HƯỚNG DẪN CÁCH XÁC ĐỊNH THÀNH PHẦN CÂU CHO HS LỚP ...
Có thể bạn quan tâm
1. Hướng dẫn học sinh nắm chắc khái niệm câu, các thành phần câu:
1. Khái niệm câu:
- Câu là một tập hợp từ, ngữ kết hợp với nhau theo những quan hệ cú pháp xác định, được tạo ra trong quá trình tư duy, giao tiếp, có giá trị thông báo, gắn liền với mục đích giao tiếp nhất định.(Câu do các từ, cụm từ kết hợp với nhau tạo thành, dùng để diễn đạt một ý trọn vẹn.)
- Dấu hiệu nhận biết câu: Khi nói, hết câu phải có quãng nghỉ. Khi viết, chữ cái đầu câu phải viết hoa, kết thúc câu phải có dấu câu (dấu chấm, dấu hỏi, dấu than, dấu lửng).
Ví dụ : Mùa thu, trời như một chiếc dù xanh bay mãi lên cao.
2. Thành phần câu:
2.1. Chủ ngữ:
- Chủ ngữ là một trong hai thành phần chính của câu nêu tên sự vật hiện tượng có hành động, đặc điểm, trạng thái,…được miêu tả ở vị ngữ. Chủ ngữ thường trả lời cho các câu hỏi Ai? Cái gì? Con gì? Việc gì?Sự vật gì?
- Chủ ngữ thường là danh từ, đại từ, hoặc cụm danh từ. Đôi khi cả tính từ, cụm tính từ, động từ, cụm động từ (gọi chung là thuật từ ) cũng có khả năng làm chủ ngữ. Trong trường hợp này, tính từ và động từ được hiểu như một danh từ. Chủ ngữ có thể là một từ, một cụm từ, một cụm chủ vị. Một câu có một hoặc nhiều chủ ngữ.
- Trong câu chủ ngữ thường đứng trước vị ngữ. Trường hợp đảo ngữ, vị trí của chủ ngữ có thể thay đổi.
2.2. Vị ngữ
- Vị ngữ là thành phần chính của câu nêu hoạt động, trạng thái, tính chất, bản chất, đặc điểm … của người, vật, việc nêu ở chủ ngữ; có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ quan hệ thời gian và trả lời cho các câu hỏi Làm gì? Như thế nào? Là gì?
- Vị ngữ thường là động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ, danh từ hoặc cụm danh từ. Vị ngữ có thể là một từ, một cụm từ, cụm chủ vị. Một câu có thể có một hoặc nhiều vị ngữ.
- Trong câu vị ngữ thường đứng sau chủ ngữ. Trường hợp đảo ngữ, vị trí của vị ngữ có thể thay đổi.
2.3. Trạng ngữ
- Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, bổ sung cho nòng cốt câu, tức là bổ nghĩa cho cả cụm chủ vị trung tâm. Trạng ngữ thường là những từ chỉ thời gian, địa điểm nơi chốn, mục đích, phương tiện, cách thức… để biểu thị các ý nghĩa tình huống: thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mục đích, kết quả, phương tiện, … Trạng ngữ trả lời cho câu hỏi: Khi nào ? Ở đâu ? Vì sao ? Để làm gì ? Bằng cái gì ?
- Trạng ngữ có thể là một từ, một ngữ hoặc một cụm chủ vị. Trạng ngữ thường đứng ở đầu câu. Khi đứng ở đầu câu thì được ngăn cách bằng dấu phẩy. Có khi trạng ngữ đứng ở giữa câu hoặc cuối câu. Ở vị trí cuối câu, trạng ngữ thường có từ nối.
Giữa trạng ngữ và thành phần chính của câu thường được ngăn cách bằng dấu phẩy (khi viết) và ngắt quãng (khi nói).
- Các loại trạng ngữ:
a) Trạng ngữ chỉ thời gian:
b) Trạng ngữ chỉ nơi chốn:
c) Trạng ngữ chỉ nguyên nhân:
d) Trạng ngữ chỉ mục đích:
e) Trạng ngữ chỉ phương tiện:
2. Hướng dẫn học sinh cách xác định thành phần chính (chủ ngữ, vị ngữ) trong câu kể qua các bài tập.
Để xác định tốt chủ ngữ, vị ngữ, giáo viên phải cho học sinh đặt câu hỏi - tìm câu trả lời để xác định chủ ngữ, vị ngữ; Phân tích để học sinh hiểu rõ khái niệm, bản chất của chủ ngữ, vị ngữ. Khi dạy, giáo viên cho học sinh đặt câu hỏi để tìm ra CN, VN bằng cách cho học sinh thực hiện theo cặp: một học sinh đặt câu hỏi - một học sinh trả lời. Câu trả lời không nhắc lại câu hỏi.
2.1. Chủ ngữ, vị ngữ trong câu kể Ai là gì ?
- Chủ ngữ chỉ sự vật được giới thiệu, nhận định ở vị ngữ.
- Vị ngữ được nối với chủ ngữ bằng từ là. Vị ngữ nhận định về sự vật nêu ở chủ ngữ.
2.2. Chủ ngữ, vị ngữ trong câu kể Ai làm gì ?
- Chủ ngữ chỉ sự vật (người, con vật hay đồ vật, cây cối được nhân hóa) có hoạt động được nói đến ở vị ngữ.
- Vị ngữ nêu lên hoạt động của người, con vật (hoặc đồ vật, cây cối được nhân hóa).
2.3. Chủ ngữ, vị ngữ trong câu kể Ai thế nào ?
- Chủ ngữ chỉ những sự vật có đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái được nói đến ở vị ngữ.
- Vị ngữ chỉ đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật nói đến ở chủ ngữ.
Bài tập 1. Xác định thành phần chính của các câu sau:
a) Mẹ em là giáo viên.
b) Hoa phượng cũng là hoa học trò.
c) Đây là bạn Hoa.
d) Khoảng gần trưa, khi sương tan, đấy là khi chợ náo nhiệt nhất.
Hướng dẫn:
a) Hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi: Ai là giáo viên ? (mẹ em - "mẹ em" là CN); Mẹ em là gì ? (là giáo viên -"là giáo viên" là VN)
b) Nhiều học sinh xác định: "Hoa phượng cũng " là CN, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh: "hoa phượng cũng" là chủ ngữ không đúng nghĩa mà ý của câu muốn nói đến: sự xuất hiện như nhau thường niên của hoa phượng - hoa học trò: "cũng là".
- Đặt câu hỏi : Cái gì là hoa học trò ? (Hoa phượng - "hoa phượng" là CN); Hoa phượng là gì ? (cũng là hoa học trò - CN).
c) Ai là bạn Hoa ? (Đây - CN) - (Đại từ làm chủ ngữ); Đây là ai ? (là bạn Hoa - VN)
d) Câu có trạng ngữ nên giáo viên hướng dẫn học sinh "đấy" là đại từ thay thế cho "khoảng gần trưa, khi sương tan" nên "đấy" là đại từ làm CN. Áp dụng kiến thức mẫu câu Ai là gì ? CN nối với vị ngữ bằng từ "là".
- Lúc nào là khi chợ náo nhiệt nhất ? (Khoảng gần trưa, khi sương tan); Từ nào thay thế cho khoảng gần trưa, khi sương tan? (đấy - CN) (Đại từ làm chủ ngữ); Đấy là gì ? (là khi chợ náo nhiệt nhất - VN).
Kết quả:
a) Mẹ em // là giáo viên.
b) Hoa phượng // cũng là hoa học trò.
c) Đây // là bạn Hoa.
d) Khoảng gần trưa, khi sương tan, đấy // là khi chợ náo nhiệt nhất.
Bài tập 2. Tìm chủ ngữ, vị ngữ trong các câu sau:
a) Em bé cười.
b) Mấy chú Dế sặc nước, loạng choạng bò ra khỏi tổ.
c) Mấy chú Dế sặc nước loạng choạng bò ra khỏi tổ.
d) Một bác giun bò đụng chân nó mát lạnh hay tiếng một chú dế rúc rích cũng khiến nó giật mình, sẵn sàng tụt nhanh xuống hố sâu.
Hướng dẫn:
a) Hướng dẫn HS đặt câu hỏi: Ai cười ? (Em bé - "em bé" là CN); Em bé làm gì? (cười - VN)
b) Vì câu có dấu phẩy ngăn cách hai hoạt động nên hướng dẫn HS đặt câu hỏi: Con gì sặc nước, loạng choạng bò ra khỏi tổ ? (HS trả lời: mấy chú Dế - "mấy chú Dế" là CN); Mấy chú Dế làm gì ? (sặc nước, loạng choạng bò ra khỏi tổ - VN)
c) Nhìn qua thì câu này giống câu b) nhưng giáo viên giúp học sinh nhận biết: câu không có dấu phẩy nên đặt câu hỏi : Con gì sặc nước ? (Con Dế - Con Dế là CN); Con Dế thế nào? (sặc nước - "sặc nước" là VN); Con gì loạng choạng bò ra khỏi tổ ? (Con Dế sặc nước - " Con Dế sặc nước" là CN). Trong trường hợp này CN là cụm chủ vị; Mấy chú Dế sặc nước làm gì ? (loạng choạng bò ra khỏi tổ - VN).
d) Tương tự câu c), giáo viên hướng dẫn HS xác định câu trên chủ ngữ có hai cụm chủ vị; có hai vị ngữ, có một nội dung thông báo.
Kết quả:
a) Em bé // cười.
b) Mấy chú Dế // sặc nước, loạng choạng bò ra khỏi tổ.
c) Mấy chú Dế sặc nước // loạng choạng bò ra khỏi tổ.
d) Một bác giun bò đụng chân nó mát lạnh hay tiếng một chú dế rúc rích // cũng khiến nó giật mình, sẵn sàng tụt nhanh xuống hố sâu.
Bài tập 3. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong các câu sau:
a) Mái tóc của mẹ em rất đẹp.
b) Tiếng sóng vỗ loong boong bên mạn thuyền.
c) Sóng vỗ loong boong bên mạn thuyền.
d) Con gà to, ngon.
e) Con gà to ngon.
g) Sau những cơn mưa xuân, một màu xanh non ngọt ngào thơm mát trải ra mênh mông trên khắp các sườn đồi
Hướng dẫn:
a) Nhiều học sinh xác định "mái tóc" là CN. Giáo viên cần hướng dẫn các em đặt câu hỏi: Cái gì rất đẹp? (Mái tóc); Mái tóc của ai ?(của mẹ em) - Cái gì rất đẹp? (mái tóc của mẹ em - CN); CN là cụm danh từ
b) Khi xác định chủ ngữ, giáo viên hướng dẫn học sinh dựa vào mục đích thông báo để xác định đúng chủ ngữ. Phân biệt "tiếng sóng" nghe được bằng tai và "sóng" ta có thể nhìn thấy. Vì vậy, giáo viên giúp học sinh đặt câu hỏi: Cái gì loong boong bên mạn thuyền? (tiếng sóng vỗ - "tiếng sóng vỗ" là CN ); Tiếng sóng vỗ thế nào ? (loong boong bên mạn thuyền - VN).
c) Hướng dẫn HS đặt câu hỏi: Cái gì vỗ loong boong bên mạn thuyền? (sóng - "sóng" là CN); Sóng thế nào? (vỗ loong boong bên mạn thuyền - VN)
d) Ở câu này, giáo viên giúp học sinh phân biệt dấu phẩy thể hiện hai đặc điểm to, ngon ngang hàng nhau. Nội dung thông báo: Con gà nào cũng to ngon. Hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi: Con gì to, ngon ? (Con gà - "con gà" là chủ ngữ); Con gà thế nào? (to, ngon - VN).
e) "to" và "ngon" cũng chỉ hai đặc điểm nhưng không có dấu phẩy ngăn cách nên phải đặt câu hỏi : Con gì ngon? (HS trả lời: Con gà to - "con gà to" là chủ ngữ); Con gà to thế nào? (ngon - VN). Nội dung thông báo: con gà to mới ngon.
Như vậy, khi dạy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh dựa vào dấu phẩy, dựa vào nội dung thông báo để xác định đúng chủ ngữ, ranh giới giữa chủ ngữ và vị ngữ trong câu.
g) Trong câu trên học sinh dễ nhầm lẫn ranh giới giữa CN, VN. Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm sự vật được nói đến trong câu: sự vật gì ? (màu xanh non - CN); Màu xanh non thế nào? (ngọt ngào thơm mát - VN); Cái gì trải ra mênh mông trên khắp các sườn đồi ? (một màu xanh non ngọt ngào thơm mát - Là CN). Vậy câu trên có chủ ngữ là một cụm chủ vị; Sau những cơn mưa xuân, một màu xanh non ngọt ngào thơm mát thế nào? (trải ra mênh mông trên khắp các sườn đồi - VN).
Kết quả: a) Mái tóc của mẹ em rất đẹp.
b) Tiếng sóng vỗ // loong boong bên mạn thuyền.
c) Sóng // vỗ loong boong bên mạn thuyền.
d) Con gà // to, ngon.
e) Con gà to// ngon.
g) Sau những cơn mưa xuân, một màu xanh non ngọt ngào thơm mát // trải ra mênh mông trên khắp các sườn đồi.
Bài tập 4. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong các câu sau:
a) Đã tan tác những bóng thù hắc ám.
b) Đã sáng lại trời thu tháng Tám.
c) Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình, mái chùa cổ kính.
d) Dưới tầng đáy rừng, như đột nhiên, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng.
e) Nơi ngực cô Mai tì xuống đón đường bay của giặc, mọc lên những bông hoa tím.
Hướng dẫn:
a) Giáo viên đặt câu hỏi: Chủ ngữ thường đứng ở vị trí nào trong câu ?(đầu câu); Chủ ngữ trả lời câu hỏi nào ?(Ai ? Cái gì ? Con gì ?); Vậy trong câu nói đến Ai? Ai tan tác ? (những bóng thù hắc ám - CN); Những bóng thù thế nào ? (Đã tan tác - VN).
- Em có nhận xét gì về vị trí của chủ ngữ, vị ngữ trong câu; Chủ ngữ đứng ở vị trí nào trong câu ? (Chủ ngữ đứng sau vị ngữ);Vị ngữ đứng ở vị trí nào trong câu ? (Vị ngữ đứng trước chủ ngữ).
Giáo viên kết luận: Thông thường chủ ngữ đứng trước vị ngữ nhưng ở câu này ngược lại : Chủ ngữ đứng sau vị ngữ - ta gọi là câu đảo ngữ.
b) Tương tự, cho học sinh đặt câu hỏi: Cái gì sáng lại ? (trời thu tháng tám - CN); trời thu tháng tám thế nào? (Đã sáng lại - VN)
c) Hướng dẫn: trong câu nói đến cái gì ? hoặc đặt câu hỏi: Cái gì thấp thoáng ? (mái đình, mái chùa cổ kính - CN); Dưới bóng tre của ngàn xưa, mái đình, mái chùa cổ kính thế nào ? (thấp thoáng - VN).
- Em có nhận xét gì về câu trên ? (Câu đảo ngữ).
d) Hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi: Trong câu nói đến Cái gì ? (những chùm thảo quả - CN); Những chùm thảo quả thế nào? (đỏ chon chót bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng - VN); Cái gì bỗng rực lên ? (Những chùm thảo quả đỏ chon chót bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng - CN); "Những chùm thảo quả đỏ chon chót bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng" thế nào ? (bỗng rực lên - VN).
- Em có nhận xét gì về chủ ngữ trong câu trên ? (CN là một cụm C-V)
e) Tương tự: Trong câu nói đến Cái gì ? (những bông hoa tím - CN); Những bông hoa tím thế nào ? (mọc lên - VN). Câu đảo C-V thường là câu miêu tả, có dụng ý nghệ thuật, đảo để nhấn mạnh.
Kết quả:
a) Đã tan tác // những bóng thù hắc ám.
VN CN
b) Đã sáng lại // trời thu tháng Tám.
VN CN
c) Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng // mái đình, mái chùa cổ kính.
VN CN
d) Dưới tầng đáy rừng, như đột nhiên, bỗng rực lên // những chùm thảo quả đỏ chon chót bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng. VN CN
e) Trên nền cát trắng tinh, nơi ngực cô Mai tì xuống đón đường bay của giặc, mọc lên // những bông hoa tím.
VN CN
Biện pháp 3. Hướng dẫn học sinh cách xác định trạng ngữ.
Bài tập 5. Tìm trạng ngữ trong các câu sau và cho biết tên các loại trạng ngữ:
a) Thỉnh thoảng, tôi lại về thăm Ngoại.
b) Trước cổng trường, từng tốp các em nhỏ tíu tít ra về.
c) Cô bé dậy thật sớm thổi giúp mẹ nồi cơm vì muốn mẹ đỡ vất vả.
d) Để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, chúng ta phải học tập và rèn luyện thật tốt.
e) Với giọng nói từ tốn, bà kể em nghe về tuổi thơ của bà.
Hướng dẫn:
- Cho học sinh nhắc lại kiến thức về trạng ngữ.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi:
a) Khi nào tôi về thăm ngoại ? (thỉnh thoảng - TN chỉ thời gian);
b) Từng tốp các em nhỏ tíu tít ra về ở đâu? (Trước cổng trường - TN chỉ nơi chốn);
c) Vì sao cô bé dậy thật sớm thổi giúp mẹ nồi cơm? (vì muốn mẹ đỡ vất vả - TN chỉ nguyên nhân); Nhiều học sinh không xác định “vì muốn mẹ đỡ vất vả” là trạng ngừ mà coi đó là vị ngữ.
+ Chúng ta phải học tập và rèn luyện thật tốt để làm gì ? (Để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ - TN chỉ mục đích)
+ Bà kể em nghe về tuổi thơ của bà với cái gì ? (Với giọng nói từ tốn - TN chỉ phương tiện)
Kết quả trạng ngữ được gạch chân như sau:
a) Thỉnh thoảng, tôi lại về thăm Ngoại.
b) Trước cổng trường, từng tốp các em nhỏ tíu tít ra về.
c) Cô bé dậy thật sớm thổi giúp mẹ nồi cơm vì muốn mẹ đỡ vất vả.
d) Để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, chúng ta phải học tập và rèn luyện thật tốt.
e) Với giọng nói từ tốn, bà kể em nghe về tuổi thơ của bà.
Bài tập 5. Xác định thành phần chính, thành phần phụ trong các câu sau:
a) Mỗi lấn Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ rải trên các lề phố Hà Nội, lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân.
b) Trưa, nước biển xanh lơ và khi chiều tà, biển đổi sang màu xanh lục.
c) Cái hình ảnh trong tôi về cô, đến bây giờ, vẫn còn rõ nét.
d) Bến đảo Cô Tô, một hòn ngọc ngày mai của tổ quốc đang chờ đợi chúng ta, thúc giục chúng ta.
đ) Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mông, chiếc xuồng của má Bảy chở thương binh lặng lẽ trôi.
e) Trong bóng nước láng trên mặt cát như gương, những con chim bông biển trong suốt như thuỷ tinh lăn tròn trên những con sóng.
g) Khoảng gần khuya, trên các chỏm rừng, gió tây nam cuốn mây xám cả về một góc, rồi thổi dạt đi.
h) An và Liên ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và các con vịt theo sau ông Thần Nông.
Hướng dẫn:
a) Đặt câu hỏi để xác định TN: Khi nào ? (Mỗi lấn Tết đến - TN); Ở đâu ? (đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ rải trên các lề phố Hà Nội - TN).
+ Xác định chủ ngữ: Ai thấm thía mỗi biết ơn ? (lòng tôi - CN).
+ Xác định vị ngữ: lòng tôi thế nào ? (thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân - VN).
b) Đặt câu hỏi để xác định TN: Khi nào ? (trưa; khi chiều tà - TN), nhiều học sinh không xác định được vế câu nên cho bộ phận này là CN
+ Xác định chủ ngữ: Cái gì ? (nước biến; biển - CN).
+ Xác định vị ngữ: nước biến thế nào ? (xanh lơ - VN); biển thế nào ? (đổi sang màu xanh lục - VN).
Câu này có mấy cụm C-V ? (2 cụm C-V). Đó là câu gì ? (Câu ghép - Mẫu câu Ai thế nào?)
Câu c), d), đ), e), g) tương tự: giáo viên lưu ý câu c) trạng ngữ đứng ở giữa câu, câu h) trạng ngữ ở cuối câu có từ nối "để". Câu đ), e) chủ ngữ là một cụm C-V nên hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi từng yêu cầu nhỏ để xác định đúng CN, VN. Câu g) có hai vị ngữ.
Kết quả:
a) Mỗi lấn Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ rải trên các lề phố Hà Nội, lòng tôi // thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân. CN VN
b) Trưa, nước biển// xanh lơ và khi chiều tà, biển // đổi sang màu xanh lục.
TN CN VN TN VN VN
c) Cái hình ảnh trong tôi về cô, đến bây giờ, vẫn còn rõ nét.
CN TN VN
d) Bến đảo Cô Tô, một hòn ngọc ngày mai của tổ quốc // đang chờ đợi chúng ta, thúc giục chúng ta. CN VN
đ) Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mông, chiếc xuồng của má Bảy chở thương binh // lặng lẽ trôi.
CN VN
e) Trong bóng nước láng trên mặt cát như gương, những con chim bông biển trong suốt như thuỷ tinh // lăn tròn trên những con sóng.
CN VN
g) Khoảng gần khuya, trên các chỏm rừng, gió tây nam // cuốn mây xám cả về một góc, rồi thổi dạt đi. CN VN
h) An và Liên // ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và các con
CN VN TN
vịt theo sau ông Thần Nông.
Biện pháp 4. Hướng dẫn học sinh cách xác định thành phần câu trong câu sai và cách khắc phục.
Trong Tiếng Việt, khi nói và viết có nhiều lỗi sử dụng câu sai dẫn đến làm cho người đọc, người nghe khó chịu, không hiểu hết ý nghĩa của lời nói như: câu không đủ thành phần; câu thừa thành phần; câu sai lôgic; câu sai dùng từ,...Trong phạm vi đề tài hướng dẫn học sinh nhận biết lỗi về thành phần câu (sai về cấu tạo ngữ pháp: câu không đủ thành phần; câu thừa thành phần) và cách khắc phục.
1. Câu không đủ thành phần:
Câu không đủ thành phần thường là thiếu chủ ngữ; thiếu vị ngữ; thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ (chỉ có trạng ngữ). Khi dạy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh dựa vào kiến thức đã học để xác định các thành phần câu, vị trí mà trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ thường xuất hiện trong câu để xác định.
Bài tập 6. Chỉ ra lỗi sai ở mỗi câu sau rồi chữa lại cho đúng:
a) Cứ tiếp tục đánh Pháp cho đến ngày toàn thắng.
b) Trong truyện "Cây tre trăm đốt" cho em thấy cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác.
c) Vào năm học mới, chiếc cặp mà bố tặng em.
d) Lòng dũng cảm của chú công an và con ngựa.
e) Trên cánh đồng làng chạy dọc theo con sông Máng.
g) Khi em nhìn lên ánh mắt yêu thương của Bác.
Hướng dẫn:
a) Giáo viên hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi: Ai tiếp tục đánh Pháp cho đến ngày toàn thắng ? (HS: chưa có trong câu). Bộ phận Ai ? không xuất hiện trong câu (thiếu). Câu này là câu sai - thiếu CN. Muốn câu này trở thành câu đúng, ta phải làm như thế nào ? (Thêm bộ phận CN). Sau dó giáo viên cho HS thêm, chọn cụm từ phù hợp "Chúng ta". Viết lại câu văn sau khi đã sửa (câu đúng).
b) Ở đâu ? (Trong truyện "Cây tre trăm đốt"). Trả lời cho câu hỏi Ở đâu ? là bộ phận gì ? (TN chỉ nơi chốn); Ai cho em thấy ? (Chưa biết - thiếu CN). Vậy ai cho em thấy cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác ? Học sinh thêm chủ ngữ (tác giả).
c) Tương tự, HS xác định TN "Vào năm học mới", đặt câu hỏi để tìm ra CN "chiếc cặp mà bố tặng em". Chiếc cặp mà bố tặng em thế nào ? (thiếu VN). HS tự thêm.
d) Hướng dẫn để HS tìm ra câu thiếu VN, cần thêm bộ phận VN.
e); g) Hướng dẫn HS đặt câu hỏi: Ở đâu ? Khi nào ? (cả hai câu này đều có TN, thiếu CN, VN). Sửa bằng cách thêm bộ phận CN, VN hoặc bỏ từ chỉ nơi chốn "trên" thời gian "khi".
Kết quả:
Câu a); b) Sai: Thiếu CN; Sửa: Thêm CN; Sửa lại:
a) Chúng ta // vẫn tiếp tục đánh Pháp cho đến ngày toàn thắng.
b) Trong truyện "Cây tre trăm đốt", tác giả // cho em thấy cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác.
Câu c); d) Sai: Thiếu VN; Sửa: Thêm VN hoặc cấu tạo lại cả câu; Sửa lại:
c) Vào năm học mới, chiếc cặp mà bố tặng em // rất ý nghĩa.
d) Lòng dũng cảm của chú công an và con ngựa // làm em rất khâm phục.
Hoặc: Chú công an và con ngựa // đều dũng cảm.
Câu e); g) Sai: Thiếu CN, VN;
Sửa: Thêm CN, VN hoặc bỏ từ "trên", "khi";
Sửa lại:
e) Trên cánh đồng làng chạy dọc theo con sông máng, bà con nông dân //đang gặt lúa.
Hoặc: Cánh đồng làng // chạy dọc theo con sông Máng.
g) Khi em nhìn lên ánh mắt yêu thương của Bác, em tự nhủ // sẽ chăm học.
Hoặc: Em // nhìn lên ánh mắt yêu thương của Bác.
2. Câu không thừa thành phần:
Câu thừa thành phần thường là câu thừa chủ ngữ; vị ngữ; hoặc thừa một số từ, cụm từ làm cho câu văn nặng nề. Khi dạy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh dựa vào thành phần câu, từ ngữ trong câu để loại bỏ các thành phần câu bị thừa, giúp câu văn gọn, dễ hiểu nhằm miêu tả đúng ý mà người viết muốn hướng tới.
Bài tập 7. Chỉ ra lỗi sai ở mỗi câu sau rồi chữa lại cho đúng:
a) Mẹ em đó là người rất chăm làm.
b) Ngôn ngữ Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp.
c) Các nhà văn, nhà báo hiểu rất rõ trọng trách quan trọng của người cầm bút.
d) Truyện Hươu và Rùa người xưa đã cho chúng ta thấy tình bạn giữa hươu và rùa rất đẹp.
Hướng dẫn:
a) Hướng dẫn đặt câu hỏi: Ai là người rất chăm làm ? (Mẹ em; đó). Từ "đó" chỉ ai ? (Từ "đó" chỉ mẹ em). Câu này sai chỗ nào ? (thừa thành phần - "đó"). Sửa : bỏ từ "đó". Viết lại câu văn cho đúng.
b) Tiếng Việt dùng để làm gì ? (nói, viết). GV: trong Tiếng Việt có ngôn ngữ nói và viết. Tiếng Việt bao hàm cả ngôn ngữ. Câu trên thừa thành phần "ngôn ngữ".
c) Hướng dẫn để học sinh tìm được CN, VN. Từ nào dùng thừa ? ("quan trọng" vì trọng trách có nghĩa là trách nhiệm lớn, nặng nề, quan trọng). Thừa từ "quan trọng".
d) Câu văn thừa từ "người xưa" vì ở đây chỉ nói đến hiện tại nên bỏ từ "người xưa" hoặc thêm từ "qua".
Kết quả:
Các câu trên Sai: thừa thành phần;
Sửa: bỏ thành phần thừa hoặc thêm từ;
Sửa lại:
a) Mẹ em là người rất chăm làm.
b) Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp.
c) Các nhà văn, nhà báo hiểu rất rõ trọng trách của người cầm bút.
d) Truyện Hươu và Rùa đã cho chúng ta thấy tình bạn giữa hươu và rùa rất đẹp.
Hoặc: Qua truyện Hươu và Rùa, người xưa đã cho chúng ta thấy tình bạn giữa hươu và rùa rất đẹp.
Bài tập 8. Đặt câu theo yêu cầu sau rồi phân tích chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ (nếu có).
a) Câu có chủ ngữ là động từ.
b) Câu có chủ ngữ là tính từ.
c) Câu có chủ ngữ là một cụm C-V.
d) Câu có vị ngữ là một cụm C-V.
e) Câu có trạng ngữ là một cụm C-V.
g) Câu có nhiều chủ ngữ.
h) Câu có nhiều vị ngữ.
i) Câu có nhiều trạng ngữ.
k) Câu đảo ngữ.
Hướng dẫn:
- Khi đặt câu, cần hướng dẫn học sinh phân biệt cách đặt câu:
+ Đặt câu theo yêu câu: cần đặt câu gọn theo đúng yêu cầu của bài tập, không cần dài dòng.
+ Khi đặt câu để viết văn hoặc khi nói, viết thì cần đặt câu có hình ảnh, dùng từ gợi tả, gợi cảm cho câu văn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.
- Giáo viên cho học sinh thực hành đặt câu, trình bày theo cặp sau đó chữa bài trước lớp.
Kết quả:
a) Học // quả là khó khăn vất vả. ("Học" - Động từ)
b) Ngoan ngoãn // là đức tính tốt của học sinh. ("Ngoan ngoãn" - Tính từ)
c) Con đò của bác Phấn chở thương binh // lặng lẽ trôi theo dòng nước.(Chủ ngữ là một cụm C-V "Con đò của bác Phấn // chở thương binh")
d) Bạn Lan // là học sinh giỏi.(" học sinh// giỏi"-Một cụm C-V)
e) Khi hoa đào nở, Tết // đang đến gần.("Khi hoa đào //nở" - trạng ngữ là một cụm C-V).
g) Hoa lá, quả chín, những vạt nấm ẩm ướt // đua nhau toả mùi thơm.
(Câu có nhiều chủ ngữ)
h) Ban Lan // hát hay, múa dẻo. (Câu có nhiều vị ngữ)
i) Vào một đêm cuối xuân1947, khoảng hai giờ sáng, trên đường đi công tác, Bác Hồ // đến nghỉ chân ở một nhà bên đường. (Câu có 3 trạng ngữ)
k) Đẹp vô cùng // tổ quốc chúng ta.(Câu đảo ngữ)
* Một số bài tập vận dụng, củng cố kĩ năng xác định thành phần câu.
Bài 1. Với dấu câu (…) đưới đây, em hãy thêm một chủ ngữ để tạo thành câu hoàn chỉnh.
a) Vào giờ tan tầm, ô tô, xê máy,………… đi lại nườm nượp trên đương phố.
b) Trong vườn, hoa hồng, hoa huệ, ……………..đua nhau nở rộ.
c) Dọc theo bờ sông, những…………. sum sê trĩu quả.
Bài 2. Dùng dấu // để phân tách chủ ngữ và vị ngữ rồi nêu cấu tạo của chủ ngữ trong các câu đưới dây.
Câu | Cấu tạo của chủ ngữ |
a) Trong vườn, cây cối// um tùm. | Mẫu : Danh từ |
b) Ngôi nhà em ở rất sạch và đẹp. |
|
c) Hoa hồng Đà Lạt có mùi hương rất đặc biệt. |
|
d) Qua khe giậu,ló ra mấy quả ớt đỏ chói. |
|
e) Sau một hồi lượn vòng trên không trưng trong lành, chúng đạu xuống mặt đất. |
|
Bài 3. Dùng dấu // để tách chủ ngữ, vị ngữ trong từng câu dưới đây rồi làm theo mẫu.
Câu | Cấu tạo của vị ngữ |
a) Em bé // cười. | Mẫu : Động từ |
b) Sân trường lúc nào cũng sạch sẽ |
|
c) Quê hương là chùm khế ngọt |
|
d) Hoa giấy đẹp một cách giản dị |
|
e) Sa pa quả là một món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta. |
|
Bài 4. Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong các câu sau:
a) Trong năm học tới đây, các em sẽ cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn.
b) Đâu đó, từ sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông, tiếng lanh canh của thuyền chài gỡ những mẻ cá cuối cùng truyền đi trên mặt nước, khiến mặt sông nghe như rộng hơn.
c) Trên cái đất phập phều và lắm gió, dộng như thế, cây đứng lẻ khó mà chống nổi những cơn thịnh nộ của trời.
d) Lặng lẽ tới gần xem thực hư thế nào,cụ khẽ e hèm để anh khỏi giật mình.
đ) Hệt như một chiếc ngà non, mảnh trăng cuối tháng ló dần ra khỏi đỉnh núi.
e) Đã qua rồi cái thời túp lều nửa xiêu nửa vẹo dựa vào vách núi.
i) Dưới ánh nắng, giọt sữa dần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng trĩu cái chất trong sạch của trời.
k) Chiếc lá thoáng tròng trành, chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.
l) Từ dời Lý, đời Trần, đời lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi.
Bài 5. Xác định CN, VN, TN (nếu có) trong các câu sau:
a) Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi.
b) Đột ngột,nó quay lại nện cho chó vện một đá vào đầu, rồi nhảy phốc lên cổng chuồng trâu, dứng nhìn xuống vẻ phớt lờ.
c) Mấy chục năm đã qua,chiếc áo còn nguyên như ngày nào mặc dù cuộc sống của chúng tôi đã có nhiều thay đổi.
d) Đẹp vô cùng tổ quốc chúng ta.
đ) Tiếng cá quẫy tũng toẵng xôn xao quanh mạn thuyền.
e) Những chú gà nhỏ như những hòn tơ lăn tròn trên bãi cỏ.
g) Học quả là khó khăn, vất vả.
h) Suối chảy róc rách.
i) Tiếng suối chảy róc rách.
k) Con mèo nhảy làm đổ lọ hoa.
Bài 6. Gạch chân bộ phận trạng ngữ trong các câu sau và cho biết trạng ngữ đó bổ sung ý nghĩa gì cho câu.
a) Khi phương đông vừa vấn bụi hồngcon họa mi ấy lại hót vang lừng.
b) Để làm ra buồng ra nải,cây mẹ phải đua hoa chúc xuôi sang một phía.
c) Bằng một giọng thân tình ,thầy khuyên chúng em cố gắng học bài, làm bài đầy đủ.
d) Nhờ tinh thần ham học hỏi, I- ren trở thành một nhà khoa học nổi tiếng.
đ) Vì rét, những cây lan trong chậu sắt lại
e) Bên bờ biển, anh họa si vừa vẽ tranh vừa nghe nhạc.
g) Anh đã làm nên bao điều kì lạ, với mẫu bút chì.
h) Trên đường ta về lại thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ.
i) Vào một đêm cuối xuân1947, khoảng hai giờ sáng,trên đường đi công tác ,Bác Hồ đến nghỉ chân ở một nhà bên đường.
k) Hoa lá , quả chín, những vạt nấm ẩm ướt và con suối chảy thầm dưới đất đua nhau toả mùi thơm.
l) Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông cá sấu cản trước mũi thuyền, trên cạn hổ rình xem hát, con người/ phải thông minh và giàu nghị lực lắm.
Bài tập 7. Chỉ ra lỗi sai ở mỗi câu sau rồi chữa lại cho đúng:
a) Qua tác phẩm này, tố cáo xã hội bất công.
b) Bên cạnh lời dặn dò đó, còn chỉ ra cho chúng ta thấy giá trị tinh thần của đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
c) Mỗi đồ vật trong căn nhà nhỏ bé, đơn sơ mà ấm cúng.
d) Xuân Diệu, một con người yêu đời, thiết tha với cuộc sống.
e) Ở nước ta, với 80% dân cư ở nông thôn, 70% lao động nông nghiệp nông thôn.
g) Trên khuôn mặt bầu bĩnh, hồng hào, sáng sủa.
h) Quyến sách Tiếng Việt đối với em là người bạn thân thiết của em.
Bài tập 8.Đặt câu theo yêu cầu sau rồi phân tích chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ (nếu có).
a) Câu có chủ ngữ là danh từ.
b) Câu có chủ ngữ là cụm danh từ.
c) Câu kể Ai là gì ?
d) Câu kể Ai thế nào?
e) Câu ghép.
Từ khóa » Cách Xác định Trạng Ngữ Chủ Ngữ Vị Ngữ
-
Thế Nào Là Chủ Ngữ, Vị Ngữ, Trạng Ngữ, Bổ Ngữ, định Ngữ
-
Bài Tập Xác định Chủ Ngữ, Vị Ngữ, Trạng Ngữ Trong Câu Có đáp án
-
Cách Xác định Chủ Ngữ Vị Ngữ - TopLoigiai
-
Chủ Ngữ, Vị Ngữ, Trạng Ngữ Là Gì? Cho Ví Dụ?
-
Xác Định Chủ Ngữ, Vị Ngữ, Trạng Ngữ Trong Câu Có Đáp Án [Lớp 4]
-
Chủ Ngữ, Vị Ngữ, Trạng Ngữ Là Gì? Cách Xác định, đặt Câu Và Ví Dụ ...
-
Thế Nào Là Chủ Ngữ, Vị Ngữ, Trạng Ngữ, Bổ Ngữ, định Ngữ - Sen Tây Hồ
-
Thế Là Nào Chủ Ngữ, Vị Ngữ, Trạng Ngữ - Trang Lan - Hoc247
-
Câu Hỏi Xác định Trạng Ngữ Chủ Ngữ Vị Ngữ Trong Các Câu Saua Cô
-
Xác định Trạng Ngữ, Chủ Ngữ, Vị Ngữ Trong Các Câu Sau
-
Xác định Trạng Ngữ, Chủ Ngữ, Vị Ngữ Trong Các Câu Sau
-
Bài Tập Xác định Chủ Ngữ, Vị Ngữ, Trạng Ngữ Trong Câu - Tài Liệu Text
-
Trạng Ngữ .chủ Ngữ,vị Ngữ Là Gì - Olm
-
BÀI TẬP XÁC ĐỊNH CHỦ NGỮ, VỊ NGỮ, TRẠNG NGỮ TRONG CÂU