Hướng Dẫn Kỹ Thuật Trồng Nấm Sò Yến

Mục lục

          I. GIỚI THIỆU

        Nấm yến là một trong những loại nấm có giá trị dinh dưỡng rất cao. Không chỉ được sử dụng để chế biến các món ăn bổ dưỡng mà còn là một loại thảo dược quý hiếm trong các bài thuốc giúp thanh lọc gan, lọc thận, rối loạn tiêu hóa hay đại tràng.

        Nấm Yến có thân to, mũ có màu tím nhạt và nhỏ, có vị hơi ngọt nhẹ

        - Nấm sử dụng thức ăn là Xenlulô trực tiếp từ nguyên vật liệu trồng nấm.

        - Nấm phát triển tốt ở độ ẩm cơ chất 60 - 65%, độ ẩm không khí 80 - 85%.

        - Sợi nấm phát triển không cần ánh sáng, khi nấm mọc cần có ánh sáng khuếch tán chiếu đến từ mọi phía.

        - Độ thông thoáng: vừa phải, không có gió thổi trực tiếp.

          Điều kiện nhiệt độ:

        Nấm Yến có thể thích nghi với nhiệt độ từ 15oC – 20oC, độ ẩm không khí từ 85% – 90%. Nấm mọc theo dạng mũ, thân và rễ. Đặc biệt, phù hợp với ánh sáng vừa phải và độ pH là 7.

          II. Thời vụ

          Thời vụ thuận lợi nhất để nấm yến phát triển sẽ từ tháng 9 – 4 dương lịch. Tuy nhiên, nếu trồng trong nhà lạnh có thể sản xuất quanh năm.

          III. KỸ THUẬT TRỒNG

          1. Xử lý nguyên liệu

        - Nguyên liệu phổ biến nhất để trồng Nấm sò yến phổ biến được trồng trên rơm rạ, bông phế liệu, mùn cưa. Lượng rơm rạ để ủ tối thiểu là 300 kg mới lên nhiệt.

        a. Xử lý nguyên liệu

        Có hai phương pháp xử lý nguyên liệu trồng:

       - Ủ đống lên mem gia nhiệt

       - Hấp khử trùng

        * Đối với rơm rạ:

       Rơm rạ khô được làm ướt bằng nước vôi có pH >12,0 ( pha 4,0 kg vôi vào 1.000 lít nước). Chất rơm rạ thành đống, kích thước đống ủ: rộng 1,5 m x cao 1,5 m, chiều dìa đống ủ tùy thuộc vào khối lượng rơm rạ;

      - Đống ủ có kệ lót cách mặt đất 20 cm, có cọc thông khí ở giữa, xung quanh quây nilon, để hở phía trên, có mái che cao trên nóc để tránh mưa.

      * Đảo lần 1:

       - Sau khi xếp đống ủ 3 ngày, kiểm tra nhiệt độ đống ủ từ 65-700C là được.

      - Giũ tơi rơm, chỉnh độ ẩm, dùng tay vắt chặt rơm, nếu thấy chỉ có nước chảy nhỏ giọt như truyền huyết thanh là vừa.

        - Đảo, xếp rơm vào đống ủ, đảo từ trên xuống dưới, trong ra ngoài cho đều. Quây nilon như ban đầu.

        * Đảo lần 2: Băm rơm.

         - Sau khi đảo lần 1, ủ lại 3 ngày rồi tiến hành băm rơm dài 8-10 cm.

        - Chỉnh độ ẩm thật chuẩn: Vắt rơm nếu thấy ướt vân tay là được. Nếu khô thì bổ sung thêm nước bằng cách phun sương. Nếu rơm ướt quá thì tãi rơm để hong gió cho bay bớt hơi nước.

        - Đảo xếp đống ủ, vẫn duy trì cột thông khí và nilon quây xung quanh.

         - Sau 2 ngày tiến hành đóng túi, cấy giống nấm.

        * Đối với bông phế thải:

        Ngâm bông trong nước vôi (hòa 4kg vôi tôi đặc/ 1m3 nước) cho bông ngấm đều nước, vớt bông ra, ủ đống; đống ủ rộng 1,2-1,5m, cao 1,4-1,5m, dài tùy theo lượng bông, dưới đấy đống ủ phải có kệ kê để tránh đọng nước, phía ngoài đống ủ dùng nilon quây xung quanh để giữ nhiệt và giữ ẩm. Sau 3-4 ngày đảo đống ủ và ủ tiếp thêm 3-4 ngày. Trong khi đảo đống ủ cần lưu ý chỉnh dộ ẩm nguyên liệu từ 62-65%.

         * Đối với mùn cưa:

         Làm ướt mùn cưa bằng nước vôi (hòa 3kg vôi tôi đặc/ 1m3 nước) cho ngấm đều nước, ủ đống; đống ủ rộng 1,2-1,5m, cao 1,4-1,5m, dài tùy theo lượng mùn, dưới đáy đống ủ phải có kệ kê để tránh đọng nước, phía ngoài đống ủ dùng nilon quây xung quanh để giữ nhiệt và giữ ẩm. Sau 5 ngày đảo đống ủ một lần. Trong khi đảo đống ủ cần lưu ý chỉnh dộ ẩm nguyên liệu từ 50-60%, ủ khoảng 15 ngày

          b. Hấp khử trùng nguyên liệu

         Rơm rạ, bông phế liệu, mùn cưa ngâm trong nước vôi 15-20 phút vớt ra để ráo nớc, ủ lại 2-3 ngày. Mùn cưa tạo ẩm, ủ từ 4-6 ngày.

          Các loại nguyên liệu được phối trộn theo các công thức sau:

          Công thức 1: 50% rơm rạ đã ủ + 5% mùn cưa đã ủ.

          Công thức 2: 50% bông đã ủ + 50% mùm cưa đã ủ.

        Đóng nguyên liệu vào túi nilon chịu nhiệt, trọng lượng túi 1,5-2,0 kg/túi (kích thước 25x35 cm), nút cổ túi bằng cổ nhựa và bông sạch sau đó đưa vào hấp khử trùng bằng các cách sau:

         Hấp khử trùng ở áp suất 1,3-1,4 atmotphe, nhiệt độ: 121-1250C, thời gian 4 giờ.

       Hấp khử trùng trong điều kiện không có áp lực, nhiệt độ 1000C thời gian từ 10-12h Sau khi hấp xong lấy bịch nguyên liệu ra để nguội trong phòng sạch sẽ, cấp giống trong bốc cấy và phòng vô trùng.

        2. Cấy giống

       Cấy giống nấm trên nguyên liệu xử lý theo phương pháp 1 (ủ nguyên liệu): Sau khi đã xử lý rơm, rạ, bông phế liệu theo phương pháp (ủ đống) chuẩn bị nilon để đóng bịch, cây giống. Với rơm rạ dùng túi nilon kích cỡ  30x40 cm (mùa hè) và 35x50 cm (mùa đông). Bông phế liệu dùng túi 25x35 cm.

        Tỷ lệ giống nấm khoảng 50-60gam cho 1 túi ( 40-45 kg giống cho 1 tấn nguyên liệu khô). Khu vực cấy giống nấm cần sạch sẽ, kín gió, nếu có điều kiện thì chuẩn bị một phòng riêng để hạn chế các bào tử nấm dại trong không khí rơi vào túi nấm gây nhiễm bệnh.

        + Cách đóng bịch, cấy giống: Rơm rạ băm ngắn, bông xe tơi để nguội bay hết hơi nóng. Cho 1 lớp nguyên liệu 4-5 cm vào túi nilon đã gấp đấy vuông, rác một lớp giống xung quanh thành túi, những lớp tiếp theo cho nguyên liệu dày 6-7 cm và rải giống quanh thành túi, làm như vậy đủ 3 lớp giống, lớp trên cùng rắc giống đều trên bề mặt. Sau đó lấy 1 lượng bông bằng chén uống nước làm nút, quán dây cao su chặt nút bông. Bịch (túi) đã cấy giống căng tròn, độ nén vừa phải. Trọng lượng của  bịch (rơm rạ) khoảng 2,5-3,0 kg, bịch bông liệu là 1,5-2,0 kg/1 bịch.

        + Cấy giống Nấm trên nguyên liệu xử lý theo phương pháp 2 (hấp khử trùng nguyên liệu)

        Yêu cầu đối với phòng cấy: phòng cấy phải sạch, thoáng mát. Trước khi cấy phải thanh trùng phòng cấy bằng cách phun foocmol (0,4-0,5%) hoặc đốt lưu huỳnh rồi đóng kín cửa từ 12-24 giờ. Mở cửa sau 24 giờ cho bay hết mùi mới được vào cấy. Dụng cụ cấy: hộp cấy bằng gỗ hoặc inox, khay cấy, que cấy, đèn còn, lọ đựng cồn, bông. Giống cấp 2 hoặc cấp 3.

       Thao tác cấy: sau khi đã chuẩn bị đủ điều kiện, tiến hành cấy giống theo các bước sau: Dùng bông cồn lau sạch bên ngoài chai giống, dụng cụ cấy và xung quanh hộp cấy.  Đốt que cấy trên ngọn lửa đền cồn 2 đến 3 lần, mõi lần 2-3 phút. Để que cấy nguội, mở nút chai giống từ từ trên ngọn lửa đèn cồn, khều bỏ lớp giống trên bề mặt chai giống. Đặt chai giống nằm nghiêng trên khay cấy. Mở  nút bông của túi nguyên liệu từ từ cạnh ngọn lửa đèn cồn. Cấy khoảng 10-12 g giống vào bề mặt túi nguyên liệu, đậy nắp bông lại.

         3. Ươm bịch nấm, nuôi sợi

         3.1. Chuẩn bị nhà xưởng

          - Vệ sinh xung quanh khu vực ươm và khu vực nuôi trồng

          - Dùng nước vôi đặc quét tường, vôi bột rắc nền khu vực nuôi trồng.

         - Xông Foocmôn; pha dung dịch foocmôn 5% (1 lít foocmôn trong 8 lít nước) phun dạng sương phun từ trong ra ngoài cửa, phun xong bịt ô thoáng và đóng kín cửa 2 ngày, sau đó mở cửa tới khi hết mùi mới dùng.

          3.2. Ươm bịch nấm

         - Sau khi cấy giống xong chuyển ngay các bịch vào nhà ươm sợi. Xếp các bịch nấm cách nhau 3 - 5 cm, có thể làm giàn giá để tận dụng diện tích.

          - Nếu trời quá lạnh (nhiệt độ < 15 0C ) cần che chắn nilon xung quanh hoặc đóng kín cửa để giữ ẩm, ấm.

          - Thời gian ươm bịch nuôi sợi từ 20 - 30 ngày tùy theo mùa.

          4. Rạch bịch, chăm sóc, thu hái

          4.1. Rạch bịch

         - Khi thấy sợi nấm ăn kín từ trên xuống đáy và bịch nấm có màu trắng đồng nhất thì rạch bịch đưa ra treo.

        - Cách rạch: Bỏ nút bông, nén nhẹ bịch nẩm rồi buộc lại bằng dây chun. Tiến hành rạch từ 6 - 8 vết rạch quanh túi, rạch so le nhau chia đều quanh bịch, vết rạch dài 3 - 4 cm, sâu 0,2 - 0,3 cm. Rạch theo chiều dọc hoặc chéo.

       - Sau đó xếp bịch trên sàn, trên giàn giá hoặc treo bịch để tiết kiệm diện tích. Bịch nọ cách bịch kia 15 cm để có không gian cho nấm mọc.

         Đối với bịch bông, mùn cưa chỉ cần gỡ bông trên miệng và mở miệng nilon để nấm ra quả thể trên miệng túi.

         4.2. Chăm sóc

        - Hàng ngày tưới ẩm nền và xung quanh.

       - Sau 4 - 6 ngày, mầm xuất hiện ở vết rạch. Lúc đó ta tưới phun sương trực tiếp vào bịch nấm, giữ ẩm đều, mỗi ngày tưới 2 - 3 lần. Lượng nước tưới và số lần tưới điều chỉnh cho phù hợp để lúc nào cũng có một lớp nước ẩm trên mũ nấm.

         4.3. Thu hái và chế biến

         - Nấm sò mọc thành cụm, khi hái ta hái cả cụm, không để sót gốc. Tiến hành thu hái nấm yến khi mũ nấm mọc đều có màu tím. Hái nấm vào buổi sáng sớm và chiều tối và đúng độ tuổi để đạt chất lượng và năng suất cao.

        - Hái nấm đúng độ tuổi (khi nấm có đường kính mũ 2-3cm).

        - Sau khi thu hái 1 đợt ngừng tưới nước 5 - 7 ngày để nấm mọc ra mầm quả thể lại chăm sóc tiếp lứa 2, lứa 3.

         Thời gian thu hái nấm từ 40-45 ngày kể từ ngày hái đầu tiên.

          - Chế biến nấm: Nấm hái xong, dùng dao cắt sạch gốc. Tuy theo mục đích sử dụng, nấm được chế khác nhau.

          + Nấm ăn tưới: Đóng nấm vào túi polyethylen (1 kg/túi) tránh giập nát rồi chuyển đi tiêu thu.

        + Phơi hoặc sấy khô: Dùng tay xé nhỏ cây nấm làm 2 - 3 phần theo chiều dọc, đem phơi hoặc sấy ở nhiệt độ 400C rồi tăng dần đến 600C tới khi nấm giòn, có mầu tự nhiên. Cho nấm vào 2 lượt túi nilon buộc chặt, để nơi khô ráo.

        5. Sâu bệnh hại nấm.

Tác nhân gây bệnh Cách phòng trừ
Chuột Bẫy chuột, đánh bả
Côn trùng ( ruồi, gián, mối)

- Dọn sạch các túi nấm đã thu hái

- Vệ sinh, quét dọn sạch sẽ sau mỗi lứa nấm, mỗi đợt nuôi trồng

Các loại nấm mốc gây nhiễm bệnh trong bịch nấm

- Dùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng.

- Tuân thủ quy trình đảo, ủ đúng kỹ thuật.

- Cáy giống ở môi trường sạch sẽ.

     

Ks. Cao Thị Thu Hiệp - Phòng Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp

 

Từ khóa » Cách Trồng Nấm Sò Yến