Họa Sĩ Thành Chương: “Việt Phủ” Thứ 2, “đói” Tiền & “thất” Tình?
Có thể bạn quan tâm
Tiếng là hàng xóm nhà Mỹ Linh, nhưng Thành Chương không sống hàng ngày ở Việt phủ – “tác phẩm để đời” của ông vừa được “tôn vinh” trên NewYork Times. Thế nên, khi nghe nói tôi chưa từng đến Việt phủ, thì ông đã lựa chọn cái nơi cách Hà Nội những hơn 40 cây số làm điểm hẹn, với lý do: “Không biết Việt phủ sao hiểu được Thành Chương!”
Vợ đẹp là may mắn, cũng có thể là “tai họa”
– Đẹp thế này, bình yên thế này, công việc cũng lại cho phép nữa, vậy mà sao anh không chọn sống ở đây, như nhà Anh Quân – Mỹ Linh?
– Thì như bạn thấy đấy, Việt phủ là một không gian khác hẳn nhà Mỹ Linh, khi một bên là những giá trị bảo tồn, một bên là những tiện nghi sống. Chính vì thế mà bọn trẻ con nhà tôi mỗi lúc sang chơi nhà Mỹ Linh về cũng thường “tị nạnh”: Sao bố không làm nhà mình giống nhà cô Linh? Nhiều người đến đây cũng nghĩ: Thằng cha này chắc thừa tiền, của ăn của để đề huề mới đổ tiền không thương tiếc vào một nơi chỉ để ngắm hơn là để ở thế này. Ai đến đây cũng nghĩ tôi sướng như vua, khi tôi có cả một “vương quốc” như thế này… Tôi rất muốn ở đây. Nhưng còn nhiều duyên nợ với chốn nơi khác nên chưa ở đây được. Và còn con trẻ nữa.
– Hàng xóm nhà anh chả lít nhít con nhỏ đấy thôi!
– Ừ, nhà Linh quả là giỏi sắp xếp và khéo tổ chức cuộc sống! Tuy nhiên, nếu đã định thế, thì phải làm kiểu khác, không phải thế này. Tôi muốn khách đến tham quan thưởng thức và cảm nhận một không gian văn hóa nghệ thuật thực sự chứ không phải đến tham quan nơi ăn chốn ở của gia đình tôi.
– Hạnh phúc, với anh, lúc này là gì?
– Là “mộc” tới mức có thể, không màu mè, giả tạo. Là được sống thật với chính mình…
– Như Việt phủ?
– Đúng, như Việt phủ!
– “Biết mình đủ thì là đủ!” – Câu đó có đúng với anh?
– Một phần nào đó thôi, nếu như trong cuộc sống thường nhật. Nhưng nhìn chung, cái “ngữ” tôi thường thì chả mấy khi biết thế nào là đủ cả, hoặc có biết thì nhiều lúc cũng… phải lờ đi, nhất là trong nghệ thuật. Nghệ thuật thôi! Còn đời sống thì khác, chắc cũng phải biết sao là đủ chứ, trẻ mỏ gì nữa đâu…
– Vậy vào tầm này, một đời sống thế nào thì là đủ với anh?
– Là có một gia đình bình thường, có vợ có chồng, có bố có con…, quan tâm đùm bọc lẫn nhau, biết hy sinh cho nhau khi cần thiết, để có thể đi được cùng nhau đến cuối con đường, trong một mức sống ít nhất là đạt được đến những giá trị sống tối thiểu…
– Vẻ như để sống tới lúc “đầu bạc răng long” bên cạnh một người vợ đẹp chắc không… quá mệt và quá khó?
– Nói chung thì đàn ông, anh nào mà chả thích vợ đẹp. Có điều, vợ đẹp với người này thì là may mắn, nhưng với người kia thì có khi lại là “tai họa” đấy, chả biết được đâu!
– Ba lần đò rồi mà vẫn còn chưa đủ để biết sao?
– Biết trước thì đã không có con số 3 đó rồi! Nhưng đại khái, với một người đàn ông có bản lĩnh, thì nhìn chung có vợ đẹp là một hạnh phúc, nếu như (và thường là) giữ được!
– Tới giờ này anh tự thấy mình đã có đủ bản lĩnh đó chưa?
– Chắc là phải có rồi chứ! Chắc cũng đủ dùng!
– Đó là lý do khiến đổ vỡ chưa bao giờ lấy đi được của anh… một cái lông chân, mà bằng chứng là anh luôn chuyên cần làm lại?
– Phải làm lại chứ, tại sao không? Khi gia đình với tôi, nó là nơi cho, nơi nhận, nơi để mình hy sinh, cũng là nơi giúp mình hưởng thụ… nên nó quan trọng lắm, trong cái thế cân bằng nhất thiết phải có ở một thằng đàn ông. Thế nên, nếu vì một lý do nào đó mà người đàn ông ấy không thể đưa được gia đình ấy đến cuối con đường dù trước đó, có ai là không từng muốn, thì vẫn lại phải xắn tay làm mới thôi chứ! Đàn ông theo tôi không thể thiếu gia đình!
Đã đến nước phải hy sinh sự nghiệp vì gia đình thì… nhất định không!
– Gia đình quan trọng là thế, vậy, nếu phải hy sinh sự nghiệp để giữ gia đình (có vợ đẹp), anh có ngán?
– Sự nghiệp của người đàn ông, nói cho cùng, là dành cho ai, ai nào, bạn nghĩ đi! Còn ai vào đây nữa, nếu như không phải cho chính gia đình của anh ta, trên hết và trước hết? Vì thế, gia đình khôn ra thì nên để cho cái “trụ cột” ấy được làm việc. Còn thì, một gia đình mà tới mức phải bắt người đàn ông của họ phải hy sinh sự nghiệp thì tôi e là gia đình đó có vấn đề, và đã đến nước ấy thì tôi… nhất định không!– Ăn thua thế sao?
– Không phải là chuyện ăn thua, mà thường thì tôi vẫn hay đánh giá cao những sự hy sinh khôn ngoan. Nghĩa là phải biết cân nhắc mọi sự lợi hại, được mất. Khôn ngoan thì đừng để cái mất lớn hơn cái được quá nhiều…
– Ô, vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng “thương hiệu” của Thành Chương là… dại gái cơ đấy!
– Thì như tôi vẫn thường nói, đàn ông có rất nhiều cái dại, trong đó dại gái là cái dại đáng yêu nhất! Và tôi chính là cái kẻ “đáng yêu” ấy đây!
– Nghĩa là anh “khôn” hay anh “ngoan”?
– Đã “khôn” lại còn “ngoan” nữa thì tốt quá, nhất anh! Nhưng khổ nỗi, đàn ông ít ai dám bảo mình “ngoan” lắm, nếu như dám sống trung thực. Vì quả tình là ngượng mồm lắm! Cái sự khôn ngoan ở đàn ông, vì thế, chỉ có giá trị khi nó đi kèm với sự trung thực. Bằng không, đó chỉ có thể là sự khôn lỏi của hạng tiểu nhân mà thôi!
– Trong ba cái sự “khôn” này ở đàn ông, anh thấy cái “khôn” nào là đáng giá nhất: ăn khôn, ở khôn, yêu khôn?
– Tiêu tiền khôn thì mới là cái khôn đáng giá nhất ở đàn ông! Mà muốn thế, thì phải có thêm một cái khôn nữa: kiếm tiền. Đàn ông mà để vợ con phải vất vả, kể cả là tinh thần hay vật chất, thì theo tôi đều không đáng mặt thằng đàn ông!
– Nhưng anh hẳn biết, có những nghề, chất xám đầy mình, nhưng để ra tiền, đôi khi lại còn phải là cái duyên, cái nghề “thời thượng”…?
– Nói thế thì vô cùng lắm! Đổ lỗi cho hoàn cảnh thì vô cùng lắm! Thế nào tôi không cần biết, chỉ là, bằng cách nào đó anh phải làm cho vợ con anh đỡ vất vả, thì mới đáng là chỗ trụ cột, thế thôi! Còn bằng cách nào thì đó là việc của anh! Vô trách nhiệm với vợ con chỉ vì không kiếm được tiền thì đã là ăn thua gì! Tôi còn biết đầy anh tên tuổi lẫy lừng, kiếm tiền như nước, tiêu tiền cũng như nước, nhưng vợ con thì thật đúng là lên bờ xuống ruộng, sống khổ sống sở! Sống trên mây nói chung là chỉ sướng cái thân anh thôi! Nói đâu xa, ngay như ông cụ nhà tôi, chả bao giờ biết trong nhà tiền ở đâu ra, còn hay hết, thậm chí, để làm gì…, vì đã có vợ con lo hết…
Đi sau phụ nữ vẫn thú vị như thường!
– “Đàn ông thì phải lo cho phụ nữ”, vậy, chắc là anh không dị ứng với kiểu phụ nữ “sống bám” đâu nhỉ?
– Ô, hai việc này làm sao có thể chập làm một được! Nó là hai mục đích sống khác nhau hoàn toàn. Và xin lỗi, dạng phụ nữ “sống bám”, tôi không dùng được!
– Kiểu này là Việt phủ không “bán vé cho khách tham quan” cỡ Ngọc Trinh đâu nhỉ?
– Bán bình thường. Tôi chỉ e là Việt Phủ không phải là lựa chọn được khuyên dùng cho những người không quan tâm văn hóa nghệ thuật. Còn thì, nhìn chung, cho dù mọi chỉ trích vừa qua, thì tôi vẫn thấy phụ nữ Việt Nam về cơ bản là tử tế. Có những người (và con số này không ít đâu!) thậm chí còn tử tế đến mức đáng ngạc nhiên với cả những người đàn ông đôi khi không biết quý sự tử tế của họ.
– Thành Chương nếu không phải hạng “con nhà”, không bán được tranh, không nổi tiếng… thì liệu phụ nữ có chịu theo anh ấy không nhỉ?
– Cố nhiên, phụ nữ yêu tôi có thể là vì tôi có tất cả những thứ đó. Tại sao không? Nếu anh là thằng đàn ông bất tài, vô dụng, nghèo rớt mồng tơi, nghèo cả ý chí nữa thì có đáng được một người phụ nữ (nhất lại còn là phụ nữ đẹp, đáng yêu) quan tâm không? Thời buổi bây giờ, nếu một cô nào đấy bảo em yêu anh không vì sự thành đạt của anh, thì đấy chắc chắn là nói dối, hoặc là nói… chưa hết ý. Ai chẳng muốn kiếm được một anh vừa đẹp giai vừa kiếm tiền giỏi, lại yêu mình? Chả ai có lỗi sất! Nhưng nếu là để đạt được điều đó bằng mọi giá thì đó lại là một chuyện khác, tất nhiên rồi!
– Ngược lại, thường thì, người phụ nữ anh chọn phải đáp ứng những cái gạch đầu dòng nào?
– Chỉ cần ba chữ thôi: Biết chia sẻ!
– Chỗ đứng nào là phù hợp nhất cho người phụ nữ của anh?
– Bên cạnh. Phụ nữ, dù bất luận họ yêu mình vì cái gì thì tôi vẫn luôn không thích họ đứng sau hay ngước lên nhìn mình, mà tốt nhất, là đi bên cạnh. Trong nhiều trường hợp, nếu cần, họ thậm chí còn có thể đi trước. Và xin thưa là đi sau phụ nữ nhiều khi cũng thú lắm đấy, không tin các vị cứ thử mà xem!– Trong trường hợp nào thì anh chấp nhận đi sau?
– Những lúc… cần đến tiếng Anh, chẳng hạn! Ngô Hương, cô ấy đã giúp tôi rất nhiều trong việc tạo dựng cảm tình cho khách tham quan quốc tế đến Việt phủ. “Dựng nước” ở đây là tôi, nhưng “giữ nước” chính là cô ấy…
– “Mẹ đánh không đau bằng ngồi sau con gái” – câu đó anh nghĩ chỉ dùng cho tuổi teen thôi sao?
– Đúng, vì phải là người đàn ông trưởng thành, anh mới đủ sức cảm nhận được cái hạnh phúc “bất thường” ấy! Chính xác là hạnh phúc đấy, vì thứ nhất là nhàn. Tự dưng được nhàn! Thứ hai là đôi khi cũng phải để cho phụ nữ được đứng trước để họ được là chính họ, tươi tốt hơn, tự tin hơn và không biết chừng, đó chính là khoảnh khắc đẹp nhất của họ.
– Thay đổi góc nhìn đôi khi cũng tạo ra những khuôn hình mới?
– Khuôn hình ở đây, tôi nghĩ chưa chắc nó đã được tạo ra bằng những góc nhìn thôi đâu, mà đáng kể, là bằng nhịp điệu. Nhịp điệu của những người có cùng nhịp bước!
Đã yêu thì phải lấy bằng được, mà chán thì cũng lại phải… bỏ bằng được!
– Lâu nay anh còn ưa vẽ “cái mặt mình”* nữa không? Đã chán?
– Mặt mình thì lúc nào chả chán! Chỉ là, nghệ thuật thì đôi lúc phải có cớ!
– “Cái mặt” ấy đã bao giờ bị phụ nữ chán?
– Bị rồi chứ! Nhiều cô xem tranh, xem ảnh thì mê, tới lúc gặp, “chửi” thẳng vào mặt mình không thương tiếc: “Trông ông chả giống trong ảnh chút nào!”
– Có sợ bị phụ nữ chán?
– Sao không? Trong muôn vàn cái sợ thì bị phụ nữ chán là sợ nhất!
– Còn khi mình chán, thì sao?
– À, tôi được cái yêu ghét rất rõ ràng. Đã yêu thì phải lấy bằng được, mà chán thì cũng lại phải… bỏ bằng được!
– Ôi, lẽ nào đây là phát ngôn của tác giả “Tình yêu”**?
– Đã đến nước phải bỏ nhau, nghĩa là nhiên liệu yêu đã cạn kiệt, liệu còn gì để cứu vãn? Mà tôi thì điên lắm, yêu đã điên, chán còn điên hơn! Kể cả là một núi gia tài, cũng hoàn toàn có thể ra đi tay trắng, hoàn toàn có thể làm lại từ số 0, bất cứ lúc nào!
– Nghe thì “hoành tráng” đấy, nhưng đúng là tiền của thì có thể làm lại, còn tổn thương thì sao?
– Ôi nếu như cứ ngồi đó mà phân tích tốt xấu, đúng sai thì làm sao mà… ra đi được! Bạn tôi, một tay thẩm phán, từng bảo tôi rằng: Sau hàng chục năm làm nghề, ông ấy nghiệm ra rằng cứ cặp nào ra tòa mà vẫn còn chưa chán… chửi nhau thì y như rằng kiểu gì cũng về lại với nhau. Ngược lại, những cặp ra đến tòa rồi mà vẫn cứ vấn vít lịch sự với nhau như một cặp tình nhân, bình thản mời nhau ăn sáng uống café, trước tòa chỉ nói tốt nói đẹp cho nhau ngoài hai chữ “không hợp” thì có nghĩa là đã không còn gì để cứu vãn nữa rồi!
– “Nghe nói”, hay chính là kinh nghiệm bản thân?
– Đúng là, bọn tôi cũng từng ra tòa nhẹ nhàng như thế đấy!
– Vậy giờ anh và “người cũ” (diễn viên điện ảnh Thanh Quý – P.V) còn giữ liên lạc với nhau không?
– Kể ra thì nếu như có con cái thì sẽ dễ hơn… Còn nếu không, thì cảm giác nói thật là nhiều khi xa vời lắm, cứ như chưa từng gặp, chưa từng có cái cuộc ấy bao giờ…
Lúc này tôi chỉ đói… tiền
– Cha anh, nhà văn Kim Lân, tác giả “Vợ nhặt”, của những truyện ngắn hay nhất về nạn đói 1945. Vậy, nếu có một nhà văn Thành Chương, thì anh ấy sẽ viết về nạn đói gì của những năm 2000 này?
– Có một cái đói mà tôi thấy rất cơ bản trong đời sống thường nhật cũng như trong đời sống văn nghệ lúc này, đấy là sự trung thực, và sự trong lành của “bầu khí quyển” văn nghệ. Quá nhiều thức ăn bẩn, quá nhiều sự dối trá! Bóng đá thì bán độ. Âm nhạc thì hát nhép. Tranh thì tranh chép. Ảnh thì photoshop. Ngực thì ngực giả… Một đời sống văn nghệ kiểu gì mà ngày ngày mở báo ra đập vào mắt chỉ toàn là những scandal, cởi quần cởi áo… Khủng khiếp như nạn đói 45, vậy mà cũng chỉ một năm, nhưng cái đói mà tôi đang nói đây thì không biết bao giờ mới dứt được đây, và không biết có thể làm hỏng bao nhiêu thế hệ… Thế nên, quả tình là đáng lo ngại!
– “Chết no”, lẽ nào cũng là một kiểu đói, theo anh?
– Đúng vậy! Khi anh “no” cái này, và no một cách không đáng, thì có nghĩa rằng, anh đang đói cái kia, anh thiếu hụt trầm trọng cái thứ mà anh không còn chỗ để nạp vào, không còn đủ tâm thế để mà đón nhận. Và chưa hết, còn nhiều “nạn đói” lắm: đói tự trọng, đói trách nhiệm, đói di sản… Mặc dù rằng, vừa qua, đã có thêm nhiều di sản vật thể lẫn phi vật thể của ta được UNESCO công nhận, nhưng so với trữ lượng di sản mà cha ông ta đã để lại, thì sự tàn phá của con người quả là ghê gớm! Thiên tai, địch họa – đã đành, nhưng cái ý thức của con người thì mới là khủng khiếp. Bài trừ mê tín dị đoan trong sự ngộ nhận, trộm cắp cổ vật trong sự vô lương tâm, trùng tu di tích trong sự tùy tiện và cẩu thả, giải phóng mặt bằng trong sự vô cảm và vô tâm với quá khứ… – Bằng ấy tội còn nặng gấp trăm lần thiên tai địch họa! Một cuộc phá hoại phải nói là cơ bản, vững chắc và vô phương cứu chữa – buồn thay!– Và Việt phủ chính là cố gắng cưỡng lại cơn đói đó?
– Đúng! Nhưng cũng chính bởi thế mà càng lúc càng… đói! Có lẽ bởi tôi không bao giờ đói ý tưởng, cái đầu tôi, cái tay tôi gần như luôn muốn cưỡng lại sự nghỉ ngơi. Đói công việc có lẽ là cái đói khó chịu nhất đối với tôi! Vì thế mà nung chảy đầu tôi lúc này, là ý tưởng xây dựng một Việt phủ 2…
– Việt phủ 2? NewYork Times đã làm anh hứng khởi đến thế sao?
– Nhầm đấy, cái ý tưởng điên khùng ấy nó “hành” tôi cả mấy năm nay rồi, trước khi Việt phủ 1 được NYT biết đến. Chỉ là do tôi đói… tiền nên mới chưa thành hình được mà thôi!
– Người nổi tiếng bán tranh đắt hàng nhất VN mà đói tiền sao?
– À, riêng đói tiền thì là cái đói chung thân nhé! Vì nếu chỉ để sống, thì là khác. Nhưng đây, nó là nghệ thuật, phải mình lại là cái thằng “lắm trò” nữa, lại toàn ý tưởng… tốn tiền, nên có bao giờ là đủ! Vả, giờ này, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mấy người còn dám mua tranh…
– Vậy, hay là, nhân thể, anh cứ “trình bày dự án” ra đây đi! Biết đâu qua bài báo này, TTVH & Đàn Ông lại gián tiếp… xin được tài trợ cho Việt phủ mới…
– Một số tiền rất kinh khủng đấy, tôi đã tính nát nước rồi đây, đã hình thành trong đầu rất rõ ràng thậm chí từng đường đi lối lại, chỗ nào đặt cái gì dưới cái gì… Vì Việt phủ 2, tuy liên đới nhưng sẽ là một không gian thưởng lãm khác hẳn Việt phủ 1, để như là một sự chuyển tiếp từ quá khứ qua hiện tại. Một Việt phủ của đời sống hiện đại, của tự động hóa, tiện nghi hơn, thông minh hơn… nhưng một mặt, không thể vì thế mà được phép lạnh lùng hơn. Vì vẫn phải là một cái “phủ” đúng nghĩa của người Việt, phải mang hồn cốt của người Việt: thân thương, gần gũi, ấm áp… Một thế giới thông minh của tự động hóa, nhưng mang màu sắc của những chú tò he, bạn thấy sao?
– Hỏi thật nhé, bức tranh đắt nhất anh từng bán được là bao nhiêu, và hồi ấy,… vàng bao nhiêu đồng một chỉ ạ (xin lỗi vì đã đặt tranh cạnh… vàng, nếu có thể làm anh phật ý!)
– Nếu tính ra vàng thì nhiều đấy, vì hồi đấy vàng đâu như có 2-300 nghìn đồng/chỉ, mà bức cao nhất tôi bán được có khi lên tới 30 ngàn USD. Nhưng thôi, tính thế sao được! Vì chỉ cần một giây tính toán thôi thì đã không bao giờ có Việt phủ này! Nội cái việc dám đổ hết tiền của và hàng bao nhiêu công sức vào một cơ ngơi như thế này trên một mảnh đất thuộc diện đất thuê trồng rừng 50 năm (mà giờ đã là năm thứ 11) thì cũng đã đủ để “camơrun” rồi còn gì!
– Tài sản quý nhất của Việt phủ là gì?
– Ở đây, có những cái cây phải nhờ đến cần cẩu, và được trả tới 5-700 triệu, cũng như, nhiều món đồ cổ khác có trong bộ sưu tập của Thành Chương… Tuy nhiên, nếu để nói cái gì quý nhất thì không có anh nào nhất ở đây cả! Nên chăng, chỉ có thể nói rằng, qúy nhất của một ngôi nhà, đấy chính là phần ruột của nó, cái hồn cốt của nó, hơn là phần vỏ. Ở ta, nhiều ngôi nhà, tiếng là làm thiên hạ lác mắt, nhưng lại chỉ được mỗi phần vỏ mà thôi. Nhà nó cũng như người thôi mà, về lâu về dài, ăn nhau vẫn phải là phần ruột!
*Tự họa – series tranh nổi tiếng từng làm nên thương hiệu Thành Chương. ** Bức tranh đã được UNESCO chọn làm biểu tượng cho năm quốc tế những người tình nguyện, cho tình yêu con người và sự chia sẻ đồng loại (2001), được in thành tem phát hành trên thế giới.
Thư Quỳnh Trupi
Từ khóa » Họa Sĩ Thành Chương Wiki
-
Tiểu Sử Họa Sĩ Thành Chương Và Những Tác Phẩm Sự Nghiệp
-
Họa Sỹ Thành Chương, Những Người Vợ đẹp Và Việt Phủ
-
Đôi Nét Về Họa Sĩ Thành Chương Và Những điều Thú Vị Về Việt Phủ ...
-
Lý Do Họa Sĩ Thành Chương Muốn Hiến Tặng Toàn Bộ Việt Phủ - Zing
-
Thành Chương: Họa Sĩ Tuổi Tý “vẽ Ra Tiền” - Báo Dân Sinh
-
Ghé Thăm Tổ ấm Của Họa Sĩ Thành Chương - VietNamNet
-
Thành Chương - VnExpress
-
Cuộc Hôn Nhân Cuối Cùng Của Họa Sĩ Thành Chương | Báo Dân Trí
-
Họa Sĩ Thành Chương Dưới Góc Nhìn Của Các Họa Sĩ - Báo Thanh Niên
-
Những Họa Sĩ 'triệu đô' (kỳ Cuối): Họa Sĩ Thành Chương - Người đi ...
-
Họa Sĩ Thành Chương Wiki - 123doc
-
Họa Sĩ Thành Chương Sinh Năm Bao Nhiêu - 123doc
-
Tiểu Sử HỌA SĨ THÀNH CHƯƠNG - Chồng Cũ NSƯT Thanh Quý