Hướng Dẫn Hạch Toán, Công Thức Và Cách Tính Thuế Xuất Khẩu
Có thể bạn quan tâm
Bài viết này sẽ giúp bạn nắm rõ: Thuế xuất khẩu là gì? Quy định đối tượng, cách hạch toán, công thức tính, thời hạn nộp thuế và biểu thuế xuất khẩu mới nhất…
Nội dung chính:
- I. Thuế xuất khẩu là gì?
- II. Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế xuất khẩu
- III. Thời điểm tính thuế xuất khẩu và thời hạn nộp thuế xuất khẩu
- IV. Quy định thuế suất hàng xuất khẩu
- V. Hướng dẫn cách hạch toán, cách tính thuế và tỷ giá tính thuế xuất khẩu
- 1. Công thức tính thuế xuất khẩu
- 2. Tỷ giá tính thuế xuất khẩu
- 3. Cách hạch toán thuế xuất khẩu
- VI. Trường hợp miễn thuế xuất khẩu
- VII. Lưu ý các trường hợp xảy ra khi thanh toán hàng xuất khẩu
- VIII. Một số câu hỏi thường gặp về thuế xuất khẩu
I. Thuế xuất khẩu là gì?
Thuế xuất khẩu là thuế thu trên giá trị hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan.
II. Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế xuất khẩu
1. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu
- Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam ra nước ngoài;
- Hàng hóa xuất khẩu vào khu phi thuế quan;
- Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ;
- Hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu.
2. Đối tượng không chịu thuế xuất khẩu
- Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển qua cửa khẩu Việt Nam;
- Hàng hóa dùng cho mục đích viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (không mang tính chất kinh doanh);
- Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài và ngược lại, từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
- Phần dầu khí dùng để nộp thuế tài nguyên vào Ngân sách Nhà nước khi xuất khẩu.
III. Thời điểm tính thuế xuất khẩu và thời hạn nộp thuế xuất khẩu
1. Thời điểm tính thuế xuất khẩu
- Là thời điểm chủ hàng hóa xuất khẩu hoặc tổ chức ủy thác xuất khẩu đăng ký tờ khai hải quan;
- Thời gian đăng ký tờ khai hải quan là sau khi tập kết hàng hóa tại địa điểm mà người khai hải quan thông báo và chậm nhất 4 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh đối với hình thức vận tải thông thường. Trường hợp xuất khẩu bằng phương tiện chuyển phát nhanh thì chậm nhất trước 2 giờ.
2. Thời hạn nộp thuế xuất khẩu
Thời hạn nộp thuế xuất khẩu là sau khi đăng ký tờ khai hải quan và trước khi thông quan, có nghĩa là doanh nghiệp phải nộp thuế xuất khẩu thì hàng hóa mới được thông quan và xuất khẩu.
Tuy nhiên, không phải lúc nào giá cả hàng hóa xuất khẩu cũng rõ ràng, sẽ có 1 số trường hợp đặc biệt như sau:
- Hàng hóa cần phải xác định, giám định để xác định số tiền thuế phải nộp: Người nộp thuế (NNT) thực hiện tạm nộp theo số đã khai báo. Sau khi có kết quả giám định:
- Nếu số tiền NNT đã khai báo thấp hơn số thuế phải nộp thì trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu, NNT phải nộp bổ sung số thuế còn thiếu;
- Nếu số tiền NNT đã khai báo cao hơn số thuế phải nộp, tức là nộp thừa thì sẽ được bù trừ cho những lần nộp thuế tiếp theo hoặc làm thủ tục để được hoàn thuế theo quy định.
- Hàng hóa chưa có giá chính thức tại điểm đăng ký tờ khai hải quan: Tương tự như trường hợp hàng hóa cần phải xác định, giám định để xác định số tiền thuế phải nộp.
Lưu ý: Nếu như bạn chưa nộp thuế xuất khẩu nhưng muốn hàng hóa được thông quan thì bạn phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp đó, thời gian bảo lãnh tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, hết thời hạn bảo lãnh mà bạn chưa nộp thuế thì tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh sẽ phải nộp thay số thuế đó. Tuy nhiên số tiền thuế chưa được nộp này sẽ phải chịu tiền chậm nộp bằng 0.03%/ngày theo Khoản 2 Điều 59 của Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14, số ngày chậm nộp được tính từ ngày thông quan đến ngày nộp thuế.
Đây là một điều khá đặc biệt so với các loại thuế khác bởi vì bạn không được phép nợ thuế nếu như bạn không được tổ chức tín dụng bảo lãnh.
Xem thêm: Cách đăng ký và nộp thuế điện tử.
IV. Quy định thuế suất hàng xuất khẩu
Thuế suất hàng xuất khẩu được quy định cho từng nhóm mặt hàng tại Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm mặt hàng chịu thuế.
Nếu hàng hóa được xuất khẩu sang các quốc gia có thỏa thuận ưu đãi về thuế với Việt Nam thì mức thuế ưu đãi sẽ được áp dụng theo thỏa thuận giữa Việt Nam và quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó.
TẢI MIỄN PHÍ:Biểu thuế xuất khẩu.
V. Hướng dẫn cách hạch toán, cách tính thuế và tỷ giá tính thuế xuất khẩu
1. Công thức tính thuế xuất khẩu
Có 3 phương pháp tính thuế xuất khẩu được quy định áp dụng cho từng loại hàng hóa khác nhau, cụ thể:
1.1. Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm
Căn cứ vào hàng hóa là những mặt hàng nào mà áp dụng mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tương ứng nhân với trị giá tính thuế được xác định bởi đơn giá và số lượng hàng hóa, cụ thể theo công thức:
Thuế xuất khẩu | = | Số lượng hàng hóa | x | Giá trị trên 1 đơn vị hàng hóa xuất khẩu | x | Thuế suất theo tỷ lệ % của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế |
Trong đó:
>> Giá trị trên một đơn vị hàng hóa xuất khẩu là giá bán hàng hóa theo giá FOB – Free On Board, tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế (I) và phí vận tải (F);
>> Thuế suất theo tỷ lệ phần trăm của từng mặt hàng được quy định chi tiết tại Biểu thuế xuất khẩu (tham khảo tại Luật số 107/2016/QH13)
1.2. Phương pháp tính thuế tuyệt đối
Là phương pháp ấn định số tiền thuế phải nộp trên 1 đơn vị hàng hóa xuất khẩu tại thời điểm tính thuế, công thức tính thuế xuất khẩu được quy định như sau:
Thuế xuất khẩu | = | Số lượng hàng hóa | x | Thuế suất tuyệt đối phải nộp trên 1 đơn vị hàng hóa |
1.3. Phương pháp tính thuế hỗn hợp
Là phương pháp áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối. Công thức tính thuế xuất khẩu phải nộp như sau:
Thuế xuất khẩu | = | Số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % | + | Số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế tuyệt đối |
2. Tỷ giá tính thuế xuất khẩu
Theo Khoản 3 Điều 21 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 35 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, thuế xuất nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Tỷ giá tính thuế là tỷ giá mua vào tại thời điểm cuối ngày theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày thứ năm trong tuần (tức là thứ sáu hàng tuần) của tuần trước liền kề. Nếu ngày đó là ngày lễ thì sẽ lấy ngày trước liền kề (tức là ngày thứ năm trong tuần).
Ví dụ: Hôm nay là thứ sáu ngày 26/11/2021, là ngày thứ 5 trong tuần, thì tỷ giá cuối ngày này sẽ được Tổng cục Hải quan áp dụng cho các tờ khai hải quan trong tuần kế tiếp (tờ khai từ ngày 29/11/2021 đến ngày 03/12/2021).
3. Cách hạch toán thuế xuất khẩu
Khi có tờ khai hải quan chính thức về hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp xác định doanh thu và số thuế xuất khẩu phải nộp để hạch toán:
Nợ TK 131 - Tổng giá trị hàng hóa mà bên mua phải thanh toán;
Có TK 511 - Doanh thu xuất khẩu hàng hóa;
Có TK 3333 - Thuế xuất khẩu phải nộp.
Khi nộp tiền thuế xuất khẩu vào Ngân sách Nhà nước (NSNN), doanh nghiệp hạch toán:
Nợ TK 3333 - Thuế xuất khẩu phải nộp;
Có TK 1111, 1121 - Tiền mặt, Tiền gửi ngân hàng.
VI. Trường hợp miễn thuế xuất khẩu
Bên cạnh việc phải nộp thuế xuất khẩu thì vẫn có 1 số trường hợp đặc biệt được ưu đãi miễn thuế xuất khẩu như sau:
- Hàng xuất khẩu miễn thuế phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Tài sản là quà biếu, quà tặng trong định mức cho phép giữa tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài và tổ chức hoặc cá nhân Việt Nam, trường hợp vượt định mức cho phép sẽ phải nộp thuế xuất khẩu phần vượt định mức đó;
- Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới nhằm phục vụ cho mục đích sản xuất, tiêu dùng của người dân vùng biên giới;
- Hàng hóa có trị giá hoặc số tiền thuế phải nộp quá thấp và nằm dưới mức tối thiểu;
- Hàng hóa xuất khẩu để gia công rồi nhập khẩu lại, tức là tạm xuất tái nhập;
- Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại như hàng mẫu, mô hình, ấn phẩm quảng cáo với số lượng không đáng kể;
- Hàng hóa xuất khẩu để bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và 1 số trường hợp đặc biệt.
VII. Lưu ý các trường hợp xảy ra khi thanh toán hàng xuất khẩu
Tương tự như thương mại nội địa, hoạt động xuất khẩu cũng có các trường hợp thanh toán khác nhau bao gồm:
- Trường hợp 1: Thu tiền trước, xuất khẩu sau;
- Trường hợp 2: Xuất khẩu trước, thu tiền sau;
- Trường hợp 3: Thu tiền trước 1 phần;
- Trường hợp 4: Thu tiền tại thời điểm xuất khẩu.
Ví dụ:
Ngày 10/12/2021, công ty A xuất khẩu lô hàng gồm 2 container đồng nguyên chất sang công ty B tại Trung Quốc và đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu. Tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu là 30.000 USD (tỷ giá mua chuyển khoản là 22.860). Xác định doanh thu và hạch toán kế toán cho lô hàng trên.
➜ Trường hợp 1: Thu tiền trước, xuất khẩu sau:
Ngày 08/12/2021, công ty B chuyển khoản thanh toán cho công ty A số tiền là 30.000 USD, tỷ giá mua chuyển khoản tại ngày 08/12/2021 là 22.840
- Ngày 08/12/2021, công ty B thanh toán
Nợ 112: 685.200.000 (30.000 x 22.840) - Tỷ giá tại thời điểm nhận trước
Có 131: 685.200.000
- Ngày 10/12/2021, công ty A xuất khẩu
Nợ 131: 685.200.000 (30.000 x 22.840) - Tỷ giá tại thời điểm nhận trước
Có 511: 685.200.000
Đối với trường hợp này, khi nhận tiền và khi xuất khẩu đều sử dụng tỷ giá tại thời điểm nhận trước
➜ Trường hợp 2: Xuất khẩu trước, thu tiền sau:
Ngày 15/12/2021, công ty B chuyển khoản thanh toán cho công ty A số tiền là 30.000 USD (tỷ giá mua chuyển khoản tại ngày 15/12/2021 là 22.900
- Ngày 10/12/2021, công ty A xuất khẩu
Nợ 131: 685.800.000 (30.000 x 22.860) - Tỷ giá tại thời điểm xuất khẩu
Có 511: 685.800.000
- Ngày 15/12/2021, công ty B chuyển khoản
Nợ 112: 687.000.000 - Tỷ giá ngày nhận được thanh toán
Có 131: 685.800.000 - Tỷ giá tại ngày xuất khẩu
Có 515: 1.200.000 - Lãi tỷ giá
➜ Trường hợp 3: Thu tiền trước 1 phần
Ngày 08/12/2021, công ty B thanh toán cho công ty A số tiền là 15.000 USD (tỷ giá chuyển khoản tại ngày giao dịch là 22.840)
- Ngày 08/12/2021, công ty B thanh toán
Nợ 112: 342.600.000 (30.000 x 22.840) - Tỷ giá tại thời điểm nhận trước
Có 131: 342.600.000
- Ngày 10/12/2021, công ty A xuất khẩu
Nợ 131: 342.600.000 (15.000 x 22.840) - Tỷ giá tại thời điểm nhận trước, chỉ tính cho phần doanh thu đã nhận trước
Có 511: 342.600.000
Nợ 131: 342.900.000 (15.000 x 22.860) - Tỷ giá tại thời điểm xuất khẩu, ghi nhận doanh thu còn lại được nhận
Có 511: 342.900.000
- Ngày 15/12/2021, công ty B thanh toán 15.000 USD còn lại
Nợ 112: 343.500.000 (15000 x 22.900) - Tỷ giá ngày nhận được thanh toán
Có 131: 342.900.000
Có 515: 600.000
➜ Trường hợp 4: Thu tiền tại thời điểm xuất khẩu
- Ngày 10/12/2021, công ty A xuất khẩu, đồng thời công ty B thanh toán cho công ty A số tiền 30.000 USD
Nợ 131: 685.800.000
Có 511: 685.800.000
Nợ 112: 685.800.000
Có 131: 685.800.000
Tham khảo: Cách tính thuế nhập khẩu.
VIII. Một số câu hỏi thường gặp về thuế xuất khẩu
1. Khi tính thuế xuất khẩu, điều gì là quan trọng nhất?
Khi tính thuế xuất khẩu, xác định giá trị hàng hóa là quan trọng nhất, chỉ khi xác định được giá trị hàng hóa thì chúng ta mới xác định được thuế xuất khẩu.
2. Người nộp thuế xuất khẩu là ai?
Là tổ chức, cá nhân trực tiếp xuất khẩu hoặc tổ chức, cá nhân nhận ủy thác xuất khẩu.
3. Khu vực phi thuế quan là gì?
Là khu vực kinh tế đặc biệt nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được xác định ranh giới rõ ràng và ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng rào chắn, bảo đảm cho hoạt động kiểm tra, giám sát của hải quan.
Nguyễn Oanh - Phòng Kế toán Anpha
Từ khóa » Cách Tính Hoàn Thuế Xuất Khẩu
-
Từ A-Z Các Vấn đề Về HOÀN THUẾ GTGT Hàng Xuất Khẩu - Es-Glocal
-
Hướng Dẫn Hoàn Thuế đối Với Hàng Hóa ... - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Cách Tính Tỷ Lệ Hoàn Thuế GTGT Hàng Xuất Khẩu Đơn Giản - Chuẩn Xác
-
Cách Tính Số Tiền Thuế Giá Trị Gia Tăng được Hoàn đối Với Hàng Hóa ...
-
Hoàn Thuế Xuất Khẩu Là Gì? 3 Phương Pháp Tính Thuế Xuất Nhập Khẩu
-
Hướng Dẫn Hoàn Thuế đối Với Hàng Hóa, Dịch ... - Thư Viện Pháp Luật
-
HƯỚNG DẪN HOÀN THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA DỊCH VỤ XUẤT ...
-
Hướng Dẫn Hoàn Thuế GTGT đối Với Doanh Nghiệp Vừa Xuất Khẩu ...
-
Hoàn Thuế Giá Trị Gia Tăng đối Với Hàng Hóa, Dịch Vụ Xuất Khẩu 08/11 ...
-
Cách Tính Thuế Xuất Nhập Khẩu
-
Hoàn Thuế Xuất Nhập Khẩu Là Gì? (Cập Nhật 2021) - Luật ACC
-
Tổng Hợp 10 Trường Hợp được Hoàn Thuế Giá Trị Gia Tăng (VAT)
-
Quy định, Thủ Tục, điều Kiện Và Hồ Sơ Hoàn Thuế GTGT
-
Thuế Xuất Khẩu Và Nhập Khẩu | Kiểm Toán Crowe Vietnam