Hướng Dẫn Cầm Bút Lông đúng Cách – Ngũ Chỉ Chấp Bút

Trong thuật ngữ thư pháp, 5 ngón tay được gọi bằng 5 tên:

- Yểm: Đại mẫu chĩ - ngón cái

- Ấp: Thực chỉ - ngón trỏ

- Câu: Trung chỉ - ngón giữa

- Cách: Vô danh chỉ - ngón áp út

- Để: Tiểu chỉ - ngón út.

Về động tác có thể khái quát như sau:

1/ Yểm: Đầu ngón cái áp sát vào cán bút, cảm giác thấy có nguồn lực từ trong bàn tay đi ra ngoài.

2/ Ấp: Lòng cuối ngón trỏ áp sát cán bút theo hướng giao đầu với đầu ngón cái, lực từ ngoài đi vào lòng bàn tay.

3/ Câu: Lòng cuối ngón giữa song song với ngón trỏ có tác dụng trợ lực cho ngón trỏ, đầu ngón tay giữa cũng áp vào cán bút.

4/ Cách: Phần móng ngón vô danh áp cán bút, đẩy bút theo huứng nghịch lại, tức hướng từ thân ra ngoài.

5/ Để: Ngón út không áp cán bút mà nương theo hỗ trợ cho ngón vô danh.

Yêu cầu chung: ngón giữa và ngón vô danh cùng ngón út phối hợp dùng lực nên ít, giữ cho thân bút thẳng. Ngón vô danh và ngón út không được để cong quẹo hoặc chạm vào lòng bàn tay. Khi cầm bút đã ổn định rồi giữ lòng bàn tay dựng đứng, nâng khuỷu tay lên không gần như song song với mặt bàn, bắt đầu vận bút.

Trong suốt quá trình luyện chữ bạn phải luôn nhớ những điều nêu trên, nếu lơ là dễ rơi vào trường hợp cầm bút sai qui cách, phải cố gắng đạt được bốn yêu cầu sau đây (xem như khẩu quyết).

  • Chỉ thực: Các ngón tay luôn có lực cầm bút phải chắc chắn
  • Chưởng hư: Lòng bàn tay luôn trống không
  • Oản bình: Cổ tay luôn thẳng bằng
  • Huyền trửu: Cánh tay luôn ở tư thế treo (xem hình 1).

Cach cam but long

Cach cam but long

Huong dan cach cam but long

Hình 1 - Cách cầm bút lông

Ngoài ra các vấn đề chính vừa nêu trên cũng nên biết thêm rằng trong cách cầm bút xưa nay vốn có nhiều ý kiến khác nhau, có khi tùy theo thể loại chữ viết mà thay đổi cách cầm bút cho phù hợp (xem hình 2).

Cầm bút nên cao hay nên thấp ?

Thư gia đời Đường Ngu Thế Nam có viết “Thân bút không hơn 6 thốn (tấc tàu dài 0,33 dm), cầm bút không quá 3 thốn, viết chữ Chân thì một thôn, chữ Hành thì hai thốn, chữ Thảo thì 3 thốn” đó là một kiểu nói mang tính ước lệ, có thể hiểu rằng khi muốn viết chữ thảo thì cầm bút giữa thân (cán bút) trở lên để phát huy tính linh hoạt, nhanh nhẹn, viết chữ Hành thì hạ xuống một chút, viết chữ Chân thì phải thấp hơn nữa để nét chữ được nghiêm cẩn đều đặn. (hình 2)

Cach  cam but long

Hình 2: Các thế cầm bút

Khi viết chữ nhỏ như chép kinh, chép sách, viết thư nên tì cánh tay lên cạnh bàn theo thế huyền uyển do trong trường hợp này chỉ cần sử dụng cổ tay, cũng có thể đặt cổ tay cầm bút lên mu bàn tay trái hoặc một vật gác tay bằng thanh gổ chẳng hạn, hình thức này gọi là chẩm uyển (Hình 2).

Nguồn: Thư pháp chữ Hán - Lý thuyết và thực hành. Tác giả: Phạm Hoàng Quân

Từ khóa » Cách Cầm Bút Lông Viết Thư Pháp