Hysteria - Cái Bẫy Trong Nghề Y | Chẩn đoán Hình ảnh

Hysteria cái bẫy trong nghề y

Những chia sẻ rất thực tế của BS Dung Le Ngoc về hysteria – một bệnh lý thực-giả và là cái bẫy mà không ít bác sĩ vướng vào nó. Các bác sĩ trẻ có thể học hỏi những tình huống ứng xử và thái độ với bệnh nhân hysteria để tránh các sai lầm có thể trả giá đắt.

HYSTERIA – CÁI BẪY TRONG NGHỀ Y

Tác giả: BS Dung Le Ngoc Nguồn: Fb BS Dung Le Ngoc

Chẩn đoán khó nhất là chẩn đoán bệnh nhân không có bệnh gì cả !GS Đặng Văn Chung

Hysteria, tiếng Việt còn gọi là chứng ictêri hay chứng cuồng loạn là một trạng thái của tâm thức, biểu hiện là sự kích động thái quá, không thể điều khiển được các cảm xúc. Những người bị “hysteria” thường mất tự chủ do một nỗi sợ hãi gây ra bởi nhiều sự kiện trong quá khứ có liên quan đến một số mâu thuẫn nghiêm trọng, bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở những người nhân cách yếu. Trong bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10), Hysteria được gọi là rối loạn phân ly. Tỷ lệ gặp ở 0,3-0,5% dân số, thường gặp ở nữ giới.

Định nghĩa thì dài dòng như thế nhưng nói chung xưa kia người ta gọi bệnh này là “ý bệnh” tức là một thứ bệnh không có thực mà do người bệnh tạo ra trong vô thức. Gọi là vô thức vì người bệnh không chủ ý đóng giả, vì nếu cố ý đóng giả thì ta không gọi là Hysteria mà gọi là Bắt chước (Imitation). Vì là giả nên nó có thể xuất hiện dưới dạng bất cứ bệnh gì, có triệu chứng hao hao giống bệnh thật nhưng nếu xem xét kỹ thì phát hiện là giả.

Bệnh này có khi xuất hiện hàng loạt (mass hysteria) ở các tập thể thường là nữ: nữ sinh nội trú , xí nghiệp, cơ quan. Nam cũng có nhưng ít hơn.

***

Y HỌC là một ngành khoa học rất đặc biệt vì đối tượng của nó là cùng chung với các ngành khoa học xã hội, nhân văn, đó là con người. Nhưng con người là một sinh vật vừa có tính cách một sinh thể với những phản ứng sinh hóa, sinh lý và có cấu trúc một cơ thể nên phải chịu những quy luật khoa học về lý hóa sinh, mặt khác con người là một sinh vật có tính xã hội hóa cao độ nên lại chịu tác động của các quy luật xã hội mà không một sinh vật nào khác có được. Do đó y học mãi mãi là một ngành khoa học bấp bênh vì phải chịu chi phối bởi những quy luật xác xuất của xã hội học.

Do đó không một GS, BS nào nghiêm túc dám khẳng định 100% chẩn đoán của mình trước một ca bệnh khó. Có rất nhiều bệnh xuất hiện dưới một dạng trá hình của một bệnh khác mà cách chữa trị và dự hậu khác xa nhau. Những trường hợp hysteria (ý bệnh) hay imitation (bắt chước) càng làm cho thầy thuốc điên đầu trong cái thế giới rối rắm của y học.

Những người làm nghề y thường không mấy cảm tình với các loại bệnh nhân trên, nhưng cũng nên thông cảm vì những ca hysteria thường là vô thức, người bệnh không cố ý lường gạt ai, họ cũng cần chúng ta chữa trị như bất cứ bệnh nhân nào khác.

Một số ca hysteria biểu diễn rất khéo, như trong trường hợp một cô y tá ở Chợ Quán lên cơn hysteria dạng tetanos vô cùng giống. Cô này từng săn sóc bệnh uốn ván trông thấy nhiều ca chết bi thảm, bị sốc nên sau khi bị đạp đinh cũng lên cơn y hệt. Tuy nhiên nếu khéo theo dõi thì người hysteria không thể nào co giật chính xác giống như bệnh thật , nhất là triệu chứng cứng hàm khó bắt chước nhất, vì họ sẽ mỏi miệng khi cố cắn chặt răng.

Trong Y học có nói đến mỗi ca bệnh thường có một triệu chứng gọi là pathognomonique (đặc trưng bệnh) dùng để phân biệt giữa một ca bệnh thật và một ca bệnh giả. Trong trường hợp uốn ván thì sự co cứng co hàm mặt gây nên một vẻ mặt “cười chua chát” (risus sardonicus) là pathognomonique.

Gương mặt của một bệnh nhân bị uốn ván có cái cười chua chát (risus sardonicus)

Tuy thế dấu hiệu đăc trưng này không phải bệnh nào cũng có, và nếu không có cũng chưa chắc bệnh nhân bị bệnh khác. Bệnh học thì chỉ có một , còn người bệnh thì vô vàn dạng thể “mỗi người một vẻ” không ai giống hẳn ai. Ngành Y có nói rằng “Không có bệnh chỉ có con bệnh” là thế.

Tôi còn nhớ câu nói của GS Đặng Văn Chung: “Chẩn đoán khó nhất là chẩn đoán bn không có bệnh gì cả!”.

Cái khó của thày thuốc là ở những bệnh nhân hysteria, đôi khi họ cũng có bệnh gì đó nhưng mức độ nhẹ và bị họ khuếch đại lên. Thày thuốc không kiên nhẫn, chủ quan, có thành kiến sẽ bỏ qua, không xem xét, khiến bệnh tiềm ẩn đó trở thành nặng lên và có thể thành nguy hiểm. Ngược lại thày thuốc quá nhẹ dạ, tưởng bệnh nhẹ là nặng, sẽ mất thời giờ và công của để điều trị cho một bệnh nhân không có bệnh gì đáng quan tâm trong khi đó lẽ ra nên tập trung cho những bệnh nhân khác.

Những dạng Hysteria

***

Thày thuốc cần có một số kinh nghiệm đối phó với những bệnh nhân hysteria. Thường những bn này không làm khó ta, mà chính người nhà của họ mới gây rắc rối vì tưởng rằng con em của họ đang nguy cấp mà nhân viên y tế lại thờ ơ. Những người hôn mê giả, quan sát cặp mắt là biết ngay. Hôn mê thật thì mắt nhắm rất nhẹ nhàng, tròng đen đứng yên hoặc chuyển động chậm chạp qua lại dưới làn da mi mắt. Hôn mê giả thì mí mắt rung rung (vì cố nhắm), tròng đen lộn lên phía trên mí mắt, vạch ra thấy toàn tròng trắng. Thường thì ta chỉ vạch một con mắt, quan sát con mắt phía bên kia. Nếu người bệnh tỉnh và cố ý, con mắt kia sẽ tố cáo họ: gia tăng cường độ nhắm lên ngay, mí mắt sẽ rung tăng lên.

Ngoài ra còn một số thủ thuật giúp phân biệt hôn mê thật hay giả:

– Dựng đứng hai đầu gối lên, người mê thật thì hai chân lật ngang bất kỳ phía nào.Người mê giả thì duỗi chân thẳng ra, hoặc vẫn đứng thẳng.

– Kéo tay lên cao khỏi mặt giường độ gần thẳng đứng về phía thẳng trên đầu rồi buông ra, sao cho khi tay ngã xuống bàn tay sẽ đập vào mặt. Người hôn mê thật khi bàn tay rớt xuống sẽ đập bàn tay vào mặt (thày thuốc nên khéo che ngay cho bn). Còn người mê giả sẽ cho bàn tay rớt ra mé ngoài xuống giường (vì sợ trúng mặt, đau).

Khi biết là hysteria rồi thì có thể nói nhỏ cho người nhà yên tâm. Chưa chắc họ đã tin ta. Chú ý một điều là không nên khẳng định 100% điều gì vì ta biết khả năng ta vẫn có thể sai, ngoài hysteria người bệnh có thể còn có một bệnh gì đó nữa vì vậy không nên bỏ mặc bn mà không theo dõi.

Có những bn rất ngoan cố, dù bị ta phát giác là giả đò mê, vẫn không nhúc nhích khi ta kề tai nói nhỏ là họ chẳng mê muội chút nào. Những bệnh nhân mê giả này làm cho người nhà nóng ruột thúc giục thày thuốc cứu chữa. Trong những trường hợp này phải dùng những biện pháp hạ sách để họ “tỉnh nhanh chóng”. Tôi còn nhớ một chị BS nội trú sau khi làm đủ mọi cách mà bn – là một cô bé lì lợm – không tỉnh: ngắt, véo, cù..thất bại, chị bèn nói lớn:

– Con nhỏ này chết rồi, mau đem xuống nhà xác!

Lập tức cô ta ngổi bật dậy la làng. Người nhà cự BS vì cho rằng làm như vậy khiến cho bn hoảng sợ. Đúng là hạ sách!

Trong phòng hồi sức của tôi ít khi những bn nhân hysteria không tỉnh khi tôi đến nói thẳng với họ là họ chỉ giả mê. Tuy nhiên có lần có một bn hết sức ngoan cố-cũng là một cô bé khác-không chịu tỉnh dù làm đủ mọi cách. Những bệnh nhân Hysteria rất lì đòn, dù bạn nhéo đau cách nào họ vẫn nằm không nhúc nhích. Vì lúc đó bệnh nhân quá đông không còn chỗ trống, mà toàn là bệnh nặng nên tôi phải giở tuyệt chiêu tối hậu: tiêm mạch một ống Furosemide với cam đoan là bn sẽ tỉnh sau 15 phút. Quả nhiên sau 15 phút cô bé ngồi ngay dậy tỉnh queo chạy…vào toa lét vì không thể…đái trong quần (người tỉnh không bao giờ dám đái trong quần). Người nhà hết sức thán phục ,nhân viên chúng tôi ôm bụng cười lén, mặt ngoài vẫn làm nghiêm, còn cô bé có lẽ nếu biết chắc giận chúng tôi lắm! Đó là những phút vui cười hiếm hoi trong đời người thày thuốc. Dĩ nhiên dùng thuốc này bạn phải đánh giá bn không bị hại gì và không nên dùng một cách thường xuyên, chỉ dùng khi tối hậu thôi.

Thày thuốc thường không có mấy cảm tình với những con bệnh hysteria vì phải chịu đựng những đòi hỏi có khi thái quá của bệnh nhân và thân nhân. Nhưng nói cho cùng người bệnh Hysteria cũng là một dạng bệnh , khác hẳn với chuyện đánh lừa, bắt chước (imitation) có mục đích đánh lừa thày thuốc. Khi họ biểu hiện một dạng bệnh nào đó thì chính vô thức của họ điều khiển và họ hoàn toàn bị dẫn dắt bởi một lực ngoại ý. Vì thế dù ta có mất thời gian và công sức theo dõi một người Hysteria thì vẫn phải kiên nhẫn đối xử với họ như một bệnh nhân bình thường, không nên bỏ rơi hay xem thường, rồi có lúc phải hối hận sau này.

Dạng hysteria kiểu như ma nhập (Possession)

Exorcist (trừ tà ). Hysteria có khi rất khó phân biệt với một dạng gọi là Possesion (bị ma qủy nhập). Do đó Tòa Thánh có những linh mục kiêm BS Tâm Thần (Psychiatry) để phân biệt hai dạng này. Ý niệm ma nhập (Spirit possession) là một ý niệm tôn giáo, cho rằng thân xác con người có thể bị chiếm hữu bởi một thực thể tâm linh nào đó , điều khiển thể xác tuân theo mệnh lệnh của nó.

Hysteria thường gặp ở những trường nữ sinh và thường sẽ bớt nếu được săn sóc bởi các học sinh Nam

***

Một vụ án về Hysteria nhớ đời xảy ra ở Bệnh viện Năm Căn Cà Mau trước đây là bài học cho tất cả thầy thuốc:

Đêm 29/6/2011 phòng cấp cứu nhận một nữ Bệnh nhân 17 tuổi, nhập viện trong tình trạng không tinh táo, quờ quạng, té xe, do một nhóm nam nữ thanh niên chở tới, có vẻ như vừa ở một quán ba nào. Kíp trực nhìn thấy nhóm này cho rằng cô gái bị say rượu, và vì thương tích không có gì nguy hiểm nên cứ để đó “chờ tỉnh rượu rồi về”. Người nhà đến, thấy con đi dần vào hôn mê nên xin chuyển viện thì không được đồng ý. Thế rồi bệnh nhân chết với chẩn đoán muộn là chấn thương sọ não. Người nhà phẫn nộ, đem xác bệnh nhân tuần hành khắp tỉnh, đến Ủy ban, Công an rồi bao vây Bệnh viện. Nhiều kẻ quá khích đã tấn công nhà BS trực, BS Giám đốc BV rồi cướp bóc, phá hoại. Hỗn loạn lan tràn khắp nơi. Những người liên hệ trong kíp trực đều bị kỷ luật, tình hình mới lắng xuống.

Đây là một bài học đau xót cho những người trong ngành y. Người thày thuốc trong trường hợp này có 3 lỗi lớn nhất:

1. Đánh giá sai con người, cho rằng bệnh nhân là một thiếu nữ hư hỏng, giao du với những thành phần xấu nên không đáng cứu giúp. Trong cuộc đời không hiếm khi ta đánh giá sai lầm con người qua những biểu hiện bên ngoài. Có những kẻ lập dị bề ngoài trông gớm ghiếc, có vẻ bất cần đời, có vẻ sẵn sàng gây nguy hại cho kẻ khác nhưng lại là người có tâm địa thành thật. Những kẻ nguy hiểm nhất, chính là những kẻ có bề ngoài có vẻ dễ thương, hiền từ, đạo mạo nhất. Thầy thuốc chân chính không bao giờ phân loại bệnh nhân theo tiêu chí xấu tốt của xã hội, chúng ta chỉ biết có hai loại bệnh nhân, loại nặng và không nặng thôi.

2. Thiếu sót nghề nghiệp Mọi bệnh nhân chúng ta đều phải khám theo đúng trình tự của quy trình, dù ghét hay ưa, dù cho đối tượng đó có là cùi hủi, AIDS, hay một kẻ xấu xa, gớm ghiếc nhất trần đời đi nữa. Khi khám bệnh , không phải là cá nhân này khám cho cá nhân kia mà là một thày thuốc khám cho một bệnh nhân, bất kể thành kiến hay tư thù từ trước.

3. Thiếu lòng nhân của con người Là con người với con người, chúng ta lẽ nào làm ngơ trước lời kêu cứu, van xin của kẻ khác chỉ vì sợ mất giấc ngủ. Phòng trực thực ra chỉ là để nhân viên ghé lưng đôi chút khi quá mệt mỏi sau những giây phút căng thẳng, không phải để say sưa ngủ. Dù sao đã làm nghề Y thì phải có tâm, chính cái tâm đó giúp chúng ta nhiều khi mệt mỏi, bệnh tật (chúng ta cũng là người) người thày thuốc cũng cố gắng không bỏ sót một chi tiết nhỏ, cái đó có khi giúp người bệnh và chính mình cứu được một mạng người. Rồi cuối cùng những người thày thuốc trong cuộc đã phải trả giá thật đắt cho những thiếu sót của mình: mất mát tài sản, mất mát tiếng tăm, mất mát niềm tin…

Một lần nữa các bạn thấy: nghề Y không phải là một cuộc dạo chơi giữa sinh tử và tiền bạc. Nó thật sự là một cuộc đi dây tử thần mà người đi dây phải đem sinh mạng, uy tín, tài sản ra đánh đố với may rủi và trách nhiệm… Hãy cố gắng hết mình với người bệnh đi các thầy thuốc, may ra nếu có sự cố gì thì ít nhất lương tâm của mình thanh thản dù là cuộc đời có phán xét mình sai lệch đi nữa…

Bạn hãy yêu thương người bệnh như chính thân nhân của mình, hãy xem mình cũng chính như họ, đừng đứng ngoài với thái độ bàng quan, không chút cảm thông những đau khổ của bệnh nhân thì bạn sẽ không bao giờ gặp nguy cơ trở thành kẻ thù của những con người đang đau khổ kia…

Một ngày nào đó nếu bạn cảm thấy không còn chịu đựng nỗi nữa thì hãy cởi bỏ chiếc áo trắng kia đi, đừng khoác nó nếu tâm bạn đã nhuốm đen, không còn xứng đáng với màu trắng tinh khiết. Nếu còn chần chừ chẳng sớm thì muộn bạn sẽ nhận lãnh những hậu quả thê thảm…

BS Dung Le Ngoc

Xem thêm:
  • Viết cho các bạn đang còn làm trong bệnh viện công!
  • Lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa
  • Gửi các Bác sĩ “Cận lâm sàng” – chia sẻ từ Bác sĩ Phan Trúc
  • Hồ sơ xin việc Bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện công
  • Hồ sơ tuyển dụng bao gồm những gì?
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube

Từ khóa » Chứng Ictêri