Thương Mại Việt-Trung: Một Năm Nhìn Lại - Báo Nhân Dân

Báo Nhân DânBáo Nhân Dân

Năm 2021, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng gần cuối năm, hiện tượng ách tắc trong thông quan hàng hóa ở khu vực biên giới gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, cũng được dư luận hết sức quan tâm.

Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc đã phỏng vấn ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về kết quả trao đổi hợp tác thương mại song phương, những kết quả tích cực và tồn tại, vướng mắc nhằm gợi mở phương hướng thúc đẩy hợp tác thương mại trong năm tới, nhất là hướng tới đẩy mạnh xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả trao đổi thương mại Việt-Trung trong năm 2021. So với những năm trước, đâu là điểm sáng trong trao đổi thương mại song phương giữa hai nước?

Tham tán Nông Đức Lai: Mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, gây khó khăn cho hoạt động hợp tác, trao đổi thương mại của nhiều quốc gia, nhưng quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước; còn theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so năm trước. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới (sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia).

Ông Nông Đức Lai, Tham Tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Ông Nông Đức Lai, Tham Tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Điểm sáng trong quan hệ thương mại giữa hai nước trong năm qua chính là tăng trưởng kim ngạch thương mại ở mức kỷ lục với 24,6% theo thống kê của phía Việt Nam và gần 20% theo thống kê của phía Trung Quốc. Và theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, lần đầu tiên trao đổi thương mại giữa hai nước vượt ngưỡng 200 tỷ USD.

Đây là con số phản ánh sự ổn định và hiệu quả trong trao đổi thương mại song phương giữa hai nước trong những năm gần đây, bất chấp những khó khăn và trở ngại do điều kiện khách quan tác động, như trở ngại trong các hoạt động kiểm soát dịch bệnh giữa hai nước, kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi sau năm đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, chuỗi sản xuất của Việt Nam vào những giai đoạn nhất định trong năm gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về tiêu dùng của thị trường Trung Quốc giảm so với các năm trước.

Tuy nhiên, những lợi thế về quan hệ thương mại truyền thống cùng nỗ lực của các bộ, ngành liên quan của Việt Nam nhằm thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn trong các thời điểm hoạt động thương mại giữa hai nước đối mặt với nhiều áp lực và rào cản, đã góp phần đưa kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2021 lần đầu tiên đạt mốc 230 tỷ USD.

Phóng viên: Gần cuối năm, ách tắc hàng hóa, nông sản ở khu vực biên giới gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Đâu là nguyên nhân và cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có cơ quan thương vụ đã làm gì để giải quyết tình trạng này?

Tham tán Nông Đức Lai: Trong nhiều năm trở lại đây, tại nhiều thời điểm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn và đối mặt với hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền, tuy nhiên, trong năm vừa qua, hiện tượng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng hơn khi nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của hai bên đều tăng cao vào dịp cuối năm.

Xe chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: TTXVN)

Xe chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: TTXVN)

Việc tập trung vào xuất khẩu qua vận tải đường bộ khiến cơ sở hạ tầng và năng lực thông quan tại một số cửa khẩu biên giới chưa đáp ứng được lưu lượng xe hàng trong những thời điểm vào vụ một số loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, dưa hấu…Đặc biệt, Trung Quốc thực hiện chính sách zero-Covid với nhiều biện pháp thắt chặt kiểm soát đối với con người, hàng hóa xuất nhập cảnh nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan với trong nước. Ngoài ra, đồng thời với tạm dừng thông quan một số cửa khẩu đảm bảo công tác phòng chống dịch, Trung Quốc cũng đang thu hẹp tiểu ngạch thông qua việc đóng cửa nhiều cặp chợ biên giới (ta gọi là cửa khẩu phụ, lối mở).

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng như hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn nhằm đưa ra giải pháp để giải quyết những khó khăn trước mắt cho tiêu thụ hàng hóa nông sản bao gồm cả tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như định hướng lâu dài cho ngành sản xuất nông sản Việt Nam. Là cơ quan đại diện thương mại tại Trung Quốc, chúng tôi luôn bám sát, nắm bắt thông tin thị trường, các chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại, nhất là tình hình thông quan tại các cảng/cửa khẩu để kịp thời cập nhật thông tin cho cơ quan trong nước.

Bên cạnh đó, cùng với nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa cũng được Chính phủ Trung Quốc rất chú trọng trong những năm trở lại đây. Điều này đã được cụ thể hóa bằng việc Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ đầu năm nay nhằm tăng cường các biện pháp, quy định, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói đối với sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc chuyển đổi xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức xuất khẩu chính ngạch cũng chính là ưu tiên hàng đầu trong việc giảm thiểu rủi ro ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đất liền và là hướng đi tối ưu trong việc xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc trong tương lai.

Hiểu được những khó khăn, thách thức đó, trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng Việt Nam (cụ thể là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thị trường Trung Quốc nhằm định hướng doanh nghiệp chuyển đổi xuất khẩu sang hình thức chính ngạch; kêu gọi địa phương quy hoạch, tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói đảm bảo theo đúng yêu cầu, quy định về chất lượng của thị trường. Đồng thời, cơ quan chức năng Việt Nam đã xác định việc định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xuất khẩu hàng hóa sang vận tải đường sắt và đường biển cũng chính là “chất xúc tác” hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp bắt buộc thích nghi với hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Thương vụ Việt Nam xúc tiến cơ hội hợp tác thương mại với Trung Quốc.

Thương vụ Việt Nam xúc tiến cơ hội hợp tác thương mại với Trung Quốc.

Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh là một trong những cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, Thương vụ luôn đặt công tác hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc (chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam ra thế giới) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thương vụ luôn tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan Việt Nam tích cực giao thiệp với các đơn vị đối tác phía bạn nhằm mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Thương vụ luôn chủ động trao đổi với cơ quan Hải quan phía Trung Quốc mỗi khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, vướng mắc, đặc biệt vào thời điểm ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. Ngoài ra, tại các buổi hội thảo, diễn đàn do bộ, ngành Việt Nam tổ chức, Thương vụ đã nhiều lần phát biểu, trình bày các nội dung mang tính thực tế tại địa bàn sở tại nhằm giúp doanh nghiệp có cách nhìn đa chiều và hiểu hơn đối với các quy định hiện hành của thị trường Trung Quốc.

Đi đôi với nghiên cứu chính sách, trong năm qua, Thương vụ đã có một số buổi khảo sát thực tế tại những địa phương của Trung Quốc, một mặt tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với những địa phương vốn còn nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp trong nước chưa tiếp cận đến, một mặt tìm hiểu thực tế hiện trạng và nhu cầu tiếp nhận hàng hóa từ Việt Nam của địa phương bằng hình thức khác ngoài đường bộ nhằm đưa ra những tư vấn, đánh giá khách quan đối với các chính sách thúc đẩy chuyển đổi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bằng đường sắt, đường biển mà Việt Nam đang xúc tiến hiện nay.

Phóng viên: Thương mại chính ngạch có xu hướng tăng trong tổng giá trị trao đổi thương mại là một tín hiệu tích cực. Theo ông cần giải pháp gì để thúc đẩy thương mại chính ngạch?

Tham tán Nông Đức Lai: Như tôi đã đề cập như trên, với sự nỗ lực của bộ, ngành Trung ương và sự hưởng ứng của địa phương trong việc định hướng, thay đổi tư duy của doanh nghiệp đối với thị trường Trung Quốc trong thời gian qua, chuyển đổi hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã bắt đầu đón nhận một số tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại chính ngạch, trước hết, chúng ta cần hiểu rõ bản chất “chính ngạch”, “tiểu ngạch” là gì. Trên thực tế, trong hoạt động thương mại quốc tế không tồn tại hai định nghĩa nêu trên và chỉ trong hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc mới có sự phân biệt hai loại hình thương mại này.

Trước hết, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hoạt động thông qua hai hình thức là hình thức thương mại chính quy (hay còn gọi là chính ngạch) và hình thức thương mại biên giới (gao gồm hoạt động thương mại “tiểu ngạch” và trao đổi hàng hóa cư dân biên giới). Trong đó, hoạt động thương mại chính quy là hoạt động căn cứ trên luật thương mại quốc tế và phải đáp ứng đầy đủ các quy định của WTO mà Việt Nam và Trung Quốc là thành viên.

Hoạt động thương mại biên giới được Hải quan Trung Quốc chia thành 2 hình thức gồm thương mại tiểu ngạch biên giới (là hoạt động của các doanh nghiệp trong phạm vi các huyện, thành phố biên giới được Nhà nước phê chuẩn mở cửa đối ngoại, được phê duyệt và có quyền kinh doanh thương mại tiểu ngạch biên giới thông qua các cửa khẩu được Nhà nước chỉ định tiến hành hoạt động thương mại với các doanh nghiệp hoặc tổ chức thương mại khác tại khu vực biên giới của quốc gia láng giềng) vàthương mại cư dân biên giới (là hoạt động của cư dân khu vực biên giới trong phạm vi 20km tính từ đường biên giới trao đổi hàng hóa tại điểm hoặc chợ biên giới được chỉ định do Chính phủ phê chuẩn với giá trị và số lượng không vượt quá phạm vi quy định). Từ ngày 1/11/2008 cho đến nay, Hải quan Trung Quốc duy trì chế độ ưu đãi cho trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới với hạn mức được miễn thuế là 8000 nhân dân tệ/người/ngày và miễn thuế, phí nhập khẩu (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).

Trong hai hình thức thương mại biên giới, thương mại tiểu ngạch biên giới chủ yếu là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp tại khu vực biên giới của Trung Quốc; trong khi đó, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới chủ yếu là hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Hoạt động trao đổi cư dân biên giới là ưu đãi dành cho cư dân khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng trong nhiều năm qua, tại khu vực biên giới đã tự phát hình thành việc nhiều cá nhân “gom tiêu chuẩn” của cư dân để thực hiện việc bán buôn tại các cặp chợ nhằm thu lợi từ ưu đãi này.

Tuy nhiên, với những yêu cầu và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu cùng hàng loạt những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Hải quan Trung Quốc, trong thời gian tới, hoạt động thương mại biên giới sẽ không còn là phương án xuất khẩu có thể sử dụng đối với những doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài với thị trường khổng lồ này.

Chính vì vậy, việc đầu tiên chúng ta cần làm là đưa rõ bản chất của hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc được “phủ sóng” rộng hơn, để doanh nghiệp có được những đánh giá đúng và đủ về thị trường Trung Quốc và thay đổi tư duy một cách tích cực hơn.

Thứ hai, cần nhân rộng phạm vi các địa phương có quy hoạch dài hơi về định hướng doanh nghiệp chuyển đổi sang xuất khẩu chính quy. Cụ thể, một số địa phương đã thực hiện tốt chủ trương này của Chính phủ và gặt hái được một số hiệu quả nhất định, trong đó có thể kể đến như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La. Được sự quan tâm và quyết liệt trong quy hoạch chuyển đổi của tỉnh, mùa vụ vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang mặc dù cho sản lượng hàng trăm nghìn tấn và yêu cầu về xuất khẩu trong thời gian ngắn; tuy nhiên với việc đồng bộ hóa quy trình từ sản xuất, đóng gói, đăng ký vùng trồng, đăng ký xuất khẩu... cùng hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đồng bộ, xuất khẩu quả vải sang thị trường trọng điểm là Trung Quốc và sang các thị trường khác luôn đạt được những hiệu quả tích cực.

Thương vụ Việt Nam trao đổi, tìm kiếm biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương.

Thương vụ Việt Nam trao đổi, tìm kiếm biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương.

Và để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hướng tăng cường chuyển đổi xuất khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại chính quy, Thương vụ xin đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp sau:

- Đối với doanh nghiệp Việt Nam: (i) cần nâng cao hiểu biết về thị trường, gạt bỏ tư duy coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, tìm hiểu kỹ về thị trường trước khi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc thông qua các kênh thông tin chính thống, có uy tín (các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Trung Quốc); (ii) đối với các doanh nghiệp đã có hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc cần kịp thời nắm bắt, theo dõi các biến động về chính sách của thị trường.

- Đối với bộ, ngành: (i) tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh, sớm được xuất khẩu chính thức sang thị trường Trung Quốc; (ii) chú trọng công tác thu hút đầu tư vào các dự án gia công chế biến nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản; (iii) đẩy mạnh và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới doanh nghiệp, địa phương (đặc biệt là các địa phương có hàm lượng nông, thủy sản xuất khẩu nhiều) về quy định, yêu cầu và những thay đổi trong chính sách của thị trường Trung Quốc.

- Đối với địa phương: (i) quan tâm và quyết tâm hơn nữa trong việc định hướng, hướng dẫn và thay đổi thói quen xuất khẩu của doanh nghiệp, tích cực phối hợp với bộ, ngành có liên quan tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức về thị trường xuất khẩu trong đó có thị trường Trung Quốc; (ii) tổ chức các hội thảo phổ biến kinh nghiệm (phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La…) nhằm đưa sản phẩm nông sản của địa phương xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc.

Cảng container Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc.

Tham Tán Nông Đức Lai (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu dự Diễn đàn cấp cao hợp tác RCEP.

Tham Tán Nông Đức Lai (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu dự Diễn đàn cấp cao hợp tác RCEP.

Phóng viên: Ông có thể dự báo xu hướng phát triển thương mại song phương trong năm 2022 và các năm tới, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, nhất là đáp ứng các yêu cầu của cơ quan chức năng và người tiêu dùng Trung Quốc?

Tham tán Nông Đức Lai: Năm 2022, kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong khi dự kiến Trung Quốc tiếp tục thắt chặt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và tăng cường kiểm soát con người, hàng hóa nhập cảnh, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh... Điều này sẽ tác động đến hoạt động thương mại hai bên, nhưng triển vọng hợp tác được đánh giá rất lạc quan dựa trên những nhân tố như sau:

Thứ nhất, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Thứ hai, lợi thế vị trí địa lý là điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa cho doanh nghiệp hai bên thông qua các hình thức vận chuyển hàng hóa đa dạng bao gồm cả đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt.

Thứ ba, Hiệp định RCEP có hiệu lực thực thi từ năm nay sẽ bổ sung tạo điều kiện, cơ hội cho thương mại song phương.

Thứ tư, sau nhiều năm hội nhập kinh tế thế giới và tham gia thương mại toàn cầu, đặc biệt trong hai năm qua, trải qua khó khăn, thách thức của đại dịch cũng như biến động của vận tải, ách tắc hàng hóa thời gian vừa qua, tạo cho doanh nghiệp và buộc doanh nghiệp biết thích ứng và có sức chống chịu với những tác động từ yếu tố bên ngoài.

Trung Quốc khai trương chuyến tàu chở hàng RCEP đầu tiên đến Việt Nam. (Ảnh: Nhân Dân Nhật báo)

Trung Quốc khai trương chuyến tàu chở hàng RCEP đầu tiên đến Việt Nam. (Ảnh: Nhân Dân Nhật báo)

Gian hàng Việt Nam tại Cảng thương mại hàng hóa ở Thượng Hải.

Gian hàng Việt Nam tại Cảng thương mại hàng hóa ở Thượng Hải.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải tham dự Lễ khai mạc trực tuyến Hội chợ Trung Quốc - Nam Á 2020 tổ chức tại Côn Minh.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải tham dự Lễ khai mạc trực tuyến Hội chợ Trung Quốc - Nam Á 2020 tổ chức tại Côn Minh.

Item 1 of 3

Trung Quốc khai trương chuyến tàu chở hàng RCEP đầu tiên đến Việt Nam. (Ảnh: Nhân Dân Nhật báo)

Trung Quốc khai trương chuyến tàu chở hàng RCEP đầu tiên đến Việt Nam. (Ảnh: Nhân Dân Nhật báo)

Gian hàng Việt Nam tại Cảng thương mại hàng hóa ở Thượng Hải.

Gian hàng Việt Nam tại Cảng thương mại hàng hóa ở Thượng Hải.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải tham dự Lễ khai mạc trực tuyến Hội chợ Trung Quốc - Nam Á 2020 tổ chức tại Côn Minh.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải tham dự Lễ khai mạc trực tuyến Hội chợ Trung Quốc - Nam Á 2020 tổ chức tại Côn Minh.

Với cơ hội và thách thức trong thời gian tới, chúng ta cần biết tận dụng, phát huy những lợi thế của ta và khai thác tiềm năng thị trường, đồng thời khắc phục những điểm yếu tồn tại lâu nay.

Nói đến “lợi thế”, “tiềm năng”, theo như thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2021, nước này nhập khẩu 219,8 tỷ USD sản phẩm nông sản từ thế giới, tăng 28,6% so với năm 2020. Trong đó, các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu nhiều như thủy sản, trái cây, sữa và sản phẩm sữa, ngũ cốc… đều là những nhóm mặt hàng Việt Nam có thế mạnh trong xuất khẩu, đây chính là dư địa lớn để ta nâng tỷ trọng xuất khẩu nông sản lên cao hơn nữa, tuy nhiên chúng ta biết các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn. Để làm được điều này buộc chúng ta phải thay đổi, phải quản lý từ quá trình sản xuất, bảo quản, thương mại cho đến vận tải.

Trong năm 2022, dự kiến Trung Quốc vẫn tiếp tục kiên trì với chính sách zero-Covid nhằm tạo môi trường ổn định tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông vào đầu năm và các hoạt động lớn khác trong năm. Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động kiểm soát người nhập cảnh và hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông thủy sản đông lạnh. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói và khử khuẩn trước khi thực hiện hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, như tôi đã nêu ở trên, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hiểu biết về thị trường, gạt bỏ tư duy coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, tìm hiểu kỹ về thị trường trước khi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc thông qua các kênh thông tin chính thống, có uy tín. Và đối với các doanh nghiệp đã có hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc cần kịp thời nắm bắt, theo dõi các biến động về chính sách của thị trường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Clip phỏng vấn Tham tán Nông Đức Lai:

Your browser does not support this video

Xuất bản ngày: 29/01/2022 Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠNNội dung: HỮU HƯNG - VI SA (phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc)Trình bày: HOÀNG HÀ

Trở về nhandan.vn TopShorthand logoBuilt with Shorthand

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam Vào Năm 2021 Là Những Nước Hoặc Khu Vực Nào