Hy Thiêm Và 10 Bài Thuốc Chữa Bệnh Có Hy Thiêm Thảo - Hello Bacsi

Tên thường gọi: Hy thiêm thảo  

Tên gọi khác: Cỏ đĩ, Cứt lợn hoa vàng, Chó đẻ hoa vàng, Hy tiên, Hy kiểm thảo, Nụ áo rìa, Lưỡi đồng, Chó đẻ hoa vàng, Hỏa hiêm thảo

Tên nước ngoài: Sigesbeckia herba

Tên khoa học: Sigesbeckia orientalis L.

Họ: Cúc – Asteraceae

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về dược liệu hy thiêm

Hy thiêm là một loại dễ trồng, thường phổ biến ở vùng núi, trung du và đồng bằng. Một số đặc điểm hình thái của cây hy thiêm: 

  • Loài cây thân thảo sống hàng năm với chiều cao khoảng từ 30-40cm, hoặc cũng có một số cây cao đến 1m.
  • Thân cây rỗng, màu xanh lục, phân thành nhiều cành. Trên thân có nhiều tuyến lông mịn có mùi hôi nhẹ nên hy thiêm còn được gọi là cứt lợn hoa vàng.  
  • Lá mọc đối xứng, phiến lá nhăn nheo, thường hay cuộn lại. Phiến lá nguyên hình mác rộng, phần mép khía răng cưa tù. 
  • Cụm hoa tạo hình đầu nhỏ, bao gồm hoa ở giữa hình ống màu vàng và 5 hoa nhỏ hình lưỡi ở phía ngoài.

Bộ phận dùng của hy thiêm

Vào thời điểm tháng 5 – tháng 6 khi hy thiêm bắt đầu ra hoa là có thể thu hoạch được. Toàn bộ phần trên mặt đất của cây hy thiêm đều sử dụng được nên nhà trồng chọn lấy cây nhiều lá, cắt từ phần ngọn trở xuống với độ dài từ 3-5cm. Sau đó phơi khô để dùng. Toàn bộ phần cây hy thiêm phơi hay sấy khô này được gọi là hy thiêm thảo.

Dược liệu hy thiêm thảo chất lượng là khi có nhiều lá bánh tẻ, khô, không mọt, không vụn nát. Ngược lại,  nếu hy thiêm thảo khô chỉ còn thân và rụng hết lá thì có phẩm chất kém. 

hy thiêm thảo

Thành phần hóa học trong hy thiêm

Đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định và phân lập hơn 12 hợp chất với các thành phần hoạt chất sinh học nổi bật như: 

  • Darutoside (chất này thủy phân cho ra glucose và datutigenol)
  • Orientin
  • Orientalid
  • 3,7 – dimethyl quercetin

Tác dụng, công dụng

Tính vị, công năng của hy thiêm thảo 

Hy thiêm thảo có tính hàn, vị đắng, cay, vào hai kinh can, thận; có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, chỉ thống và lợi xương khớp. 

Tác dụng dược lý của hy thiêm thảo 

Dựa trên thành phần hóa học của cây hy thiêm và kết quả một số nghiên cứu khoa học, dược liệu này có một số tác dụng dược lý nổi bật như: 

  • Hy thiêm thảo có tác dụng hạ huyết áp, hạ đường huyết, kháng vi khuẩn và ức chế miễn dịch. 
  • Chiết xuất cồn khô của hy thiêm thảo có hàm lượng phenolic cao thể hiện tác dụng chống viêm, chống tăng axit uric máu trong một số nghiên cứu. Điều này để chứng minh hiệu quả của chiết xuất hy thiêm thảo trong điều trị bệnh gout hiện nay. 
  • Lá cây hy thiêm có tác dụng chống viêm trong viêm cấp và viêm mạn, thể hiện hiện quả tốt trong điều trị các bệnh viêm, đau nhức xương khớp

Hy thiêm có những công dụng gì? Trị bệnh gì?

Trong y học cổ truyền, hy thiêm có thể dùng đường uống dưới dạng thuốc sắc, cao mềm hoặc hoàn tán để chữa trị các bệnh như phong thấp, tê bại, khớp sưng nóng và đỏ đau; đau nhức, đau lưng mỏi gối, mụn nhọt lở ngứa và kinh nguyệt không đều. Nếu dùng ở dạng giã đắp tại chỗ thì cứt lợn hoa vàng được dùng để chữa nhọt, độc, ong đốt và rắn cắn. 

Liều dùng

Liều dùng thông thường của hy thiêm là bao nhiêu?

Liều dùng mỗi ngày từ 6-12g và có thể lên đến 16g, dùng ở dạng thuốc sắc, cao mềm hoặc hoàn tán. 

Một số bài thuốc có hy thiêm thảo

hy thiêm có tác dụng gì

Cây hy thiêm được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  • Chữa phong thể thấp nhiệt, chứng đau và nhức xương khớp 

Hy thiêm đem rửa sạch, phơi khô, tưới rượu và mật vào, đồ lên rồi phơi; tẩm đồ – phơi tất cả 9 lần sau đó sấy khô, tán nhỏ, viên với mật thành viên nặng 9g; mỗi lần uống 1 viên, ngày uống 2-3 lần.

Hy thiêm 50g, thổ phục linh 20g, rễ cỏ xước 20g, lá lốt 10g; các dược liệu phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, làm viên, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 – 15g. Có thể ngâm rượu uống.

  • Chữa giai đoạn sớm của viêm đa khớp dạng thấp, đau nhức khớp 

Hy thiêm 16g, ngưu tất 16g, thổ phục linh 12g, ké đầu ngựa 12g, cành dâu 12g, cà gai leo 12g, tỳ giải 12g, lá lốt 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang. 

Viên hy đan với thành phần mỗi viên gồm cao khô hy thiêm 0,03g, bột mịn ngũ gia bì 0,005g, cao ngũ gia bì 0,035g, bột mịn mã tiền chế 0,013g. Liều an toàn tối đa là 20 viên/lần uống và 80 viên mỗi ngày.  

  • Chữa bại liệt nửa người, méo miệng, mất tiếng 

Hái lá và cành non của cây hy thiêm trước khi ra hoa, sao vàng tán bột. Thêm mật làm viên to bằng hạt bắp, dùng uống mỗi sau 3-6 giờ sau bữa ăn. Nếu uống được rượu, có thể chiêu thuốc với rượu. 

  • Chữa sốt rét cơn lâu ngày, đờm đọng, tức đầy bụng không muốn ăn 

Lấy hy thiêm thảo tươi, giã nhuyễn và cho một ít nước sôi vào, chắt lấy nước cốt, uống một chén 30mL. Uống nhiều thì nôn ra đờm. 

  • Chữa tăng huyết áp 

Hy thiêm 8g; ngưu tất, thảo quyết minh, hoàng cầm, trạch tả mỗi vị 6g; chi tử và long đờm thảo mỗi vị 4g sắc thành thuốc sắc hoặc chè thuốc, uống mỗi ngày 1 thang.  

  • Chữa đau nhức khớp không có nóng, đỏ

Cứt lợn hoa vàng, thổ phục linh, ké đầu ngựa, rễ vòi voi mỗi vị 16g; uy linh tiên, tỳ giải, ý dĩ, cam thảo nam mỗi vị 12g; quế chi, bạch chỉ mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.  

  • Chữa viêm khớp dạng thấp 

Hy thiêm, thổ phục linh, rễ vòi voi mỗi vị 16g; ngưu tất, kê huyết đằng, sinh địa mỗi vị 12g; thương truật, phòng phong mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. 

  • Chữa chàm 

Cứt lợn hoa vàng, hoàng bá, ké đầu ngựa, phù bình, bạch tiên bì mỗi vị 12g; thương truật 8g và phòng phong 8g. Sắc uống. Ngày uống 1 thang.

  • Chữa bệnh tổ đỉa 

Thổ phục linh 20g; hy thiêm thảo, ké đầu ngựa, ý dĩ, sinh địa mỗi vị 16g; tỳ giải, cây cứt lợn, kim ngân, kinh giới, cam thảo đất mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. 

  • Chữa vảy nến 

Thổ phục linh, hy thiêm, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, cam thảo đất mỗi vị 16g; hòe hoa, sinh địa, cây cứt lợn, thạch cao mỗi vị 20g;  sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng hy thiêm thảo, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng hy thiêm một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của hy thiêm 

Hy thiêm có một lượng độc tố nhất định. Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng hy thiêm thảo trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Lưu ý: Không nên dùng cho người có âm hư mà không bị phong thấp. 

Tương tác có thể xảy ra với hy thiêm

Hy thiêm kỵ sắt. Vì thế, không nên dùng hy thiêm khi đang uống các loại thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa sắt và ngược lại. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Ngoài ra, cũng có một số vấn đề sức khoẻ khác không nên sử dụng cây hy thiêm. Vì thế,  để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu hay thuốc từ dược liệu nào.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Bộ Phận Dùng Của Cây Hy Thiêm