Hoàn Thiện Nhân Cách Gắn Với Tạo Dựng Uy Tín Của Người Cán Bộ ...

Ảnh minh họa: internet

Mối quan hệ giữa người chỉ huy, điều khiển với những người chấp hành không nằm ngoài mối quan hệ quyền lực. Trong đó, người chỉ huy, điều khiển là người có quyền lực, người chấp hành là người chịu ảnh hưởng của quyền lực. Thực hiện quyền lực bằng uy tín có thể nâng cao hiệu quả công việc, tạo bầu không khí tập thể thuận lợi cho hoạt động chung của tổ chức.

Người lãnh đạo, nắm giữ chức vụ được giao nghĩa là đã được tổ chức, xã hội trao cho một uy danh (uy tín chức vụ) đã được quy định trong hệ thống thứ bậc của cơ cấu tổ chức quyền lực. Uy tín chức vụ là uy tín của chế độ, của nhà nước và tổ chức mà người lãnh đạo là đại diện. Uy tín cá nhân của người lãnh đạo là uy tín được tạo nên bởi phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo. Chính phẩm chất và năng lực nổi trội, được mọi người thừa nhận mới tạo nên uy tín thật sự cho người lãnh đạo. Người lãnh đạo có được sự phù hợp, tương xứng giữa uy tín cá nhân và uy tín chức vụ là người lãnh đạo có uy quyền. Để lãnh đạo, người lãnh đạo không chỉ sử dụng quyền lực được trao mà còn phải biết sử dụng uy quyền. “Uy quyền là dạng quyền lực có sự đồng tình của công chúng”(1).

Uy tín giúp nâng cao vị thế xã hội của cá nhân, tổ chức. Uy tín còn được biết đến như là một phương tiện, điều kiện để thực hiện mục đích lãnh đạo bằng cách gây ảnh hưởng lên đối tượng lãnh đạo thông qua sự tín nhiệm, sự phục tùng tự nguyện. Quyền lực được thể hiện ra bằng uy tín sẽ giúp chủ thể củng cố quyền lực, được người dưới quyền hưởng ứng tích cực. Uy tín giúp người cán bộ lãnh đạo nâng cao khả năng thực hiện ý chí của mình trong quan hệ với cấp dưới, làm cho họ tin tưởng, cảm phục, tuân theo các quyết định một cách tự giác và phối hợp hoạt động chung một cách hiệu quả, với chiều hướng tác động mang tính ổn định giữa tổ chức, chỉ huy và phục tùng. Việc tạo dựng uy tín là một phương pháp để thực hiện quyền lực, do đó không thể xem đó là mục đích cuối cùng của hoạt động lãnh đạo.

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn một cách khoa học và nhân văn có nghĩa là thực hiện quyền lực dựa vào sức mạnh đạo đức và uy tín. Người lãnh đạo có thể dựa vào uy tín để thực hiện ý chí của mình, tác động đến hành vi của đối tượng. Quyết định, mệnh lệnh mà người lãnh đạo có uy tín đưa ra xuất phát từ quy luật khách quan, từ yêu cầu của tổ chức, không phải là đòi hỏi của cá nhân, nhờ đó được đồng tình, chấp hành một cách tự nguyện. Niềm tin về tính đúng đắn và sự cần thiết của những quyết định, mệnh lệnh mà người lãnh đạo đưa ra có tác dụng lôi cuốn người khác tuân theo và thực hiện. Nhờ vào uy tín mà mọi quyết định bằng lời hay văn bản của người lãnh đạọ đều được chấp hành nghiêm chỉnh và báo cáo kết quả một cách rõ ràng. Nhờ vào uy tín, người lãnh đạo được quần chúng, cấp dưới quan tâm cung cấp những thông tin cần thiết một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời. Từ đó, người lãnh đạo có thể tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh chóng, đúng đắn.

Để tạo dựng uy tín, chủ thể lãnh đạo cần tích cực hoàn thiện nhân cách để hội đủ các yếu tố cần thiết về đức và tài, phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước như:

- Về phẩm chất:

Một là, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân là phẩm chất cốt lõi góp phần tạo nên sự thống nhất giữa uy tín của người cán bộ lãnh đạo với uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Người cán bộ lãnh đạo phải kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sức mạnh của quần chúng nhân dân. Gương mẫu trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Yêu thương, tận tụy, hết lòng chăm lo đời sống của dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân. Nâng cao, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, hỗ trợ cấp dưới giải quyết những khó khăn trong đời sống, trong hoạt động kinh tế, trong thực hiện mục tiêu, yêu cầu do cơ quan, đơn vị đề ra. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Lãnh đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vì lợi ích của tập thể, của đơn vị, chịu sự giám sát của từng cá nhân trong tập thể, đơn vị. Nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, minh bạch và công khai các thông tin, các quyết định, phát huy dân chủ đi liền với củng cố và nâng cao kỷ luật, kỷ cương pháp luật. Có tinh thần tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu. Chính bản lĩnh chính trị vững vàng, lý tưởng cao đẹp, niềm tin đúng đắn, đạo đức chuẩn mực của người cán bộ lãnh đạo sẽ tạo ra sức hấp dẫn, có thể thu hút, lôi cuốn những cá nhân khác vào phong trào cách mạng và thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hai là, phẩm chất “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” giúp người lãnh đạo có được sự đồng tình, ủng hộ của tập thể. Một người “dám nghĩ” là người có ý kiến độc lập trong quyết định của cá nhân, biết đặt ra những mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, cụ thể. “Dám nghĩ” không chỉ là đưa ra những kế hoạch táo bạo, mới mẻ, tạo sự đột phá mà còn thể hiện sự chuẩn bị cẩn trọng, thấu đáo, chi tiết cho kế hoạch được đưa ra. “Dám làm” là lãnh đạo việc tổ chức thực hiện những kế hoạch đã đặt ra với sự nỗ lực, quyết tâm, nhiệt tình, hào hứng. “Dám chịu trách nhiệm” là sẵn sàng đối diện với những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện công việc, sẵn sàng giải trình khi công việc diễn ra không đúng hướng, không viện cớ hoặc đổ lỗi cho bất kỳ ai.

- Về năng lực:

Một là, năng lực nhận thức của người lãnh đạo cần phải đạt đến trình độ tư duy lý luận. Năng lực tư duy lý luận thể hiện ở khả năng vận dụng các khái niệm tuân theo những nguyên tắc lôgic chặt chẽ nhằm đạt đến chân lý, trong việc tiến hành các thao tác tư duy như trừu tượng hóa, khái quát hóa, phân tích, tổng hợp… để làm bộc lộ cái tất yếu, cái bản chất của sự vật, hiện tượng. Năng lực tư duy lý luận là khả năng vận dụng chủ động, tự giác tri thức lý luận, phương pháp và phương pháp luận của chủ thể nhận thức nhằm phản ánh đầy đủ, sâu sắc bản chất của đối tượng khách quan, góp phần cải tạo tự nhiên, xã hội và bản thân một cách hiệu quả. Năng lực tư duy lý luận góp phần tích cực vào việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước một cách có hiệu quả. Tư duy lý luận còn giúp người cán bộ lãnh đạo phân tích, đánh giá được mức độ thực hiện nhiệm vụ và chỉ ra khó khăn, thuận lợi, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, những hệ quả trước mắt và lâu dài, những điều kiện, nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; phân tích, đánh giá được các vấn đề đưa ra có phù hợp với điều kiện trong nước và thông lệ quốc tế hay không. Năng lực nhận thức của người cán bộ lãnh đạo thể hiện ở khả năng nhìn xa, trông rộng, khả năng tiên đoán và phân tích các yếu tố để hoạch định bước đi trong tương lai.

Hai là, năng lực tổ chức là khả năng tổ chức bộ máy và tổ chức con người, sắp xếp con người để guồng máy hoạt động có hiệu quả. Điều này nói lên khả năng sắp xếp các công việc tương đồng thành từng nhóm, để giao phó cho từng khâu nhân sự có khả năng thi hành, đồng thời phân quyền cho từng khâu nhân sự tùy theo công việc được giao. Xây dựng ý thức làm việc tập thể, phối hợp hoạt động của các thành viên tạo thành sức mạnh hướng tới mục tiêu của tổ chức. Biết phân công nhiệm vụ kết hợp với phân quyền cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý trong công việc hàng ngày. Giao quyền, trao trách nhiệm và công việc cho người khác, nhưng người cán bộ lãnh đạo vẫn phải có trách nhiệm về tất cả những phần việc đã san sẻ. Phối hợp chặt chẽ giữa các khâu công việc và công tác nhân sự các cấp. Có óc quan sát để nắm được tình hình một cách đầy đủ, toàn diện. Cải tiến hệ thống quy trình làm việc, cách vận hành các bộ phận chuyên môn để tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên. Có sự kiểm tra tất cả các dữ kiện tham gia vào việc hình thành phương thức hoạt động của bộ máy, từ đó đề xuất phương thức hoạt động tối ưu.

Ba là, năng lực lan truyền ý chí, thu phục lòng người. Năng lực này còn gọi là năng lực thâm nhập vào các nhóm người. Người cán bộ lãnh đạo biết đặt niềm tin vào cấp dưới sẽ tìm ra cách thức hữu hiệu nhất để thực hiện công việc; có khả năng nhận biết và kiểm soát cảm xúc của bản thân và của người khác; có tính cởi mở, có thể kết nối với người khác thông qua giao tiếp bằng cử chỉ, hành động, cách nói truyền cảm và biết lắng nghe ý kiến mọi người. Có thể tự tin giải quyết các xung đột và hạn chế lạm dụng mệnh lệnh hành chính mang tính cưỡng chế. Sử dụng nhiều cách thức, biện pháp (phương pháp) để tác động vào khách thể, đối tượng lãnh đạo. Chú trọng giáo dục, thuyết phục làm cho đối tượng bị lãnh đạo nhận thức được yêu cầu của cơ quan, đơn vị, nhận thức được quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước các quyết định của cơ quan, đơn vị. Thông qua đối thoại, cung cấp thông tin tình hình hoạt động của địa phương, đơn vị, góp phần định hướng, điều chỉnh hành vi, hành động của đối tượng bị lãnh đạo. Chú trọng vào việc giúp nhân viên thỏa mãn những nhu cầu vật chất, tình cảm, tinh thần và tâm lý. Biết vận dụng khéo léo lợi ích và quan hệ lợi ích để chi phối hành vi của đối tượng bị lãnh đạo, hướng họ hành động theo ý chí, mục tiêu, lợi ích chung. Tạo dựng sự thống nhất, phù hợp giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Các biện pháp, phương pháp thực hiện quyền lực phải có được sự thống nhất, phù hợp về lợi ích giữa nhà nước và nhân dân.

Bốn là, năng lực chuyên môn, là năng lực vận dụng kiến thức chuyên môn để phục vụ công tác lãnh đạo. Cán bộ lãnh đạo cũng là người hoạt động trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định cho nên phải được đào tạo cơ bản về ngành nghề tương ứng, nắm vững kiến thức đại cương về ngành nghề đó. Để chỉ huy, điều khiển, phát huy khả năng của cấp dưới trong việc thực thi nhiệm vụ, đòi hỏi người lãnh đạo phải am hiểu công việc mình đảm trách để khi cần thiết, biết dồn tiềm lực vào những khâu trọng yếu nhất. “Trình độ chuyên môn giỏi sẽ giúp người lãnh đạo biết đánh giá và giúp đỡ công việc của cấp dưới”(2). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, kiến thức chuyên môn càng uyên bác, chuyên sâu sẽ phục vụ tốt cho công việc, đồng thời sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia.

Đó là những phẩm chất, năng lực cơ bản mà người cán bộ lãnh đạo cần được bồi dưỡng và rèn luyện cũng như tự bồi dưỡng và rèn luyện để tương xứng với chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, tạo dựng nên uy tín thực sự cho bản thân./.

ThS. Nguyễn Thành Hòa - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III

--------------------------------------

Ghi chú:

(1) ThS. Phạm Bính, Cơ cấu, phương thức thực hiện quyền lực trong hệ thống hành chính Việt Nam, Nxb Tư pháp, H.2006, tr.20.

(2) Giáo trình Tâm lý học lãnh đạo, quản lý, Nxb Lý luận chính trị, H.2008, tr.127.

tcnn.vn

Từ khóa » Tiểu Luận Uy Tín Người Lãnh đạo