Hội Chứng Sợ Tiếng ồn (Misophonia): Biểu Hiện Và Cách Vượt Qua

Đã bao giờ bạn cảm thấy khó chịu vì những tiếng động, âm thanh bình thường xuất hiện trong cuộc sống? Chẳng hạn như tiếng gõ bàn phím, tiếng nhai chóp chép, tiếng bước chân,…Nếu đã từng có cảm giác đó thì có thể bạn là một trong số những người đang mắc phải hội chứng sợ tiếng ồn. 

Hội chứng sợ tiếng ồn
Hội chứng sợ tiếng ồn là sự nhạy cảm quá mức đối với các âm thanh thường ngày.

Hội chứng sợ tiếng ồn (Misophonia) là gì?

Hội chứng sợ tiếng ồn hay còn có tên gọi khác là chứng ghét âm thanh hay dị ứng tiếng ồn, tên tiếng anh là Misophonia. Đây là một trong những nỗi sợ phổ biến đang ảnh hưởng đến khoảng 20% tổng dân số trên toàn thế giới.

Tình trạng này khiến cho não bộ của con người rơi vào trạng thái quá tải. Chính sự rối loạn này đã khiến nhiều người xuất hiện những phản ứng vô cùng tiêu cực và mạnh mẽ đối với những âm thanh, tiếng ồn bên ngoài, mặc dù đó chỉ là những âm thanh bình thường như tiếng thở, tiếng bước chân, tiếng nhai.

Trong thực tế thì đôi khi chúng ta cũng cảm thấy khó chịu với những âm thanh quen thuộc hàng ngày, nó khiến cho đầu óc của mình khó tập trung và gây nhiều phiền toái đối với sinh hoạt. Tuy nhiên, đối với những người mắc hội chứng sợ tiếng ồn thì sự khó chịu, bực tức biểu hiện ở mức độ dữ dội, thậm chí có thể khiến họ thực hiện các hành vi thái quá như đập phá, la hét, chửi bởi, kích động.

Biểu hiện của hội chứng sợ tiếng ồn

Theo nghiên cứu nhận thấy, hội chứng sợ tiếng ồn sẽ phổ biến hơn đối với phụ nữ. Đồng thời các triệu chứng cũng sẽ bắt đầu ở giai đoạn sớm, từ khoảng 9 đến 13 tuổi. Hội chứng này thường sẽ xuất hiện một cách đột ngột, bất ngờ và không có liên quan đến những sự kiện mạnh nào xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của mỗi người mà các biểu hiện của hội chứng sợ tiếng ồn cũng sẽ khác nhau. Đối với những người chỉ sợ hãi ở mức độ nhẹ thì khi đối diện với tiếng ồn họ sẽ cảm thấy khó chịu, lo lắng quá mức và có xu hướng né tránh, lẩn trốn khỏi vật đang phát ra âm thanh khiến họ không thoải mái.

Hội chứng sợ tiếng ồn
Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, cáu gắt, bực tức khi nghe thấy những âm thanh ám ảnh.

Còn đối với những trường hợp nghiên trọng hơn sẽ có kèm theo một số triệu chứng như:

  • Tức giận
  • Sợ sệt, bồn chồn, bất an
  • Đau khổ, kích động
  • Hoảng loạn
  • Căng thẳng về cảm xúc
  • Có cảm giác như kiến bò trên da thịt
  • Có tâm lý thù ghét vật hoặc người tạo ra âm thanh gây khó chịu.
  • Muốn giết hoặc phá bỏ nguồn phát ra tiếng ồn
  • Tự làm tổn thương bản thân, tự sát.

Các triệu chứng này gây khó khăn rất nhiều đối với đời sống sinh hoạt của mỗi con người. Tất nhiên bạn không thể né tránh hoàn toàn tất cả những âm thanh phát ra xung quanh, không thể tránh xa bạn bè, người thân trong gia đình. Trong các trường hợp tồi tệ, bạn sẽ dần mất đi sự kiểm soát và có những hành động tiêu cực. Có thể là trở nên hoảng loạn, khóc lóc, bỏ chạy hoặc thậm chí là tấn công người gây ra âm thanh, tiếng ồn.

Nguyên nhân tạo nên chứng sợ tiếng ồn

Các bác sĩ chuyên khoa hiện nay vẫn chưa thể xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra hội chứng sợ tiếng ồn, tuy nhiên họ có thể khẳng định rằng tình trạng này hoàn toàn không liên quan đến các vấn đề về thính giác. Theo đó, một số giả thuyết cho rằng đây chính là một nỗi sợ hãi xuất phát về cả tâm lý lẫn vật lý.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, hội chứng này có sự liên quan đến những âm thanh tác động đến bộ não, nó làm kích hoạt các phản xạ vô điều kiện của cơ thể. Cụ thể một số nguyên nhân có thể liên quan đến hội chứng sợ tiếng ồn như:

1. Hoạt động của não bộ

Trong kết quả của các cuộc nghiên cứu thì hội chứng Misophonia có sự liên quan đến hoạt động bất ổn của 3 vùng não bộ. Đó là:

  • Hệ thống limbic: Đây là nơi chịu trách nhiệm chính trong việc điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc của con người.
  • Hệ thống thần kinh tự chủ: Giúp kiểm soát hầu hết các hoạt động vô thức của con người, chẳng hạn như hô hấp, tiêu hóa, nhịp tim, con ngươi,…
  • Vỏ não thính giác: Nắm giữ vai trò nghe và diễn giải âm thanh.

Khi âm thanh phát ra, 3 vùng não bộ nêu trên sẽ kết hợp với nhau và kích thích não đưa ra phản ứng “chiến hoặc chạy” (fight or flight). Nó khiến cho những người mắc hội chứng sợ tiếng ồn sẽ hình thành các cảm xúc tiêu cực, trở nên khó chịu, lo lắng, bực tức và có mong muốn được tránh xa khỏi tình huống hiện tại.

Sau khi tiến hành quét não bộ của những trường hợp này thì các nhà khoa học cũng nhận thấy được sự khác biệt đối với phản ứng âm thanh giữa người bình thường và người mắc chứng Misophonia.

2. Phản xạ có điều kiện (Classical conditioning)

Nhà sinh lý học người Nga – Ivan Pavlov là người đã phát hiện ra phản xạ có điều kiện, đây là một dạng nhận thức học tập. Ông đã thực hiện một cuộc thí nghiệm với những chú chó. Ông thường rung chuông trước khi mang thức ăn vào cho chúng và hành động này thường xuyên được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Các chú chó cũng đã dần mặc định rằng khi nghe tiếng chuông nó sẽ chuẩn bị được ăn và tự đó sẽ tự động nhỏ dãi khi nghe âm thanh quen thuộc.

Sau một thời gian, các chú chó đã dần quen với điều này và ngay cả khi Pavlov rung chuông nhưng không mang thức ăn đến chúng vẫn nhỏ nước dãi như mọi khi. Qua cuộc thí nghiệm này cho thấy “Hành vi là kết quả của quá trình thành lập phản xạ có điều kiện”.

Qua kết quả của cuộc thí nghiệm này có thể nói về hội chứng sợ tiếng ồn. Nếu như một âm thanh nào đó, chẳng hạn như tiếng nhai chóp chép gắn liền với một sự kiện tiêu cực nào đó đã từng xảy ra trong quá khứ, đặc biệt là thời thơ ấu thì có nhiều khả năng nó sẽ trở thành yếu tố tạo nên các cảm xúc tiêu cực, sợ hãi, lo lắng mỗi khi nghe thấy.

3. Sự ảnh hưởng của các hội chứng tâm lý

Các chuyên gia cho biết rằng, những người mắc phải các vấn đề tâm lý như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu, hội chứng Tourette thường sẽ rất nhạy cảm với tiếng động. Theo đó, bác sĩ – giáo sự của đại học NYU – Lerner cho biết, có rất nhiều các trường hợp người bệnh tâm thần mắc phải hội chứng sợ tiếng ồn.

Các triệu chứng của chúng thường có sự tương đồng với nhau. Chẳng hạn như người bệnh rối loạn lo âu thường cảm thấy lo lắng, căng thẳng, tim đập nhanh, ra nhiều mồ hôi khi đối diện với các tình huống gây lo sợ. Cũng giống như thế, khi họ nghe những âm thanh khó chịu cũng sẽ có những biểu hiện như thế.

Làm sao để vượt qua nỗi sợ tiếng ồn?

Như đã chia sẻ ở trên, hội chứng sợ tiếng ồn không phải là các vấn đề về thính giác nên các bác sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chẩn đoán. Đồng thời, dị ứng âm thanh còn có thể dễ bị nhầm lẫn với một số chứng rối loạn tâm thần khác, dẫn đến việc chẩn đoán sai khiến cho quá trình điều trị không đạt được kết quả như mong đợi.

Hội chứng sợ tiếng ồn
Đeo tai nghe là cách tốt nhất để giảm bớt sự khó chịu bởi những âm thanh xung quanh.

Cho đến hiện nay, giới y học vẫn chưa thể tìm ra được phương pháp hiệu quả để chữa khỏi hoàn toàn hội chứng sợ tiếng ồn. Tuy nhiên, vẫn có một số cách giúp hạn chế những cảm xúc tiêu cực khi đối diện với các âm thanh khó chịu, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Cụ thể như sau:

  • Để hạn chế nghe thấy những âm thanh bên ngoài, bạn có thể đeo nút bịt tai nghe, tránh tiếng ồn. Đây chính là một trong các cách hiệu quả nhất giúp bạn hạn chế được những tác động tiêu cực đến từ âm thanh, tiếng ồn bên ngoài.
  • Khi xuất hiện các âm thanh gây khó chịu thì bạn hãy tự đánh lạc hướng chính mình bằng cách đeo tai nghe và nghe những giai điệu bản thân yêu thích.
  • Nếu bắt buộc phải đến những nơi đông đúc, nhiều âm thanh, nhiều tiếng ồn thì bạn hãy lựa chọn những chỗ ít người, đừng quá để tâm hay chú ý đến những chuyện đang xảy ra bên ngoài.
  • Học cách thư giãn, thả lỏng cơ thể, kiểm soát cảm xúc. Bạn có thể hít thở thật sâu để lấy lại sự bình tĩnh mỗi khi cảm thấy khó chịu về các âm thanh bên ngoài.
  • Hãy chia sẻ và giải thích với mọi người xung quanh về những sự căng thẳng, lo lắng, cảm giác khó chịu của mình khi họ phát ra âm thanh đó.
  • Nếu cảm thấy không kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình, cách tốt nhất là nơi tạm thời tránh xa nơi đang tạo ra âm thanh khó chịu.

Nếu nhận thấy nỗi sợ của mình quá lớn và không thể khắc phục tốt được hoặc nó gây ảnh hưởng quá nhiều đối với đời sống và các sinh hoạt hàng ngày thì bạn nên tìm đến các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn, hỗ trợ bởi những bác sĩ, nhà trị liệu. Hiện nay cũng có rất nhiều các cơ sở chuyên khoa chuyên về cải thiện và khắc phục chứng sợ âm thanh.

Người bệnh sẽ được tiến hành liệu pháp âm thanh bằng những thiết bị âm thanh chuyên biệt và kết hợp cùng với những kỹ thuật tư vấn tâm lý để giúp người bệnh giảm bớt nỗi sợ của mình. Quá trình kiểm soát bệnh cần phải kiên trì trong một thời gian dài, tuy không thể trị dứt điểm nhưng sẽ phần nào kiểm soát được những sự khó chịu của người bệnh đối với tiếng ồn và hạn chế sự ảnh hưởng đối với cuộc sống hàng ngày của họ.

Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về hội chứng sợ âm thanh. Tuy rằng hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để nhưng nếu áp dụng tốt các biện pháp khắc phục nêu trên thì người bệnh vẫn có thể kiểm soát được nỗi sợ của mình, hạn chế các tác động đối với sinh hoạt đời sống.

Có thể bạn quan tâm:

  • Hội chứng sợ kim tiêm (Belonephobia) và Biện pháp khắc phục
  • Sợ sấm sét (Astraphobia): Triệu chứng và Biện pháp khắc phục
  • Hội chứng sợ bóng tối là gì? Biểu hiện và Cách vượt qua

Từ khóa » Chứng Ghét âm Thanh