Hoạt động Xuất Nhập Khẩu Của Việt Nam Có Sự Tăng Trưởng Ngoạn ...

Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh đã tác động nặng nề đến các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của cả nước khiến các doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc tổ chức sảnxuất tại chỗ làm ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu. Chi phí vận tải kho bãi tiếp tục ở mức cao, tình trạng thiếu hụt vỏ container vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao (như xăng dầu, sắt thép, nhựa, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và xuất khẩu.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước (năm 2020 đạt 545,32 tỷ USD, tăng 5,3%), đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.

Về xuất khẩu

- Về quy mô xuất khẩu:Năm 2021, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, thương mại toàn cầu suy giảm, bảo hộ mậu dịch gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn bứt phát, đạt mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 332,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 (năm 2020 đạt 282,63 tỷ USD, tăng 6,9%) hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%).

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm khoảng 86,24% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước.

Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 57,5 tỷ USD (tăng 12,4%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 51,01 tỷ USD (tăng 14,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ước đạt 38,34 tỷ USD (tăng 41%); gỗ vàSP gỗ ước đạt 14,8 tỷ USD (tăng 19,7%); sắt thép các loại ước đạt 11,75 tỷ USD, tăng 123,4%. Đặc biệt, dệt may và da giày là 2 nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 đã có sự phục hồi, với kim ngạch ước đạt 32,74 tỷ USD và 17,61 tỷ USD, ước tăng lần lượt 9,8% và 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt KNXK trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020 và chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020).

- Thị trường xuất khẩu gia tăng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và đặc biệt tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: Trung Quốc tăng 15%, Hoa Kỳ tăng 24,2%; EU tăng 14%; ASEAN tăng 25,8%, Hàn Quốc tăng 15,8%, Ấn Độ tăng 21%, New Zealand tăng 42,5%, Ôxtrâylia tăng 3,1%.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, cho thấy hiệu quả cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,5%; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 46,1%)...

Xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 26 tháng 12 năm 2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 201,846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 5,217 lô hàng với trị giá hơn 16,5 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Về nhập khẩu

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong năm 2021 chúng ta đã tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu

- Về quy mô nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Trong đó khối doanh nghiệp trongnước nhập khẩu 113,99 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2020; khối doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu 218,28 tỷ USD, tăng 29,2%.

- Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu: Kiểm soát nhập khẩu được thực hiện tốt, theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng khá. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

- Về thị trường xuất khẩu: Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,89 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 56,09 tỷ USD, tăng 19,6%; thị trường ASEAN đạt 41,06 tỷ USD, tăng 34,8%; Nhật Bản đạt 22,52ỷ USD, tăng 10,7%; thị trường EU đạt 16,92 tỷ USD, tăng 15,5%; Hoa Kỳ đạt 15,47 tỷ USD, tăng 12,9%.

Về cán cân thương mại

Sau một thời gian dài duy trì xuất siêu, trong những tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại của nước ta đã chuyển sang nhập siêu do sản xuất và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn bởi sự dùng phát của dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4; nhập khẩu có xu hướng tăng cả về lượng (do nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng để đón đầu sự phục hồi cầu hàng hóa tại các thị trường) và giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao. Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2021 cho đến cuối năm, xuất khẩu được phục hồi sau thời gian dài dừng các hoạt động sản xuất để thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cán cân thương mại bắt đầu xuất siêu từ tháng 10.

Tính chung cả năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Đây là năm thứ 6 Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu, ta đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu khoảng 80,1 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 23,2 tỷ USD). Xuất siêu đã góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Những vấn đề còn tồn tại, khó khăn

- Xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 246,7 tăng 20,7%, chiếm 74% tổng KNXK. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 88,5 tỷ USD, tăng 13,2%, thấp hơnmức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (18,6%) và chỉ chiếm 26% KNXK (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%)

- Lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm (cà phê, chè, hạt tiêu, gạo) do gặp khó khăn về thị trường. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Với nông sản, ta đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thông qua các Hiệp định FTA); Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng một số nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường.

- Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Vì vậy, phát triển xuất khẩu của ta chưa thực sự bền vững, khi hàng hóa trên thị trường biên động sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung.

- Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, có nhiều thời điểm khi phía bạn có sự thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại biên mậu và thiệt hại lớn về kinh tế.

Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trên, hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 6 % - 8% năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương thực hiện tốt các giải pháp sau:

Các giải pháp chung

- Tổ chức khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP để đẩy mạnh xuất khẩu;

- Theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.

- Đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics.

- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

- Tuyên truyền để các thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tăng trưởng bền vững của hoạt động thương mại biên giới.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại (XTTM)

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030” và triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ thông tin áp dụng vào hoạt động XTTM nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động XTTM trong năm 2022 và các năm tiếp theo, mặt khác giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

-Triển khai đa dạng và hiệu quả các hình thức XTTM, phù hợp với từng thị trường, ngành hàng, đối tượng hỗ trợ. Tập trung nguồn lực cho các hoạt động XTTM chuyên sâu, có tính trung và dài hạn. Thực hiện các hình thức XTTM mới thông qua môi trường kỹ thuật số.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về XTTM theo chuỗi giá trị từ phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu và thâm nhập thị trường. Tập trung ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu khai thác thị trường đã có FTA với Việt Nam. Phân bổ nguồn lực xúc tiến xuất khẩu phù hợp để duy trì các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường tiềm năng và các thị trường mà doanh nghiệp, hiệp hội khó tiếp cận.

- Triển khai thực hiện kỳ xét chọn các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam lần 8. Tăng cường các hoạt động truyền thông và quảng bá về Chương trình THQG Việt Nam, các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình THQG Việt Nam, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ, tri thức truyền thống, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Phối kết hợp, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hoạt động XTTM từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tổ chức các hoạt động XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu và tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

-Tăng cường thúc đẩy trao đổi với các cơ quan quản lý của phía Trung Quốc để sớm thành lập Văn phòng XTTM Việt Nam tại Thành phố Thành Đô, Trung Quốc. Tiếp tục thúc đẩy ký kết các Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực XTTM đã được khởi động đàm phán hoặc đã thống nhất nội dung giữa Bộ Công Thương với các đối tác nước ngoài.

- Tăng cường thực hiện và phối hợp thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra văn phòng đại diện của tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam và trong lĩnh vực xúc tiến thương mại của các tổ chức, doanh nghiệp; nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm thực hiện công tác cải cách hành chính, áp dụng hiện đại hóa hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

- Tổ chức triển khai các hoạt động XTTM, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương theo hình thức phù hợp với tình hình mới nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố thể chế về PVTM để triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc chủ động hoàn thiện hệ thống PVTM để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tích hợp công cụ PVTM vào các kế hoạch, chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất trong nước.

- Tiếp tục nâng cao nhận thức về các biện pháp PVTM, đặc biệt là tính chất, tác động của các biện pháp này để có cách tiếp cận phù hợp.

- Tiếp tục nâng cao năng lực về PVTM để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội ngành hàng.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (PVTM); Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025; Đề án Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới.

- Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức/ cá nhân liên quan về phápluật PVTM, các vụ việc điều tra PVTM thông qua tổ chức toạ đàm, hội thảo, đào tạo bồi dưỡng; xây dựng, duy trì bản tin điện tử/ bản tin giấy về PVTM; các báo cáo PVTM theo tháng/quý/năm./.

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam Vào Năm 2021 Là Những Nước Hoặc Khu Vực Nào