Hoạt động Cung Cấp Thông Tin Cho Công Dân Của Cơ Quan Nhà Nước ...

Luật Tiếp cận thông tin được thông qua ngày 06/4/2016 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Hội nghị trực tuyến triển khai văn bản pháp luật đợt II năm 2018

tại Hội trường UBND tỉnh Cà Mau

Để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân được thực hiện thuận lợi, phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, Luật Tiếp cận thông tin quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải kịp thời tổ chức cung cấp thông tin cho công dân. Tại khoản 4, Điều 2 quy định “Cung cấp thông tin bao gồm việc cơ quan nhà nước công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.”. Như vậy, hoạt động cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước bao gồm:

Một là, công khai thông tin.

Để công dân tự do tìm kiếm, tiếp cận thông tin, Luật Tiếp cận thông tin quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải công khai rộng rãi một số loại thông tin nhất định trên cổng/trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết.

Trong các nhóm thông tin cơ quan nhà nước phải công khai rộng rãi tại Điều 17 thì các thông tin phải công khai trên cổng/trang thông tin điện tử bao gồm 9 nhóm, được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 19 của Luật. Ngoài ra, Luật cũng quy định căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động đăng tải thông tin khác do mình tạo ra trên cổng/trang thông tin điện tử.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc truy cập, tìm kiếm thông tin, Luật giao các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định phải lưu giữ hồ sơ, tài liệu đã được nhập vào danh mục và phải xếp loại theo cách thức, hình thức tạo thuận lợi cho việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; bảo đảm thông tin có thể được lưu trữ điện tử, phải được số hóa trong một thời hạn thích hợp và được để mở cho mọi người tiếp cận; đồng thời, phải kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để có thể truy cập dễ dàng từ các hệ thống khác nhau.

Luật cũng yêu cầu cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải được liên kết, tích hợp với cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan trực thuộc để cập nhật thông tin, tạo thuận lợi cho công dân trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin. Trường hợp cơ quan nhà nước chưa có cổng/trang thông tin điện tử, căn cứ vào điều kiện thực tế, có trách nhiệm công khai thông tin quy định tại khoản 1 Điều 19 bằng hình thức thích hợp khác.

Bên cạnh đó, việc công khai thông tin còn được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở các vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh, nơi cơ sở vật chất, kỹ thuật còn thiếu, trình độ dân trí chưa cao, việc công bố trên cổng/trang thông tin điện tử chưa phải là một biện pháp hữu hiệu để người dân có thể tiếp cận thông tin. Vì vậy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, bảo đảm mọi người dân có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận thông tin, Luật quy định trong trường hợp thông tin phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng những thông tin này. Luật cũng quy định việc đăng, phát thông tin trên báo chí thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí.

Ngoài ra, Luật còn quy định việc công khai thông tin bằng hình thức đăng Công báo, niêm yết được thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài các hình thức công khai thông tin được quy định cụ thể thì tại điểm e, khoản 1, Điều 18 của Luật còn quy định: “Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định”.

Hai là, cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

Những quy định của Luật tiếp cận thông tin được xây dựng trên cơ sở bảo đảm cho công dân, tổ chức được cung cấp thông tin phục vụ cho nhu cầu của họ với điều kiện không gây cản trở cho hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, bảo vệ các thông tin cần được bảo mật, bảo vệ lợi ích công cộng và phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay. Luật xác định các thông tin được cung cấp theo yêu cầu bao gồm: thông tin phải được công khai theo quy định tại Điều 17 nhưng chưa được công khai, đã hết thời hạn công khai hoặc đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được (khoản 1 Điều 23); thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật (khoản 2 Điều 23); thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 và khoản 2 Điều 23 của Luật.

Tại Việt Nam, quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân thường được quy định đối với các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân. Một số văn bản quy phạm pháp luật có quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin có thể tìm thấy như trong lĩnh vực thuế, đất đai... Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền sao, chụp văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại nơi lưu trữ văn bản và phải trả chi phí sao, chụp. Công dân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền cấp xã theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật phòng, chống tham nhũng.

Luật tiếp cận thông tin là văn bản pháp lý đầu tiên trong hệ thống pháp luật nước ta có quy định chung nhất về quyền của công dân trong việc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cũng như quy định rõ trình tự, thủ tục cơ quan nhà nước phải thực hiện việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân. Các quy định của Luật về phạm vi thông tin cung cấp theo yêu cầu mới dừng lại ở mức liệt kê một số loại thông tin mang tính phổ biến mà chưa bao quát tất cả các loại thông tin công dân được quyền yêu cầu.

Vì vậy, đơn vị đầu mối hoặc cá nhân được phân công làm nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân của cơ quan nhà nước cần rà soát kỹ các quy định pháp luật có liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin trong các lĩnh vực cụ thể để nắm rõ ngoài quy định của Luật tiếp cận thông tin thì cơ quan nhà nước còn phải cung cấp những loại thông tin nào, theo trình tự, thủ tục ra sao... nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định. Cần lưu ý rằng trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã có quy định rõ về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin mà không trái với các nguyên tắc quy định tại Luật Tiếp cận thông tin thì có thể áp dụng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đó./.

Từ khóa » Cung Cấp Thông Tin Pháp Luật Là Gì