Hiện Tượng Mở Rộng Nghĩa Trong Tiếng Việt - Hỏi Đáp

LÊ Đình Tư (Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

3. Các phương thức biến đổi ý nghĩa của từ

Phương thức biến đổi ý nghĩa của từ là cách thức bổ sung nghĩa mới cho từ không kèm theo sự biến đổi về từ ngữ âm, làm cho từ trở thành từ nhiều nghĩa.

Trong ngôn ngữ học, người ta đã tổng kết được ba phương thức chủ yếu mà các ngôn ngữ thường dùng để biến đổi ý nghĩa của từ. Đó là:

3.1. Giữ tên gọi cũ để chỉ những sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới hoặc đã thay đổi

Về nguyên tắc, khi xuất hiện một sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới, hoặc khi sự vật, hiện tượng trước đây đã thay đổi thì xã hội phải tạo ra một vỏ âm thanh mới để biểu thị nó. Song không phải bao giờ người ta cũng làm như vậy. Trong nhiều trường hợp, các ngôn ngữ vẫn lấy tên gọi cũ để biểu thị sự vật hay hiện tượng mới nhờ vào những nét tương đồng giữa cá sự vật. Chỉ khi nào cần thiết, người ta mới bổ sung thêm một yếu tố khu biệt nào đó, ví dụ như yếu tố mô tả một đặc trưng hay chức năng nào đó của sự vật. Điều đó dẫn tới kết quả là một tên gọi được dùng chung cho nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau, khiến cho việc xác định ý nghĩa thực của từ nhiều khi không thể thực hiện được, nếu không có ngữ cảnh của từ. Ví dụ: Nếu không theo dõi từ đầu quá trình giao tiếp, người nghe có thể không hiểu được ý nghĩa thực của từ ‘xe’ trong câu “Chị đã mua xe chưa?”, vì rằng trong trường hợp này, ‘xe’ có thể là ‘xe máy’, ‘xe đạp’ hoặc ‘xe hơi’… Một loạt các từ như ‘bút’, ‘đàn’, ‘bánh”,… trong tiếng Việt đều nằm trong số những từ được biến đổi nghĩa theo phương thức này và nhờ đó chúng trở thành những hình vị cấu tạo từ mới theo phương thức ghép chính phụ.

Đây là phương thức phát triển ý nghĩa của từ rất phổ biến trong các ngôn ngữ. Có thể nêu một vài ví dụ: Trong tiếng Anh, từ ‘boat’ vừa có nghĩa là “thuyền” vừa có nghĩa là “tàu thuỷ” (loại nhỏ); trong tiếng Ba Lan, từ ‘pióro’ vừa có nghĩa là “cái lông” (ví dụ: ‘lông ngỗng’) vừa có nghĩa là “cái bút”; trong tiếng Pháp, từ ‘bureau’ vừa có nghĩa là “cái bàn làm việc” vừa có nghĩa là “phòng làm việc” hay “cơ quan”…

Điều đáng chú ý là trong phương thức này, thường chỉ có ý nghĩa biểu vật là thay đổi cơ bản, còn ý nghĩa biểu niệm chỉ thay đổi phần nào, trong đó nét nghĩa chính thường được bảo tồn. Thực vậy, trong từ ‘xe’ của tiếng Việt chẳng hạn, ý nghĩa biểu vật đã thay đổi rất nhiều: nó biểu thị không phải một mà nhiều loại xe khác nhau. Trong khi đó, nét nghĩa chính trong ý nghĩa biểu niệm của từ này là ‘phương tiện chuyên chở đường bộ, thường có bánh’ vẫn không thay đổi. Do đó, có thể nói rằng đây là những từ nhiều nghĩa biểu vật.

3.2. Hoán dụ

Hoán dụ là phương thức làm biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ một sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở mối quan hệ tất yếu giữa các sự vật, hiện tượng ấy. Chúng ta hiểu quan hệ tất yếu là mối quan hệ hiển nhiên, có thể thấy được một cách trực tiếp và ai cũng thấy như nhau mà không cần phải có những thao tác tìm hiểu đặc biệt như đối chiếu hay so sánh chẳng hạn.

Thường thì các ngôn ngữ dựa vào một số loại quan hệ tất yếu để tạo ra hoán dụ. Số lượng những mối quan hệ đó có thể không giống nhau trong các ngôn ngữ. Tuy nhiên, xét trên góc độ phổ niệm, có thể nêu lên ba loại quan hệ chủ yếu sau đây:

– Quan hệ bộ phận và toàn thể, nghĩa là lấy tên gọi của bộ phận để chỉ toàn thể hoặc ngược lại. Tuy nhiên, nói chung, người ta thường lấy tên gọi của bộ phận để chỉ toàn thể mà ít khi lấy toàn thể để chỉ bộ phận. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, ‘má hồng’ thường được dùng để chỉ ‘cô gái’, hay ‘mày râu’ chỉ ‘đàn ông’, hoặc ‘tay chơi’ dùng để chỉ ‘người ăn chơi’; ‘miệng ăn’ chỉ ‘người ăn’, song ‘con ngươi’ (con người) được dùng để chỉ ‘đồng tử’; ‘nhà’ dùng để chỉ ‘chồng’ hoặc ‘vợ’; ‘mùi’ dùng để chỉ ‘mùi hôi’…

– Quan hệ giữa nguyên liệu và thành phẩm, nghĩa là lấy tên gọi của nguyên liệu để chỉ sản phẩm hay thành phẩm làm từ nguyên liệu đó. Ví dụ: ‘glass’ trong tiếng Anh có thể là “thuỷ tinh” (nguyên liệu), song cũng có thể là “cái cốc”, “cái kính”, “ống nhòm” (thành phẩm); ‘thau’ trong tiếng Việt vừa là tên gọi nguyên liệu (đồng thau) vừa là tên gọi của thành phẩm: cái chậu làm bằng đồng thau (ví dụ: ‘thau rửa mặt’).

– Quan hệ giữa vật chứa và vật được chứa, tức là lấy vật chứa để chỉ vật được chứa trong đó. Ví dụ: trong câu “Cả nhà đi nghỉ mát.” thì ‘nhà’ có nghĩa là ‘những người sống trong nhà’ đó; trong “Cả làng vào hội.” thì ‘làng’ là vật chứa tất cả những người đang sống trong đó.

Ngoài ba loại quan hệ chủ yếu trên đây, người ta còn nói tới một số quan hệ khác nữa. Song nói chung, đó chỉ là những sự cụ thể hóa các loại quan hệ đã nêu ở trên, và trong các ngôn ngữ có thể có sự khác biệt về những biểu hiện cụ thể đó. Chẳng hạn, trong tiếng Việt có cách nói lấy tên gọi của tính chất sự vật để chỉ bản thân sự vật (ví dụ: ‘chất xám’ được dùng để chỉ ‘trí thức’) mà đó chính là loại hoán dụ dựa trên quan hệ bộ phận/ toàn thể nhưng chỉ đặc trưng cho một hay một số ngôn ngữ nào đó mà thôi.

Qua các ví dụ nêu trên, ta cũng có thể nhận thấy rằng, trong trường hợp hoán dụ, cả ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của từ đều bị biến đổi.

3.3. Ẩn dụ

Ẩn dụ cũng là phương thức biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở của sự giống nhau về một khía cạnh nào đấy giữa hai sự vật hay hiện tượng ấy.

Tuy nhiên, khác với trường hợp hoán dụ, quan hệ giữa hai sự vật hay hiện tượng trong ẩn dụ không phải là mối quan hệ hiển nhiên và có thể thấy một cách trực tiếp, do đó để nhận ra mối quan hệ này, ta phải thực hiện thao tác đối chiếu, so sánh ngầm các sự vật/ hiện tượng với nhau. Chính vì đây không phải là mối quan hệ có thể thấy được một cách trực tiếp, nên nhiều khi, sự liên tưởng ở mọi người không giống nhau, dẫn đến việc tiếp thu ý nghĩa của cùng một đơn vị ngôn ngữ theo những cách khác nhau. Đây chính là lí do vì sao ẩn dụ rất được ưa dùng để tạo ra những hiệu quả giao tiếp đặc biệt trong ngôn ngữ văn học.

Khi nói đến ẩn dụ với tư cách là phương thức biến đổi ý nghĩa của từ, người ta thường nghĩ đến những loại ẩn dụ nào có tính bền vững tương đối, nghĩa là đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Đó là những ẩn dụ trong giao tiếp thông thường, chứ không phải là ẩn dụ trong giao tiếp nghệ thuật.

Để tạo ra ẩn dụ, người ta cũng thường dựa trên một số mối quan hệ giữa các sự vật hay hiện tượng. Thường thì người ta tạo ra ẩn dụ trên cơ sở của ba loại quan hệ chủ yếu sau đây:

– Quan hệ giữa nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng, nghĩa là lấy từ vốn trước đây chỉ dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động hay đặc trưng, tính chất cụ thể để chỉ một khái niệm trừu tượng. Ví dụ: Các từ ‘chín’ trong “chuối chín” và “nghĩ chín” của tiếng Việt, ‘vưxoki’ (cao) trong ‘‘vưxoki gost’’ (‘khách quý’) của tiếng Nga, hay ‘soft’ (‘nhẹ, dẻo, mềm’) trong ‘‘soft winter’’ (‘mùa đông ôn hoà, dễ chịu’) của tiếng Anh, là những ẩn dụ loại này.

– Quan hệ giữa người và vật: lấy tên gọi của bộ phận cơ thể, hành vi, tính chất hay đồ dùng của người để biểu thị các bộ phận, tính chất hay hành động của vật. Ví dụ: ‘mũi’ trong “mũi dao”, “mũi thuyền”; ‘quất’ trong “mưa quất”, ‘mũ’ trong “mũ đinh” của tiếng Việt.

– Quan hệ giữa vật và người, tức là lấy tên gọi của vật, hoặc bộ phận, hành vi, tính chất của vật để chỉ người hay bộ phận, hành vi, tính chất của người. Ví dụ: Trong tiếng Việt, ‘cò mồi’ được dùng để chỉ ‘người làm trung gian để kiếm lời’, ‘cò hương’ được dùng để chỉ ‘người cao hay gầy’, ‘lá’ của cây được dùng để chỉ ‘lá phổi’ của người, ‘quả’ được dùng để chỉ ‘quả tim’ của người, và người cũng có thể ‘hót’ hay; trong tiếng Anh, ‘fish’ là “cá” nhưng cũng có thể là ‘người bị mồi chài’; trong tiếng Nga, ‘mesok’ là “cái bao tải” nhưng cũng có thể là ‘người vụng về’.

Qua các ví dụ trên, ta có thể thấy rằng trong phép biến đổi ý nghĩa từ bằng ẩn dụ, ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của từ đều bị thay đổi, song giữa các ý nghĩa khác nhau của từ vẫn có một hoặc một vài nét nghĩa chung (ví dụ: hình dáng, chức năng, cách thức) – đó là nét nghĩa chi phối của từ.

Tất cả các phương thức biến đổi ý nghĩa của từ trên đây đều là những phương thức làm cho ý nghĩa của từ được mở rộng để biểu thị được nhiều sự vật, hiện tượng hơn, tức là làm cho từ trở thành từ nhiều nghĩa. Ngoài phương hướng mở rộng ý nghĩa nêu trên, người ta còn nói tới sự biến đổi nghĩa theo hướng thu hẹp ý nghĩa của từ, làm cho từ biểu thị được ít sự vật, hiện tượng hơn. Tuy nhiên, xét về bản chất, trong ngôn ngữ không có hiện tượng thu hẹp nghĩa mà chỉ có hiện tượng mở rộng nghĩa, bởi vì cái gọi là hiện tượng thu hẹp nghĩa thực chất cũng là phương thức mở rộng ý nghĩa của từ theo hướng bổ sung một hay một vài ý nghĩa/ nét nghĩa cụ thể nào đó cho từ. Thực vậy, từ ‘nước’ trong tiếng Việt chẳng hạn, trước đây nó vốn được dùng để chỉ ‘chất lỏng’ nói chung, rồi sau đó được bổ sung thêm ý nghĩa “chất lỏng không màu, không mùi, không vị”. ý nghĩa này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực khoa học. Đó chính là sự thu hẹp nghĩa. Như vậy, sự thu hẹp nghĩa của từ ‘nước’ để nó có thể làm một thuật ngữ khoa học đã làm cho nó có thêm một nghĩa mới (nghĩa thuật ngữ), bên cạnh nghĩa thường dùng trong giao tiếp hàng ngày. Nhưng đó lại chính là sự mở rộng nghĩa của từ. Vả lại, suy cho cùng thì sự biến đổi ý nghĩa của từ chính là sự thay đổi trong cấu trúc ý nghĩa biểu niệm của từ theo hướng thay thế hoặc bổ sung các nét nghĩa: các nét nghĩa khái quát của từ được thay thế/bổ sung bằng những nét nghĩa cụ thể hơn, hoặc ngược lại: các nét nghĩa cụ thể được thay thế/ bổ sung bằng những nét khái quát hơn (so sánh: ‘chất lỏng’ và ‘chất lỏng, không màu, không mùi, không vị’). Cả hai đường hướng đó rốt cuộc đều dẫn đến kết quả là làm cho từ biểu đạt được nhiều sự vật, hiện tượng hay khái niệm hơn.

________________________________________________

Từ khóa » Ví Dụ Về Mở Rộng ý Nghĩa Của Từ