Tình Hình Xuất Khẩu Hàng Hóa Của Việt Nam Sang Đức?

Câu hỏi: Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức?

Trả lời:

Kim ngạch xuất khẩu

Trong nhiều năm qua, Đức duy trì là một trong những đối tác xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam tại thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung. Năm 2020, Đức vẫn giữ vị thế là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 tại EU và thứ 7 trên thế giới của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này đạt 6,64 tỷ USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2010 – 2020 với kim ngạch xuất khẩu tăng lên gần gấp 3 lần, từ 2,37 tỷ USD vào năm 2010 lên 6,64 tỷ USD vào năm 2020 (Hình 2). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Đức giai đoạn 2010-2020 là 12,8%. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam ra thế giới trong giai đoạn này là 21,8% thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức của Việt Nam vẫn còn khá thấp.

Trong khu vực EU, Đức là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này. Điều này một phần là do sức mua của thị trường Đức lớn, phần khác có thể do Đức là cửa ngõ cho hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường khác tại châu Âu.

Hình: Xuất khẩu của Việt Nam sang Đức giai đoạn 2010-2020

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Mặc dù về thứ hạng, Đức chiếm vị trí thứ 7 trong tốp các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng xét về thị phần, xuất khẩu sang Đức chỉ chiếm 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu đi thế giới của Việt Nam năm 2020. Các đối tác xuất khẩu chính và chiếm thị phần lớn của Việt Nam vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngược lại, đối với Đức, Việt Nam chỉ đứng thứ 23 trong danh sách các nước nhập khẩu của Đức năm 2020, và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng chỉ chiếm 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của nước này. Lý do chủ yếu là Đức hiện nhập khẩu phần lớn từ các nước thành viên EU, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Vì vậy, mặc dù có tỷ trọng thấp trong tổng hàng hóa nhập khẩu của Đức nhưng Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 4 trong khu vực châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) mà Đức nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chính và thị phần

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Đức (năm 2020) là máy móc thiết bị điện/cơ khí, giày dép, quần áo, đồ da, cà phê, hoa quả, đồ nội thất.

Trong số các sản phẩm nói trên, Việt Nam nằm trong tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất vào Đức đối với 4/10 nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu các sản phẩm Việt Nam của Đức vẫn còn tương đối nhỏ trong tổng nhập khẩu sản phẩm liên quan của Đức (chỉ có giày dép và cà phê chiếm thị phần tương đối trong nhập khẩu hàng hóa của Đức).

Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam đối với các sản phẩm trên tại thị trường Đức là các nước EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Trung Quốc, và một số nước đang phát triển khác như Ấn Độ, Indonesia, Banglades, Campuchia.

Bảng: Tốp 10 mặt hàng Đức nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam năm 2020

STT

Mặt hàng NK chính của Đức từ Việt Nam

Giá trị (triệu USD)

Tỷ trọng trong tổng NK mặt hàng này của Đức từ thế giới

Top 5 nước Đức NK nhiều nhất mặt hàng này

1

Chương 85: Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

3.505,33

2,35%

Trung Quốc, Mỹ, Séc, Ý, Ba Lan

2

Chương 64: Giày, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

2.131,07

17,08%

Trung Quốc, Việt Nam, Ý, Indonesia, Hà Lan

3

Chương 84: Máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

1.207,02

0,81%

Trung Quốc, Mỹ, Séc, Ý, Ba Lan

4

Chương 62: Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

922,50

5,08%

Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ý

5

Chương 61: Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

572,05

3,02%

Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Campuchia

6

Chương 09: Cà phê, chè, chè paragoay và các loại gia vị

429,51

9,68%

Brazil, Vietnam, Honduras, Ý, Thụy Sỹ

7

Chương 42: Các sản phẩm bằng da thuộc; yên cương và bộ yên cương; các mặt hàng du lịch, túi xách và các loại đồ chứa tương tự; các sản phẩm làm từ ruột động vật (trừ ruột con tằm)

320,83

7,69%

Trung Quốc, Ý, Ấn Độ, Việt Nam, Pháp

8

Chương 08: Quả và quả hạch (nuts) ăn được; vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa

304,28

2,42%

Tây Ban Nha, Ý, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan

9

Chương 94: Đồ nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm, nệm và các đồ dùng nhồi tương tự; đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; biển hiệu được chiếu sáng, biển đề tên được chiếu sáng và các loại tương tự; nhà lắp ghép

274,94

1,31%

Trung Quốc, Ba Lan, Séc, Ý, Áo

10

Chương 90: Dụng cụ và thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng

247,15

0,58%

Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Pháp

Nguồn: ITC Trademap, 2021

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam Vào Năm 2021 Là Những Nước Hoặc Khu Vực Nào