Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS) Là Gì? Nguyên Nhân Và Chẩn đoán
Có thể bạn quan tâm
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh lý của đường tiêu hoá, với các triệu chứng đặc trưng như đau bụng tái đi tái lại, tiêu chảy hoặc táo bón.... Đây là một rối loạn chức năng của đường tiêu hoá, do đó đôi khi không tìm thấy được vị trí tổn thương hay nguyên nhân gây bệnh. Vì triệu chứng không đặc hiệu nên một số người không biết rằng mình đang mắc căn bệnh này. Hi vọng các thông tin từ Genetica dưới đây có thể giúp bạn.
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một nhóm các triệu chứng xảy ra cùng nhau, bao gồm đau bụng tái đi tái lại và thay đổi thói quen đi tiêu của bạn, có thể là tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai. Với IBS, bạn sẽ có những triệu chứng này mà không phát hiện bất kỳ dấu hiệu tổn thương hoặc bệnh tật nào rõ ràng trong đường tiêu hóa.
IBS là một rối loạn chức năng tiêu hóa. Các bác sĩ ngày nay gọi là rối loạn tương tác ruột-não. Bình thường não và ruột của chúng ta sẽ kết hợp với nhau để giữ cho việc tiêu hoá thức ăn diễn ra được thuận lợi. Tuy nhiên, khi bị IBS, sự tương tác này sẽ bị phá vỡ. Điều này làm cho ruột của bạn dễ bị kích thích hơn và co thắt bất thường dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, táo bón và tiêu chảy...
2. Nguyên nhân gây ra IBS là gì?
Các chuyên gia không chắc chắn nguyên nhân gây ra IBS. Họ cho rằng sự xuất hiện của IBS là do kết hợp nhiều nguyên nhân, và có thể khác nhau với từng người.
Như đã đề cập ở trên, vấn đề về tương tác não-ruột có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn hoạt động và gây ra các triệu chứng IBS. Ví dụ, ở một số người bị IBS, thức ăn có thể di chuyển quá chậm hoặc quá nhanh qua đường tiêu hóa, gây ra những thay đổi trong cách bạn đi tiêu. Một số người bị IBS, do tình trạng ruột tăng nhạy cảm, có thể cảm thấy đau khi có một lượng khí hoặc phân bình thường trong ruột.
Các chuyên gia cho rằng các vấn đề sau có thể đóng một vai trò nhất định trong sự xuất hiện của IBS trên một cá thể:
- Những khó khăn và căng thẳng xuất hiện trong giai đoạn đầu của cuộc đời, chẳng hạn như lạm dụng tình dục hoặc hoạt động thể chất quá mức.
- Rối loạn tâm thần nhất định, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu,...
- Nhiễm trùng do vi khuẩn bên ngoài xâm nhập đường tiêu hóa của bạn.
- Vi khuẩn trong đường ruột của bạn phát triển quá mức (tăng số lượng).
- Không dung nạp hoặc nhạy cảm với thực phẩm, trong đó một số loại thực phẩm gây ra các triệu chứng của IBS.
- Nghiên cứu cho thấy rằng có một số đột biến gen có thể làm cho một số người có nhiều khả năng phát triển IBS hơn, như đột biến của gen SCN5A. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra một số gen khác có liên quan đến căn bệnh này.
3. Có bao nhiêu loại IBS?
Việc xác định loại IBS là điều quan trọng vì một số loại thuốc chỉ có tác dụng đối với một số loại IBS hoặc làm cho các loại khác trở nên tồi tệ hơn.
Có ba loại IBS dựa trên sự khác nhau khi bạn đi tiêu. Nhiều người bị IBS đi tiêu bình thường vào một số ngày và đi tiêu bất thường vào những ngày khác. Do đó việc chẩn đoán chủ yếu tập trung vào ngày bạn đi tiêu bất thường.
● IBS với táo bón (IBS-C)
Với IBS-C, vào những ngày bạn có ít nhất một lần đi tiêu bất thường thì:
- Hơn 1/4 phân của bạn cứng hoặc vón cục và
- Ít hơn 1/4 số phân của bạn lỏng hoặc nước
● IBS với tiêu chảy (IBS-D)
Trong IBS-D, vào những ngày bạn có ít nhất một lần đi tiêu bất thường thì:
- Hơn 1/4 số phân của bạn lỏng hoặc chảy nước và
- Ít hơn 1/4 phân của bạn cứng hoặc vón cục
● IBS thể hỗn hợp (IBS-M)
Trong IBS-M, vào những ngày bạn có ít nhất một lần đi tiêu bất thường thì:
- Hơn 1/4 phân của bạn cứng hoặc vón cục và
- Hơn 1/4 số phân của bạn lỏng hoặc nhiều nước
Bác sĩ của bạn cũng có thể chẩn đoán IBS ngay cả khi triệu chứng của bạn không phù hợp với bất cứ loại nào, do đó không cần lo lắng khi bạn thấy triệu chứng của mình không giống với các loại dưới đây.
Ảnh: smarterhealthy
4. Triệu chứng của IBS là gì?
Các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng ruột kích thích (IBS) là đau bụng, thường liên quan đến đi tiêu và thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai, tùy thuộc vào loại IBS bạn mắc phải. Sau đây là 9 triệu chứng của hội chứng ruột kích thích mà bạn cần lưu ý.
1. Đau bụng
Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất và là yếu tố chính trong chẩn đoán IBS.
Thông thường, ruột và não của bạn làm việc cùng nhau để kiểm soát quá trình tiêu hóa. Điều này xảy ra thông qua các hormone, dây thần kinh và tín hiệu do vi khuẩn tốt sống trong ruột của bạn tiết ra.
Khi bạn bị IBS, những tín hiệu hợp tác này trở nên méo mó, dẫn đến sự co thắt các cơ của đường tiêu hóa và gây đau. Cơn đau này thường xảy ra ở vùng bụng dưới hoặc toàn bộ vùng bụng. Cơn đau thường giảm sau khi đi tiêu.
2. Tiêu chảy
IBS có một thể bệnh với triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, thể này xuất hiện trên 1/3 số bệnh nhân mắc IBS. Phân có xu hướng lỏng và nhiều nước hơn các thể khác, có thể có chất nhầy. Người mắc thể bệnh này có trung bình 12 lần đi tiêu mỗi tuần - nhiều hơn gấp đôi so với người lớn không bị IBS.
Nhu động ruột tăng lên trong IBS cũng có thể dẫn đến nhu cầu đi tiêu đột ngột, tức thì. Nhiều người nói rằng điều này khiến họ căng thẳng, thậm chí họ phải tránh một số hoạt động xã hội vì sợ bị tiêu chảy đột ngột. Điều này làm giảm chất lượng cuộc sống.
3. Táo bón
Điều nghịch lý ở căn bệnh này là nó có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy - hai trạng thái gần như đối lập nhau.
IBS với triệu chứng chủ yếu là táo bón ảnh hưởng đến gần 50% những người bị IBS. Táo bón được định nghĩa là có ít hơn ba lần đi tiêu mỗi tuần.
Táo bón trong IBS có thể bị nhầm với “táo bón chức năng”, đây là một dạng táo bón vô căn mạn tính (tức không có nguyên nhân cụ thể). Tuy nhiên 2 loại tình trạng táo bón này có thể phân biệt với nhau bởi một đặc điểm đó là táo bón chức năng nhìn chung không gây đau bụng. Ngược lại, táo bón trong IBS bao gồm đau bụng dịu đi khi đi tiêu. Táo bón trong IBS cũng thường gây ra cảm giác đi tiêu không hết phân, khiến người bệnh rất khó chịu.
4. Táo bón và tiêu chảy xen kẽ
Khoảng 20% bệnh nhân IBS có tiêu chảy và táo bón xen kẽ nhau, gọi là IBS thể hỗn hợp. Tiêu chảy và táo bón trong IBS liên quan đến đau bụng mãn tính và tái phát. Loại IBS này có xu hướng nghiêm trọng hơn những loại khác với các triệu chứng thường xuyên và dữ dội hơn.
5. Thay đổi thói quen đi tiêu của bạn
Do sự thay đổi của nhu động ruột, một số thể IBS gây táo bón, một số khác lại gây tiêu chảy.
IBS cũng có thể gây ra chất nhầy tích tụ trong phân, điều này thường không liên quan đến các nguyên nhân khác gây táo bón.
Máu trong phân có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác và bạn cần đến gặp bác sĩ. Máu trong phân có thể có màu đỏ nhưng thường xuất hiện rất sẫm hoặc đen với độ đặc như hắc ín.
6. Đầy hơi
Khi bị IBS, quá trình tiêu hóa của bạn sẽ bị thay đổi dẫn đến sản xuất nhiều khí hơn trong ruột. Điều này có thể gây đầy hơi và khó chịu.
Nhiều người mắc IBS cho biết đầy hơi là một trong những triệu chứng dai dẳng và khó chịu nhất. Triệu chứng này phổ biến hơn ở phụ nữ và trong IBS chủ yếu là táo bón hoặc các loại IBS hỗn hợp.
7. Không dung nạp thức ăn
Có tới 70% người mắc IBS báo cáo rằng có một số loại thực phẩm cụ thể kích thích gây ra các triệu chứng của bệnh như: sữa, cà phê, thực phẩm giàu carbohydrates, thực phẩm chứa gluten, thực phẩm giàu chất xơ như rau trái cây (có thể làm giảm triệu chứng táo bón ngược lại làm tăng triệu chứng đầy hơi khó chịu ở 1 số bệnh nhân),...Loại thực phẩm gây kích thích sẽ khác nhau ở từng người.
Hai phần ba số người bị IBS chủ động tránh một số loại thực phẩm. Đôi khi những người này loại trừ nhiều loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn, vì vậy hãy tìm đến các chuyên gia trước khi bạn muốn loại bỏ thực phẩm nào khỏi chế độ ăn.
8. Mệt mỏi và khó ngủ
Hơn một nửa số người mắc IBS có cảm giác mệt mỏi. IBS cũng liên quan đến chứng mất ngủ, bao gồm khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức giấc và cảm thấy bất ổn vào buổi sáng. Điều đáng nói giấc ngủ kém là dự báo cho triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng hơn vào ngày hôm sau.
9. Lo lắng và trầm cảm
IBS cũng có liên quan đến chứng lo âu và trầm cảm. Không rõ lo âu là một triệu chứng của IBS hay là việc phải sống chung với các triệu chứng của IBS làm cho bạn lo âu và căng thẳng. Điều này vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.
5. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS), các bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh tật của bạn và gia đình bạn, đồng thời tiến hành các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán.
Bác sĩ có thể chẩn đoán IBS nếu bạn bị đau bụng kèm ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau:
- Đau bụng có liên quan đến đi tiêu. Ví dụ, cơn đau của bạn có thể cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn sau khi đi tiêu.
- Bạn nhận thấy sự thay đổi về số lần đi tiêu trong ngày hay trong tuần (nhiều hơn hoặc ít hơn).
- Bạn nhận thấy sự thay đổi trong tính chất phân (tiêu chảy, táo bón, phân có chất nhầy, máu...).
Lưu ý rằng, các triệu chứng này cần xuất hiện ít nhất một lần một tuần trong 3 tháng qua và các triệu chứng đầu tiên bắt đầu ít nhất 6 tháng trước. Tuy nhiên bác sĩ của bạn có thể chẩn đoán IBS ngay cả khi bạn đã có các triệu chứng trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng khác. Một số triệu chứng nhất định có thể gợi ý rằng bạn đang có một vấn đề sức khỏe khác thay vì IBS. Các triệu chứng này bao gồm:
- Thiếu máu
- Chảy máu từ trực tràng
- Phân có máu hoặc phân có màu đen như hắc ín (nhựa đường)
- Sụt cân
Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ thường không sử dụng các xét nghiệm để chẩn đoán IBS. Tuy nhiên họ có thể yêu cầu xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và các xét nghiệm khác để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác như:
Xét nghiệm máu
Các bác sĩ sử dụng xét nghiệm máu để kiểm tra các tình trạng khác ngoài IBS như thiếu máu, nhiễm trùng và các bệnh tiêu hóa khác.
Xét nghiệm phân
Các bác sĩ sử dụng xét nghiệm phân để kiểm tra xem phân của bạn có máu, dấu hiệu nhiễm trùng hay các bệnh khác không?
Các bài kiểm tra khác
Bác sĩ của bạn sẽ quyết định xem bạn có cần các xét nghiệm chuyên sâu hơn hay không dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh cũng như kết quả xét nghiệm máu hoặc phân của bạn. Các xét nghiệm này bao gồm:
- Test hơi thở với hydro: kiểm tra sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột hoặc các vấn đề tiêu hóa một số carbohydrate, chẳng hạn như không dung nạp lactose.
- Nội soi đường tiêu hóa trên (như thực quản, dạ dày) có sinh thiết (lấy một mẫu mô) để kiểm tra bệnh celiac
- Nội soi đại tràng để kiểm tra các tình trạng như ung thư ruột kết hoặc bệnh viêm ruột.
6. Điều trị IBS
Các bác sĩ có thể điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS) bằng cách khuyến nghị thay đổi những gì bạn ăn và thay đổi lối sống của bạn, sử dụng thuốc, men vi sinh và các liệu pháp sức khỏe tâm thần giúp bạn thích nghi với tình trạng bệnh lý, giảm tình trạng stress, lo âu, trầm cảm (Ví dụ: liệu pháp hành vi, bài tập thư giãn cơ, liệu pháp thôi miên…)
Bạn có thể phải thử một vài phương pháp điều trị để xem cách nào phù hợp nhất. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra kế hoạch điều trị phù hợp.
7. Ăn uống và dinh dưỡng trong IBS
Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống để giúp điều trị các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Những thay đổi có thể bao gồm ăn nhiều chất xơ hơn, tránh gluten hoặc theo một chế độ ăn uống đặc biệt được gọi là chế độ ăn uống FODMAP thấp (đây là một chế độ ăn hạn chế các thực phẩm giàu carbohydrates - một thành phần có thể làm nặng hơn triệu chứng của IBS)
Nguồn tham khảo:
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel syndrome
- https://www.healthline.com/nutrition/9-signs-and-symptoms-of-ibs
Tham Khảo Thêm:
- Hội chứng Down là gì? Có di truyền không?
- Hội chứng Brugada là gì? Có nguy hiểm không?
- Hội chứng RAYNAUD là gì? Có nguy hiểm không?
Từ khóa » Chẩn đoán Ibs Là Gì
-
Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS) | Bệnh Viện Gleneagles, Singapore
-
IBS Là Gì Và Những điều Không Thể Bỏ Qua Về Bệnh - Medlatec
-
Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS) - Rối Loạn Tiêu Hóa - Cẩm Nang MSD
-
Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS) Là Gì? Những điều Bạn Nên Biết
-
Tổng Quan Về Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS)
-
Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS) | Các Bệnh Viện Mount Elizabeth
-
Chẩn đoán Xác định Hội Chứng Ruột Kích Thích - Vinmec
-
Các Loại Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS) Khác Nhau Là Gì? | Vinmec
-
Bệnh Nhân Mắc Hội Chứng Ruột Kích Thích Cần Chú ý Những Gì
-
Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS) - BỆNH VIỆN BẠCH MAI
-
️ Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS) Là Gì?
-
Hội Chứng Ruột Kích Thích IBS - Nguyên Nhân Và điều Trị
-
Tổng Quan Hội Chứng Ruột Kích Thích-IBS(Irritable Bowel Syndrome)
-
Hội Chứng Ruột Kích Thích Là Gì? - Pacific Cross Vietnam