Một Số Vấn đề Về Tư Vấn Pháp Luật Trong Trợ Giúp Pháp Lý

1. Khái niệm tư vấn pháp luật

Theo Từ điển Tiếng Việt thì: “Tư vấn theo nghĩa thông thường là đóng góp ý kiến về những vấn đề được hỏi đến, nhưng không có quyền quyết định”[1]. Khái niệm tư vấn được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: tư vấn đầu tư xây dựng, tư vấn kỹ thuật, tư vấn kinh doanh, tư vấn sản xuất, tư vấn pháp luật,… Tư vấn là quá trình thu nhận những thông tin khách quan, những tri thức hiểu biết về một lĩnh vực nhất định không xuất phát và bị chi phối  bởi các động cơ chủ quan khác nhau của người tư vấn và người cần tư vấn, vì vậy tư vấn có thể được xem như là những sự khuyên bảo từ một tổ chức hay người có trình độ chuyên môn cao về một lĩnh vực nào đó cho những người hoặc tổ chức có trình độ chuyên môn thấp hơn hoặc không hiểu biết gì về lĩnh vực đó. Đây là hình thức góp ý kiến về một lĩnh vực chuyên môn nhất định mà người “tư vấn” là người chủ động, tích cực, còn người được tư vấn thì thụ động nghe theo sự phân tích và khuyên bảo của người tư vấn.

Cũng không nằm ngoài nghĩa chung của hoạt động tư vấn, tư vấn pháp luật là một loại hình dịch vụ trí tuệ, trong đó người có trình độ hiểu biết pháp luật sâu rộng đưa ra những ý kiến của mình về một vấn đề cụ thể nào đó có liên quan đến pháp luật. Những ý kiến đó không mang tính chất bắt buộc (tính cưỡng chế) người được tư vấn phải thực hiện, nhưng nên thực hiện bởi những lời tư vấn đó đều là những quy định của pháp luật.

Trong hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật là một trong những hình thức trợ giúp pháp lý. Hoạt động tư vấn pháp luật do Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc. Như vậy, tư vấn pháp luật trong trợ giúp pháp lý được hiểu là hướng dẫn, đưa ra các ý kiến pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong các tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc,…nhẳm giúp họ có thể ứng xử phù hợp với pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Hình thức và lĩnh vực tư vấn pháp luật

- Theo quy định hiện nay thì Tư vấn pháp luật trong TGPL được thực nhiện bằng văn bản.

- Tư vấn pháp luật được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, tố tụng hình sự; Dân sự, tố tụng dân sự; hành chính, tố tụng hành chính; Lao động, việc làm; Đất đai, nhà ở; Đất đai, môi trường… trừ lĩnh vực pháp luật có liên quan đến kinh doanh, thương mại.

3. Một số điểm cần lưu ý khi tư vấn pháp luật

- Giao tiếp: đây là quá trình trao đổi thong tin giữa người thực hiện TGPL và người được TGPL giúp người được TGPL hiểu rõ hơn yêu cầu, mong muốn,... của người được TGPL. Do vậy, khi giao tiếp, cần chú ý đến các kỹ năng tiếp, nghe người được TGPL trình bày để hiểu rõ hơn tình tiết vụ việc từ đó đánh giá chính xác hơn yêu cầu của người được TGPL;

Khi tiếp người được TGFPL, người thực hiện TGPL cần: quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ họ; tôn trọng, không phán xét họ; nhiệt tình, chân thành, cởi mở để tạo lòng tin cho họ; quan tâm, cảm thông đến yêu cầu của người được TGPL,...Khi gặp gỡ, giao tiếp với người được TGPL, người thực hiện TGPL cố gắng tìm hiểu về tâm lý của từng diện người được TGPL, các mối quan hệ xã hội của người được TGPL để có thái độ ứng xử, giao tiếp phù hợp. Khi tiếp xúc với bất cứ diện người được TGPL, người thực hiện TGPL đều phải khiêm tốn, thể hiện thái độ đúng mực, tôn trọng họ và tạo không khí đối thoại tự do, cởi mở để xây dựng niềm tin trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau. Đối với người được TGPL là người dân tộc thiểu số không nói được hoặc không thạo tiếng phổ thông, nếu người tư vấn không biết tiếng dân tộc thì phải mời người có uy tín biết tiếng dân tộc như già làng, trưởng bản cùng tham gia để có thể hiểu được những điều họ trình bày và yêu cầu của họ.

Khi nghe người được TGPL trình bày, người thực hiện TGPL cần chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ những nội dung chính, ý chính, trên cơ sở đó có thể đặt những câu hỏi yêu cầu đối tượng để làm rõ thêm các tình tiết của vụ việc. Kiên trì lắng nghe những gì họ nói, không nên cắt ngang hoặc hỏi trong khi họ đang trình bày về vụ  việc; Dùng cử chỉ, điệu b ộ, ngôn ngữ thể hệ đang chăm chú lắng nghe họ nói; Dùng lời nói, thái độ, cử chỉ để kiểm tra hoặc khẳng định lại những thông tin họ cung cấp; Tóm lược lại các nội dung mang tính bản chất của vụ việc một cách chính xác, khằng định lại vợi họ về yêu cầu tư vấn và thống nhất quan điểm với họ về những nội dung cần tư vấn

- Tra cứu tài liệu tham khảo: Trong quá trình tư vấn pháp luật, người thực hiện TGPL phải giải đáp pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, đưa ra những lời khuyên về những vấn đề có liên quan đến pháp luật, hướng dẫn đối tượng xử sự phù hợp với pháp luật... Để đưa ra lời tư vấn pháp luật chính xác, việc tra cứu tài liệu pháp luật trong quá trình tư vấn là điều kiện bắt buộc bởi vì: Thứ nhất, để khẳng định với người được TGPL rằng người thực hiện TGPL đang thực hiện tư vấn theo pháp luật, trên cơ sở pháp luật chứ không phải theo cảm tính chủ quan, duy ý chí của mình; thứ hai, việc tra cứu tài liệu pháp luật có liên quan đến vụ việc tư vấn sẽ giúp người thực hiện TGPL kiểm tra tính chính xác những tư duy và khẳng định chính thức những lời tư vấn của mình là đúng pháp luật vì trong thực tiễn, không phải bao giờ người tư vấn cũng có thể nhớ chính xác tất cả các quy định thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu thấy cần thiết hoặc người được TGPL yêu cầu thì người tư vấn có thể cung cấp cho đối tượng bản sao văn bản, tài liệu đó cùng với lời tư vấn mà mà mình đưa ra.

Trường hợp vụ việc tư vấn có liên quan đến lĩnh vực pháp luật mà người người thực hiện TGPL chưa hiểu sâu thì nên gặp các nhà chuyên môn hay đồng nghiệp khác am hiểu sâu về lĩnh vực pháp luật đó để tham khảo ý kiến trước khi đưa ra lời tư vấn, tránh tình trạng mặc dù người tư vấn chưa nắm vững pháp luật nhưng vẫn thực hiện tư vấn, đưa ra những lời khuyên không chính xác, không đúng pháp luật, gây hậu quả cho xấu cho đối tượng.

- Tra cứu các tài liệu văn bản pháp luật có liên quan để phục vụ cho việc tư vấn. Trong trường hợp sau khi đã nghiên cứu hồ sơ và các văn bản pháp luật có liên quan, nếu thấy yêu cầu của đối tượng có liên quan đến những vấn đề thuộc lĩnh vực khác thì người tư vấn nên tham khảo ý kiến của nhà chuyên môn hoặc người tư vấn thuộc lĩnh vực đó. Người tư vấn cũng có thể yêu cầu đối tượng gặp để xin tư vấn về những vấn đề mà mình đã phát hiện nhưng không thuộc chuyên môn của mình, tránh tình trạng mặc dù không thuộc chuyên môn của mình nhưng vẫn thực hiện việc tư vấn dẫn đến việc đưa ra những kết luận không chính xác, không đúng pháp luật.

- Xem xét, xác minh vụ việc: Xem xét, xác minh vụ việc là việc rất quan trọng, đặc biệt đối với những vụ việc phức tạp, chưa có đủ cơ sở pháp lý (chưa cung cấp đủ các tài liệu cần thiết), liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật hoặc đã được nhiều cơ quan chức năng giải quyết mà người được TGPL vẫn không đồng ý hoặc trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, người thực hiện TGPL thấy chưa đủ cơ sở để trả lời, cần phải tiến hành điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, gặp gỡ, tiếp xúc với các cơ quan chức năng và những người có liên quan để tìm hiểu rõ bản chất vụ việc, tránh đưa ra những kết luận phiến diện, chủ quan.

Quá trình xem xét, xác minh vụ việc đòi hỏi người thực hiện TGPL phải thực sự khách quan, tế nhị, nhất là khi tiếp xúc với các cơ quan đã giải quyết vụ việc hoặc bên có lợi ích đối kháng trong vụ việc tranh chấp. Thông thường, những cơ quan, tổ chức và người bị kiện luôn bảo vệ những việc họ đã làm nên chỉ đưa ra những thông tin có lợi cho họ. Vì vậy, người thực hiện TGPL cần khéo léo đề nghị các cơ quan hữu quan cung cấp những thông tin, tài liệu chính xác, trung thực.

- Soạn văn bản trả lời cho người được TGPL: Văn bản tư vấn cho người được TGPL phải được ghi rõ địa điểm, thời gian; họ, tên, địa chỉ đối tượng nhận văn bản. Văn bản tư vấn cần có cơ cấu như sau: Lý do để người thực hiện TGPL trả lời, hướng dẫn người được TGPL; Nêu rõ yêu cầu tư vấn của người được TGPL, đưa ra các căn cứ pháp luật để trả lời trực tiếp các yêu cầu mà người được TGPL nêu ra. Văn bản trả lời người được TGPL phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và được người thực hiện TGPL ký.

 

Trần Nguyên Tú

Phó trưởng phòng, Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng TGPL

 

[1] Từ điển Tiếng Việt  – Hoàng Phê chủ biên – NXB. Văn hoá Thông tin, 1999.

 

Từ khóa » Cung Cấp Thông Tin Pháp Luật Là Gì