Hoa Xuyến Chi, Loài Hoa Dại điều Trị Viêm Họng, Viêm Ruột, Viêm Thận

Hoa dại có đẹp không? Vâng, hoa dại không trang trọng, cũng không quý hiếm mà chỉ giản dị, đời thường. Ngắt một nhành hoa xuyến chi bên đường, bạn không thể so nó với hải đường, với trà mi, thược dược…

Thế nhưng, những lúc trống trải và vu vơ nhất, một nhành hoa xuyến chi nho nhỏ như vậy lại có thể làm cho tâm hồn bình đạm lại, âu cũng là nhờ sự giản dị của hoa.

Thật vậy, chẳng có sự cầu kỳ, toan tính nào khi tạo hóa tạo ra hoa xuyến chi cả. Bạn hãy nhìn nó, những bông hoa nhỏ dại, đơn sơ, năm cánh trắng sạch xung quanh những ống hoa vàng. Những đóa hoa ấy nở bên vệ đường, nở trên đồi vắng, nở ở bất cứ nơi đâu mà hạt nó đưa tới, rồi chẳng mấy chốc, lan tỏa thành cả một đồi hoa.

Vài nét về hoa xuyến chi

Cỏ xuyến chi (hoa xuyến chi) còn được gọi là cúc vệ đường vì cây này trông giống như một loài cúc dại mọc ở ven đường. Cây cũng được gọi là cỏ kim vì quả của chúng rất dễ may vào quần áo khi ta vô tình đi ngang qua. Ngoài ra, hoa xuyến chi còn có các tên gọi khác như đơn kim, đơn buốt, quỷ châm, quỷ châm thảo, cúc áo, song nha lông…

Cây có tên khoa họcBidens pilosa, thuộc họ Cúc: Asteraceae (1).

Tuy nhiên, cần lưu ý hoa xuyến chi khác với một loài thực vật khác cũng có tên này, đó là cây ngũ sắc (hay còn gọi là cây cứt lợn).

Ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, phần ngọn non của cây xuyến chi được dùng như thực phẩm (có thể xào tỏi, nấu canh…). Ở Philippin, xuyến chi được dùng như rau hàng ngày giúp ngăn ngừa bệnh bướu cổ. Ngoài ra, mật ong hoa xuyến chi cũng là loại mật tốt, an toàn và có màu vàng đẹp (hay còn gọi là mật ong cỏ kim) (2).

Cây hoa xuyến chi

Công dụng làm thuốc của hoa xuyến chi

Không chỉ là hoa dại, xuyến chi còn có công dụng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, thân nhánh và lá xuyến chi có vị đắng nhẹ, hơi the và có tính mát. Vì vậy, loại thảo dược này được dùng trong các trường hợp như:

  • Thanh nhiệt, lương huyết.
  • Sát trùng, tiêu độc.
  • Điều trị viêm họng, viêm ruột.
  • Điều trị tả lị.
  • Điều trị viêm thận cấp tính.
  • Giúp giảm dị ứng trên da mẫn cảm.
  • Điều trị mề đay, mẩn ngứa, vết thương sưng đau, bị côn trùng và các loài bọ cạp, nhện, rắn cắn (uống thuốc sắc kết hợp với giã nát lá để thoa ngoài da).

Cách dùng: mỗi ngày sắc uống từ 16 – 20 g khô (nếu dùng tươi thì sắc từ 60 – 80 g).

Với trường hợp bị mẩn ngứa, các bạn có thể hái 200 g nhành và lá xuyến chi tươi để nấu nước tắm, phần bã thì chà nhẹ lên da. Ngoài ra, ở Mê xi cô, cây xuyến chi còn được dùng uống như trà với các tác dụng sau:

  • Bồi bổ thần kinh và điều trị rối loạn thần kinh.
  • Giúp giảm trầm cảm và tình trạng mệt mỏi tinh thần.
  • Điều trị tiểu đường.
  • Tham khảo: Rau tàu bay loại rau dại nhưng là vị thuốc thần tiên ít người biết
Hoa xuyến chi và loài ong
Hoa xuyến chi và loài ong

Một số nghiên cứu về hoạt tính của cây xuyến chi

  • Tác động đến dạ dày: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất etanolic từ cây xuyến chi có tác dụng chống ung nhọt và chống tiết dịch dạ dày (3).
  • Tác dụng hạ sốt và chống ung thư: Theo tạp chí African Health Sciences, các chiết xuất khác nhau từ cây xuyến chi (như chiết xuất xuất n – hexane, chloroform và metanol) đều có tác dụng hạ sốt và chống ung thư (kết quả thí nghiệm trên thỏ) (4). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy chiết xuất chloroform từ cây xuyến chi giúp lại chống ung thư biểu mô cổ trướng Ehrlich tốt hơn so với chiết xuất methanolic (theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology) (7).
  • Tác dụng đối với bệnh tiểu đường: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất từ cây xuyến chi có tác dụng làm giảm đáng kể lượng đường trong máu, giúp cải thiện bệnh tiểu đường type 2 thông qua cơ chế điều tiết insulin (5).
  • Chống oxy hóa: Theo tạp chí Food and Chemical Toxicology, cây xuyến chi là một vị thuốc truyền thống nổi tiếng ở Đài Loan. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về khả năng chống oxy hóa của loại cây này. Theo đó, chiết xuất ethanol và ethylacetate từ cây xuyến chi đều có tác dụng bảo vệ hồng cầu bình thường của người (chống tổn thương hồng cầu do oxy hóa) (6).
Tham khảo: Hoa mào gà (kê quan hoa) điều trị rong kinh, ho ra máu và trĩ ra máu

Nguồn tham khảo

  1. Đơn buốt, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C6%A1n_bu%E1%BB%91t, ngày truy cập: 02/01/2019.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 816.
  3. Gastric antisecretory and antiulcer activities of an ethanolic extract of Bidens pilosa L. var. radiata Schult. Bip., https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874199000926, ngày truy cập: 02/01/2019.
  4. Studies of anticancer and antipyretic activity of Bidens pilosa whole plant, https://www.ajol.info/index.php/ahs/article/view/6919, ngày truy cập: 02/01/2019.
  5. Anti-hyperglycemic effects and mechanism of Bidens pilosa water extract, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874108006697, ngày truy cập: 02/01/2019.
  6. Protection from oxidative damage using Bidens pilosa extracts in normal human erythrocytes, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0278691506000925, ngày truy cập: 03/ 01/ 2019.
  7. Study of the antitumor potential of Bidens pilosa (Asteraceae) used in Brazilian folk medicine, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874108000421, ngày truy cập: 03/ 01/ 2019.

Từ khóa » Tác Dụng Của Cúc Xuyến Chi