Hướng Dẫn Chăm Sóc Người Bệnh Hen Phế Quản

Hen phế quản (Asthma) là một bệnh viêm mạn tính đường thở do nhiều tế bào và các thành phần tế bào tham gia. Viêm đường thở mạn tính kết hợp với tăng đáp ứng đường thở dẫn đến những đợt thở rít, khó thở, nghẹt lồng ngực, ho tái diễn; các triệu chứng thường xảy ra về đêm hoặc sáng sớm; những đợt này thường kết hợp với tắc nghẽn đường thở lan toả và hồi phục tự phát hoặc sau điều trị (GINA: global initiative for asthma)).

1. NHỮNG YẾU TỐ LÀM KHỞI PHÁT CƠN HEN THƯỜNG THẤY

Những yếu tố làm khởi phát cơn hen thường thấy :

- Dị ứng với một số chất như: phấn hoa, sơn, xăng, dầu, lông gia cầm, khói thuốc lá..., thức ăn như tôm, cua..., thuốc như vacxin, penixillin, aspirin...

- Nhiễm khuẩn: thường là những ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm amidan, viêm VA ở trẻ em.

- Yếu tố thời tiết: thay đổi thời tiết, nhiệt độ, gió mùa, áp suất, độ ẩm.

- Sau những hoạt động gắng sức như chạy làm xuất hiện cơn hen, thường ở trẻ em và người trẻ tuổi.

- Sang chấn tinh thần có thể làm khởi phát cơn hen.

2. TRIỆU CHỨNG

2.1. Triệu chứng lâm sàng cơn hen phế quản điển hình

- Triệu chứng cơ năng:

+ Triệu chứng báo trước: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa mắt hoặc đỏ mặt, ho khan, buồn ngủ.

+ Bắt đầu cơn khó thở, khó thở chậm, khó thở ra giai đoạn đầu. Có tiếng cò cử, khó thở tăng dần, bệnh nhân phải ngồi tỳ tay vào thành giường để thở, mệt nhọc vã mồ hôi, tiếng nói ngắt quãng.

+ Cơn khó thở kéo dài 10 - 30 phút có khi hằng giờ, hằng ngày. Sau đó khó thở giảm dần và kết thúc là một trận ho khạc nhiều đờm trong quánh dính, càng khạc nhiều đờm, bệnh nhân càng dễ chịu.

- Triệu chứng thực thể trong cơn hen:

+ Khám phổi: thấy rì rào phế nang giảm, nghe thấy tiếng ran rít, ran ngáy khắp hai phổi.

+ Khám tim mạch: nhịp tim thường nhanh, có khi có ngoại tâm thu, huyết áp tăng.

2.2. Cận lâm sàng

- X quang phổi: thấy lồng ngực và cơ hoành ít di động, khoang liên sườn giãn, hai phổi sáng, rốn phổi đậm.

- Phân tích khí máu: nếu cơn hen nặng thấy:

+ PaO2 (áp suất O2 máu động mạch ) giảm, có khi dưới 70 mmHg.

+ PaCO2 (áp suất CO2 máu động mạch) tăng, có khi tăng trên 50 mmHg.

+ SaO2 (độ bão hoà oxy trong máu động mạch) giảm.

+ PH máu giảm khi có toan hô hấp.

- Xét nghiệm đờm tìm thấy:

+ Tinh thể Charcot Layden, bạch cầu ái toan.

+ Bạch cầu đa nhân trung tính, đại thực bào, vi khuẩn nếu có bội nhiễm.

3. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

3.1. Tiến triển

Tiến triển của bệnh không giống nhau, có người khỏi một thời gian, có người bị liên tục, có khi sau đẻ thì đỡ, có trường hợp sau đẻ lại nặng lên. Trong quá trình diễn biến có những biến chứng sau:

3.2. Biến chứng

- Nhiễm khuẩn: sốt, ho khạc đờm đặc, khó thở, có khi có suy hô hấp.

- Lao phổi.

- Giãn phế nang.

- Suy thất phải.

4. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH

4.1. Điều trị cơn hen

- Cho bệnh nhân nằm đầu cao.

- Làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản.

- Dùng thuốc giãn phế quản: theophylin, diaphylin, salbutamol...

- Dùng corticoid: prednisolon, depersolon, solumedron.

- Điều chỉnh nước và điện giải.

- Dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.

- Thở oxy nếu có suy hô hấp.

4.2. Phòng cơn hen tái phát

- Khuyên bệnh nhân tránh những yếu tố gây dị ứng, những yếu tố gây stress.

- Điều trị triệt để những ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

- Bỏ thuốc lá, thuốc lào.

- Giữ ấm về mùa lạnh.

- Tăng cường bồi dưỡng, luyện tập thể thao để nâng cao sức khoẻ.

- Thay đổi nơi làm việc và sinh sống phù hợp nếu có thể.

5. CHĂM SÓC

5.1. Nhận định chăm sóc

5.1.1. Hỏi bệnh

- Các triệu chứng cơ năng.

- Tiền sử dị ứng bản thân và gia đình.

- Điều kiện sinh sống và làm việc.

5.1.2. Khám bệnh

- Toàn trạng: cân nặng, chiều cao, biểu hiện nhiễm khuẩn, tím, phù.

- Hô hấp: tần số thở, tính chất khó thở, ho và khạc đờm, số lượng và màu sắc đờm.

- Tuần hoàn: tần số tim, mạch, huyết áp.

- Tinh thần: lo lắng, bồn chồn, giảm ý thức.

- Tham khảo các kết quả xét nghiệm.

5.2. Lập kế hoạch chăm sóc

- Tăng khả năng thông khí cho bệnh nhân.

- Chăm sóc về dinh dưỡng và tinh thần.

- Đề phòng và phát hiện sớm các biến chứng.

- Giáo dục sức khoẻ.

5.3. Thực hiện chăm sóc

5.3.1. Tăng khả năng thông khí cho bệnh nhân

- Cho bệnh nhân nằm tư thế đầu cao trong buồng thoáng.

- Làm sạch dịch tiết ở phế quản bằng cách:

+ Vỗ và rung lồng ngực cho bệnh nhân.

+ Hướng dẫn bệnh nhân cách thở sâu và ho có hiệu quả.

+ Cho bệnh nhân uống nhiều nước.

+ Nếu đờm nhiều, khó khạc phải tiến hành hút đờm dãi.

- Thực hiện y lệnh thuốc giãn phế quản và corticoid (phải chú ý theo dõi tác dụng phụ của thuốc). Nếu thầy thuốc cho sử dụng kháng sinh, phải hết sức chú ý cơ địa dị ứng.

- Thực hiện y lệnh thở oxy.

5.3.2. Chăm sóc về dinh dưỡng và tinh thần

- Cung cấp cho bệnh nhân chế độ ăn đủ calo, đủ chất, tăng cường vitamin.

- Tránh các thức ăn có khả năng gây dị ứng. Khi có suy tim phải cho ăn hạn chế muối.

- Động viên bệnh nhân an tâm điều trị.

- Thực hiện y lệnh các thuốc an thần nhẹ (nếu không có suy hô hấp).

5.3.3. Đề phòng và phát hiện sớm các biến chứng

Theo dõi sát bệnh nhân về các vấn đề sau:

- Mức độ khó thở, tần số thở.

- Mức độ tím.

- Thời gian của cơn hen.

- Mạch, huyết áp, thân nhiệt.

- Đờm, số lượng và màu sắc.

- Tinh thần: lo lắng, hốt hoảng, lẫn lộn, mất định hướng.

5.3.4. Giáo dục sức khoẻ

- Nhằm kiềm chế cơn hen tái phát hoặc không để cơn hen nặng lên:

+ Khuyên bệnh nhân tránh những yếu tố gây dị ứng, stress.

+ Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

+ Không hút thuốc, giữ ấm về mùa lạnh.

+ Tăng cường dinh dưỡng, luyện tập thể dục nâng cao sức khoẻ.

- Nhằm phục hồi chức năng hô hấp tránh các biến chứng:

+ Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu, thở ra chúm môi.

+ Không lạm dụng, không dùng quá liều các thuốc giãn phế quản hoặc corticoid.

+ Cần đến khám bệnh khi có một trong các biểu hiện sau: khó thở tăng, sốt, ho hoặc ho ra máu, phù…

5.4. Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:

- Người bệnh hết khó thở.

- Không bị biến chứng.

- Biết cách phòng cơn hen tái phát.

- Thực hiện những lời khuyên về giáo dục sức khoẻ.

Ths. Bs. Phạm Hải Trung

Từ khóa » Phiếu Chăm Sóc Bệnh Nhân Hen Phế Quản