế giới, đầu tiên, các ngân hàng sẽ chuyển nợ xấu sang VAMC để nhận trái phiếu do VAMC phát hành. Việc này giúp nợ xấu của ngân hàng biến mất khỏi bảng cân đối tài sản, thậm chí biến thành một loại giấy tờ có giá để cầm cố, thế chấp trên thị trường, hoặc có thể đem lên NHNN chiết khấu lấy tiền. Như vậy, từ các khoản nợ xấu nằm “chết” trong hệ thống ngân hàng, thị trường có thêm luồng vốn để lưu thông. Nhưng cơ chế xử lý nợ của VAMC cho thấy, việc chuyển giao nợ xấu từ ngân hàng sang VAMC chỉ là giải pháp giãn nợ, giúp bảng cân đối tài chính của nhà băng “sạch” tạm thời trong vòng 5 năm. Nếu sau 5 năm khoản nợ mà VAMC mua của các ngân hàng không bán được để thu hồi vốn về thì món nợ xấu đó sẽ quay trở lại ngân hàng. Khi đó, nợ xấu sẽ trở thành rất xấu, không thể xử lý được. Điều này có nghĩa dù nợ xấu được chuyển giao sang VAMC, song trách nhiệm chính về khoản nợ vẫn thuộc về các ngân hàng. Nói cách khác, bán nợ xấu cho VAMC chỉ là biện pháp giãn nợ, giúp ngân hàng tránh được thua lỗ tạm thời. Nếu khoản nợ này VAMC không thể bán được, đến kỳ đáo hạn trái phiếu, nợ xấu sẽ quay trở lại ngân hàng.

Trong khi đó, thực tế thời gian qua nợ xấu trong hệ thống giảm là do các nhà băng tăng trích lập dự phòng và cơ cấu lại nợ, chứ chưa được xử lý dứt điểm. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn “quét” nợ xấu nhanh chỉ có cách sử dụng tiền mặt và kết hợp vực dậy “sức khỏe” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp “khỏe” lên, có tiền trả nợ ngân hàng, khi đó mới giải quyết được hết các khoản nợ cũ và tránh phát sinh các khoản nợ mới.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nợ xấu thời gian qua giảm chủ yếu là do ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro và cơ cấu nợ. Thực tế, rất ít khoản nợ xấu nào được xử lý do doanh nghiệp mang tiền trả nợ ngân hàng, nghĩa là, nợ xấu mới chỉ được “tạm che lại” mà chưa được xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, trong khi doanh nghiệp phá sản hàng loạt, các yếu tố để hoạt động mua bán nợ như: kinh nghiệm, thể chế để giải quyết nợ xấu, các quy định về phá sản... còn thiếu và yếu, việc thành lập VAMC chỉ là biện pháp kỹ thuật, không xử lý dứt điểm được nợ xấu, doanh nghiệp không có khả năng phục hồi. Thực tiễn xử lý nợ xấu thời gian qua cũng cho thấy, nợ xấu chỉ có thể được xử lý triệt để khi gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp. Tức là các ngân hàng cần phối hợp với DATC - đơn vị chính đảm đương nhiệm vụ này để cùng vực dậy doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do thiếu động lực và sức ép xử lý nợ xấu nên các ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng chuyển giao các khoản nợ cho DATC xử lý. Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc DATC cho rằng, chỉ khi nào chúng ta đặt ra mục tiêu tối thiểu hóa chi phí khi xử lý nợ doanh nghiệp để tái cơ cấu, thay vì tối đa hóa lợi nhuận, thì mới giải quyết được vấn đề. Trong một số trường hợp doanh nghiệp hay ngân hàng vì lợi ích khác nhau khó có thể đồng thuận với việc xử lý tài chính để tái cơ cấu thì Nhà nước cần có cơ chế riêng và biện pháp can thiệp mạnh tay để đạt được mục tiêu chung.

Rõ ràng, VAMC đã sẵn sàng đi vào hoạt động trong thời gian tới nhưng để triển khai mô hình này trong thực tiễn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Có lẽ biện pháp căn cơ và hiệu quả nhất lúc này vẫn là xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp với sự tham gia của DATC. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách khiến đơn vị này chưa thể phát huy hết thế mạnh trong thời gian qua.

Theo Tạp chí Tài chính doanh nghiệp số 4/2013

Từ khóa » Nhược điểm Của Việc Bán Nợ Cho Vamc