Hoạt động Giải Quyết Khiếu Nại Tại Toà án - Tạp Chí Tòa án

Vào ngày 18/6/2021 TANDTC ban hành Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND (Thông tư số 01/2020). Thông tư phân định rõ giữa khiếu nại, tố cáo trong tố tụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau và vận dụng chưa đúng, gây hạn chế trong việc xem xét giải quyết khiếu nại.

1. Về đặc điểm nhận dạng và phân loại khiếu nại

1.1. Khiếu nại trong tố tụng

1.1.1 Về phạm vi khiếu nại

Theo khoản 1 Điều 499 BLTTDS năm 2015 thì “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” Như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đều có thể trở thành đối tượng bị khiếu nại trong tố tụng dân sự. Như vậy, trong quá trình tiến hành tố tụng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, trường hợp có quyết định, hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị khiếu nại. Điều kiện cần và đủ để quyết định, hành vi bị khiếu nại khi và chỉ khi nó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong mỗi hoạt động tố tụng mà pháp luật có sự quy định khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, những gì được làm và không được làm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Ví dụ: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quy định tại các Điều 47, 48, 49, 50, 51, 57, 58, 59 BLTTDS năm 2015. Theo đó khi tiến hành tố tụng người tiến hành tố tụng thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật quy định. Trường hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà có quyết định, hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị khiếu nại. Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự có đương sự vắng mặt trong phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ nhưng thẩm phán không thông báo kết quả phiên họp cho đương sự vắng mặt biết theo quy định tại khoản 3 Điều 210 BLTTDS năm 2015 mà tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Khi nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử đương sự vắng mặt khiếu nại khi không nhận được kết quả phiên họp giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt. Hoặc theo khoản 3 Điều 99 BLTTDS năm 2915 quy định “3. Việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó”. Tuy nhiên khi thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người chưa đủ mười tám tuổi mà không có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự nên đương sự quyền khiếu nại hành vi này của thẩm phán. Ngoài ra, việc đương sự khiếu nại có thể liên quan đến hoạt động tố tụng dân sự của Tòa án như: Xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, hòa giải, đối chất,... các quyết định, hành vi khác liên quan đến hoạt động tố tụng.

Tóm lại, khiếu nại trong tố tụng dân sự là những khiếu nại liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người tiến hành tố tụng quy định trong BLTTDS, được thể hiện ở các giai đoạn tiến hành tố tụng thông qua ở các điều luật cụ thể mà bắt buộc cơ quan, người tiến hành tố tụng phải thực hiện đúng.

1.1.2 Thời hiệu khiếu nại

Khingười khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật thì có quyền khiếu nại trong hạn 15 ngày. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.[1]

1.1.3 Về trình tự, thủ tục

Khingười khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật thì có quyền khiếu nại trong hạn 15 ngày. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.[2]

Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.[3] Người khiếu nại có thể gửi đơn trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện.

Kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.[4] Trong thời hạn này người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Sau đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.[5]

Đối với việc giải quyết khiếu nại về hoạt động giám định trong tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật có liên quan.[6]

1.1.4 Về thẩm quyền giải quyết

Quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng như sau:[7]

Đối với Tòa án: Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán, Phó Chánh án, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự có thẩm quyền giải quyết.

Riêng khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.

Đối với Viện kiểm sát: Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.

Riêng khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.

Lưu ý: Khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 504 BLTTDS do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.

1.1.5 Về hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại

Kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 05 ngày làm việc và quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực thi hành.[8] Như vậy, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai là quyết định cuối cùng.

1.2 Khiếu nại quy định trong Thông tư 01/2020

1.2.1 Phạm vi giải quyết

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 01/2020 thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng; khiếu nại trong việc bắt giữ tàu biển theo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; khiếu nại trong việc bắt giữ tàu bay theo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay; khiếu nại việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; khiếu nại trong quá trình giải quyết phá sản theo Luật Phá sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Những khiếu nại thuộc phạm vi giải quyết như sau:

a) Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân, của người có thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân về quản lý hành chính nhà nước trong công tác tổ chức bộ máy và công tác cán bộ;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân, của người có thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân về quản lý, sử dụng ngân sách, xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý tài sản công;

c) Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân, của người có thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân về quản lý hành chính nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử của Tòa án nhân dân;

d) Khiếu nại quyết định kỷ luật công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân;

đ) Khiếu nại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại Điều 48 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

e) Khiếu nại quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong TAND liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường oan, sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

g) Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị trong TAND, của người có thẩm quyền trong Tòa án nhân dân về quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động khác của Tòa án theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc khiếu nại, tố cáo quy định trong tố tụng bao gồm tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng hình sự đều không thuộc sự điều chỉnh của thông tư này. Do đó, khi nhận được đơn khiếu nại cần phải phân loại và xác định pháp luật điều chỉnh để việc áp dụng được chính xác.

Cũng cần lưu ý rằng, đối tượng bị khiếu nại quy định trong Thông tư này chỉ áp dụng cho TAND, còn khiếu nại trong tố tụng dân sự thì đối tượng áp dụng có thể là người tiến hành tố tụng quy định trong BLTTDS.[9]

1.2.2 Thời hiệu khiếu nại

Theo Thông tư 01/2020 không quy định về thời gian khiếu nại, nhưng theo Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.

Thời hiệu khiếu nại quy định tại Thông tư này dài hơn so với quy định trong tố tụng dân sự quy định là 15 ngày. Đều này cho thấy sự cấp thiết và nhanh chóng trong giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự.

1.2.3. Về trình tự, thủ tục khiếu nại

Về trình tự, thủ tục khiếu nại quy định tại Thông tư 01/2020 rất phức tạp và phải thực hiện thông qua nhiều bước như sau:

Thứ nhất,tiếp nhận khiếu nại.

Lưu ý: Khiếu nại gửi đến Tòa án nhân dân từ tất cả các nguồn (kể cả đơn gửi đến lãnh đạo Tòa án) đều phải được tiếp nhận thống nhất qua một đầu mối là đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của các Tòa án để xử lý và quản lý.[10]

Thứ hai, phân loại và xử lý đơn.

Đối với Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thì thụ lý giải quyết theo quy định.

Lưu ý: Đơn kiến nghị, phản ánh, đề nghị, yêu cầu có nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, người xử lý đề xuất thủ trưởng cơ quan, đơn vị thụ lý để giải quyết theo quy định về khiếu nại tại Thông tư này.

Đối vớikhiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thì trả lại đơn khiếu nại.

Đối với khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng trong quá trình nghiên cứu, xem xét nếu có căn cứ cho rằng việc giải quyết khiếu nại có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan, đe dọa xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc khiếu nại theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, người xử lý khiếu nại phải báo cáo, đề xuất thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, tổ chức, đơn vị của người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp khiếu nại có nội dung đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì xử lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.[11]

Thứ ba,thụ lý đơn khiếu nại. Để khiếu nại được thụ lý giải quyết phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Về hình thức đơn khiếu nại phải phù hợp quy định.

2. Khiếu nại trong thời hiệu theo quy định của Luật Khiếu nại hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định thì người khiếu nại phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

3. Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.

4. Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người đại diện thực hiện quyền khiếu nại; trường hợp người khiếu nại là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không thể tự mình khiếu nại thì việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp và phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh.

5. Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có đơn rút khiếu nại của người khiếu nại.[12]

Thứ tư,Yêu cầu giải trình và cung cấp hồ sơ, thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại

Qua nghiên cứu nội dung khiếu nại, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại cung cấp; hồ sơ, tài liệu và văn bản giải trình của người bị khiếu nại, nếu thấy quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng quy định của pháp luật thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay. Trường hợp chưa đủ căn cứ cho việc giải quyết khiếu nại thì tiến hành xác minh nội dung khiếu nại.[13]

Thứ năm,Kiểm tra, xác minh và giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại. Sau khi kiểm tra lại, nếu thấy khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định.[14]

Thứ sáu,Thực hiện các biện pháp để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh phải kiểm tra tính xác thực của thông tin, tài liệu, chứng cứ đã thu thập được;[15]

Thứ bảy,báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại

Người có trách nhiệm xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh phải báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn bản với người giải quyết khiếu nại hoặc người ban hành quyết định thành lập Tổ xác minh. Báo cáo kết quả xác minh của Tổ xác minh phải được các thành viên trong Tổ xác minh thảo luận, đóng góp ý kiến.

Đối với những vụ, việc phức tạp mà người được phân công xác minh nội dung khiếu nại thuộc nhiều đơn vị nghiệp vụ tham gia thì các thành viên được phân công phải báo cáo lãnh đạo đơn vị nghiệp vụ của mình có quan điểm chính thức bằng văn bản gửi cho đơn vị chủ trì để tổng hợp báo cáo chung.[16]

Thứ tám,Tiến hành tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại. Việc tổ chức đối thoại được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật khiếu nại.

Trong trường hợp vắng mặt người khiếu nại hoặc người bị khiếu nại thì lập biên bản không đối thoại được. Việc có tổ chức đối thoại tiếp hay không do người giải quyết khiếu nại quyết định.[17]

Thứ chín,ra Quyết định giải quyết khiếu nại

Căn cứ quy định của pháp luật, báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại đã được phê duyệt, người được phân công xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh dự thảo Quyết định giải quyết khiếu nại trình người có thẩm quyền ký, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau đây: Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết quả đối thoại (nếu có); căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung khiếu nại; giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; việc bồi thường thiệt hại cho người bị khiếu nại (nếu có); quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

1.2.4. Về thẩm quyền giải quyết

Chánh án TAND cấp huyện giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp huyện.

Chánh án TAND cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau:

a) Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp tỉnh;

b) Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án TAND cấp huyện, của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Chánh án TANDCC giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TANDCC.

Chánh án TANDTC giải quyết các khiếu nại sau:

a) Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh TANDTC;

b) Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TANDCC, của công chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TANDCC đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

1.2.5. Về hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại.

Căn cứ quy định của pháp luật, báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại đã được phê duyệt, người được phân công xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh dự thảo Quyết định giải quyết khiếu nại trình người có thẩm quyền ký, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau đây: Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết quả đối thoại (nếu có); căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung khiếu nại; giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; việc bồi thường thiệt hại cho người bị khiếu nại (nếu có); quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại tiếp theo; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. [18]

Đới với các quy định về thụ lý đơn, thời hạn giải quyết, tổ chức thực hiện việc xác minh, tổ chức đối thoại, nội dung quyết định và việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, lập và lưu trữ hồ sơ giải quyết khiếu nại lần hai được thực hiện theo quy định tại các điều 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42 và Điều 43 của Luật Khiếu nại và các quy định tại mục 2, Chương II của Thông tư 01/2020.[19]

Một điểm lưu ý khác của Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai quy định tại Thông tư 01/2020 đều có thể là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính nhưng quyết định giải quyết khiếu nại lần hai quy định trong tố tụng dân sự là quyết định cuối cùng.

2. Một số hạn chế và kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, BLTTDS 2015 năm quy định về việc giải quyết khiếu nại, nhưng tới thời điểm hiện tại chưa ban hành biểu mẫu giải quyết, trước đây các Tòa án tự tạo ra mẫu nhưng đến khi Thông tư 01/2020 được ban hành thì một số Tòa án dựa vào mẫu số 10, 11 ban hành kèm theo Thông tư 01/2020 để làm cơ sở ra quyết định giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên vấn đề cần phải phân định rõ là quyết định giải quyết trong tố tụng khi giải quyết lần đầu không đồng ý thì khiếu nại lần hai và quyết định lần hai là cuối cùng. Nhưng đối với khiếu nại tại Thông tư 01/2020 thì nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính. Đây là điểm khác biệt rất lớn của hai quy định này. Do đó, khi giải quyết cần lưu ý trong phần quyết định của quyết định giải quyết khiếu nại để kịp thời thực hiện quyền kiến nghị của mình. Đồng thời cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn về áp dụng biểu mẫu trong giải quyết khiếu nại trong tố tụng để việc áp dụng được thống nhất và tránh những sai sót nhất định.

Thứ hai, tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 01/2020 quy định “Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc TAND, của người có thẩm quyền thuộc TAND về quản lý hành chính nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử của TAND”.

Với quy định này thì quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc TAND, của người có thẩm quyền thuộc TAND về quản lý hành chính nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử của TAND có thể bị khiếu nại. Vấn đề đặt ra là chức năng, nhiệm vụ xét xử của TAND được hiểu như thế nào. Có quan điểm cho rằng chức năng, nhiệm vụ xét xử cũng tương tự như nhiệm vụ, quyền hạn quy định trong luật tố tụng và đánh đồng quy định này với quy định trong các luật tố tụng. Qua đó, áp dụng quy định của Thông tư 01/2020 để giải quyết khiếu nại trong tố tụng. Với quan điểm này là không chính xác, như đã phân tích ở trên, Thông tư 01/2020 đã quy định rõ về phạm vi điều chỉnh là không áp dụng thông tư này đối với khiếu nại trong tố tụng. Mặt khác, ý nghĩa cụm từ “chức năng, nhiệm vụ xét xử của Tòa án nhân dân” khác so với quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định trong luật tố tụng. Bởi, theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 thì “1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.” và tại Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì:

“1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.”

Theo quy định này thì TAND có chức năng thực hiện quyền tư pháp và xét xử, quy định có ý nghĩa bao quát, vĩ mô hơn quy định trong luật tố tụng. Hơn nữa, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư này có nêu “quản lý hành chính nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử của TAND”. Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 01/2020 thì “3. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp của Tòa án là quản lý nhà nước về hoạt động xét xử theo chức năng của TAND”.

Như vậy, quyết định, hành vi bị khiếu nại khi có liên quan đến quản lý hành chính nhà nước của Tòa án về hoạt động xét xử theo chức năng của TAND. Tuy nhiên việc xác định chức năng của TAND quy định tại Thông tư 01/2020 và nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong từng trường hợp cụ thể còn chưa rõ ràng, thiếu tính thống nhất, dẫn đến có sự nhận thức khác nhau về quy định của pháp luật. Do đó, cần thiết phải có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đối với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 01/2020.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 503 BLTTDS năm 2015 hình thức khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Như vậy, pháp luật bắt buộc người khiếu nại trong mọi trường hợp khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn và có ký tên hoặc điểm chỉ. Đều này gây ra những hạn chế nhất định, bởi một số trường hợp người khiếu nại không biết chữ hoặc là người khuyết tật thì việc khiếu nại sẽ gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc chậm trễ trong việc khiếu nại làm ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Do đó, nhằm bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại pháp luật cần thiết quy định việc khiếu nại có thể được thực hiện trực tiếp tại Tòa án thông qua việc ghi ý kiến của đương sự. Đều này cũng phù hợp với quy định tại Thông tư 01/2020 quy định việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại địa điểm tiếp công dân của các TAND.

Tóm lại, việc xác định nội dung khiếu nại và thẩm quyền giải quyết cũng như văn bản pháp luật áp dụng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại và tính đúng đắn của cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có nhiều nhận thức cũng như quan điểm khác nhau nên việc áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại chưa thống nhất.

TAND huyện Châu Đức ( Bà Rịa – Vũng Tàu) đã mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” – Ảnh: Trần Minh Quế/ PL

[1] Điều 502 BLTTDS năm 2015

[2] Điều 502 BLTTDS năm 2015

[3] Điều 503 BLTTDS năm 2015

[4] Điều 505 BLTTDS năm 2015

[5] Khoản 1 Điều 507 BLTTDS năm 2015

[6] Điều 508 BLTTDS năm 2015

[7] Điều 504 BLTTDS năm 2015

[8] Khoản 5 Điều 507 BLTTDS năm 2015

[9][9] Khoản 2 Điều 46 BLTTDS năm 2015:

2. Những người tiến hành tố tụng dân sự gồm có:

a) Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;

b) Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

[10] Điều 8 Thông tư 01/2020

[11] Điều 9 Thông tư 01/2020

[12] Điều 10 Thông tư 01/2020

[13] Điều 11 Thông tư 01/2020

[14] Điều 12 Thông tư 01/2020

[15] Điều 15 Thông tư 01/2020

[16] Điều 16 Thông tư 01/2020

[17] Điều 17 Thông tư 01/2020

[18] Điều 18 Thông tư 01/2020

[19] Điều 21 Thông tư 01/2020

HỒ VĂN KHỞI (TAND Tp. Ngã Bảy, Hậu Giang), VÕ VĂN TUẤN KHANH (TAND H.Phụng Hiệp, Hậu Giang)

Từ khóa » Những Vụ án Khiếu Nại