Hy Lạp Và Bài Học Về Quản Lý Nợ Công, Ngân Sách

Greece

Từ ngày 1/7, Hy Lạp là nước phát triển duy nhất trong lịch sử đã rơi vào tình thế không trả nợ đúng hạn cho chủ nợ cấp cao nhất thế giới là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Quản lý chi tiêu kém hiệu quả, thiếu minh bạch

Đã có rất nhiều phân tích, dự báo được đưa ra về tình huống của Hy Lạp hiện nay. Thực tế, tình thế “vỡ nợ” ồn ào của Hy Lạp thời điểm này không hẳn chỉ do vấn đề kinh tế. Một số nhà phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo mới của Hy Lạp đang muốn “nắn gân” Liên minh châu Âu (EU) cùng với việc tìm kiếm sự hỗ trợ mới.

Tuy nhiên, chính sách quản lý yếu kém của các đời chính phủ vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự khốn đốn về kinh tế của Hy Lạp ngày hôm nay. Sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, bộ máy chính quyền cồng kềnh, thiếu hiệu quả cùng với sự lỏng lẻo, thiếu minh bạch trong quản lý ngân sách đã đưa Hy Lạp từ một nước có tốc độ phát triển cao hàng đầu châu Âu (4,3% so với bình quân khu vực là 3,1%), kiểm soát 25% kim ngạch vận tải biển thế giới rơi vào tình thế “vỡ nợ”, một tình thế trước nay mới chỉ xảy ra với một vài nước nghèo, kém phát triển. Khoản nợ 1,6 tỷ Euro mà Hy Lạp không thể thanh toán đúng hạn cho IMF cũng là khoản nợ quá hạn lớn nhất của định chế này.

Đánh giá về tác động của cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, các nhà phân tích cho rằng việc này chỉ gây tác động ngắn hạn đến thị trường tài chính châu Âu. Từ cuối tuần trước, thị trường tài chính thế giới đã phản ứng tiêu cực với các chỉ số chứng khoán chính giảm, đồng Euro mất giá mạnh so với USD. Tuy nhiên, đây chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn khi các nhà đầu tư tin rằng Hy Lạp sẽ dàn xếp được với EU.

Tác động chưa lớn tới thị trường Việt Nam

Nhìn từ phía Việt Nam, quan hệ thương mại tài chính với Hy Lạp đang ở quy mô nhỏ nên mức độ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam là không lớn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp có thể làm đồng Euro thêm mất giá so với đồng USD. Từ đó, việc đồng USD tăng giá có thể gây áp lực đối với tiền đồng khi tỷ giá của chúng ta đang được ấn định theo đồng USD. Điều này gián tiếp làm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU kém cạnh tranh, đặc biệt trong tình thế Việt Nam đang nhập siêu khá cao trong những tháng đầu năm.

Ngoài khía cạnh giá trị kinh tế, câu chuyện Hy Lạp mang lại một bài học lớn cho các nước trong đó có Việt Nam về quản lý ngân sách, nợ công. Nhìn lại quá khứ, việc gia nhập EU năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp dễ dàng thu hút vốn đầu tư nước ngoài với lãi suất thấp. Chính phủ Hy Lạp đã liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ đôla trong hơn 10 năm qua. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến rất xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý.

Tuy nhiên, thực tế chính phủ Hy Lạp đã chi tiêu quá tay mà không quan tâm đúng mức đến các kế hoạch trả nợ, trong đó có thể kể đến Thế vận hội Olympic 2004, thế vận hội hoành tráng nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử. Không chỉ vay nợ nhiều, chính phủ Hy Lạp đã công bố những số liệu thống kê sai lệch và cố tình che giấu mức độ nợ công nhờ vào các công cụ tài chính phức tạp, khiến các nhà đầu tư mất lòng tin vào quốc gia này.

Không thể phủ nhận, vốn nước ngoài là cần thiết để phát triển kinh tế. Nhiều quốc gia cũng đã vay nợ rất nhiều để đầu tư cho kinh tế, tuy nhiên, nguồn tiền vay được dùng để đầu tư vào hạ tầng cơ sở thiết yếu nhất để phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, các chính phủ này đã quản lý tiền vay nợ rất chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, tạo lòng tin với nhà đầu tư, từ đó mức lãi vay thấp, nguồn vốn vay dễ dàng. Họ cũng không dùng những món nợ phải trả trong tương lai này để theo đuổi những siêu dự án trong khi hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong nước còn chưa đầy đủ...

Đây là bài học rõ ràng cho những quốc gia đang phát triển nóng theo đuổi những con số đẹp về chỉ tiêu tăng trưởng. Nếu vay nợ triền miên và sử dụng tiền vay kém hiệu quả như Hy Lạp đã làm trong thập kỷ vừa qua, chắc chắn di sản để lại cho tương lai sẽ là một món nợ khổng lồ và một nền kinh tế bất ổn.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp đã tăng mạnh từ mức 50 – 70 triệu USD những năm 2000 lên 144 triệu USD từ năm 2011. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 185 triệu USD và nhập khẩu 22 triệu USD hàng hóa từ Hy Lạp. Con số này chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu 22 tỷ USD của Việt Nam vào khu vực đồng euro. Tuy nhiên những khó khăn Hy Lạp gây ra cho khu vực đồng euro có thể làm kinh tế khu vực này bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến nhu cầu hàng hóa, đầu tư của khu vực. Tháng 1/2015 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hy Lạp đạt 14,79 triệu USD, giảm 7,35% so với cùng kỳ năm trước.

H.Y

Từ khóa » Nguyên Nhân Hy Lạp Vỡ Nợ